[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Với mô hình trang trại tuần hoàn khép kín gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường, anh Nguyễn Quyết Thắng (SN 1982), chủ trang trại Anthang Farm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch, an toàn và chất lượng.
Nông dân hạnh phúc
Giữa cánh đồng xanh mướt ở thôn Đồng Bình, xã Dân Chủ (Tứ Kỳ), trang trại An Thắng Farm nổi bật bởi những mái tôn đỏ, được xây dựng khá quy củ, ngăn nắp. Mặc dù bận rộn nhưng anh Thắng vẫn thu xếp thời gian để đưa chúng tôi đi tham quan một vòng. Anthang Farm khác hẳn với những trang trại tổng hợp khác bởi mục tiêu mà trang trại hướng tới không chỉ là lợi nhuận kinh tế mà còn đem đến giá trị về sức khỏe và môi trường. Đó là nguồn thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng cung cấp cho người tiêu dùng và sản xuất không gây ô nhiễm môi trường.
Thức ăn nuôi gà được tận dụng từ nguồn phụ phẩm công nghiệp như bã bia, đậu nành… từ các nhà máy sau đó trộn với men vi sinh và ủ trong vòng 24 giờ
Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, anh Thắng và vợ đều là luật sư. Anh đã từng làm việc tại Hà Nội. Có công việc ổn định, nhà cửa đầy đủ ở thủ đô nhưng anh lại từ bỏ tất cả để về quê làm nông nghiệp. Sinh ra ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh), lập nghiệp tại Hà Nội nhưng anh lại chọn quê vợ ở xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) để đeo đuổi đam mê của mình. “Sao lại chọn làm nông dân?” là câu hỏi anh Thắng hay nhận được từ gia đình, người thân, bạn bè và cả những người đã từng có dịp ghé thăm trang trại.
Không giấu giếm, anh Thắng trải lòng: “Bỏ nghề luật sư để làm nông dân là bước ngoặt lớn của cuộc đời tôi. Những ký ức về tuổi thơ đầy khó khăn với nhiều buổi đi mót khoai, mót lạc ở cánh đồng không bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi. Chính điều đó đã nhóm lên trong tôi khao khát muốn thực hiện điều gì đó để thay đổi cách làm đã cũ, không còn phù hợp với xu hướng hiện nay. Thời gian sinh sống và làm việc tại Australia cho tôi nhiều trải nghiệm về nghề nông. Ở đất nước này, làm nông dân rất thú vị. Họ luôn hạnh phúc khi được làm việc trên các cánh đồng, tự hào tạo ra các nông sản thực phẩm cho những bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình. Tôi nhận thấy nếu làm nông nghiệp đúng cách thì có thể mang lại thu nhập tốt, chứ không bấp bênh như nông dân mình hiện nay”.
Thời điểm đó, dù rất tâm đắc với những điều mình đã nhận ra ở nước ngoài nhưng làm nông nghiệp vẫn chỉ là ước mơ đối với anh. Mọi chuyện thay đổi từ khi vợ chồng anh có con. Lúc bấy giờ, thực phẩm sạch trở thành một nhu cầu thiết yếu. Anh nhận ra rằng không chỉ gia đình anh luôn “thèm khát” thực phẩm sạch mà còn rất nhiều gia đình khác cùng rơi vào tình cảnh tương tự.
Lúc đó, niềm đam mê làm nông nghiệp đã thôi thúc anh xây dựng trang trại của riêng mình. Trong thời gian này, xã Dân Chủ cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh Hải Dương thực hiện dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để tích tụ ruộng đất, anh đem tất cả những suy nghĩ, ý tưởng táo bạo đó chia sẻ với vợ và được chị ủng hộ nhiệt tình. “Cho đến giờ tôi thấy chọn làm nông dân là quyết định đúng đắn. Tôi hạnh phúc khi được làm nông dân”, anh Thắng cười nói.
Đàn bò BBB được kỳ vọng là tạo ra chất lượng sản phẩm thịt ngang bằng với các loại bò nhập khẩu
Sản xuất sạch
Cuối năm 2015, anh Thắng dồn toàn bộ số tiền tích cóp được cùng với vay mượn của anh em, bạn bè mua hơn 3,5 ha ruộng ở thôn Đồng Bình, xã Dân Chủ. Những ngày đầu khó khăn chồng chất, khu đồng anh chọn ngày ấy chỉ là những ao thùng, ruộng trũng ngập nước, nông dân cấy lúa không hiệu quả, nhiều diện tích đã bỏ hoang nhiều năm. Khi biết anh có ý định mua ruộng lập trang trại, chính quyền và nhân dân địa phương đã hết lòng ủng hộ. Từ những thùng trũng ban đầu, anh thuê máy móc, nhân công để đào ao thả cá, xây trang trại theo mơ ước của mình.
Để có được cơ ngơi khang trang như hôm nay, anh Thắng đã phải trải qua bao gian nan, vất vả. Cũng như những người “ngoại đạo” khác, khi dấn thân làm nông nghiệp, anh phải trả giá đắt bằng những thất bại. Phát triển chăn nuôi dàn trải, thiếu cân đối đã làm cho đàn vật nuôi nhiễm bệnh. Đàn bò nuôi để sinh sản ra con bò lai F1BBB (bò mẹ là bò lai sin, bố là con bò siêu thịt của Bỉ) nhưng lại khó tìm được người chuyên làm kỹ thuật thụ tinh nhân tạo; Nuôi giun phát triển tốt nhưng lại thiếu nguồn phân… Những thất bại đó đã không làm anh Thắng nản lòng mà càng giúp anh có thêm quyết tâm, kinh nghiệm thực hiện tiếp. Anh vẫn âm thầm vừa học vừa tìm cách làm ăn hiệu quả.
Sau đợt ấy, anh đã lên ý tưởng xây dựng một trang trại kiểu mới, không giống bất kỳ một mô hình trang trại nào trước đó. Anh lên Học viện Nông nghiệp Việt Nam để tìm hiểu sâu hơn các kiến thức về trang trại, cùng với những kiến thức góp nhặt được từ trước, anh quyết định đầu tư theo hướng mới. Sau khi nắm vững các kiến thức, anh xây dựng trang trại tuần hoàn khép kín với quy mô hiện đại. Trang trại có nhiều loại vật nuôi như bò, gà, giun quế, cá… Riêng giun quế được coi là mắt xích quan trọng trong xử lý vấn đề môi trường của trang trại.
Hiện trang trại đang nuôi 13 con bò sinh sản được thụ tinh nhân tạo giống bò siêu thịt, đây là giống bò F1BBB có khả năng sinh trưởng tốt, việc nuôi giống bò này đã được chứng minh mang hiệu quả kinh tế tốt hơn các giống bò bản địa tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hưng Yên…. Ngoài 3,5 ha đất của trang trại, anh còn thuê thêm 2 ha của người dân khu vực xung quanh để trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho bò. Đàn bê con dự kiến được nuôi lớn, bê cái để trở thành bò sinh sản, những con bê đực sẽ được nuôi thành bò thịt cung cấp thực phẩm cho người dân. Phân bò là nguồn thức ăn chính cho giun quế. Đây là loại thức ăn ưa thích của loài sinh vật này. Giun quế lại chính là thức ăn giàu chất đạm để bổ sung cho đàn gà. “Giun quế là loại thức ăn có độ đạm cao, giàu các axit amin có lợi cho vật nuôi, giúp vật nuôi tăng cường sức đề kháng để chống chọi lại bệnh tật, tăng năng xuất, giảm chi phí thức ăn. Phân giun có hệ vi sinh vật tự nhiên có lợi rất đa dạng, bên cạnh đó một số nghiên cứu đã chứng minh trong phân giun còn có một số chất kháng sinh tự nhiên, phân giun được dùng để xử lý môi trường chuồng gà và đáy ao nuôi cá rất hiệu quả. Hiện diện tích nuôi giun quế của trang trại đã lên đến 200 m2“, anh Thắng cho biết.
Giun quế là mắt xích quan trọng đóng vai trò xử lý môi trường trong trang trại
Gà là sản phẩm chủ lực của Anthang Farm tại thời điểm này. Cách nuôi gà ở đây cũng khác lạ. Nguyên liệu chính để làm thức ăn cho gà là những phụ phẩm công nghiệp như bã bia, bã đậu nành,… từ những nhà máy sản xuất bia, sữa. Cùng với ngô nghiền, đầu và xương cá, cám mạch, khô đậu tương… tất cả được nghiền nhỏ rồi trộn men vi sinh và ủ tối thiểu 24 giờ. Thức ăn dạng này cung cấp cho gà nguồn protein chất lượng cao, tương tự như gà thả vườn đi bắt sâu bọ, giun dế. Bên cạnh đó, việc tự phối trộn thức ăn còn giúp trang trại giảm chi phí thức ăn trong chăn nuôi, kiểm soát được chất lượng thức ăn, đặc biệt kiểm soát được việc sử dụng kháng sinh, hocmôn tăng trưởng… Thời gian nuôi gà kéo dài từ 5 – 6 tháng cùng với nguồn thức ăn lên men vi sinh giúp chất lượng thịt gà thơm ngon, không bở như gà được nuôi công nghiệp, sản phẩm không tồn dư kháng sinh và tuyệt đối không sử dụng hocmôn tăng trưởng . Sắp tới, thức ăn ủ men vi sinh sẽ được sử dụng cho tất cả các loại vật nuôi trong trang trại.
Hiện tại trang trại đang thực hiện sơ chế (giết mổ, đóng gói hút túi chân không, bảo quản lạnh) đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phân phối trực tiếp tới tay người tiêu dùng. Việc xây dựng hệ thống phân phối trực tiếp tới tay người tiêu dùng giúp trang trại có đầu ra ổn định ở mức giá hợp lý, không phụ thuộc vào thương lái. Hiện anh Thắng đã xây dựng được một cửa hàng phân phối gà tại TP Hải Dương và bán hàng theo hình thức online ở Hà Nội. Trong tương lai, anh dự kiến sẽ xây dựng một chuỗi cửa hàng thực phẩm của mình, chuyên cung cấp thực phẩm sạch gồm bò, gà, cá… của Anthang Farm ở Hà Nội và một số tỉnh khác.
Trang trại đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng. Khi được hỏi về kế hoạch trong tương lai, anh không ngần ngại chia sẻ. “Tôi nuôi tham vọng xây dựng các trang trại vệ tinh sản xuất theo quy trình kỹ thuật như của Anthang Famr, với mong muốn tiết giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Từng bước hướng tới sản xuất các sản phẩm hữu cơ. Chúng tôi sẽ bao tiêu những sản phẩm chất lượng với mức giá hợp lý để nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân và cung cấp nguồn thực phẩm sạch đến tay người dùng”, anh Thắng nói.
Nguyên Khang
- nông nghiệp sạch li> ul>
- Hình ảnh siêu quang phổ có thể phát hiện độc tố nấm mốc trong thức ăn gia cầm
- CP Foods thu gần 68.000 tỷ đồng tại Việt Nam
- Lào Cai: Đánh giá hiệu quả mô hình nuôi dúi thương phẩm tại xã Liên Minh (thị xã Sa Pa)
- Tập trung phòng bệnh dịch tả châu Phi trên đàn lợn
- Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái
- Sản lượng lợn của Anh tháng 10/2024 tăng
- Nông dân sản xuất giỏi từ mô hình chăn nuôi dê
- Giới khoa học lo ngại ca H5N1 có dấu hiệu thích nghi với người
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- 529 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn đối với bệnh Dịch tả heo Châu Phi
Tin mới nhất
T2,25/11/2024
- Hình ảnh siêu quang phổ có thể phát hiện độc tố nấm mốc trong thức ăn gia cầm
- CP Foods thu gần 68.000 tỷ đồng tại Việt Nam
- Lào Cai: Đánh giá hiệu quả mô hình nuôi dúi thương phẩm tại xã Liên Minh (thị xã Sa Pa)
- Tập trung phòng bệnh dịch tả châu Phi trên đàn lợn
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng gia súc, gia cầm
- Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái
- Sản lượng lợn của Anh tháng 10/2024 tăng
- Nông dân sản xuất giỏi từ mô hình chăn nuôi dê
- Giới khoa học lo ngại ca H5N1 có dấu hiệu thích nghi với người
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất