[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Vừa qua, ngày 19/3/2021, Hiệp hội Kinh doanh và Sản xuất Thuốc thú y Việt Nam tổ chức Hội thảo “Quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi: Bất cập và kiến nghị”.
Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Kim Anh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ NN&PTNT; đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương; Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Cục Thú y; Cục chăn nuôi, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam-VCCI; Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN; Hiệp hội gia cầm Việt Nam và đại diện của hơn 30 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.
Toàn cảnh hội thảo “Quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi: Bất cập và kiến nghị” – do Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc Thú y Việt Nam tổ chức ( Ảnh: Hà Ngân)
Nhiều bất hợp lí và chuyện “trứng chiên hành”
Theo Khoản 2, Điều 3, Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN thì Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Hiện nay, có nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến đăng ký lưu hành sản phẩm thức ăn chăn nuôi và hợp quy sản phẩm thức ăn chăn nuôi, cụ thể như sau: Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14; Thông tư 28/2012/TT-BKHCN; Thông tư 02/2017/TT-BKHCN; Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; Thông tư 04/2020/TT-BNNPTNT… Tuy nhiên, giữa các văn bản này đang tồn tại không ít chồng chéo và bất hợp lý gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Bạch Quốc Thắng – Trưởng ban kiểm soát của Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc Thú y Việt Nam (Ảnh: Hà Ngân)
Tại hội thảo, ông Bạch Quốc Thắng – Trưởng ban kiểm soát của Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc Thú y Việt Nam cho rằng, có nhiều bất cập trong hợp quy thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước. Cụ thể như sau:
– Về thủ tục: Doanh nghiệp cần nộp hồ sơ đăng ký lưu hành tại Cục chăn nuôi, vừa phải nộp hồ sơ hợp quy tại Tổ Chức chứng nhận được chỉ định của Bộ NN&PTNT, đồng thời tiếp tục phải nộp hồ sơ xin Thông báo tiếp nhận hợp quy tại Chi cục chăn nuôi và Thú y.
– Về việc lấy mẫu kiểm nghiệm: Doanh nghiệp phải chuẩn bị 2 lần mẫu, gồm mẫu dùng cho kiểm nghiệm để đăng ký lưu hành mới (gửi phòng thí nghiệm được chỉ định) và mẫu hợp quy tổ chức chứng nhận đến đánh giá quá trình sản xuất, lấy mẫu.
– Về thời gian áp dụng: Với sản phẩm đã đăng ký lưu hành, tháng 07/2021 phải hoàn thiện hợp quy là không phù hợp, vì các sản phẩm đã được sản xuất trước tháng 7/2020 và có hạn sử dụng 2 năm, thì đến tháng 7/2021 vẫn còn tồn trên thị trường chưa có dấu hợp quy.
– Về nhãn hàng hóa: Dán dấu hợp quy lên sản phẩm sẽ gây mất thời gian, chi phí của doanh nghiệp. Với những sản phẩm có kích thước nhãn nhỏ thì rất khó để dán/in dấu hợp quy.
Ông Bạch Quốc Thắng cũng chỉ ra việc hợp quy thức ăn chăn nuôi nhập khẩu cũng có những điểm chưa phù hợp, cụ thể:
– Tất cả các lô hàng nhập khẩu đã được kiểm tra chất lượng cho từng lô hàng trước thông quan theo quy định nhưng vẫn phải hợp quy, gây mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
-Với lô hàng được miễn kiểm: Vẫn phải hợp quy với lô hàng được miễn kiểm là bất hợp lý.
– Dán dấu hợp quy lên sản phẩm: Vì việc hợp quy là cho từng lô hàng nên sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu, không thể in hoặc dán sẵn dấu hợp quy trước khi xuất khẩu sẽ gây mất thời gian và công sức cho các doanh nghiệp nhập khẩu.
Để giúp cho mọi người có thể hình dung về câu chuyện đăng ký hợp quy thức ăn chăn nuôi, ông Bạch Quốc Thắng ví von chuyện trứng chiên hành của gia đình ông.
“Nhà tôi làm món trứng chiên hành. Con tôi mua trứng về rồi, xong lại đi xe ôm ra chợ mua hành về (ra chợ hai lần). Mẹ nó chiên trứng, xong mới chiên hành lên, rồi mới đổ vào nhau. Tôi hỏi vợ tôi tại sao làm như vậy thì vợ nói là mẹ anh bảo. Tôi hỏi mẹ, thì mẹ nói bà nội tôi bảo vậy. Tôi sang hỏi bà thì bà nói: Hàng xóm nhà mình có bà bán ga và bác xe ôm. Nếu không làm thế thì bác xe ôm và bác bán ga sao có tiền. Tôi liền bảo bà: “Bà bán ga và bác xe ôm thì có tiền, nhưng nhà con hôm nào cũng ăn cơm muộn và còn mất thêm công sức, thời gian, tiền của”. Bà bảo ô thế à, thôi từ nay không làm như vậy nữa. Mẹ tôi nói là Thông tư. Bà tôi nói là Nghị định. Tức là khi nào Nghị định chưa thông thì Thông tư cũng khó có thể thoáng được.
Ông Bạch Quốc Thắng bộc bạch: “Việc tách chỉ tiêu từ đăng ký sản phẩm để làm hợp quy sẽ khiến doanh nghiệp phải làm hồ sơ kiểm nghiệm đăng ký riêng và hồ sơ kiểm nghiệm hợp quy riêng. Hai bên đó cộng lại quá nhiều thời gian, công sức. Làm doanh nghiệp nhiều năm, tôi thấy sao tim nhói đau, sao phải khổ thế?! Chỉ có ai làm doanh nghiệp mới hiểu hết nỗi lòng này…”
Hợp quy thức ăn chăn nuôi: Doanh nghiệp thua thiệt đủ đường…
Bà Nguyễn Thị Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc Thú y Việt Nam ( Ảnh: Hà Ngân)
Đồng tình với ông Bạch Quốc Thắng, bà Nguyễn Thị Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam cho rằng, đa phần các doanh nghiệp thực hiện rất nghiêm túc các quy định của Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Tổng Cục Thủy sản để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bởi chất lượng tạo nên thương hiệu. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp mà không có chất lượng thì không thể tồn tại được. Vì vậy, việc thêm thủ tục hợp quy chỉ làm tốn thời gian, công sức của doanh nghiệp mà không làm cho chất lượng sản phẩm tăng lên.
Còn ông Trần Văn Thiên – Công ty Pharmavet là người theo làm hồ sơ đăng ký thuốc và thức ăn chăn nuôi trong nhiều năm đưa ý kiến: “Yêu cầu in dấu hợp quy vào sản phẩm không mang lại ý nghĩa cho người tiêu dùng. Về bản chất, cơ quan chức năng và người tiêu dùng chỉ cần biết sản phẩm đó có trong danh sách được lưu hành trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT. Chất lượng sản phẩm không phụ thuộc vào cái tem nhãn đó. Hợp quy là cố gắng của Cục Chăn nuôi để lấy cơ sở pháp lý quản lý thức ăn chăn nuôi; nhưng xin đừng lặp lại như trường hợp ở Cục Thú y, ban hành văn bản rồi nhưng đã phải lùi thời gian thực hiện. “Thực hiện hợp quy quá phiền hà cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, áp lực cho xã hội. Tôi kiến nghị bãi bỏ Hợp quy thức ăn chăn nuôi”, ông Thiên thẳng thắn bày tỏ.
Một đại diện của Công ty Amavet – doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm thức ăn chăn nuôi khẳng định: “Tôi đã làm việc nhiều với Hải quan. Họ bảo không hiểu Nông nghiệp làm thế nào mà mất nhiều thời gian thế, còn Y tế họ làm nhanh. Doanh nghiệp của lĩnh vực Nông nghiệp suốt ngày nợ hồ sơ nhập khẩu.
Năm 2020, Amavet có 2 lô hàng phải trả về vì vướng hợp quy. Nhà sản xuất của chúng tôi không hiểu tại sao Việt Nam có hợp quy để làm gì? Trong khi đó, họ có đầy đủ giấy tờ chứng nhận, tiêu chuẩn quốc tế như GMP, HACCP, FAMI-QS hoặc ISO và CFS. Hàng hóa về muộn, hỏi nhân viên thì bảo phải làm hợp quy thì mới lâu như vậy. Nên chăng, khi khâu sản xuất đã có những điều kiện tiêu chuẩn quốc tế thì Nhà nước nên đi vào hậu kiểm?”
Bà Lâm Thúy Ái – Phó Giám đốc Công ty TM-SX Mebipha (Tây Ninh) (Ảnh: Mebipha)
Còn bà Lâm Thúy Ái – Phó Giám đốc Công ty TM-SX Mebipha (Tây Ninh) cho rằng, giữa quy trình đăng ký lưu hành sản phẩm thức ăn chăn nuôi và quy trình hợp quy thức ăn chăn nuôi tồn tại nhiều vấn đề như: Chồng chéo về đánh giá quá trình sản xuất khiến phát sinh thêm chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm sản phẩm; gây khó khăn và tốn kém chi phí cho doanh nghiệp khi phải dán hoặc in dấu hợp quy lên nhãn sản phẩm; việc in dấu hợp quy theo quy định khiến doanh nghiệp phải hủy bỏ tất cả bao bì, nhãn mác, trong khi tất cả các bao bì được in số đăng ký riêng cho từng sản phẩm, nhằm đàm bảo chắc chắn doanh nghiệp đã tuân thủ quy trình đăng ký và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Bà Ái cũng thẳng thắn: “Chúng tôi chấp nhận hết các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của cơ quan chức năng để doanh nghiệp làm tốt hơn, đem lại sản phẩm cho nhà chăn nuôi và chính sản phẩm chăn nuôi đó làm sức khỏe của xã hội tốt hơn. Nhưng có những văn bản khiến cho doanh nghiệp tốn kém chi phí không đáng có, thì mong các cơ quan chức năng tháo gỡ và bãi bỏ”.
Còn đại diện của công ty Marphavet đưa ra ý kiến: Hiện nay có nhiều đơn vị được chỉ định làm hợp quy nhưng năng lực và độ trung thực cần phải xem xét. Đề nghị các cơ quan chức năng tham mưu kỹ, để ra đời một chính sách nào đó, thì cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, chứ không phải tạo điều kiện cho một bộ phận nào đó trục lợi.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh – Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ NN&PTNT (Ảnh: Hà Ngân)
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Anh – Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ NN&PTNT cho rằng, các ý kiến đã có những phân tích về một số điểm chưa phù hợp nhưng trong quá trình thực hiện, cần hay không cần hay khó phần nào phải có thời gian nghiên cứu xác định, vướng chỗ nào thì chúng tôi sẽ tham mưu cho Bộ tìm cách tháo gỡ. Theo quy định hiện hành, đương nhiên các doanh nghiệp phải gửi hồ sơ cho Sở NN&PTNT phải làm thì mới có bước 2, bước 3…nhưng hiện nay một số Sở Nông nghiệp và Chi Cục Chăn nuôi Thú y chưa nắm rõ cách thức thực hiện tiếp nhận hồ sơ hợp quy. Chúng tôi đã chấn chỉnh các Sở NN&PTNT nói riêng và cơ quan khác cần thực hiện theo quy định pháp luật.
“Với trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi cố gắng làm sao thực hiện đúng theo quy định của pháp luật nhất. Thay vì kết luận bãi bỏ hay không thì chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu. Chỗ nào vướng ở tổ chức thực thi pháp luật, nếu trong thẩm quyền của Bộ thì Bộ sẽ nghiên cứu sửa đổi, còn văn bản ở cấp Nghị định đến Luật thì chúng tôi đề xuất các cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Trong nguyên tắc pháp chế, khi các quy định pháp luật đang yêu cầu như vậy thì đề nghị các doanh nghiệp trước mắt vẫn phải tổ chức thực hiện. Sau Hội thảo, đề nghị Hiệp hội tập hợp lại các ý kiến để gửi cho Bộ và Bộ sẽ tổ chức nghiên cứu”, bà Nguyễn Thị Kim Anh khẳng định.
HÀ NGÂN
Đề nghị bãi bỏ thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi và thức ăn bổ sung!
Ông Hoàng Triều – Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc Thú y Việt Nam (ảnh) khẳng định, hiện đã có nhiều quy định đảm bảo chất lượng thức ăn chăn nuôi. Khi đăng ký lưu hành, sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã được kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm được chỉ định của Bộ NN&PTNT. Tất cả thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước đều được sản xuất tại nhà máy đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi do Cục Chăn nuôi cấp và đánh giá giám sát định kỳ.
Đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu phải có GMP hoặc HACCP hoặc FAMI-QS hoặc ISO; khi nhập về phải kiểm tra chất lượng thông quan. Ngoài ra, sản phẩm bảo quản trong kho cũng như lưu hành trên thị trường thì các cơ quan chuyên ngành như: Chi cục chăn nuôi và Thú y địa phương; Sở NN&PTNT, Chi cục quản lý thị trường, thanh tra liên ngành… thường xuyên thực hiện kiểm soát chất lượng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi hiện vẫn phải làm thêm thủ tục công bố hợp quy sau khi đã làm đầy đủ các thủ tục cần thiết trên là không cần thiết.
Thiệt hại từ công bố hợp quy đối với người chăn nuôi là họ phải chịu áp lực từ việc tăng giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi, trước bối cảnh bệnh dịch hoành hành, ngành chăn nuôi đang khó khăn. Còn với cơ quan nhà nước cũng gây phức tạp trong quá trình quản lý. Trên thế giới không có hợp quy. Còn đối với công bố hợp quy an toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã bãi bỏ. Vì vậy, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y đề nghị các Bộ, cơ quan ban ngành nghiên cứu, xem xét bãi bỏ thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi và thức ăn bổ sung, giảm thiểu thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo cải cách của Chính phủ.
- Hình ảnh siêu quang phổ có thể phát hiện độc tố nấm mốc trong thức ăn gia cầm
- CP Foods thu gần 68.000 tỷ đồng tại Việt Nam
- Lào Cai: Đánh giá hiệu quả mô hình nuôi dúi thương phẩm tại xã Liên Minh (thị xã Sa Pa)
- Tập trung phòng bệnh dịch tả châu Phi trên đàn lợn
- Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái
- Sản lượng lợn của Anh tháng 10/2024 tăng
- Nông dân sản xuất giỏi từ mô hình chăn nuôi dê
- Giới khoa học lo ngại ca H5N1 có dấu hiệu thích nghi với người
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- 529 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn đối với bệnh Dịch tả heo Châu Phi
Tin mới nhất
T2,25/11/2024
- Hình ảnh siêu quang phổ có thể phát hiện độc tố nấm mốc trong thức ăn gia cầm
- CP Foods thu gần 68.000 tỷ đồng tại Việt Nam
- Lào Cai: Đánh giá hiệu quả mô hình nuôi dúi thương phẩm tại xã Liên Minh (thị xã Sa Pa)
- Tập trung phòng bệnh dịch tả châu Phi trên đàn lợn
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng gia súc, gia cầm
- Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái
- Sản lượng lợn của Anh tháng 10/2024 tăng
- Nông dân sản xuất giỏi từ mô hình chăn nuôi dê
- Giới khoa học lo ngại ca H5N1 có dấu hiệu thích nghi với người
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất