Cấp bách tìm đầu ra cho đàn gà các tỉnh Đông Nam bộ - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 56.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi  Vĩnh Phúc 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 55.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 55.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lâm Đồng, Bình Thuận 58.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 57.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 56.000 - 59.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Bến Tre 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Kiên Giang 59.000 đ/kg
    •  
  • Cấp bách tìm đầu ra cho đàn gà các tỉnh Đông Nam bộ

    Việc đứt gãy chuỗi cung ứng – giết mổ – tiêu thụ đang khiến hàng loạt trang trại gà tại các tỉnh Đông Nam Bộ rơi vào bế tắc, nếu không có giải pháp tháo gỡ sẽ gây ra thiệt hại và kéo theo nhiều hệ lụy về sau.

     

    Hàng triệu con gà “chết mòn”

     

    Hơn một tuần nay, mỗi buổi sáng của ông Lê Phương Hải, chủ một trang trại gà trắng tại huyện Long Thành, Đồng Nai đều bắt đầu bằng những tin nhắn báo số lượng và hình ảnh gà chết mà nhân viên các trại gửi về: Trại 1 chết 37 con, trại 4 chết 57 con…

     

    “Mỗi ngày nhân viên phải nhặt gà chết mấy lần, mỗi lần lên đến hàng trăm con. Lò thiêu gà nhóm lửa từ sáng đến chiều vẫn còn đỏ than. Cả trại hơn 170.000 con gà, mỗi con khoảng 3 kg nhưng không có một manh mối nào cho đầu ra, vẫn đang chết dần, chết mòn từng ngày.”, ông Nguyễn Phương Hải thở dài khi nói về tình hình trại gà.

     

    Theo ông Hải, mặc dù trang trại của ông nuôi gà theo quy trình khép kín, đạt tiêu chuẩn cung ứng cho các chuỗi thức ăn nhanh lớn như KFC, McDonald và xuất khẩu đi Nhật Bản nhưng do dịch COVID-19, các chuỗi này đều ngừng hoạt động nên không có nơi tiêu thụ.

     

    Thêm vào đó, việc các cơ sở giết mổ công suất lớn như An Nhơn (TP Hồ Chí Minh), Phạm Tôn (Bình Dương) và hàng loạt lò giết mổ tại Đồng Nai, Long An phải đóng cửa do có ca mắc COVID-19 hoặc thiếu nhân công cũng khiến chuỗi cung ứng gà cho các siêu thị và chợ truyền thống bị đứt đoạn.

     

    Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, trước dịch COVID-19, tỉnh có 10 cơ sở giết mổ gia cầm với công suất giết mổ lên tới 160.000 con/ngày. Hiện chỉ còn vài cơ sở giết mổ gia cầm hoạt động cầm chừng, công suất giết mổ giảm gần 90% so với trước dịch do thiếu hụt nhân công trầm trọng và không đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”.

     

    “Trước đây, các lò mổ gia cầm Long An không chỉ đảm nhận việc thu mua, giết mổ đàn gia cầm trên địa bàn mà còn là địa điểm trung chuyển, giết mổ gia cầm của các tỉnh lân cận để cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Song hiện nay, ngay cả đàn gia cầm của Long An cũng đang bị tồn đọng với 2 triệu con gà lông màu, 200.000 con gà ri chưa biết phải giết mổ và tiêu thụ ở đâu”, bà Khanh chia sẻ.

     

    Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, giá gà trắng trên địa bàn đã giảm xuống còn khoảng 7.000 đồng/kg. Một con gà khoảng 3kg, giá bán chỉ khoảng 20.000 đồng, rẻ hơn cả giá 1kg rau. Trong khi đó, chi phí để nuôi gà lên tới 27.000-28.000 đồng/kg, như vậy, mỗi kg gà bán ra ở thời điểm này người nuôi chịu lỗ khoảng 20.000 đồng.

     

    Thế nhưng, dù đã chịu giá thấp “thủng đáy”, các trại chăn nuôi gà ở Tây Ninh vẫn không thể bán được gà vì không có nơi tiêu thụ. Trên địa bàn tỉnh đang có khoảng 1 triệu con gà trắng bị ế đọng.

     

    Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, số lượng đàn gà trắng đang ứ đọng tại khu vực phía Nam đã lên tới 7-8 triệu con, tập trung nhiều ở các tỉnh Đông Nam bộ. Giá gà trắng ở hầu hết các tỉnh đều giảm tới mức kỷ lục, chỉ còn 6.000-8.000 đồng/kg.

     

    Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà (đơn vị chiếm thị phần lớn về thịt gà tại TP Hồ Chí Minh) cho biết, năm nay do giá thức ăn tăng cao, nên giá thành gà trắng nuôi trong chuỗi liên kết của San Hà lên tới 25.000-26.000 đồng/kg.

     

    Khi dịch bệnh bùng phát, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực phải giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ gà trắng giảm tới một nửa bởi hàng loạt bếp ăn công nghiệp đóng cửa, các chợ đầu mối dừng hoạt động. Cộng với những khó khăn trong khâu lưu thông, giá gà trắng trên thị trường đã giảm mạnh xuống còn 8.000 đồng/kg.

     

    Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, để giữ hợp đồng với các trang trại liên kết, San Hà vẫn thu mua gà với giá khoảng 40.000 đồng/con; cộng với các chi phí giết mổ, vận chuyển, giá thành một con gà thành phẩm là 60.000 đồng/con. Nhưng do giá gà hơi trên thị trường giảm mạnh, để tiêu thụ được, San Hà phải bán ra với giá khoảng 40.000 đồng/con.

     

    “Hiện nay, trung bình mỗi ngày San Hà đưa ra thị trường khoảng 50.000 con gà, cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chịu lỗ khoảng 1 tỷ đồng/ngày. Nếu không tháo gỡ nay tình thế này thì chẳng bao lâu doanh nghiệp sẽ phá sản còn người nuôi gà cũng mất trắng cả vốn và không còn năng lực để tái đàn”, bà Hà chia sẻ.

    Khẩn trương đấu nối lại chuỗi cung ứng

     

    Việc tồn đọng hàng triệu con gà tại các tỉnh Đông Nam bộ, vùng chăn nuôi gia cầm lớn nhất cả nước không chỉ khiến các trang trại đứng trước nguy cơ mất trắng và phá sản còn người tiêu dùng, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh không có nguồn thịt tươi sống và phải chấp nhận mua thịt gà đông lạnh nhập khẩu với giá cao hơn gà trong nước.

     

    Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, tại Tây Ninh, gà lớn quá tuổi không xuất bán được nên trại không thể nhập gà con về nuôi. Đã có một số trại gà giống phải đốt bỏ hàng triệu con gà con do không có chuồng để thả nuôi và khó khăn về nguồn thức ăn. Đây là vấn đề đáng lo ngại, bởi điều này đồng nghĩa với việc sẽ thiếu hụt hàng triệu con gà thương phẩm khi thị trường thịt gà trở lại bình thường.

     

    Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai) chia sẻ, gà trắng nuôi đúng quy trình, chất lượng phải tuân thủ việc ngừng sử dụng các loại thuốc kháng sinh từ khi 19 ngày tuổi. Do đó, sức đề kháng của gà rất yếu, nếu để lâu trong trại sẽ dẫn đến tình trạng chết hàng loạt. Thế nhưng dù giá gà có xuống nữa, thậm chí cho không mà không có cơ sở giết mổ thì cũng không ai nhận.

     

    Chính vì vậy, giải pháp duy nhất để cứu các trang trại gà khỏi phá sản lúc này chính là huy động toàn bộ công suất của các nhà máy giết mổ trong vùng. Theo đó, với các nhà máy có ca mắc COVID-19 cần được xử lý y tế và xem xét cho phép hoạt động trở lại. Song song đó, cho khởi động các nhà máy giết mổ nhỏ để bù đắp vào phần công suất bị giảm do yêu cầu giãn cách.

     

    Mặt khác, ngoài các chuỗi nhà hàng, bếp ăn công nghiệp thì phần lớn gà được tiêu thụ thông qua mạng lưới phân phối từ chợ đầu mối đến các chợ truyền thống. Do đó, cùng với việc khôi phục hoạt động các cơ sở giết mổ, các tỉnh thành cần có giải pháp để mở cửa chợ trở lại càng sớm càng tốt.

     

    Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho rằng, nghịch lý ở chỗ sản phẩm ở nông trại thì dư thừa, mà không cách nào đưa đến tay người tiêu dùng bởi bị “ách tắc” ở khâu giết mổ và điểm phân phối. Các chợ đầu mối và hàng trăm chợ truyền thống ngừng hoạt động khiến nhiều người tiêu dùng không có chỗ mua hàng, còn hệ thống siêu thị luôn quá tải, phải xếp hàng, chờ đợi và cũng chỉ có khả năng cung ứng phần nhỏ so với nhu cầu.

     

    “Trong bối cảnh các chợ đầu mối và chợ truyền thống chưa đủ điều kiện hoạt động trở lại, cần có giải pháp tình thế như chia nhỏ các điểm bán hàng thiết yếu, thực phẩm đến các khu cách ly, khu phong tỏa. Như vậy không chỉ giảm tải được việc xếp hàng ở siêu thị mà người dân trong các khu cách ly, khu phong tỏa vẫn được tiếp cận đầy đủ các loại thực phẩm. Khi đó, dù sản lượng tiêu thụ không thể bằng với trạng bình thường nhưng ít nhất sản phẩm của nông dân không rơi vào bế tắc như hiện nay”, bà Hà đề xuất.

     

    Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ gà trắng và gia cầm, cần phải giải quyết ngay những điểm nghẽn trong khâu lưu thông và giết mổ. Ông Sơn đề xuất các địa phương khẩn trương tiêm vaccine cho nhân viên các trại chăn nuôi, nhân viên vận chuyển và nhân viên các cơ sở giết mổ để sớm đưa các trung tâm giết mổ gia cầm hoạt động trở lại.

     

    “Với số lượng gà tồn đọng lớn, cần xuất chuồng nhanh thì các cơ sở giết mổ trong vùng không thể đảm đương hết. Trong tình thế này, các địa phương cần “mở đường” cho việc vận chuyển gia cầm từ các tỉnh phía Nam đến các khu vực khác để giết mổ, mở rộng thị trường tiêu thụ”, ông Sơn nhấn mạnh.

     

    Về lâu dài, các trang trại kiến nghị địa phương và ngành chăn nuôi cần đầu tư đúng mức cho các cơ sở giết mổ công nghiệp quy mô lớn; xây dựng hệ thống kho lạnh dự trữ và các nhà máy chế biến sâu sản phẩm thịt gia cầm, không chỉ phục vụ điều tiết nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

     

    Xuân Anh (TTXVN)

    Nguồn: Báo Tin Tức

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.