“Chất lượng gà con một ngày tuổi” là gì?
Chính là sự kết hợp giữa tỉ lệ nở và tỉ lệ chết trong ba ngày đầu tiên tồn tại của gà con.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta sẽ tách cụm từ này thành hai phần và mỗi phần có thể được hiểu như sau:
– “Gà con một ngày tuổi” (day-old chick: DOC) là gà con vừa mới nở; được tính từ lúc các gà con vừa nở ra ở trại ấp và được chuyển sang trang trại nuôi. Tùy theo từng nước, “gà con một ngày tuổi” không chỉ giới hạn ở 24 giờ đầu tiên mà có thể kéo dài đến 72 giờ (như bộ luật ở Pháp) – điều này, có nghĩa: thời gian vận chuyển gà con từ trại ấp đến trang trại nuôi có thể dao động đến 3 ngày và những gà con ở trang trại nuôi lúc này vẫn được xem là DOC;
– “Chất lượng” có thể được định nghĩa như “một tập hợp các đặc tính của sản phẩm quyết định mức độ đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, có thể được thể hiện ra rất rõ ràng hay chỉ dựa vào cảm giác”.
Nên nhớ rằng gà con tốt nhất sẽ trở thành gà giống, gà thịt hay gà đẻ có giá trị rất cao. Vì thế, chất lượng gà con bao gồm tất cả các thông số liên quan trực tiếp đến khả năng sinh lợi của gà.
Và kết quả tốt trong trại ấp đóng vai trò gì trong chất lượng gà con? Tỉ lệ nở như thế nào được xem là tốt nhất? Có tồn tại một dụng cụ duy nhất để xác định khả năng sống sót, tăng trưởng và thu hồi vốn cao nhất hay không? Còn các tiêu chuẩn khác như thế nào?… Như đã biết, có một mối tương quan khăng khít giữa trọng lượng lúc 7 ngày tuổi và trọng lượng gà khi giết mổ; vì thế, chúng ta nên quan tâm đến tất cả các bước, bắt đầu từ trại giống, sau đó tập trung vào các phương tiện có khả năng kiểm tra chất lượng gà con và cuối cùng là các cách thức để cải thiện nó.
ĐÀN GÀ GIỐNG
Cách quản lý và tình hình dịch bệnh trong trại gà giống bố mẹ có ảnh hưởng đến sản lượng trứng và/hoặc chất lượng trứng và chúng cũng sẽ tác động đến chất lượng gà con một ngày tuổi. Các yếu tố có thể kể đến như:
– Chương trình chiếu sáng không thích hợp;
– Chế độ ăn uống không cân bằng: có tác động trực tiếp đến tỉ lệ nở và chất lượng gà con;
– Chất lượng các thông số vật lý và vi sinh của chế độ ăn;
– Các bệnh tác động trực tiếp đến sản lượng trứng như viêm phế quản truyền nhiễm, hội chứng giảm đẻ, viêm não và dây cột sống gia cầm, bệnh Newcastle, bệnh Marek,…
– Các bệnh tác động gián tiếp bằng cách làm suy nhược tình trạng sức khỏe của cơ thể gà như bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm, hội chứng sưng phù đầu, bệnh do Mycoplasma gây ra, bệnh sổ mũi truyền nhiễm (bệnh Coryza), bệnh do E. coli gây ra,…
Ngoài các biện pháp ngăn ngừa bệnh xảy ra trong đàn gà giống, một chương trình tiêm phòng thích hợp cũng nên được áp dụng để truyền khả năng miễn dịch thụ động qua lòng đỏ trứng nhằm bảo vệ gà con cho đến khi chúng được hai đến bốn tuần tuổi trước các bệnh như: bệnh Gumboro, bệnh thiếu máu trên gà, bệnh do reovirus gây ra, bệnh viêm não và dây cột sống. Miễn dịch thụ động này rất quan trọng trong việc bảo vệ gà con ở giai đoạn hình thành hệ thống miễn dịch lên mức hoàn chỉnh. Chúng ta nên nhớ rằng, phần lớn kháng thể mẹ truyền phụ thuộc nhiều vào lượng kháng thể của chính gà mẹ. Tỉ lệ truyền có thể xấp xỉ 50%. Lượng kháng thể chuẩn trong gà mái càng cao thì lượng kháng thể truyền sang cho gà con càng nhiều và độ dài miễn dịch thụ động càng dài.
Vệ sinh trứng vừa được gà mái đẻ ra rất quan trọng. Khi trứng vừa ra khỏi lỗ huyệt, nhiệt độ bên trong trứng chuyển biến từ nhiệt độ cơ thể gà mái (41°C hay 106°F) giảm xuống bằng nhiệt độ môi trường xung quanh. Khi nhiệt độ hạ xuống như vậy, những chất bên trong trứng sẽ co lại và có thể tạo cơ hội cho các mầm bệnh bên ngoài xâm nhập vào bên trong trứng. Để tránh hiện tuợng này, đầu tiên nên giảm tối thiểu tỉ lệ trứng rớt xuống sàn, bởi vì những trứng này có khả năng bị nhiễm các mầm bệnh cao nhất, trứng nở ra không tốt và thường là các trứng thối trong lò ấp; do đó, các trại nên giảm các trứng rớt sàn xuống còn 1%; lúc này, hiện tượng nhiễm mầm bệnh trong trại ấp sẽ giảm còn 10%. Việc thứ hai cần làm là nên bảo đảm các ổ đẻ cho gà luôn luôn sạch sẽ. Cuối cùng, nên thu trứng thường xuyên nhất có thể (ví dụ, nên thu trứng mỗi giờ và bắt đầu càng sớm càng tốt vào mỗi buổi sáng) để đưa trứng vào khay nhanh nhất có thể. Ngoài ra, lớp vỏ cutin bên ngoài trứng phải khô vì lớp vỏ này sẽ bao bọc quanh trứng và giới hạn sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài.
CHĂM SÓC TRỨNG ẤP
Một quả trứng bình thường không cần chăm sóc gì nhiều vẫn có thể nở ra gà con khỏe mạnh. Tuy nhiên, trứng lại là môi trường phát triển của hợp tử, sau đó là phát triển của phôi, cho nên rất nhạy cảm với “những điều kiện bất lợi”, chẳng hạn như:
– Nhiệt độ: nên tránh để trứng ở nơi có nhiệt độ quá thấp hay quá cao, cũng như tránh sự thay đổi nhiệt độ quá mức cần thiết. Như ta đã biết, môi trường trong quá trình bảo quản trứng ở trại giống nên ở khoảng 16oC và độ ẩm 75%; và trứng được đặt ở nơi bảo quản nhiều nhất là 14 ngày (phụ thuộc vào dòng và tuổi của gà mái giống) trước khi vận chuyển đến trại ấp. Chu trình bảo quản này gần đây bị nghi ngờ, vì nó có thể làm giảm tỉ lệ nở từ 89% sau 4 ngày bảo quản thành 72% sau 14 ngày bảo quản; nhưng nếu ủ trứng trong 6 giờ ở 37,5oC trước khi bắt đầu làm lạnh 14 ngày khi bảo quản có thể làm tăng tỉ lệ này lên 82%. Nhiều công nhân ở các trại ấp cho rằng bảo quản trong thời gian ngắn (3 ngày so với 18 ngày) có kết quả tốt hơn khi tăng trưởng lúc 7 ngày tuổi;
– Vi khuẩn và nấm: có thể gây ra hiện tượng thối ở trứng (và làm giảm tỉ lệ nở), chất lượng gà con thấp do nhiễm khuẩn ở lòng đỏ trứng hay “viêm phổi gà ấp” (bệnh do nấm Aspergillus gây ra). Vấn đề này có liên quan đến tình trạng vệ sinh trong trại ấp, nhưng cũng có thể do quá trình thu nhặt trứng có sạch hay không;
– Chất lượng trứng thấp có thể dẫn đến tình trạng tạo ra các vết nứt nhỏ trên vỏ, làm phôi bên trong bị mất nước và chết;
– Vị trí bảo quản không thích hợp;
– Tiếp xúc với các chất hóa học: một số chất có thể xâm nhập vào trứng và gây độc cho phôi, trong khi một số khác thì không (các chất tiệt trùng có thể khóa các bào tử trên vỏ trứng);
– Cầm nắm trứng quá mức: có thể gây ra các vết nứt nhỏ trên vỏ trứng.
ẤP TRỨNG CÓ PHÔI
Trong suốt 1 tuần đầu tiên khi ấp, các cơ quan và hệ thống màng cơ bản (màng ối, túi niệu và lòng đỏ) được hình thành.Trứng được xoay đều là nhân tố then chốt nhất trong quá trình này vì khi xoay như vậy sẽ kích thích việc trao đổi khí thông qua màng đệm túi niệu.
Nên linh hoạt kiểm soát môi trường trong máy ấp. Tùy thuộc vào dòng gà bố mẹ, tuần tuổi đẻ trứng (quyết định kích cỡ của trứng), bảo quản bao nhiêu lâu và độ dày của vỏ (quyết định sự mất hơi ẩm trên trứng nhiều hay ít) mà chương trình ấp trứng được điều chỉnh nhiệt độ, hệ thống thông gió và cân đối độ ẩm phù hợp.
Thông số tối ưu thường được các cơ sở cung cấp giống cho biết. Nhiệt độ ấp trứng là yếu tố môi trường quan trọng nhất, không chỉ cho tỉ lệ nở mà còn cho sự phát triển của gà con trước khi nở. Nhiệt độ phôi được tính từ nhiệt độ vỏ trứng (có thể đo bằng nhiệt kế hồng ngoại). Có thể nói rằng nhiệt độ trung bình của vỏ trứng nên ở khoảng 38°C (100.4°F) trong suốt hai phần ba thời gian đầu tiên của quá trình ấp trứng và không nên vượt quá 38.5°C (101.3°F).
Nhiệt độ quá lạnh trong quá trình ấp sẽ làm gà con nở ra bị nhỏ con vì chúng sẽ sử dụng đa số nguồn dinh dưỡng trong lòng đỏ trứng để tồn tại thay vì dành cho sự tăng trưởng và phát triển.
Nhiệt độ quá cao trong quá trình ấp cũng sẽ làm gà con bị nhẹ cân vì sự mất nước và sử dụng quá nhanh lòng đỏ trứng. Các gà con một ngày tuổi này cũng sẽ xuất hiện rốn vấy máu.
Độ ẩm thích hợp (55%) sẽ không chỉ loại bỏ lượng nước trao đổi mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hơi ấm trong chín ngày đầu tiên của quá trình ấp và trong cả giai đoạn loại bỏ hơi nóng ra khỏi trứng. Trứng càng lớn, trọng lượng cơ thể gà con nở ra càng nặng, hơi nóng thải ra cũng nhiều hơn.
Những vấn đề cần nhớ:
– Trong suốt hai phần ba thời gian đầu tiên của quá trình ấp trứng: sự mất nước là từ máy ấp;
– Trong tuần cuối cùng ở máy ấp: nên có hệ thống thông gió để loại bỏ khí CO2 và hơi nóng thải ra có tác động xấu đến phôi. Nguyên tắc chung là 6.8 m3 mỗi giờ. Mục tiêu là để bảo đảm không khí xung quanh có 21% khí oxy và 0.3% khí CO2.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào thời gian vận chuyển các gà con mới nở đến các trang trại nuôi mà có sự thay đổi phù hợp. Nói chung, thời gian này càng ít và cho ăn càng sớm là nguyên tắc để tăng quá trình hấp thu lòng đỏ trứng.
Các trứng có kích thước không đồng đều khi ấp (do các trứng này đến từ các đàn gà bố mẹ khác nhau) nên được phân loại, vì:
– Trứng từ gà mái già sẽ nở nhanh hơn gà mái trẻ hơn.
– Trong một đàn đồng tuổi, gà con từ trứng nhỏ sẽ nở sớm hơn trứng to;
– Giai đoạn từ khi nở cho đến lần ăn đầu tiên: gà con từ gà mái già dường như chịu được khoảng thời gian này dài hơn gà mái trẻ. Gà con bị nhỏ con cũng có lòng đỏ trứng còn lại nhỏ hơn tương xứng nên khoảng thời gian này cũng ngắn hơn.
Nguyên tắc chung là kéo nắp lò ấp ra khi 5 – 10% gà con vẫn còn ướt phía sau cổ của chúng. Các gà con này nên được giữ trong phòng có nhiệt độ 24oC hay cao hơn một chút và có độ ẩm tương ứng là 50%. Sự mất nước phải được ngăn ngừa.
Lấy mẫu trứng có phôi chết bên trong, lông tơ gà mới nở và lớp khay chứa gà con để kiểm soát Salmonella ở mỗi lần ấp. Môi trường trong trại ấp nên được lấy mẫu hai lần một tuần.
Vào lúc vừa nở, hay vào ngày thứ 18 trong quá trình ấp, phần lớn quá trình tiêm chủng có thể được thực hiện dễ dàng bằng máy, khi để gà con một ngày tuổi vào hộp hay tiêm thẳng trên trứng. Ngoài ra, rủi ro gặp phải trong quá trình thực hiện việc tiêm phòng ở trại ấp ít hơn nhiều so với trang trại nuôi.
TIẾP NHẬN GÀ CON VÀO TRANG TRẠI NUÔI
Khi nhập gà con vào trại, một số “mẹo” để đánh giá chất lượng gà con mua được.
Điều kiện trong quá trình mua
Kiểm tra tài liệu kèm theo để biết số lượng đàn gà giống đã sử dụng. Tốt nhất chỉ có duy nhất một đàn gà bố mẹ, nhưng khá hiếm để đạt được điều này. Nếu có thể, nên tránh đàn gà giống quá nhiều nguồn gốc, và nhất là trên đàn gà bố mẹ có nhiều lứa tuổi (dẫn đến tính không đồng đều ở gà con).
Kiểm tra điều kiện vận chuyển từ trại ấp đến trang trại nuôi:
– Giai đoạn vận chuyển: bảo đảm rằng các gà con được vận chuyển vào thời điểm lạnh nhất trong ngày,
– Độ dài và thời gian vận chuyển: thời gian hao phí khi vận chuyển có thể là nhân tố quyết định đến sự mất nước và hấp thụ lòng đỏ trứng,
– Tình trạng sạch sẽ của xe vận chuyển,
– Môi trường trong xe vận chuyển: có hệ thống thông gió, nhiệt độ bên trong xe nên ở khoảng 21oC đến 24oC (70 – 75oF).
Các thông tin trung gian này phải được gửi về trại ấp để được chứng thực, nếu cần thiết. Ngược lại, đừng quên cám ơn trại giống đã cung cấp gà con có chất lượng tốt!
Kiểm tra tình trạng cơ thể gà trực tiếp
Trọng lượng của các gà con đại diện (ví dụ như 2 con mỗi hộp): trọng lượng cơ thể trung bình nên ở khoảng 40g (để so sánh với tiêu chuẩn gà giống) cùng với độ dao động thấp nhất có thể. Khi trứng có trọng lượng trung bình từ 48 đến 50g thì kích cỡ gà con nở ra sẽ tốt và có độ đồng đều cao.
Khi quan sát trực tiếp, các gà con nên:
– khô và sạch với cặp mắt sáng và trong;
– đồng đều cao nhất có thể về kích cỡ, sự yên lặng, sự tỉnh táo và thăm dò hành vi;
– không bị dị dạng: móng, chân và đùi nên thẳng, không có vết thương hay sưng.
Một vết “sẫm màu” trên cổ là bằng chứng cho thấy gà vừa mới nở.
Kiểm tra rốn của vài gà con: nên lành lặn và sạch, nghĩa là không bị dính với lòng đỏ khô, vỏ hay màng.
Ghi lại số lượng gà con một ngày tuổi bị chết khi đến (để so sánh với tiêu chuẩn).
Đánh giá tình trạng sức khỏe cho gà con một ngày tuổi
Chọn 20 gà con một ngày tuổi vừa mới nhập để thực hiện việc chuẩn đoán huyết thanh học, đặc biệt là bệnh Gumboro. Các gà con này nên được lựa chọn ngẫu nhiên, từ tất cả các nơi trong trại. Ngoài việc giúp xác định ngày tiêm chủng tối ưu, việc này sẽ cung cấp một bằng chứng khác về tỉ lệ đồng nhất của các gà con một ngày tuổi. Hệ số biến đổi (độ lệch chuẩn) của hiệu giá kháng thể sẽ cung cấp một bức tranh khá toàn diện về hiệu giá trong đàn, và do đó, sẽ biết được tính đồng nhất hay không đồng nhất của chúng. Một đàn đồng nhất có nhiều khả năng đề kháng với các điều kiện bất lợi xuất hiện trong môi trường. Lấy mẫu ở các xe tải vận chuyển và ở phía dưới của các hộp chứa gà (ít nhất năm hộp) để xét nghiệm Salmonella.
Bảo đảm bước bắt đầu tốt nhất
Kiểm tra hệ thống thông gió trong trại có được thiết kế đúng cách. Các yêu cầu thông gió tối thiểu có thể được tính từ trọng lượng cơ thể trung bình của gà hay từ lượng thức ăn ăn vào. Ví dụ như, người Anh đề nghị mức thông gió trong trại gà thịt nên để ở 1.9 x 10-4 m3/giây trên mỗi 0,75 kg, hay đơn giản hơn là 2 m3/giây trên mỗi tấn thức ăn tiêu thụ trong ngày.
Cung cấp nước cho lần uống đầu tiên (có nhiệt độ 27°C hay 80°F), có thể cho thêm chút đường để cung cấp năng lượng ngay lập tức; sau đó, mới cho ăn. Các cacbohydrat là rất cần thiết, nhưng cũng nên cung cấp các amino acid. Lòng đỏ còn lại được các gà con một ngày tuổi sử dụng rất nhanh và ngay lập tức chuyển hóa thành thức ăn nhanh hơn rất nhiều so với các nguồn cung cấp tạm thời khác.
Đặt nhiệt độ trong trại ở mức độ vừa phải vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thân nhiệt khi tiêu thụ thức ăn và tăng trưởng. Thân nhiệt của các gà con một ngày tuổi khoảng 40°C (104°F). Hệ thống điều hòa thân nhiệt của gà con vẫn chưa phát triển đầy đủ: các gà con vẫn còn đẳng nhiệt (nhiệt độ cơ thể không đổi). Ngoài ra, chúng không thể thích ứng với nhiệt độ khắc nghiệt bên ngoài; do đó rất nhạy cảm với không khí lạnh hay gió. Ngược lại, từ hai tuần tuổi trở đi, gà trở thành động vật biến nhiệt (nhiệt độ cơ thể có thể thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ). Để biết nhiệt độ bên trong trại cóphù hợp hay không, hãy quan sát sự phân bố gà con một ngày tuổi trong khu vực ủ: chúng có phân bố đều hay không? Để bảo đảm nhiệt độ môi trường tối ưu trong trại, các máy sưởi phải được cắm 24 giờ trước khi gà đến.
Nhiệt độ tiêu chuẩn trong suốt tuần đầu tiên khoảng 29-32°C (85-90°F); các gà con một ngày tuổi từ gà mái trẻ (ít hơn 30 tuần tuổi) thường nhỏ con: điều này có thể được bù đắp bằng cách làm ấm máy sưởi ngay từ lúc bắt đầu (32 đến 33°C, hay 90-91.4°F); và nên giảm dần xuống còn 24-27°C (75-80°F) vào thời điểm chúng có đầy đủ lông vũ (khoảng 21 ngày tuổi). Nhiệt độ cuối cùng được đề nghị cho đến khi đến tuổi xuất chuồng là 18-21°C (65-70°F).
Xem thêm kết quả thí nghiệm được tóm tắt trong Bảng sau.
Bảng: Ảnh hưởng của nhiệt độ máy ấp khác nhau [trong suốt hai tuần đầu tiên] của gà thịt (cả trống lẫn mái) cho đến khi xuất chuồng (42 ngày) (từ A.H. Nilipour)
Thí nghiệm | Trọng lượng cơ thể t (kg) |
Tỉ số chuyển hóa thức ăn | Tỉ lệ chết (%) |
Chỉ số hiệu suất | Chi phí cộng thêm vào mỗi kg thịt (tính bằng cent của Mỹ) |
---|---|---|---|---|---|
Đối chứng ở 29-32oC |
2,267 | 1.71 | 2.08 | 309 | 0 |
Mức vừa phải 24-27oC |
2,219 | 1.77 | 4.17 | 285 | 2.16 |
Mức lạnh 21-24oC |
2,149 | 1.82 | 7.08 | 261 | 4.37 |
Và sau 72 giờ đầu tiên:
– Thường xuyên giám sát tình trạng sức khỏe của gà, bao gồm cả chuẩn đoán huyết thanh học;
– Giám sát hàng ngày biểu hiện của gà, ít nhất quan sát trong suốt ba tuần lễ đầu tiên.
TÓM TẮT
Để có gà con một ngày tuổi chất lượng, cần chú ý đến các bước có liên quan sau:
– Trứng có phôi,
– Thu thập trứng có phôi,
– Ủ các trứng vừa đẻ ra,
– Chuyển các trứng từ khay ủ đến trại ấp,
– Nở ra gà con,
– Chăm sóc gà con mới nở, bao gồm cả việc đặt chúng trong hộp, thực hiện việc tiêm chủng (như tiêm chủng bằng cách phun sương) và đặt các hộp này vào xe tải,
– Vận chuyển đến trang trại,
– Chăm sóc gà con trong trang trại nuôi khi tiếp nhận (môi trường, mật độ, nước và thức ăn có sẵn,…)
Thực hiện sai ở bất kì bước nào cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng gà con: như áp dụng sai kỹ thuật (nhiệt độ và độ thông gió không phù hợp), thực hiện vệ sinh không đạt ở bất kì bước nào, chất lượng kém của trứng (do gà bố mẹ hay do trại giống).
Người thực hiện ở bước nào cũng nên chú ý hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình vì việc này có liên quan đến kết quả cuối cùng của quy trình. Nên nhớ: một mắt xích trong một dây chuyền không nên bị cắt đứt ở bất cứ điểm nào.
Nguồn tin: CEVA. VN
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Ảnh hưởng của nguồn cung cấp natri không chứa clo
- Đa dạng sản phẩm chế biến từ gà Tiên Yên
- Dinh dưỡng gà thịt bền vững và mẹo xây dựng công thức
- Cách phòng ngừa bệnh viêm phổi ở gia cầm thương mại
- Cho ăn chính xác có thể làm giảm lượng khí thải từ các trang trại chăn nuôi lợn
- Những lợi ích thực tế của bã bia trong thức ăn cho bò sữa
- Một sức khỏe – Cách tiếp cận toàn diện giúp cải thiện an toàn thực phẩm
Tin mới nhất
T4,25/12/2024
- Thừa Thiên Huế: Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 24/12/2024
- Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Hoạt động bền bỉ và thành công
- Dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi toàn cầu
- Đồng Nai: Heo hơi tăng giá, đảm bảo nguồn cung Tết Nguyên đán 2025
- Khởi công xây dựng trạm trộn thức ăn chăn nuôi tại KCN công nghệ cao Mebi Farm
- Hợp quy TĂCN: Nặng hình thức và tốn kém!
- Nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam: Cần gỡ bỏ nút thắt
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất