Sau nhiều tuần, tháng phải cách ly, phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19, đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, nhưng giá cả thị trường thực phẩm – “đầu ra” của các chủ trại, người chăn nuôi vẫn rất ảm đạm.
Giá heo, gà rớt mạnh…
Những ngày này, phóng viên Báo SGGP đã khảo sát một vòng các trang trại nuôi heo, gia cầm ở ngoại thành Hà Nội và bắt gặp rất nhiều trang trại đóng cửa, “treo” chuồng, bỏ không cho cỏ mọc. Ông Nguyễn Văn Truyền ở xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) cho biết, gia đình thuê đất mở trại nuôi gà từ năm 2007 đến nay, nhưng do 2 năm nay giá gà xuống quá thấp nên phải tạm chuyển qua nuôi 4.000 con ngan để giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.
Tại thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang (cùng huyện Quốc Oai), anh Nguyễn Văn Đại, chủ trang trại 15.000 con gà lông trắng và siêu trứng, than thở: “Suốt 2 năm nay, chăn nuôi bết bát, khó khăn quá”. Theo anh, trong đợt cách ly phong tỏa, giãn cách xã hội vừa qua, giá trứng gà đỏ còn bán được 2.500 đồng/quả, nhưng vài hôm nay giảm xuống chỉ còn 1.500 đồng/quả, còn loại xấu chỉ được 1.100 đồng/quả.
Trong khu chăn nuôi của anh Đại, hiện hơn 7.000 con gà đang trong thời kỳ đẻ trứng và hơn 7.000 con gà khác đang ở giai đoạn “hậu bị”, sau 2-3 ngày nữa là đưa lên lồng (bắt đầu sinh sản). Nhưng, với giá trứng cao nhất hiện nay là 1.500 đồng/quả, trong khi chi phí trung bình là 1.800 đồng/quả, thì gà càng đẻ nhiều anh càng lỗ nặng (ước tính thua lỗ khoảng 4-5 triệu đồng/ngày).
Anh Đại cho biết anh là “admin” của nhóm “Trang trại gà siêu trứng” với hơn 15.000 thành viên trên Facebook, hàng ngày đều lên nhóm để báo giá sản phẩm chăn nuôi, trao đổi kết nối thị trường. “Thông qua nhóm, tôi thấy các chủ trại khác cũng than thở rất nhiều”, anh Đại nói và cho biết, không chỉ giá trứng mà giá gà lông trắng ở khu vực miền Bắc hiện cũng đang giảm nhanh từ mức 50.000-60.000 đồng/kg xuống chỉ còn 35.000-36.000 đồng/kg.
Trang trại gà siêu trứng 15.000 con của anh Nguyễn Văn Đại ở thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: VĂN PHÚC
Khi được hỏi về chủ trương đầu tư phục hồi chăn nuôi, tái đàn để đón đầu các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Nhã Phú (một chủ trại gia cầm ở thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang), trả lời: “Tôi cụt vốn rồi”. Hồi tháng 4, cả trang trại 7.500 con gà của anh bị dịch H5N1 nên chết sạch, thiệt hại tương đương 1,1 tỷ đồng. Cơ quan thú y xuống, chỉ kịp kiểm đếm được 3.500 con để tiêu hủy, nhưng đến nay anh vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ cơ quan thú y huyện Quốc Oai và TP Hà Nội. Không còn vốn nên anh không thể tái đầu tư, hiện đang mong chờ ngân hàng có các chính sách tín dụng linh hoạt để hỗ trợ.
Nhưng giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao
Theo tìm hiểu từ nhiều chủ trại, trong khi cung đang vượt cầu thì Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương hiện nay lại đang cho phép nhập khẩu ồ ạt thịt gia súc, gia cầm từ nước ngoài về để tiêu thụ trong các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2022. Đợt dịch vừa qua, mặc dù giá thực phẩm lên chút đỉnh, nhưng cũng chỉ mang tính cục bộ; còn trên thực tế các chủ trại không tiêu thụ được sản phẩm trong lúc phong tỏa, giãn cách do khâu giao thương, vận chuyển, mua bán rất khó khăn. Vì vậy, không chỉ riêng ở địa bàn Hà Nội mà trên cả nước, ước tính có khoảng 35-40% chủ trại đã bỏ chăn nuôi, “treo” chuồng trại để chờ đợi giá tăng trở lại hoặc do cụt vốn nên đành lực bất tòng tâm.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), nhiều nơi giá heo rớt mạnh, nhất là khu vực miền Bắc (có nơi đã xuống mức 33.000-35.000 đồng/kg). Nguyên nhân giá thực phẩm rớt mạnh như hiện nay là do “thừa cung ảo”. Thực tế, sản xuất vẫn bình thường, nhưng tại các thành phố lớn, lượng người lao động rời đi để về quê rất nhiều; các nhà hàng, quán ăn bình dân, trường học, bếp ăn tập thể chưa hoạt động bình thường trở lại. Do nhu cầu tiêu dùng đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm (nhất là với thịt heo, thịt gà) giảm rất nhiều, nên vật nuôi ứ đọng trong chuồng.
Ông Trọng cũng cho biết, mặc dù tăng trưởng đàn heo trong 9 tháng đầu năm nay vẫn tăng 5%, nhưng với giá heo rớt mạnh như hiện nay, nếu các chủ trại tiếp tục bán tháo để “treo” chuồng, có thể tiềm ẩn nguy cơ thiếu thực phẩm vào dịp cuối năm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, trong khi giá thực phẩm rẻ thì giá thức ăn chăn nuôi đang tăng quá cao, đẩy người chăn nuôi vào khó khăn. Bộ NN-PTNT đã có văn bản báo cáo Chính phủ và các bộ ngành liên quan để xem xét, sớm tháo gỡ những nút thắt về vốn tín dụng cho người chăn nuôi tái đàn, giảm chi phí logistics, giảm giá thức ăn chăn nuôi…
Giá heo hơi tiếp tục giảm
Ngày 15-10, theo HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (TPHCM), giá heo hơi của HTX bán ra dao động 38.000-40.000 đồng/kg, so với vài ngày trước thì giá heo hơi tiếp tục giảm 1.000-2.000 đồng/kg; trung bình mỗi con heo 100kg, người chăn nuôi sẽ lỗ hơn 1 triệu đồng. Đối với các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ, giá heo hơi có khi xuống dưới 40.000 đồng/kg, đang lỗ khoảng 1,5-2 triệu đồng/con. Còn những con heo có trọng lượng trên 110kg, giá bán chỉ còn 32.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh phía Nam, giá heo hơi cũng dao động từ 39.000-41.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại các tỉnh miền Trung khoảng 38.000-42.000 đồng/kg. Tương tự, gà lông dù đang có giá khoảng 21.000 đồng/kg, nhưng người chăn nuôi vẫn lỗ khoảng 9.000 đồng/kg. Cách đây 4 tháng, giá gà lông chỉ đạt khoảng 5.000 đồng/kg.
Theo chuyên gia, giá heo hơi dự sẽ báo tiếp tục giảm, do cung vượt cầu. Bên cạnh đó, tình hình tiêu thụ ở địa phương có khu công nghiệp tiếp tục giảm. Đơn cử, theo Sở NN-PTNT TPHCM, những ngày qua lượng heo đưa về tiêu thụ khoảng 5.000 con/ngày; trước kia, thành phố trung bình tiêu thụ khoảng 8.000-10.000 con/ngày. Tuy giá heo hơi giảm hơn 30.000 đồng/kg so với thời điểm xảy ra đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhưng giá thịt heo tại chợ truyền thống vẫn “giậm chân tại chỗ”, như thịt ba rọi khoảng 150.000-170.000 đồng/kg; sườn non 180.000-200.000 đồng/kg; thịt nạc 140.000-150.000 đồng/kg, nạc vai 130.000 đồng/kg, cốc lết 150.000 đồng/kg…
Lý giải về việc giá thịt heo chưa giảm dù giá heo hơi đang giảm thấp, một số thương nhân cho hay, hiện nay phụ phẩm như lòng, đầu, tim, cật, mỡ… rất khó bán do các cửa hàng kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể chưa hoạt động lại. Bên cạnh đó, những con heo trên 110kg khó tiêu thụ do chất lượng các sản phẩm từ thịt không ngon so với heo dưới 100kg. Vì vậy, giá bán các loại thịt vẫn cao để bù qua các chi phí khác.
VĂN PHÚC – THANH HẢI
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
- người chăn nuôi li> ul>
- Hành trình 10 năm Hanofeed và 25 năm Phavico: Kiến tạo giá trị, vững bước tương lai
- BIOTESTLAB – Công ty sản xuất thuốc thú y Ukraine đạt tiêu chuẩn Châu Âu
- Không để dịch bệnh gia súc, gia cầm lan ra diện rộng
- Người chăn nuôi đón cơ hội thị trường cuối năm
- Trao tặng 1.500 con vịt biển cho quân, dân Bà Rịa- Vũng Tàu
- VM Club 15 năm thành lập: Tự hào rèn nghề cho hơn 3.000 bác sĩ thú y miền Bắc
- Tiên phong bán tín chỉ gà đẻ không nhốt lồng tại Việt Nam
- Cô gái trẻ nuôi gà mát tay
- Trứng vịt thả đồng trở thành sản phẩm OCOP
- Việt Nam lần đầu bán tín chỉ gà đẻ không nhốt lồng
Tin mới nhất
T5,12/12/2024
- Hành trình 10 năm Hanofeed và 25 năm Phavico: Kiến tạo giá trị, vững bước tương lai
- BIOTESTLAB – Công ty sản xuất thuốc thú y Ukraine đạt tiêu chuẩn Châu Âu
- Không để dịch bệnh gia súc, gia cầm lan ra diện rộng
- Người chăn nuôi đón cơ hội thị trường cuối năm
- Trao tặng 1.500 con vịt biển cho quân, dân Bà Rịa- Vũng Tàu
- VM Club 15 năm thành lập: Tự hào rèn nghề cho hơn 3.000 bác sĩ thú y miền Bắc
- Tiên phong bán tín chỉ gà đẻ không nhốt lồng tại Việt Nam
- Cô gái trẻ nuôi gà mát tay
- Trứng vịt thả đồng trở thành sản phẩm OCOP
- Việt Nam lần đầu bán tín chỉ gà đẻ không nhốt lồng
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất