Giải pháp kỹ thuật cho tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 56.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi  Vĩnh Phúc 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 55.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 55.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lâm Đồng, Bình Thuận 58.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 57.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 56.000 - 59.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Bến Tre 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Kiên Giang 59.000 đ/kg
    •  
  • Giải pháp kỹ thuật cho tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi

    [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Nếu như năm 2011 sản lượng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đạt khoảng 11,5 triệu tấn thì gần 10 năm sau, đến năm 2019 đã tăng lên 19,0 triệu tấn. (https://consosukien.vn/san-xuat-thuc-an-chan-nuoi-trong-boi-canh-hoi-nhap-toan-cau.htm). Một báo cáo hàng năm của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (https://apps.fas.usda.gov/newgainapi/api/Report/) về tình hình sản xuất, thương mại của nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, cho biết nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam năm 2022 ước đạt tổng cộng 26.960.000 tấn.

     

     

    Các nguyên liệu chủ yếu dùng trong thức ăn chăn nuôi như bắp, khô dầu đậu nành có sản lượng không nhiều tại Việt Nam nên phải nhập khẩu hàng năm với khối lượng lớn và chịu sức ép nặng nề về biến động giá cả, khó khăn trong chuỗi vận chuyển cung ứng nguyên liệu. Ngoài việc trông đợi những chính sách vĩ mô, cải tiến công tác quản lý, riêng về mặt kỹ thuật, có lẽ vẫn có một số giải pháp cần được xem xét thực hiện ngay từ cấp độ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, để chủ động từ công tác thu mua cho đến sử dụng hiệu quả hơn các nguồn nguyên liệu thay thế phối hợp hài hòa với các nguồn nguyên liệu thức ăn truyền thống tạo ra sản phẩm thức ăn hỗn hợp chất lượng mà chi phí ở mức hợp lý nhất.

     

    Định giá đúng nguyên liệu thức ăn dựa trên giá trị dưỡng chất đem lại

     

    Trong thực tế, cả phía nguồn cung cấp và phía sử dụng, đều xem các nguyên liệu dùng sản xuất thức ăn giống như là những loại hàng hóa tiêu dùng thông thường (commodity) nên để tiện lợi,  việc thỏa thuận giá cả bán/mua đối với các nguyên liệu này thường dựa trên hàm lượng của chỉ một hoặc một hai dưỡng chất chính như độ ẩm và hàm lượng đạm thô để đánh giá. Phương thức đánh giá này tuy tiện lợi trong giao dịch mua bán và cũng khá hợp lý nhưng chưa thật sự có thể xác định được giá cả hợp lý của một loại nguyên liệu thức ăn nào đó, khi đứng trên quan điểm của người lập công thức thức ăn chăn nuôi.

     

    Một loại nguyên liệu thức ăn, thí dụ như khô dầu đậu nành, là nguyên liệu cung đạm và thường được quyết định giá cả dựa trên hàm lượng đạm của lô hàng sẽ mua bán giữa hai bên tùy theo tình hình cung ứng của thị trường. Tuy nhiên nếu chỉ chọn nguyên liệu theo giá cả dựa trên mức đạm thô của nguyên liệu thì sẽ rất khó trả lời hoặc tự quyết định là tại sao lại quyết định mua lô hàng khô dầu đậu nành này có hàm lượng đạm thô 47% và giá chào mua giả dụ 14.000 đ/kg trong khi có nguồn bột thịt xương hoặc một loại khô dầu khác được biết có hàm lượng đạm ở mức cao hơn 47%, thí dụ 48-50% và được chào với giá chỉ có 12.000 đ/kg chẳng hạn?

     

    Câu trả lời nằm ở chỗ khi lập công thức thức ăn thì khô dầu đậu nành và gần như tất cả các nguyên liệu thức ăn khác không chỉ được xem xét đến thông qua mức đạm thô mà còn xét đến hàm lượng của gần 10 loại acid amin thiết yếu và một vài loại dưỡng chất khác như hàm lượng chất xơ, chất béo, thậm chí cả hàm lượng chất khoáng như calci, phospho. Trong khi đó với bột thịt xương thì cũng sẽ được xem xét về các dưỡng chất giống như của khô dầu đậu nành nhưng còn kèm theo cả các điểm (có thể là ưu điểm nhưng và cũng có thể là hạn chế tùy trường hợp) khác như hàm lượng chất khoáng calci, phospho; hàm lượng chất béo trong bột thịt xương cao hơn nên dẫn đến giá trị năng lượng trao đổi được cũng cao hơn so với của khô dầu đậu nành nhưng ngược lại hàm lượng chất béo cao thì cũng kèm đến khả năng bị oxyd hóa cao hơn, v.v…

     

    Như vậy việc xem xét mỗi một nguyên liệu và tất cả các nguyên liệu có khả năng đưa vào công thức thức ăn giống như việc giải một hệ phương trình đa biến với số lượng biến số cần tìm có thể lên đến hàng trăm. Rất may mắn là công việc này từ hơn 30 năm qua đã có thể giao phó cho các phần mềm chuyên dụng chạy trên máy tính cấu hình thông thường. Đương nhiên vẫn cần phải có một cơ sở dữ liệu đúng đắn nhập vào từ trước để đảm bảo phần mềm cho ra những kết quả tính toán và khuyến cáo đáng tin cậy, và cũng cần người sử dụng phần mềm có các hiểu biết sâu rộng về dinh dưỡng vật nuôi để điều chỉnh các giới hạn phù hợp và sau đó chọn lọc kết quả tối ưu nhất áp dụng vào sản xuất.

    Hình 1. Một phần của công thức thức ăn cho heo 20-40 kg, với giá nguyên liệu đến nhà máy thức ăn chăn nuôi tháng 09/2022 (sử dụng phần mềm AFOS để lập công thức tối ưu)

     

    Với thí dụ trong Hình 1, ở ba dòng trên cùng của Công thức thức ăn được lập, có thể thấy tuy cám gạo có giá tính trên kg là cao nhất nhưng lại được phần mềm quyết định sử dụng nhiều nhất (36,47%) so với bắp hạt và cám lúa mì (chỉ dùng có 17,46% và 19,74%). Mặt khác, cám lúa mì vừa có giá rẻ nhất vừa có chứa hàm lượng đạm thô cao nhất trong ba loại nguyên liệu này (hàm lượng đạm thô trong cám lúa mì thường đạt tối thiểu 14% so với 8% trong bắp hạt và 12% trong cám gạo loại tốt) nhưng chỉ được phần mềm quyết định sử dụng ở mức vừa phải là do phần mềm còn tính đến các thông số khác như giá trị năng lượng trao đổi trong cám lúa mì chỉ ở mức trung bình thấp, hàm lượng xơ thì lại khá cao, v.v…

     

    Sử dụng nguyên liệu thức ăn thay thế (nguyên liệu không truyền thống)

     

    Đây là một trong những hướng mà có lẽ các nhà máy thức ăn chăn nuôi đều nên tính đến, không chỉ vào những thời điểm các nguyên liệu truyền thống bị khan hiếm và/hoặc có giá bán tăng cao mà phải nên xem đây là chiến lược cần làm để có được giá thành nguyên liệu thức ăn ở mức hợp lý nhất. Tuy nhiên trong thực tế việc sử dụng nguyên liệu thức ăn thay thế cũng có những tồn tại nhất định, nên cần có những giải pháp phù hợp kèm theo để khắc phục những tồn tại nay.

     

    Các loại nguyên liệu thức ăn thay thế đều sẽ mang một vài thuộc tính khác với tính chất của các nguyên liệu truyền thống như:

     

    – Giá cả tính trên đơn vị khối lượng rẻ hơn các nguyên liệu truyền thống;

     

    – Nguồn cung ứng không thật sự nhiều và hầu như mang tính mùa vụ nên chỉ có lưu hành trên thị trường trong một quãng thời gian nào đó trong năm;

     

    – Có chứa một vài hạn chế về mặt dinh dưỡng hoặc chứa một (vài) chất kháng dinh dưỡng đối với vật nuôi.

     

    – Vì đa số các nguyên liệu thay thế ít được sử dụng thường xuyên nên nguồn thông tin về thành phần dưỡng chất, tính chất có lợi hay bất lợi có thể chưa được tìm hiểu nhiều.

     

    Thí dụ về một vài loại nguyên liệu thức ăn thay thế như:

     

    – Bã khoai mì có giá rẻ hơn khoai mì lát khoảng 15-20% nhưng có giá trị năng lượng chỉ thấp hơn 10% nếu dùng cho heo hoặc cho bò, và hàm lượng xơ cao trong bã khoai mì càng thích hợp cho sinh lý tiêu hóa của heo nái mang thai và các loài thú ăn cỏ. Hạn chế của bã khoai mì là chỉ có nhiều trong các tháng mùa nắng, từ khoảng tháng 12 DL cho đến tháng 04 DL năm sau; và trong bã khoai mì thường có nhiều đất, cát, sạn, cũng như độ ẩm tương đối cao.

     

    – Một nguồn nguyên liệu thức ăn thay thế đang lưu hành gần đây có tên chung là “đạm đơn bào – single cell protein”, có giá tính trên đơn vị khối lượng rẻ hơn giá khô dầu đậu nành 47% đạm khoảng 7% mà lại có hàm lượng đạm thô cao hơn 6% (tối thiểu 52% so với 47% ở khô dầu đậu nành), và còn có ưu điểm là có nguồn cung đều đặn quanh năm. Tuy nhiên hạn chế chung của nhóm nguyên liệu đạm đơn bào này là thường có hàm lượng các thành phần acid amin khá thấp, trừ acid glutamic lại rất cao nên sẽ khó ứng dụng cho tất cả các loại công thức thức ăn mà thường chỉ phù hợp với thức ăn heo con (tập ăn hoặc giai đoạn sau cai sữa) vì giai đoạn này nhu cầu về acid glutamic của heo con khá cao.

     

    Trong thực tế thì nguồn nguyên liệu đạm đơn bào này đang được ưa chuộng nhiều ở các nhà máy sản xuất thức ăn cho thủy sản, nhất là ở các công thức thức ăn cho tôm, cá ăn mồi động vật hay ếch vì trong nguyên liệu này hầu như không chứa chất xơ, rất ít tinh bột và đường tự do vốn đều là những chất có tính kháng dinh dưỡng đối với động vật thủy sản ăn động vật (carnivore).

    Hình 2. Một phần của công thức thức ăn cho heo 7-15 kg, với giá nguyên liệu đến nhà máy thức ăn chăn nuôi tháng 09/2022 (sử dụng phần mềm AFOS để lập công thức tối ưu)

     

    Trong Hình 1 ở trên công thức được phần mềm lập ra không sử dụng nguyên liệu đạm đơn bào nhưng ở thí dụ trong Hình 2 cho thấy nguyên liệu đạm đơn bào được sử dụng 1,55% trong công thức thức ăn cho heo 7-15 kg và từ đó giúp công thức rẻ được 46 đ/kg thức ăn hỗn hợp so với không dùng nên đã thể hiện vai trò của các nguyên liệu thức ăn thay thế là giúp giảm được giá thành sản xuất thức ăn, nhất là khi những nguyên liệu truyền thống có giá tăng cao.

     

    Phối hợp công tác thu mua và lập công thức thức ăn

     

    Một thực tế thường thấy ở nhiều công ty/nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam là bộ phận thu mua và bộ phận lập công thức thường được tổ chức và hoạt động nghiệp vụ khá độc lập với nhau. Trong đó bộ phận thu mua thường gồm nhân viên có nền tảng học tập liên quan đến thương mại nên khó được huấn luyện hoặc tự cho là không cần thiết phải biết sử dụng phần mềm lập công thức thức ăn vì theo hiểu biết thông thường “phần mềm tổ hợp khẩu phần là để lập công thức thức ăn với giá tối ưu nhất”, chứ không biết là trong các phần mềm tổ hợp khẩu phần cao cấp (“cao cấp” hiểu theo nghĩa có giá bán từ vài ngàn cho đến vài chục ngàn dollar Mỹ một phiên bản) thì công việc tổ hợp khẩu phần chỉ là một công việc cơ bản luôn luôn có trong các phần mềm loại này, kể cả các phần mềm giá thấp cho đến miễn phí; còn phần giá cao của các bộ phần mềm loại này là tính vào các tính năng phân tích tài chính, hỗ trợ cho người dùng xác định được giá chính xác của từng nguyên liệu hoặc từng dưỡng chất cần có trong công thức được thiết lập. Các bộ phần mềm lập công thức thức ăn cao cấp còn có chức năng hỗ trợ người dùng dự báo trước tỷ lệ sử dụng từng loại nguyên liệu thức ăn dựa trên các kịch bản giá nguyên liệu tăng/giảm theo các bước nhảy cho trước nên rất hữu ích trong việc giúp nhà máy lập dự trù mua trước và dự trữ nguyên liệu trong một thời gian khá dài mà không sợ thiếu hụt hay dư thừa quá mức các nguyên liệu căn bản.

    Hình 3. Một phần của công thức thức ăn cho heo 40-70 kg, với giá nguyên liệu đến nhà máy thức ăn chăn nuôi tháng 09/2022 (sử dụng phần mềm AFOS để lập công thức tối ưu)

     

    Với thí dụ trong Hình 3, cả bột lông vũ và bột thịt xương 50 đều có hàm lượng đạm thô cao hơn nhiều so với khô dầu đậu nành nhưng đều bị phần mềm từ chối không dùng trong công thức thức ăn của heo 40-70 kg. Nhìn sơ qua, một người bình thường có thể đoán lý do phần mềm không dùng bột lông vũ vì nó có giá khá cao 21.400 đ/kg so với 14.000 đ/kg của khô dầu đậu nành; nhưng sẽ khó giải thích cụ thể tại sao bột thịt xương có giá rẻ hơn giá khô dầu đậu nành mà vẫn không được sử dụng. Trong khi đó nhìn vào cột “Shadow Price” trong bảng thì thấy Bột thịt xương được cho con số 13.485,89 tức là phần mềm đã tính toán hết tất cả các giá trị dưỡng chất của nguyên liệu bột thịt xương được nhập vào trong mối tương quan với giá và thành phần dưỡng chất của các nguyên liệu khác và xác định được xem như vào thời điểm này Bột thịt xương chỉ có giá trị bằng tiền là 13.485,89 đ/kg hoặc thấp hơn thì càng tốt.

     

    Nếu bộ phận thu mua hiểu được các chức năng này từ phần mềm tổ hợp khẩu phần thì hoặc là sẽ thương thuyết với đơn vị cung ứng giảm được giá bột thịt xương xuống đến con số hợp lý hơn, ít nhất là 13.485 đ/kg (làm tròn) hoặc thấp hơn nữa thay vì là 13.500 đ/kg; hoặc là sẽ không mua bột thịt xương theo giá 13.500 đ/kg.

     

    Kết luận và đề xuất

     

    Chỉ riêng các giải pháp kỹ thuật đã nêu, nếu được thực hiện thường xuyên và nhuần nhuyễn thì có thể giúp nhà máy thức ăn tăng thêm tính cạnh tranh bằng cách đạt được giá nguyên liệu thức ăn hợp lý hơn với nguồn nguyên liệu sử dụng đa dạng hơn, thay vì chỉ dựa vào một số nguyên liệu sẵn có, sử dụng theo thói quen hơn là theo các tính toán hợp lý, cân đối giữa giá cả và chất lượng nguyên liệu thức ăn.

     

    Để làm được các nội dung trên, cần có sự phối hợp nhịp nhàng của hai bộ phận thu mua và lập công thức trong cùng một công ty/nhà máy thức ăn chăn nuôi. Cũng có nghĩa là sẽ cần một lãnh đạo phụ trách chung cả hai bộ phận này để điều phối công việc; đồng thời lãnh đạo chung của hai bộ phận cũng cần có hiểu biết về ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là đầu tư cho phần mềm tổ hợp khẩu phần cao cấp để làm được cả việc lập công thức thức ăn tối ưu mà còn giúp việc phân tích, dự báo giá nguyên liệu thì mới giúp nhà máy có kế hoạch chủ động thu mua và đồng thời lập ra được các công thức thức ăn chất lượng với giá thành phù hợp nhất.

     

    Dương Duy Đồng,

    dong.duongduy@hotmail.com

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.