Ngành Thú y năm 2021: Cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 56.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi  Vĩnh Phúc 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 55.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 55.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lâm Đồng, Bình Thuận 58.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 57.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 56.000 - 59.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Bến Tre 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Kiên Giang 59.000 đ/kg
    •  
  • Ngành Thú y năm 2021: Cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh

    [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – “Trong năm vừa qua ngành thú y Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh gây nguy hiểm trên đàn vật nuôi, kể cả những loại dịch bệnh lây sang người. Tạo điều kiện thuận lợi cho đàn vật nuôi phát triển mạnh. Đảm bảo nguồn cung thực phẩm. Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước không phát sinh dịch bệnh Tai xanh” – ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y nhận định.

     

    Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước không phát sinh dịch bệnh Tai xanh

     

    Dịch tả lợn châu Phi (ASF): xảy ra 3.029 ổ dịch

     

    Theo số liệu báo cáo tổng kết của Cục Thú y năm 2021, tính đến thời điểm hiện tại cả nước xảy ra 3.029 ổ dịch tại 405 huyện thuộc 59 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 279.910 con, chiếm khoảng 0,99% tổng đàn lợn cả nước, tương đương hơn 11.678 tấn. Hiện nay, cả nước có 761 ổ dịch tại 212 huyện của 47 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Bệnh chủ yếu xảy ra ở những cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo về chăn nuôi an toàn sinh học. Đặc biệt, tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh miền Trung.

     

    Như vậy, so với năm 2020 diện tích dịch bệnh ASF xảy ra rộng hơn với số ổ dịch tăng 2,2 lần, số huyện có dịch tăng 1,3 lần và có tới 95% địa phương có báo cáo dịch, số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tăng hơn 3,6 lần. Cục Thú y nhận định, nguy cơ bệnh ASF tái phát là rất cao do đặc điểm của virus này rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và đường truyền lây phức tạp. Hiện chưa có thuốc, vaccine phòng bệnh.

     

    Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC): Giải pháp phòng, chống bằng vaccine đạt hiệu quả cao

     

    Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 4.329 ổ dịch tại 456 huyện, 55 tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc bệnh là 206.953 con trâu, bò, chiếm tỷ lệ 0,02% tổng đàn. Số gia súc bị chết, tiêu hủy là 29.047 con, chiếm tỷ lệ 0,003%.

     

    Hiện nay, cả nước có 58 ổ dịch tại 27 huyện của 11 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số gia súc mắc bệnh là 4.645 con, số gia súc tiêu hủy là 864 con.

     

    Theo nhận định từ Cục Thú y, mặc dù bệnh VDNC là bệnh mới, nhưng chúng ta đã kịp thời nhập khẩu khẩn cấp vaccine, tiêm phòng bao vây ổ dịch. Cụ thể, nước ta đã nhập khẩu 03 loại vaccine với số lượng hơn 11 triệu liều vaccine VDNC, trong đó đã cung ứng hơn 8,45 triệu liều và sẽ dự kiến nhập thêm 450 liều trong quý I/2022.

     

    Dịch Lở mồm long móng (LMLM): Số ổ dịch giảm 2,06 lần so với năm 2020

     

    Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 88 ổ dịch, tại 46 huyện của 18 tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc bệnh là 3.402 con, chiếm tỷ lệ 0,009% tổng đàn. Số gia súc bị chết, tiêu hủy là 348 con. Hiện, cả nước có 01 ca dịch LMLM ghi nhận tại tỉnh Hà Tĩnh chưa qua 21 ngày.

     

    Như vậy, so với năm 2020, số ổ dịch giảm 2,06 lần, số gia súc mắc bệnh giảm 2,08 lần. Đặc biệt, từ cuối năm 2019 chúng ta bắt đầu sử dụng loại vaccine có hàm lượng kháng nguyên cao, hỗ trợ hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch LMLM.

     

    Nhằm giúp Việt Nam kiểm soát tốt hơn dịch LMLM cũng như đẩy mạnh việc xuất khẩu gia súc, sản phẩm gia súc, tháng 8/2021 vừa qua, Cục Thú y đã nộp hồ sơ đề nghị Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) công nhận chương trình quốc gia phòng chống bệnh LMLM, và nhận được những phản hồi tích cực từ OIE.

     

    Bệnh Cúm gia cầm (CGC): Chủ yếu xảy ra ở các đàn chưa tiêm phòng vaccine CGC

     

    Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 117 ổ dịch CGC tại 80 huyện của 32 tỉnh, thành phố. Trong đó có 9 ổ dịch do virus A/H5N1; 83 ổ dịch do virus A/H5N6 và 25 ổ dịch do virus A/H5N8 tại 14 tỉnh. Tổng số gia cầm mắc bệnh chết và tiêu hủy là 444.298 con, chiếm khoảng 0,086% tổng đàn gia cầm cả nước. So với năm 2020, số ổ dịch CGC tăng 1,24 lần, số gia cầm buộc tiêu hủy tăng gần gấp 2 lần.

     

    Nhận định về tình hình dịch bệnh CGC, Cục Thú y cho biết, các ổ dịch chủ yếu xảy ra ở những hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vaccine CGC. Tuy nhiên, các địa phương đã phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Bên cạnh đó, Cục Thú y cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ xuất hiện một số chủng virus CGC (A/H7N9, A/H5N2,…) xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh miền núi phía Bắc.

     

    Bệnh Dại: Giảm số trường hợp tử vong

     

    Tính trong năm 2021, cả nước ghi nhận 49 người tử vong vì bệnh Dại, tại 27 tỉnh, giảm 20 trường hợp so với năm 2020. Đối với bệnh dại trên động vật, năm 2021 công tác giám sát trên chó nghi mắc bệnh Dại đã được thực hiện tại 11 tỉnh, thành với 222 mẫu, trong đó có 78 mẫu dương tính, chiếm tỷ lệ 35,13%.

     

    Trong năm 2021, có trên 11.700 con chó thả rông, không xích nhốt, đeo rọ mõm. Dự kiến, nguy cơ bệnh Dại tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới là rất cao.

     

     

    Hình thành gần 3.000 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

     

    Trong năm vừa qua, ngành Thú y đã tập trung vào việc phòng bệnh chủ động thông qua việc tổ chức các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tính đến thời điểm hiện nay, chúng ta có khoảng gần 3.000 cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đạt tiêu chuẩn. Trong đó, riêng năm 2021, mặc dù đối mặt với bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cả nước vẫn có 295 vùng và cơ sở được chứng nhận an toàn dịch bệnh, tương đương với năm 2020.

     

    Bênh cạnh đó, lần đầu tiên Việt Nam có số lượng cơ sở đạt chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dịch tả lợn châu Phi, đây là một trong những bệnh được đánh giá là gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bước đầu, chúng ta đã đạt được 137 cơ sở đạt chứng nhận an toàn dịch bệnh. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển đàn vật nuôi.

     

    Nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Cục Thú y thực hiện đề án xây dựng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của tổ chức Thú y thế giới (OIE) phục vụ cho xuất khẩu. Dự kiến tập trung xây dựng vùng chăn nuôi gia cầm bao gồm 10 huyện sẽ đạt tiêu chuẩn của OIE vào năm 2025.

     

    Phát biểu tại buổi hội nghị tổng kết năm 2020 của Cục Thú y, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao những nỗ lực hoạt động của toàn ngành trong năm vừa qua: “Nhờ sự chăm chỉ làm việc, cống hiến hết mình của cả một tập thể, năm vừa qua ngành Thú y đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Bộ NN&PTNT đánh giá cao tinh thần làm việc và kết quả mà toàn ngành đã đạt được trong suốt năm vừa qua”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

     

    Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý, trong năm 2022, dịch bệnh có thể sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là đối với dịch ASF hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh.  Chính vì vậy toàn ngành cần nâng cao hơn nữa về công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh. Đồng thời, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh Cục Thú y cần tiếp tục phối hợp, làm tốt các công tác kiểm soát dịch bệnh, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, quản lý thuốc thú y, vệ sinh thú y…

     

    Phạm Huệ

    Ông Nguyễn Văn Long (Phó Cục trưởng Cục Thú y):

     

    Hết sức cẩn trọng, chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh năm 2022

     

    Cục Thú y nhận định, với tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn (khoảng 515 triệu con gia cầm, gần 27 triệu con lợn, 10 triệu con trâu, bò) và có thể gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn sẽ tăng nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi.

     

    Bên cạnh đó, Cục Thú y cũng chỉ rõ, với tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm phòng thấp, nhiều đàn chưa hoặc không được tiêm phòng. Kèm theo các loại mầm bệnh lưu hành tỷ lệ cao, tồn tại lâu ngoài môi trường chưa có thuốc và vaccine phòng bệnh và điều kiện thời tiết biến động bất lợi tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển lây lan sẽ là điều kiện lý tưởng cho dịch bệnh bùng phát.

     

    Chính vì thế, Cục Thú y đã đề xuất, kiến nghị các địa phương chủ động kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Đồng thời, đảm bảo thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu kép, vừa phòng chống có hiệu quả dịch Covid-19, vừa bảo vệ, phát triển sản xuất. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y.

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.