Vất vả ‘gác cửa’ dịch bệnh dại mùa nắng nóng - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 56.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi  Vĩnh Phúc 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 55.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 55.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lâm Đồng, Bình Thuận 58.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 57.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 56.000 - 59.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Bến Tre 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Kiên Giang 59.000 đ/kg
    •  
  • Vất vả ‘gác cửa’ dịch bệnh dại mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát. Hiện còn nhiều người dân chưa quan tâm, chủ động tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi nên đội ngũ nhân viên thú y phải căng mình “gác cửa” ngăn chặn dịch bệnh dại bùng phát trên địa bàn.

     

    Để có tấm bằng bác sĩ, kỹ sư thú y, nhiều người phải học đến 5 năm. Khi ra trường, họ phải làm việc trong môi trường giám sát hoạt động chăn nuôi nguy hiểm, dễ lây nhiễm dịch bệnh nhưng thu nhập chưa tương xứng với công sức bỏ ra…

    Tiêu hủy xác chó bị bệnh dại là một công việc nguy hiểm, độc hại, dễ lây nhiễm của nhân viên thú y. Ảnh do Trạm Thú y Biên Hòa cung cấp

     

    Nghề vất vả, nguy hiểm…

     

    Ngoài chẩn đoán, phòng, trị bệnh cho vật nuôi – góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhiệm vụ của nhân viên thú y còn là kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh do hoạt động chăn nuôi lây lan; kiểm dịch động vật; kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y, trong đó có công tác phòng chống bệnh dại – một loại dịch bệnh dễ bùng phát trong mùa nắng nóng.

     

    Gần 20 năm công tác tại Trạm Thú y Biên Hòa, bác sĩ thú y Đào Xuân Vũ cho biết, nếu không yêu nghề thì ông đã không thể gắn bó chừng ấy năm với công tác thú y vốn vất vả và nguy hiểm.

     

    Theo chia sẻ của ông Vũ, năm 2023, đội ngũ nhân viên thú y đã rất vất vả khi dịch bệnh dại bùng phát mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy thành phố Biên Hòa chỉ có 2 ổ dịch bệnh dại nhưng số người bị chó cắn phải đi tiêm vaccine ngừa bệnh dại lại nhiều nhất tỉnh. Trong số đó, không ít người được xác định bị cắn bởi con chó mang bệnh dại nên công tác tiếp nhận thông tin, xử lý các vụ chó dại cắn rất vất vả. Đặc biệt, công tác lấy mẫu đầu chó đi xét nghiệm bệnh dại và xử lý, tiêu hủy phần thân thể chó dại nếu không cẩn thận thì nhân viên thú y có thể bị nhiễm bệnh dại, bởi đây vốn là vật phẩm nguy hại.

     

    Còn anh Lê Trọng Hiếu, bác sĩ thú y hiện phụ trách công tác thú y tại 3 phường: Hố Nai, Tân Biên và Tân Hòa (thành phố Biên Hòa) cho biết, Biên Hòa là địa phương có nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, là nơi cung cấp cũng như trung chuyển lượng rất lớn thịt gia súc, gia cầm. Vì vậy, các công tác liên quan đến hoạt động kiểm tra, giám sát thú y khá bận rộn. Riêng hoạt động phòng dịch bệnh dại, do thiếu nhân viên thú y ở cơ sở, một người phải “gánh” việc cho cả 3 phường nên khá vất vả.

     

    Khi đi cùng anh Hiếu xuống địa bàn tiêm phòng bệnh dại cho chó, chúng tôi mới thấy không phải lúc nào công việc cũng thuận lợi, vì nhiều gia đình không thường xuyên có mặt ở nhà vào ban ngày nên nhân viên thú y cơ sở phải tranh thủ đi vào buổi trưa hay chiều muộn… Thực tế, tiêm được mũi vaccine cho chó nuôi không hề dễ dàng. Những tai nạn, rủi ro có thể xảy ra với nhân viên thú ý bất cứ khi nào do bị chó cắn hoặc lây các bệnh truyền từ động vật sang người… Điều này thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng.

     

    Theo Bộ Y tế, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã có 70 ngàn lượt người bị chó, mèo cắn và có đến 18 ca tử vong nghi do bệnh dại (tăng 8 ca so với cùng kỳ năm 2023). Còn tại Đồng Nai, chỉ trong tháng 1-2024, toàn tỉnh đã có hơn 2,2 ngàn người bị chó cắn phải tiêm vaccine phòng bệnh dại, chưa có ca tử vong.

     

    Anh Hiếu cho hay, nắng nóng là mùa rất dễ phát sinh các trường hợp bị chó cắn cũng như dễ phát sinh bệnh dại ở chó nên công tác tiêm phòng cho đàn chó, mèo đang được thành phố đẩy mạnh. Nhân viên thú y như anh phải đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân đưa chó đi tiêm phòng bệnh dại. Song việc này cũng đầy gian nan vì bên cạnh những gia đình ý thức được sự nguy hiểm của bệnh dại, đồng ý tiêm phòng cho chó, mèo thì vẫn còn không ít hộ tỏ ra thờ ơ, không hợp tác. Có người thậm chí vì sợ tiêm vaccine vào hại cho chó, mèo nên không chịu đưa vật nuôi ra điểm tiêm tập trung mà yêu cầu nhân viên thú y phải đến tận nhà hoặc viện cớ không có tiền mua vaccine ngừa bệnh dại.

     

    “Những lúc như thế, chúng tôi phải đến tận nhà thuyết phục người dân đồng ý đưa chó đi tiêm ngừa; có khi phải bỏ tiền túi để tiêm vaccine ngừa bệnh dại miễn phí cho vật nuôi của những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn…, vì không muốn miễn dịch bệnh dại trong cộng đồng bị “lỗ hổng”, dễ dẫn đến bùng phát dịch” – anh Hiếu tâm sự.

     

    Mức thù lao chưa tương xứng

     

    Theo Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15-3-2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y, mỗi xã, phường, thị trấn phải có ít nhất một nhân viên thú y. Những nhân viên này phải có trình độ chuyên môn thú y từ trung cấp trở lên và phải ở trong độ tuổi lao động.

     

    Vai trò của nhân viên thú y đối với dịch bệnh từ động vật, vật nuôi là khá quan trọng nhưng hiện tại vị trí của nhân viên thú y cấp xã lại không được xem là công chức xã nên không được hưởng các chế độ phụ cấp dành cho công chức, mà chỉ có phụ cấp nghề. Do đó, nhiều người không mặn mà làm nhân viên thú y cơ sở.

    Bác sĩ thú y Lê Trọng Hiếu (trái, phụ trách công tác thú y tại 3 phường: Hố Nai, Tân Biên và Tân Hòa của thành phố Biên Hòa) đến tận nhà dân để tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó nhằm ngăn chặn phát sinh dịch bệnh dại trong mùa nắng nóng

     

    Thành phố Biên Hòa là trung tâm của tỉnh, địa bàn rộng, dân cư đông với 30 phường, xã. Trạm trưởng Trạm Thú y Biên Hòa Nguyễn Công Thành cho biết, địa bàn Biên Hòa có 30 phường, xã nhưng chủ trương chỉ cho 10 nhân viên thú y, đến nay mới tuyển được 7 người. Hiện mỗi người phải “gánh” công tác thú y cho 3 phường, phụ cấp chỉ được 2,8 triệu đồng/tháng. Trong khi đang thiếu người nhưng lại không nhận bác sĩ thú y đã nghỉ hưu, dẫn đến khó khăn trong công tác phòng, chống dịch dại trên địa bàn.

     

    “Nhân viên thú y không chỉ vất vả mà trong công tác còn dễ bị lây nhiễm các bệnh từ động vật hoặc bị chó dại cắn… nhưng vẫn không được xem là tai nạn nghề nghiệp. Những trường hợp nhân viên thú y bị chó cắn, trạm phải đề xuất Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai cấp tiền để anh em tiêm vaccine ngừa bệnh dại” – ông Thành cho hay.

     

    Hiện toàn tỉnh có 170 xã, phường, thị trấn, trong đó có 147 địa phương có hoạt động chăn nuôi và đã có nhân viên thú y.

     

    Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang cho biết, mặc dù hệ thống thú y cơ sở đã được khôi phục nhưng thực tế còn nhiều khó khăn. Nhân viên thú y phải phụ trách nhiều hoạt động như: kiểm tra, giám sát, nắm bắt, điều tra, thống kê tình hình chăn nuôi đến thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật (tiêm phòng, tiêu hủy gia súc, gia cầm chết; đi rắc vôi bột, phun hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường…) nhưng mức phụ cấp lại rất thấp. Trong khi đó, dịch vụ chăm sóc thú cưng đang rất phát triển, cho thu nhập cao nên nhiều bác sĩ thú y không tham gia công tác thú y trên địa bàn để đi làm dịch vụ.

     

    Theo ông Giang, hiện nhân viên thú y cấp xã chỉ được hưởng phụ cấp bằng 1,14 lần mức lương cơ bản/tháng (khoảng 2,1 triệu đồng/tháng). Thu nhập này rất thấp so với mặt bằng kinh tế chung hiện nay nên không khuyến khích được đội ngũ bác sĩ thú y tích cực tham gia hệ thống mạng lưới thú y xã. Ngay cả phụ cấp độc hại 447 ngàn đồng/tháng cũng chỉ có kiểm dịch viên, kiểm soát viên mới được hưởng. Trong khi đó, đội ngũ nhân viên thú y cơ sở phần lớn làm việc ngoài giờ, đi tác nghiệp bị chó cắn, bò đá, trâu húc là không hiếm gặp, thậm chí phải đối mặt với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ động vật sang người như: bệnh tả lợn, cúm gia cầm…

     

    “Với thu nhập thấp như vậy, nhiều bác sĩ thú y đã không mặn mà với mạng lưới thú y cơ sở mà mở phòng khám làm dịch vụ chăm sóc thú cưng – một dịch vụ cho thu nhập rất tốt hiện nay. Hiện chi cục đang đề xuất tăng phụ cấp cho nhân viên thú y cấp xã từ 1,14 lên 1,5 lần mức lương cơ bản để động viên anh em gắn bó với nghề” – ông Giang chia sẻ.

     

    Phương Liễu

    Nguồn: báo Đồng Nai

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.