Giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn của Bộ đội Biên phòng - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 62.000 - 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi  Vĩnh Phúc 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi  Thái Bình, Phú Thọ 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 61.000 - 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 61.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lâm Đồng, Bình Thuận 63.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 62.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 61.000 - 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Bến Tre 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Kiên Giang 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Tiền Giang, Trà Vinh 61.000 đ/kg
    •  
  • Giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn của Bộ đội Biên phòng

    Tác giả: PHẠM VĂN HIỆU

    Khoa Huấn luyện chó chiến đấu, Trường Trung cấp 24 Biên phòng

     

    [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Hoạt động tìm kiếm cứu nạn của bộ đội biên phòng đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong tình hình mới. Vì vậy, chất lượng huấn luyện chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn cần được nâng cao, thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp then chốt

     

    Bộ đội Biên phòng: Lực lượng luôn chủ động, tích cực huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn và ứng phó sự cố thiên tai

     

    Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt trong thời gian qua do ảnh hưởng của hiện tượng “La Nina kép” gây ra mưa bão, giông lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, động đất…, làm thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của Nhà nước, Nhân dân. Để chủ động phòng, chống và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cần có một chiến lược dài hạn, mang tầm vĩ mô, nhất là sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt.

    Bộ đội biên phòng cùng chó nghiệp vụ tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở đất

     

    Bộ đội Biên phòng (BĐBP) là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam; là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, lực lượng BĐBP còn tham gia tích cực, hiệu quả trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; không chỉ giới hạn ở phạm vi trong nước, lực lượng BĐBP còn tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn tại các quốc gia trên thế giới.

     

    Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn: Biện pháp hiệu quả cao

     

    Quá trình thực hiện nhiệm vụ đã sử dụng nhiều loại phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để tham gia tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn là một trong những biện pháp mang lại hiệu quả cao, góp phần giúp các lực lượng chức năng nhanh chóng phát hiện xác định được vị trí các nạn nhân bị vùi lấp mất tích trong các vụ sạt lở đất đá, sập đổ công trình do giông lốc, mưa lũ, động đất gây ra.

    Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn.

     

    Để phát huy tốt khả năng, tác dụng của chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn, việc nâng cao chất lượng huấn luyện và phát huy được hiệu quả sử dụng trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn là vấn đề đặt lên hàng đầu. Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, cơ sở đào tạo chuyên ngành chó nghiệp vụ (Trường Trung cấp 24 Biên phòng) cũng như các đơn vị được trang bị chó nghiệp vụ đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, biện pháp nhằm: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên (HLV) làm công tác huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn; bổ sung, điều chỉnh nội dung, chương trình huấn luyện, đào tạo; xây dựng hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất trang bị, thao trường, bãi tập phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo; nghiên cứu, tuyển chọn chó nghiệp vụ chất lượng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn đưa vào huấn luyện, sử dụng trong công tác tìm kiếm cứu nạn. Từ đó, chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn của BĐBP ngày càng được nâng cao, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

     

    Kết quả huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn: Chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn…

     

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế nhất định, dẫn đến kết quả huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn.

     

    Trong đó, nổi lên một số vấn đề như: Công tác tham mưu đề xuất sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn; tổ chức biên chế lực lượng huấn luyện viên và chó nghiệp vụ nói chung, tìm kiếm cứu nạn nói riêng chưa được kiện toàn; vật chất, trang thiết bị cho huấn luyện viên và chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn chưa đồng bộ thống nhất; thiếu phương tiện máy múc, máy cẩu, phương tiện chuyên dụng chở chó nghiệp vụ cơ động, cũng như kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên trong huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế; kinh nghiệm vận dụng các phương pháp huấn luyện, kỹ năng điều khiển chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế, trình độ nhận thức, năng lực của huấn luyện viên không đồng đều; chất lượng tuyển chọn chó nghiệp vụ đầu vào gặp nhiều bất cập; thao trường, bãi tập phục vụ công tác huấn luyện chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn tại cơ sở đào tạo cũng như các đơn vị được trang bị chó nghiệp vụ chưa được đầu tư xây dựng tương xứng, không đáp ứng được yêu cầu huấn luyện và chưa sát với tình hình thực tế ở những nơi thường xảy ra thiên tai, sự cố.

     

    Hoạt động tìm kiếm cứu nạn của BĐBP đòi hỏi chất lượng ngày càng cao

     

    Mặt khác, trong thời gian tới Việt Nam cũng như Quốc tế đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề về an ninh phi truyền thống như: Hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu, sự suy thoái đa dạng về sinh học, tài nguyên, tầng ôzon, sự hoang mạc hóa, ô nhiễm về nguồn nước, môi trường, ô nhiễm các chất hữu cơ độc hại khó phân hủy, các trận động đất, sóng thần…

    Thời tiết và thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nguy cơ có thể xảy ra lũ quét và sạt lở đất, đá…

     

    Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 trạng thái khí quyển và đại dương đã ở trong điều kiện El Nino và tiếp tục được duy trì với xác suất khoảng 85 – 95%, dự báo từ cuối tháng 7 đến hết năm 2024 trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 09 – 11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng  04 – 06 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Thời gian bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng xảy ra chủ yếu tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ nửa cuối tháng 7 – 9/2024, ảnh hưởng tới khu vực Trung Trung Bộ và các tỉnh phía Nam từ tháng 10 – 12/2024. Do vậy, tình hình thời tiết và thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lượng mưa có xu hướng tập trung vào những tháng cuối năm từ tháng 8 đến tháng 11, nguy cơ có thể xảy ra lũ quét và sạt lở đất, đá, sập đổ công trình do mưa lũ, đặc biệt là ở các vùng đồi, núi, khu vực thuỷ điện vừa và nhỏ thuộc các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Bắc.

     

    Công tác giáo dục – đào tạo lực lượng huấn luyện viên huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn của BĐBP đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong tình hình mới. Vì vậy, đòi hỏi chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên của cơ sở giáo dục – đào tạo; huấn luyện viên của các đơn vị được trang bị chó nghiệp vụ cần phải tiếp tục được đào tạo cơ bản và bồi dưỡng nâng cao trình độ sự phạm, bản lĩnh, kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ, số lượng huấn luyện viên và chó nghiệp vụ phải được kiện toàn biên chế đủ theo quy định, có quy hoạch lâu dài, luân chuyển hợp lý, tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, tích lũy kinh nghiệm trong huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn, đồng thời làm tốt công tác tuyển chọn đầu vào đào tạo Trung cấp huấn luyện viên và chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.

     

    Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn phải được huấn luyện nâng cao thể lực và phát triển phản xạ có điều kiện tìm kiếm nguồn hơi người trong nhiều thao trường sạt lở, sập đổ khác nhau, sát với thực tế hiện trường các vụ việc sạt lở, sập đổ xảy ra trong thực tế. Đây chính là những vấn đề quan trọng không thể thiếu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ nói chung, huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn nói riêng của BĐBP.

     

    Những giải pháp then chốt

     

    Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra cần tập trung vào một số giải pháp sau:

     Đội ngũ giáo viên và huấn luyện viên huấn luyện chó nghiệp vụ

     

    Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn.

     

    Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và làm tốt công tác tham mưu đề xuất của cấp uỷ, chỉ huy các cấp từ cơ sở giáo dục – đào tạo đến các đơn vị được trang bị chó nghiệp vụ trong BĐBP là một giải pháp then chốt có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác chỉ huy, chỉ đạo, định hướng công tác huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn nhằm bảo đảm cho công tác đào tạo, huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn của BĐBP luôn được thực hiện theo đúng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, phương châm giáo dục – đào tạo cũng như phương châm 4 tại chỗ trong công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương.

     

    Hai là, nâng cao trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ giáo viên và huấn luyện viên trong huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn

     

    Bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn là yếu tố giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ sở cho mọi hoạt động của con người. Chất lượng, hiệu quả huấn luyện chó nghiệp vụ nói chung, huấn luyện chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực của đội ngũ giáo viên và huấn luyện viên. Đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên phải là người tâm huyết với nghề, say mê sáng tạo trong huấn luyện, dũng cảm quyết đoán trong quá trình sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn. Đây là giải pháp cơ bản, là nền tảng quyết định đến chất lượng huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn của BĐBP.

     

    Thực tế đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên của Nhà trường và các đơn vị được trang bị chó nghiệp vụ hiện nay vẫn còn bộc lộ những hạn chế về phương pháp huấn luyện cũng như kinh nghiệm thực tiễn trong sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn của BĐBP.

     

    Mặt khác, yêu cầu về chất lượng đào tạo, huấn luyện đặt ra ngày càng cao. Vì vậy, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, sự nhiệt tình tâm huyết với nghề, niềm say mê sáng tạo trong giảng dạy, huấn luyện cho đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên là yêu cầu cần thiết và cấp bách đáp ứng nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài.

    Đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên cần được nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn trong huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ 

     

    Để giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn trong huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn cho đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên tại Nhà trường và các đơn vị được trang bị chó nghiệp vụ cần tập trung vào một số vấn đề như: Ổn định và kiện toàn về tổ chức biên chế đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên tại Nhà trường và huấn luyện viên tại các đơn vị được trang bị chó nghiệp vụ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, khắc phục mọi khó khăn, luôn yêu ngành, yêu nghề, yên tâm gắn bó với nghề nghiệp, không quản ngại hy sinh, gian khổ sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

     

    Làm tốt công tác tham mưu, đề xuất bảo đảm chính sách phù hợp trong sử dụng, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên. Nâng cao trình độ, năng lực, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn về huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn cho đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên. Bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên tại Nhà trường; năng lực về chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn cho đội ngũ huấn luyện viên tại các đơn vị được trang bị chó nghiệp vụ.

    Lực lượng bộ đội biên phòng và chó cứu hộ tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại nước ngoài và dành được tình cảm yêu quý của cư dân sở tại

     

    Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện và xây dựng hoàn thiện quy trình sử dụng chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn

     

    Nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức huấn luyện chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn có vai trò quan trọng trong hoạt động giảng dạy, là cách thức để người dạy (giáo viên) truyền thụ những kiến thức cơ bản và người học lĩnh hội những kiến thức được truyền thụ vận dụng sáng tạo vào trong quá trình huấn luyện thực hành có chó nghiệp vụ.

     

    Sử dụng hình thức, phương pháp huấn luyện phù hợp sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo nói chung, huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn (TKCN) nói riêng. Nếu vận dụng hình thức và phương pháp huấn luyện phù hợp, khoa học sát điều kiện thực tế và trình độ nhận thức của HLV sẽ tạo cho HLV sự hứng thú, say mê, tự giác tích cực luyện tập từ đó góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện chó nghiệp vụ TKCN.

     

    Ngược lại, vận dụng hình thức, phương pháp huấn luyện các nội dung có chó nghiệp vụ không phù hợp sẽ gây tác dụng ngược, thậm chí hạn chế khả năng tiếp thu kiến thức của HLV, gây tâm lý nhàm chán, mệt mỏi, quá trình luyện tập chỉ mang tính đối phó dẫn đến hiệu quả huấn luyện chó nghiệp vụ TKCN không cao. Vì vậy, việc đổi mới nội dung và kết hợp nhuần nhuyễn giữa các hình thức, phương pháp huấn luyện là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ TKCN.

     

    Bốn là, bảo đảm đầu tư cơ sở vật chất, thao trường huấn luyện và nâng cao chất lượng tuyển chọn chó đầu vào phục vụ công tác huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn

                                          Đầu tư cơ sở vật chất, thao trường huấn luyện có vai trò quan trọng

     

    Việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, thao trường huấn luyện và chất lượng chó nghiệp vụ đầu vào có vai trò hết sức quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng đào tạo, huấn luyện chó nghiệp vụ TKCN. Những năm qua, đối với các đơn vị được trang bị chó nghiệp vụ, nhất là Trường Trung cấp 24 Biên phòng luôn nhận được sự quan tâm của Bộ Tư lệnh, Bộ Quốc phòng trong đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, thao trường theo đúng quy chuẩn, phù hợp và sát với thực tế đào tạo, huấn luyện; chất lượng chó nghiệp vụ được tuyển chọn đưa vào huấn luyện không ngừng được nâng lên đảm bảo cho việc dạy và học theo đúng kế hoạch đào tạo đã được xác định, đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Vì vậy, việc đảm bảo cơ sở vật chất, thao trường và chất lượng chó nghiệp vụ là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn.

     

    Năm là, thường xuyên tham gia hoạt động diễn tập và tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm công tác huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn của BĐBP và phối hợp với Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga trong việc nghiên cứu tuyển chọn, huấn luyện giống chó bản địa Việt Nam

     

    Gắn liền với việc thực hiện các giải pháp trên phải thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm huấn luyện, sử dụng chó tham gia tìm kiếm cứu nạn. Bổ sung những vấn đề thực tiễn mới được phát hiện trong quá trình huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ, chó bản địa Việt Nam tìm kiếm cứu nạn vào lý luận huấn luyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện trong tình hình mới.

     

    Vì vậy, tiến hành đánh giá kết quả công tác phối hợp, sơ kết, tổng kết để rút ra những ưu điểm, hạn chế và chỉ ra nguyên nhân, đề ra các biện pháp tổ chức thực hiện tốt hơn đây là một giải pháp hết sức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ, chó bản địa Việt Nam trong TKCN.

    Chó Lài sông Mã – giống chó bản địa Việt Nam được tuyển chọn để huấn luyện

     

    Việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác phối hợp là một trong những nội dung các bước của quy trình công tác trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nhằm rà soát, kiểm điểm, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân của những hạn chế thiếu sót và bàn biện pháp tháo gỡ cũng như tìm ra những mô hình, cách làm hay sáng tạo, hiệu quả để nhân rộng điển hình; đồng thời phát hiện, biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích để động viên khích lệ tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, HLV phấn khởi, yêu ngành, yêu nghề, yên tâm công tác.

     

    Mặt khác, HLV và chó nghiệp vụ khi được sử dụng trong tham gia diễn tập phòng thủ dân sự huyện, tỉnh, khu vực… sẽ giúp cho người cán bộ chỉ huy và HLV rút ra được những kinh nghiệm thực tiễn quý giá để tự mình nâng cao bản lĩnh, luôn tự tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khi có vụ việc thiên tai thảm hoạ thực tế xảy ra, chó nghiệp vụ phát triển được phản xạ TKCN trong các điều kiện hoàn cảnh khác nhau nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

     

    Hiện nay, Trường Trung cấp 24 Biên phòng chủ yếu sử dụng các giống chó Becgie, Labrador, Malinois để đưa vào huấn luyện TKCN và đã đạt được những thành công, hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, các giống chó trên đều là các giống chó nhập ngoại, khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, thời tiết của các vùng miền khó khăn; thân hình to lớn, khó luồn lách tìm kiếm ở những vị trí nhỏ hẹp, đặc biệt là chi phí mua chó, nuôi dưỡng đắt đỏ. Chính vì vậy, việc phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga nghiên cứu, bổ sung các giống chó bản địa Việt Nam đưa vào huấn luyện TKCN là hết sức cần thiết, góp phần nâng cao hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai đơn vị, nâng tầm chó bản địa Việt Nam, cũng như đa dạng được giống chó đưa vào huấn luyện tìm kiếm cứu nạn của Trường Trung cấp 24 Biên phòng nói riêng và Bộ đội Biên phòng nói chung.

     

    * TÀI LIỆU THAM KHẢO

     

    I. Tài liệu trong nước

     

    1. Bộ Quốc phòng, Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011-2020, ban hành kèm theo Quyết định số 2523/QĐ-BQP ngày 15/7/2013, Hà Nội, 2013.

     

    2. Bộ Quốc phòng, Quyết định số 5570/QĐ-BQP ngày 27/12/2014 của Bộ Quốc phòng “Về phê duyệt Đề án thành lập các Đội tham gia hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai của Bộ Quốc phòng”, Hà Nội, 2014.

     

    3. Bộ Quốc phòng, Thông tư số 87/2018/TT-BQP ngày 23/6/2018 của Bộ Quốc phòng “Quy định về quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng”, Hà Nội, 2018.

     

    4. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quyết định số 2222/QĐ-BTL ngày 01/6/2019 “Về quy định biểu tổ chức biên chế, quân số của Trường Trung cấp 24 Biên phòng”, Hà Nội, 2019.

     

    5. Bộ Tư Lệnh, Bộ đội Biên phòng, Quyết số 249/QĐ-BTL ngày 27/01/2015 “Về việc thành lập Đội sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn của BĐBP”, Hà Nội, 2015.

     

    6. Chính Phủ, Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 “Quy định tổ chức hoạt động ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn”, Hà Nội, 2017.

     

    7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Hà Nội, 2013.

     

    8. Tổng Cục Chính trị QĐND Việt Nam, Giáo trình giáo dục học quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.

     

    9. Trường Trung cấp 24 Biên phòng, các Báo cáo tổng kết công tác Biên phòng năm, (Số 1152/BC-TC24BP ngày 26/12/2017; số 1257/BC-TC24BP ngày 27/12/2018; số 1495/BC-TC24BP ngày 09/12/2019; số 1602/BC-TC24BP ngày 14/12/2020) Hà Nội, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023.

     

    10. Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Giáo trình Kiến thức chung huấn luyện chó nghiệp vụ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019.

     

    11. Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Giáo trình Huấn luyện chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn trong bùn nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019.

     

    12. Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Giáo trình Huấn luyện chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn trong sập đổ công trình, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2016.

     

    13. Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Giáo trình Huấn luyện chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn trong sạt lở đất, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2020.

     

    14. Trung tâm từ điển Bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

     

    15. Trung tâm Từ điển học, Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2008.

     

    II. Tài liệu nước ngoài

     

    1. V. I Sủ-gô-xin (Liên Xô), Giáo trình huấn luyện chó, Hà Nội, 1986.

     

    2. V.N Dubko (Liên Xô), Giáo trình huấn luyện chó, Hà Nội, 1987.

     

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.