I. CHU TRÌNH CHĂN NUÔI LỢN
Chu trình chăn nuôi lợn công nghiệp là một chuỗi giai đoạn liên tục bởi vì lợn thuộc loài gia súc sinh sản ở tất cả các thời điểm khác nhau trong năm. Một chu trình sản xuất lợn thương phẩm thông dụng được Giáo sư Nguyễn Xuân Trạch và ctv (2015) mô tả ngắn gọn, đầy đủ và rõ ràng thông qua một số giai đoạn chính được thể hiện ở Hình 1
Hình 1. Chu trình chăn nuôi lợn thông dụng
Như vậy, có thể chia chu trình chăn nuôi lợn công nghiệp khép kín làm 3 giai đoạn: lợn nái sinh sản; lợn con cai sữa; lợn sinh trưởng và vỗ béo:
1.1. Giai đoạn chăn nuôi lợn sinh sản
Lợn nái được nuôi và phối giống để sinh ra lợn con. Hiện nay, lợn nái hầu hết được phối giống bằng thụ tinh nhân tạo. Lợn con sinh ra được cho bú sữa mẹ và sau 3-4 tuần tuổi thì được cai sữa. Trong chăn nuôi lợn hiện đại, lợn con cai sữa thường được thực hiện khoảng 3 tuần tuổi. Lợn con sau khi cai sữa sẽ được chuyển đến các hộ hoặc trang trại nuôi lợn sinh trưởng và vỗ béo.
Chăn nuôi lợn nái sinh sản thành công nhất chỉ khi sản xuất được nhiều lợn con cai sữa/nái/năm cao nhất, với mức đồng đều nhất và chi phí thấp nhất cho mỗi kg lợn con cai sữa. Trong hệ thống chăn nuôi hiện đại, một lợn nái thường đẻ khoảng 2,3 lứa/năm và một ổ đẻ thường có 12-14 lợn con sơ sinh sống. Như vậy, 1 lợn nái thường cho 22-26 lợn con cai sữa/năm.
1.2. Giai đoạn chăn nuôi lợn con sau cai sữa
Lợn con sau khi cai sữa thường được nuôi trong một môi trường kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, thường được nuôi trên tầng sàn có các rãnh nhỏ. Sàn chuồng thường là nhựa hoặc nhựa bọc thép vì chúng mang lại sự thoải mái cho lợn con tốt hơn sàn bê tông. Sàn được đặt cách nền chuồng 20-30cm nhằm tránh làm lạnh lợn con. Tại chuồng, lợn con được cung cấp nước và thức ăn liên tục. Nhiệt độ tại chuồng được điều khiển bởi một bộ điều chỉnh nhiệt đến lò sưởi và quạt thông gió liên tục nhằm sưởi ấm cho lợn và giữ chuồng khô ráo. Lợn cai sữa sau 6-10 tuần tuổi được chuyển qua các hộ hoặc trang trại chăn nuôi lợn sinh trưởng và vỗ béo.
1.3. Giai đoạn chăn nuôi lợn sinh trưởng và vỗ béo
Lợn trong giai đoạn sinh trưởng và vỗ béo phải được cho ăn theo nhu cầu đến khi chúng đạt khối lượng xuất chuồng để giết thịt. Lợn thường được nuôi khoảng 5-6 tháng tuổi thì đạt khối lượng xuất chuồng, tùy thuộc vào giống và chế độ nuôi dưỡng. Trong một vài trường hợp, lợn cái hậu bị có chất lượng tốt được chọn lại làm lợn nái để bổ sung thay thế đàn lợn nái già bị thải loại.
II. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC SẢN XUẤT CỦA LỢN
Sức sản xuất của lợn cũng như tất cả các loài gia súc khác đều phụ thuộc 2 nhóm yếu tố là di truyền và ngoại cảnh.
2.1. Yếu tố di truyền
Trong yếu tố di truyền thì công tác giống, đặc biệt là phương pháp chọn lọc các giống lợn khác nhau thì khả năng sinh trưởng của chúng cũng khác nhau. Như chúng ta đã biết, hệ số di truyền là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá tiềm năng di truyền của gia súc trong quá trình sinh trưởng. Hệ số di truyền đối với tính trạng khác nhau là khác nhau như tính trạng khối lượng trung bình/ngày nuôi, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng ở giai đoạn trưởng thành của lợn vỗ béo, tính trạng dày mỡ lưng của lợn thịt.
Bên cạnh đó, mối tương quan giữa các tính trạng cũng là yếu tố được khai thác triệt để trong chọn giống nhằm nâng cao khả năng sinh trưởng của vật nuôi. Do các mối tương quan này có cả tương quan thuận và tương quan nghịch, nên chọn lọc chúng hết sức chú ý để khi nâng cao tính trạng này không ảnhhưởng đến tính trạng khác. Ví dụ, chỉ tiêu tăng khối lượng liên kết chặt chẽ với chỉ tiêu thu hiểu biết ăn vì đây là mối tương quan di truyền thuận.
Cuối cùng, ưu thế lai làm tăng khả năng sinh trưởng và tăng khối lượng cơ thể. Con lai thường cao hơn trung bình của bố mẹ về tăng khối lượng nhờ có ưu thế lai. Nhưng, cũng cần hiểu rằng, lai giống không đảm bảo hoàntoàn việc tăng khả năng sinh trưởng bởi vì kết quả lai phụ thuộc vào việc các giống và công thức lai được lựa chọn để tạo con lai thương phẩm. Con lai 3 giống giữa Duroc, Yorkshire và Landrace có ưu thế lai về tăng khối lượng là 16,44% thì ưu thế lai về tiêu tốn thức ănthấp, chỉ -8,18%, nhưng con lai ở công thức lai ngược trở lại có ưu thế lai về tăng khối lượng thấp hơn, chỉ là 7,03% lại có ưu thế lai về tiêu tốn thức ăn tốt hơn, đó là -2,7% (Liu và ctv, 2000).
2.2. Các yếu tố ngoại cảnh
2.2.1. Dinh dưỡng và phương thức cho ăn
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất trong số các yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của lợn. Mối quan hệ giữa năng lượng và protein trong khẩu phần ăn ảnh hưởng đến tốc độ tăng khối lượng và tiêu tốn thức ăn của lợn. Lợn thịt được ăn khẩu phần protein thấp thì sẽ sinh trưởng chậm, đạt khối lượng giết thịt thấp. Đó là vì khả năng tích luỹ mỡ, tăng tỷ lệ mỡ trong cơ của lợn tăng khi lợn được nuôi dưỡng với khẩu phần có mức năng lượng và protein thấp (Wood và ctv, 2004). Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các vitamin với nhau và giữa vitamin với protein và khoáng cũng ảnh hưởng đến tốc độ tăng khối lượng, chất lượng thịt. Bổ sung axit amin, chất khoáng cũng giúp lợn tăng khả năng sinh trưởng nhanh hơn.
Phương thức nuôi dưỡng cũng ảnhhưởng đến khả năng tăng khối lượng và tiêu tốn thức ăn của lợn. Lợn có lượng thức ăn trên ngày, khả năng tăng khối lượng nhanh và độ dày mỡ lưng lớn khi lợn được ăn theo khẩu phần tự do. Thậm chí, lợn cho ăn khẩu phần ăn tự do thì tỷ lệ mỡ cao hơn lợn bị hạn chế chế độ ăn.
2.2.2. Tính biệt của lợn
Nguyễn Văn Đức và ctv (2001) cũng như hầu hết các tác giả nghiên cứu về giới tính đều cho biết tính biệt ảnh hưởng rõ rệt tới chỉ tiêu tăng khối lượng của các giống lợn Móng Cái, Landrace, Yorkshire, Duroc, Pietrain và con lai giữa chúng. Nguyên nhân của sự khác nhau đó là lợn cái, lợn đực hay đực thiến có khả năng sinh trưởng và cấu thành cơ thể khác nhau. Nhu cầu về năng lượng duy trì của lợn cái và lợn đực thiến thấp hơn lợn đực không thiến.
2.2.3. Điều kiện chăn nuôi
Lợn nuôi trong chuồng với mật độ dày thì ăn ít hơn và khả năng tăng khối lượng cũng thấp hơn so với lợn được nuôi trong chuồng có mật độ nuôi phù hợp. Lợn được nuôi theo đàn thì lượng thức ăn thu nhận/ngày sẽ cao hơn so với lợn nuôi theo từng ô chuồng. Như vậy, điều kiện chăn nuôi tốt thì khả năng sinh trưởng của lợn được cải thiện. Các điều kiện này bao gồm chuồng trại, mật độ nuôi mỗi chuồng, diện tích chuồng phù hợp.
Lợn nuôi tại chuồng hở, chuồng nuôi với mật độ cao có tốc độ tăng trưởng kém hơn lợn nuôi trong chuồng rộng-kín với mật độ nuôi phù hợp. Bên cạnh đó, biện pháp kỹ thuật, nhiệt độ và độ ẩm chuồng nuôi cũng như các tác nhân stress ảnh hưởng đến sự trao đổi chất đều tác động lên khả năng sinh trưởng và phát dục ở lợn (Vũ Đình Tôn và Trần Thị Thuận, 2005).
Nếu kỹ thuật chăn nuôi lợn con tốt thì không chỉ đạt được tỷ lệ nuôi sống lợn con cao, rút ngắn thời gian cai sữa mà còn tăng được khối lượng lợn con và tốc độ sinh trưởng của lợn giai đoạn nuôi sinh trưởng và vỗ béo cũng tốt hơn. Một số stress của lợn thường xảy ra do tiểu khí hậu không thích hợp, cho ăn không theo khẩu phần, quá trình cân đo, vận chuyển lợn trong các mục đích phân đàn hoặc điều trị cũng như do thiếu nước uống.
2.2.4. Mùa vụ
Mùa vụ có ảnh hưởng rõ rệt tới độ dày mỡ lưng và hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn (Huang và ctv, 2004). Lợn nái Yorkshire trong giai đoạn tiết sữa nuôi vào mùa hè có lượng thức ăn thu nhận hàng ngày giảm 20% và ở giống lợn nái địa phương vùng Caribean là giảm 14% (Gourdine và ctv, 2006). Tác giả giải thích kết quả này do sự thích nghi của giống lợn Yorkshire kém hơn giống lợn địa phương.
Mà việc giảm về lượng thức ăn thu nhận sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh trưởng của lợn. Như vậy, mùa vụ ảnh hưởng đến khả năng tăng khối lượng của lợn.
III. THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG CHĂN NUÔI LỢN TẠI VIỆT NAM
3.1. Thuận lợi
3.1.1. Thị trường sản phẩm chăn nuôi
Chăn nuôi toàn cầu đang hướng tới những năm 2020 giống như một cuộc cách mạng về thực phẩm trong bối cảnh phát triển tương quan giữa các yếu tố là thu nhập, môi trường, dân số và y tế cộng đồng. Nhu cầu các sản phẩm chăn nuôi trên thế giới nói chung và các nước đang phát triển nói riêng tăng nhanh. Xu hướng chuyển dịch ngành chăn nuôi từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và từ các nước châu Âu sang các nước châu Á Thái Bình Dương tăng. Do đó, các nước Châu Á (trong đó có Việt Nam) sẽ sớm trở thành khu vực có ảnh hưởng quyết định đến cuộc cách mạnh thực phẩm toàn cầu vì đây là khu vực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lớn nhất thế giới (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2018).
3.1.2. Hợp tác và trao đổi quốc tế
Khi tham gia hội nhập nền kinh tế thế giới, ngành chăn nuôi Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ mới, kỹ thuật chăn nuôi lợn mới, con giống mới cũng như các hình thức sản xuất tiên tiến (Võ ThịPhương Nhung và Đỗ Thị Thúy Hằng, 2017). Việt Nam đã hợp tác và trao đổi quốc tế về khoa học công nghệ, vật tư và sản phẩm chăn nuôi. Sự hợp tác này sẽ ngày càng sâu rộng khi nhu cầu các sản phẩm chăn nuôi toàn cầu đang không ngừng tăng trưởng (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2018).
3.1.3. Chính sách chăn nuôi
Ngành chăn nuôi được Đảng và Nhà nước xác định là ngành kinh tế trọng điểm, cần tập trung đầu tư phát triển. Hiệu quả sản xuất chăn nuôi đang được thúc đẩy nhờ nhiều chính sách trong lĩnh vực chăn nuôi được
Chính phủ và các địa phương ban hành trong thời gian qua, đặc biệt là đề án “tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/06/2013 (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2018). Ngoài ra, cơ chế chính sách tạo hành lang và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng được hoàn thiện hơn khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do. Theo Võ Thị Phương Nhung và Đỗ Thị Thúy Hằng (2017), khi mở cửa thị trường hàng hóa thông qua cắt giảm lộ trình thuế quan, hiệu quả chăn nuôi được nâng cao vì giảm chi phí nhập khẩu các đầu vào chăn nuôinhư nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, con giống, trang thiết bị chăn nuôi.
3.2. Khó khăn
3.2.1. Giá thức ăn chăn nuôi cao với chất lượng thức ăn chưa được kiểm soát chặt chẽ và thiếu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
So với các nước trong khu vực, giá thức ăn chăn nuôi ở nước ta thường cao hơn khoảng 10-15% và thường xuyên biến động lớn (Huỳnh Minh Trí, 2014). Theo Đinh Xuân Tùng và ctv (2010), chất lượng thức ăn do các nhà máy chế biến sản xuất thức ăn gia súc rất khác nhau và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Không ít nhà máy có bểu hiện gian lận chất lượng sản phẩm. Thậm chí, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành chăn nuôi.
Việt Nam đang đứng trước tình trạng thiếu nghiêm trọng các nguyên liệu dùng làm thức ăn cho lợn. Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (2016) nhận định 50% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi được nhập từ nước ngoài. Cụ thể, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu thường là khô dầu đậu tương, chiếm 54,7%; tiếp theo là 12% nhóm bột xương, thịt động vật và bột cá; các loại khô dầu thực vật, chiếm 6,8%; 4,8% các loại cám, tấm, phế liệu từ ngũ cốc. Trung tâm này cũng chỉ ra trị giá nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt trên 3,39 tỷ USD vào năm 2015, tăng 4,2% so với năm 2014.
Bên cạnh đó, 30% nhà máy thuộc doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi nước ngoài và liên doanh đã sản xuất 60% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại Việt Nam, đạt 9,51 triệu USD (năm 2015). Như vậy, Việt Nam đang không ngừng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và các nhà máy thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ trong nước chưa đủ sức cạnh tranh với các nhà máy có nguồn vốn nước ngoài (Nguyễn Đức Hải,2017).
3.2.2. Năng suất chăn nuôi thấp nhưng giá thành cao
Năng suất chăn nuôi thấp thường do lợn tăng trưởng chậm, khối lượng xuất chuồng chưa cao, thời gian nuôi dài, chi phí cao. Ở các trại chăn nuôi tập trung đang còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cả thị trường tiêu thụ sản phẩm… Năng suất vật nuôi thấp, năng suất lao động thấp trong khi ngành chăn nuôi phải chịu chi phí đầu vào cao, dịch bệnh thường đe dọa, nhiều khâu trung gian, liên kết chăn nuôi yếu… dẫn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi cao và lợi nhuận chưa cao và không ổn định (Võ Thị Phương Nhung và Đỗ Thị Thúy Hằng, 2017).
3.2.3. Khống chế dịch bệnh trong chăn nuôi lợn khó khăn
Mật độ ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam lớn hơn so với các quốc gia khác, do đó ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý ô nhiễm và dịch bệnh (Huỳnh Minh Trí, 2014). Đặc biệt, các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ thường ít chủ động trong phòng chống dịch bệnh (Võ Thị Phương Nhung và Đỗ Thị Thúy Hằng, 2017). Việc triển khai phòng trừ dịch bệnh đồng bộ cho những dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, dịch tả, tai xanh… có tiến độ còn chậm vì sự kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi lỏng lẻo tại một số địa phương (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2018).
3.2.4. Kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn còn gặp nhiều khó khăn
Nguyên tắc thương mại là phải chọn mặt hàng có lợi thế cạnh tranh. Muốn tăng sức cạnh tranh, ngành chăn nuôi phải nhanh chóng tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2014). Thị trường là mệnh lệnh của sản xuất, người chăn nuôi phải nắm bắt được tín hiệu của thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, thông tin giữa người chăn nuôi và người tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hiện vẫn còn có khoảng cách và độ tin cậy kém (Võ Thị Phương Nhung và Đỗ Thị Thúy Hằng, 2017). Người chăn nuôi phải bán sản phẩm với giá thấp cho người trung gian, người tiêu thụ lại phải mua với giá cao hơn. Chênh lệch này người giết mổ hay buôn bán thịt lợn được hưởng lợi. Chỉ khi người chăn nuôi được cung cấp thông tin đầy đủ, tổ chức theo liên kết chuỗi và chất lượng sản phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng tốt mới đủ sức cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi lợn của các nước trong khu vực (World Bank, 2017).
3.2.5. Ô nhiễm môi trường
Xu hướng chăn nuôi quy mô lớn hơn và chăn nuôi thâm canh ngày càng gia tăng kéo theo vấn đề ô nhiễm môi trường cũng càng ngày càng nghiêm trọng (World Bank, 2017). Bởi vì quá trình tạo chất thải từ chăn nuôi đã vượt qua quá trình tái chế chất thải thành phân bón hoặc khí đốt sinh học. Hậu quả của việc xả thải chất thải chăn nuôi không hợp lý và xử lý chất thải trước khi xả vào môi trường xung quanh còn thiếu sót dẫn đến nước, đất và không khí bị ô nhiễm cục bộ.
3.2.6. Các vấn đề an toàn thực phẩm
Quản lý an toàn thực phẩm hạn chế là vấn đề nổi cộm của ngành chăn nuôi lợn hiện nay. Các sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế được quản lý hiệu quả và các sản phẩm nội địa thường có chất lượng thấp hơn và quy trình kiểm tra ít khắt khe hơn (World Bank, 2017). Một số bằng chứng cho thấy thịt lợn lưu thông trên thị trường Việt Nam chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm (Phu Thai, 2007; Hien, 2009; Lã Văn Kính, 2009).
Chất lượng sản phẩm chăn nuôi không những chịu ảnh hưởng của quá trình chăn nuôi mà còn bị ảnh hưởng lớn bởi khâu giết mổ, chế biến và bảo quản sản phẩm (World Bank, 2017). Hệ thống chăn nuôi quy mô nhỏ và chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang cung cấp ra thị trường gần 70% sản phẩm thịt (Võ Thị Phương Nhung và Đỗ Thị Thúy Hằng, 2017). Việt Nam có ít cơ sở giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và công nghệ chế biến, bảo quản thực phẩm còn thấp. Mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiềunỗ lực và đầu tư trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm , nhưng các hệ thống sản xuất và phân phối thực phẩm an toàn vẫn chiếm chưa tới 10% thị trường thực phẩm (World Bank, 2017).
3.2.7. Hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế
Theo Võ Thị Phương Nhung và Đỗ Thị Thúy Hằng (2017), các thành phần kinh tế chăn nuôi còn có hiểu biết mơ hồ về ảnh hưởng và thách thức của ngành chăn nuôi mặc dù Việt Nam đã và đang tham gia ký kết nhiều hiệp định song phương và đa phương. Trong khi đó, trình độ công nghệ và điểm xuất phát của nước ta trong chăn nuôi lợn còn thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malayxia. Tác giả cũng nhận định trang trại chăn nuôi ít đầu tư vào quy mô chăn nuôi cũng như công nghệ cao. Hệ thống con giống tốt tiếp cận tới người chăn nuôi hạn chế (Huỳnh Minh Trí, 2014).
Tỷ lệ chăn nuôi áp dụng theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) chưa phổ biến (World Bank, 2017). Không những sức cạnh tranh sản phẩm nội địa của Việt Nam với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu còn yếu mà Việt Nam còn có phòng vệ thương mại hạn chế (Võ Thị Phương Nhung và Đỗ Thị Thúy Hằng, 2017). Tác giả cũng nhận định việc thiếu liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ trong chăn nuôi lợn làm cho các sản phẩm chăn nuôi không thể phát triển bền vững và giá thành chăn nuôi cao.
TS Phạm Thị Thanh Thảo
Khoa Sinh học – Đại học Đà Lạt
Nguồn: Tạp chí KHKT Chăn nuôi số tháng 3.2021
IV. KẾT LUẬN
Đối với ngành chăn nuôi lợn cũng tuân thủ như bao ngành sản xuất khác là nếu năng suất vật nuôi không được nâng lên, giá thành sản phẩm chăn nuôi lợn không được hạ xuống và chất lượng sản phẩm chăn nuôi lợn không được cải thiện, nhất là chăn nuôi lợn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngành chăn nuôi lợn không thể phát triển hiệu quả và bền vững, đặc biệt trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng thì thị trường thịt lợn nội địa của nước ta sẽ bị thu hẹp bởi sức ép của chất lượng sản phẩm thịt lợn từ nước ngoài vào Việt Nam.
- chu trình chăn nuôi lợn công nghiệp li>
- lợn công nghiệp li> ul>
- Hội chăn nuôi thỏ Việt Nam: Định hướng, mở rộng cơ hội phát triển cho ngành chăn nuôi thỏ trong năm 2025
- Thừa Thiên Huế: Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 24/12/2024
- Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Hoạt động bền bỉ và thành công
- Dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi toàn cầu
- Đồng Nai: Heo hơi tăng giá, đảm bảo nguồn cung Tết Nguyên đán 2025
- Khởi công xây dựng trạm trộn thức ăn chăn nuôi tại KCN công nghệ cao Mebi Farm
- Hợp quy TĂCN: Nặng hình thức và tốn kém!
- Nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam: Cần gỡ bỏ nút thắt
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
Tin mới nhất
T5,26/12/2024
- Hội chăn nuôi thỏ Việt Nam: Định hướng, mở rộng cơ hội phát triển cho ngành chăn nuôi thỏ trong năm 2025
- Thừa Thiên Huế: Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 24/12/2024
- Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Hoạt động bền bỉ và thành công
- Dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi toàn cầu
- Đồng Nai: Heo hơi tăng giá, đảm bảo nguồn cung Tết Nguyên đán 2025
- Khởi công xây dựng trạm trộn thức ăn chăn nuôi tại KCN công nghệ cao Mebi Farm
- Hợp quy TĂCN: Nặng hình thức và tốn kém!
- Nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam: Cần gỡ bỏ nút thắt
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất