(Trích tài liệu hội thảo “Kiểm soát bệnh dịch tả heo châu phi: Góc nhìn khoa học và thực tiễn” do Chi hội Chăn nuôi Cần Thơ tổ chức ngày 16/10/2022 dưới sự bảo trợ của của Hội Chăn nuôi Việt Nam và sự phối hợp của Trường Đại học Lâm nghiệp – Phân hiệu Đồng Nai)
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ về chủ đề “Miễn dịch và một số giải pháp cơ bản trong phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi”
PGS.TS. Đỗ Võ Anh Khoa chia sẻ về chủ đề “Thách thức trong phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi”.
01). Làm gì khi trại xảy ra Dịch tả heo châu Phi (DTHCP), giảm thiểu thiệt hại nhất có thể?
- Thắt chặt ATSH;
- Cách ly, cô lập, đóng đàn/ chuồng;
- Vệ sinh tiêu độc kỹ trong và ngoài chuồng/cả trại mỗi ngày;
- Vệ sinh tiêu độc kỹ người, vật, phương tiện;
- Loại bỏ nhanh những heo có triệu chứng lâm sàng (thường được cho là Fo, nhưng thực tế chưa chắc là Fo) và các heo xung quanh heo có triệu chứng;
- Lấy mẫu xét nghiệm kháng thể theo cá thể hoặc PCR (mẫu gộp) diện rộng (toàn chuồng hoặc nhóm heo nghi ngờ trong chuồng);
- Loại bỏ nhanh heo/ ô chuồng dương tính;
- Bổ sung thuốc tăng cường miễn dịch (Vitamin C, Betaglucan, Interferon,…).
02).Biện pháp tốt nhất để phòng DTHCP?
- ATSH nghiêm ngặt ngoài, trong (Kiến thức ATSH phải được trang bị và hiểu đồng bộ cho tất cả các đối tượng tham gia trực tiếp/gián tiếp vào hệ thống sản xuất; giám sát thực thi ATSH thường xuyên; thực thi nghiêm túc ATSH ở mọi lúc, mọi nơi);
- Thực hiện 2 quy tắc vàng (1) an toàn tuyệt đối (chỉ nhập heo không nhiễm virus DTHCP; người, vật, thiết bị, thức ăn, nước,… phải âm tính với virus DTHCP) và (2) cảnh giác tuyệt đối (cách ly, loại thải và cô lập ngay lập tức các cá thể/ô/ chuồng nghi ngờ);
- Kiểm soát dịch tễ heo nhập đàn: cách ly tối thiểu 21 ngày (trường hợp có điều kiện trống chuồng thì cách ly dài ngày hơn), xét nghiệm mỗi tuần 1 lần để phát hiện sớm;
- Vệ sinh, tiêu độc nghiêm ngặt (người, vật liệu, phương tiện,…);
- Phải phân luồng được dịch tễ (giữa ngoài và trong trại, giữa ngoài và trong chuồng, giữa các ô chuồng): vùng nhiễm–vùng đệm – vùng không nhiễm;
- Xử lý chất thải và động vật trung gian hiệu quả và an toàn;
- Tăng cường miễn dịch, giảm stress,…
Các công ty đã mang đến hội thảo nhiều bộ giải pháp phòng chống DTHCP
03).Triệu chứng lâm sàng của bệnh DTHCP?
Tại Việt Nam, bệnh DTHCP hiện nay có 3 thể: thể cấp, thể mãn và thể mang trùng (tiềm ẩn).
Thể cấp (khá rõ): heo bệnh có triệu chứng sốt cao (41-42OC), mệt mỏi, biếng ăn, heo nằm chồng lên nhau, thở nhanh, da sung huyết đến tím bầm hoặc xuất huyết nhất là ở vùng bụng, hộc máu, các đầu mút, đi đứng không vững, chân sau yếu, có thể co giật. Heo bệnh chảy dịch mũi trắng, đặc có thể lẫn máu, mắt có thể có ghèn, niêm mạc sung huyết nặng có thể xuất huyết, đau bụng ói mửa, một vài heo có hiện tượng bón hoặc tiêu chảy có máu. Heo nái mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn. Heo bệnh thể cấp, sẽ chết trong vòng 7 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng. Heo chết ở thể cấp thường có thể trạng khá tốt.
Thể mãn: heo gầy yếu, lông dài xơ xác, viêm khớp. Heo bị bệnh DTHCP thể mãn sẽ chết sau vài tuần hoặc vài tháng. Ở đàn heo sinh sản có thể xuất hiện tình trạng rối loạn sinh sản gia tăng theo đợt, với các biểu hiện phối không đậu, sẩy thai mọi giai đoạn, thai chết tươi, thai chết khô toàn ổ. Heo nái biếng ăn, sốt nhẹ và hồi phục nhanh. Heo con sơ sinh có biểu hiện thần kinh, chết sau vài ngày, trên da không có biểu hiện sung huyết, xuất huyết.
Thể mang trùng: Heo không có biểu hiện lâm sàng cho đến khi xuất hiện các yếu tố nguy cơ, gây stress cho heo: chuyển chuồng, chuyển giai đoạn. Tình trạng rối loạn sinh sản ở nái và viêm khớp ở heo sau cai sữa, heo choai gia tăng và chết không rõ nguyên nhân. Bệnh thường liên quan đến heo hậu bị, heo cai sữa, heo choai khi nhập đàn, ghép bầy, chuyển chuồng… Heo bệnh sẽ có triệu chứng khá đa dạng, có thể như thể cấp và cũng có thể như dạng mãn tính, dễ nhầm lẫn với các bệnh PRRS, bệnh do Streptococcus, hô hấp phức hợp… rất khó chẩn đoán lâm sàng.
04). Ruồi và chuột có mang mầm bệnh DTHCP vào trại không?
Có thể (nếu ruồi, chuột sống ở khu vực có sự bài thải virus DTHCP với số lượng lớn). Đây là vật chủ trung gian cần kiểm soát tốt.
05).Lịch tiêm phòng vaccine?
Hiện tại chưa có vaccine DTHCP thương mại chính thức và cũng chưa có quy trình thường quy đối với tiêm vaccine phòng bệnh DTHCP (ngoại trừ khuyến cáo của nhà sản xuất vaccine).
06). Tình hình dịch bệnh DTHCP ở Việt Nam hiện tại?
- Dịch nổ ra ở nhiều nơi, nhưng không rầm rộ như trước. Tốc độ lây lan có phần chậm hơn. Khả năng tái nhiễm lớn đối với trại đã từng xảy ra;
- Bệnh DTHCP ở Việt Nam đã chuyển sang dạng bệnh nội vùng, bệnh lưu nhiễm với tình trạng nhiều đàn/ trại heo nhiễm virus DTHCP dạng mang trùng/ tiềm ẩn, không triệu chứng/triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm với các bệnh khác (khó chẩn đoán phân biệt);
- Nguy cơ lây nhiễm và xuất hiện bệnh DTHCP ở mức độ nguy hiểm, cần cảnh giác cao.
07).Thời gian sống của virus DTHCP trong môi trường không có heo trong chuồng?
Heo bệnh có thể bài thải virus DTHCP qua dịch mũi, miệng, phân, nước tiểu, máu. Thời gian sống của virus DTHCP trong môi trường không có heo sẽ tuỳ thuộc vào mức độ virus được bài thải, tình trạng vệ sinh, nhiệt độ của môi trường, nơi đã có bệnh DTHCP xảy ra. Nếu trong môi trường càng nhiều chất bẩn hữu cơ, nhiệt độ môi trường càng thấp thì khả năng sống sót của virus DTHCP trong môi trường càng kéo dài. Ở nhiệt độ 37OC virus DTHCP có thể sống sót đến 3 tuần. Trong điều kiện bình thường, nếu chất thải của heo không được dọn sạch, nhất là trong máu, virus DTHCP có thể sống sót đến 15 tuần. Virus có thể tồn tại từ vài tháng đến vài năm trong tủy xương ống của xác heo chôn tự nhiên[1].Khả năng sống sót của virus DTHCP ở số chất nền khác nhau
Chất nền |
Thời gian phát hiện |
Phân |
9 ngày ở 4°C hoặc 4 ngày ở 37°C |
Nước tiểu |
15 ngày ở 4°C hoặc 3 ngày ở 37°C |
Máu |
13 ngày |
Dịch ngoái mũi và trực tràng |
Có thể |
Dịch ngoái hầu họng |
Không |
Nước bọt |
Có thể (qua dây nhai) |
Tinh dịch |
Chưa được xác định |
08). Chẩn đoán bệnh DTHCP như thế nào?
Đàn có heo bệnh: dựa vào triệu chứng lâm sàng và bệnh tích theo từng thể bệnh (như đã nói trên). Tuy nhiên, việc chẩn đoán bệnh DTHCP nếu chỉ dựa trên dấu hiệu lâm sàng sẽ dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh như PRRS, dịch tả heo cổ điển, đóng dấu son, bệnh do Salmonella… Do vậy, để chẩn đoán chính xác hơn cần thực hiện chẩn đoán lâm sàng kết hợp xét nghiệm xác định ADN virus DTHCP ở heo bệnh (có thể lấy mẫu máu, hạch, lách, phổi, não, dịch âm đạo,… để xét nghiệm).
Đàn không có heo bệnh/không có biểu hiện lâm sàng: thực hiện tầm soát nhiễm bằng xét nghiệm Elisa tìm kháng thể đặc hiệu với virus DTHCP. Heo dương tính với kháng thể là heo đã nhiễm; đàn có heo dương tính với kháng thể là đàn đã nhiễm.
09).Hiện tại đã có thuốc chữa bệnh DTHCP?
- Hiện bệnh không có thuốc chữa;
- Chỉ có chất hỗ trợ tăng cường miễn dịch (như đã nói trên) và thuốc chống phụ nhiễm (chủ yếu là hô hấp) nếu nghi ngờ/phát hiện đàn dương tính hoặc vùng dịch tễ phức tạp;
- Thực hiện nghiêm ngặt ATSH và tiêm vaccine phòng các bệnh phổ biến khác như PRRS, PCV2,…một cách hiệu quả nhất.
10). Bệnh DTHCP có ảnh hưởng đến con người và các loài động vật khác? Con người có thể lây nhiễm và phát tán bệnh DTHCP không?
- Chưa có bằng chứng nào khẳng định bệnh DTHCP ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người và động vật khác ngoài heo;
- Con người và động vật khác có thể là véc-tơ mang trùng;
- Con người tuy không bị lây nhiễm nhưng là véc-tơ nguy hiểm nhất bởi sự di chuyển phức tạp và mối quan hệ gần gũi với heo trong chăm sóc, nuôi dưỡng, thương mại. .
11). Cơ chế sinh bệnh?
Virus DTHCP có thể xâm nhiễm vào cơ thể heo qua đường máu (do ve hút máu, tiêm chích, các tổn thương) hoặc niêm mạc do tiếp xúc trực tiếp giữa các heo qua dịch tiết mũi, miệng, nước tiểu, phân bị nhiễm;
Thông qua đường niêm mạc, virus sẽ xâm nhập vào các hạch amygdale, niêm mạc hầu họng, hạch dưới hàm hoặc hạch hầu họng, từ đây virus sẽ nhân lên và tiếp tục xâm nhiễm gây ra tình trạng nhiễm virus máu. Ở heo nhà, sau khi xâm nhập và nhân lên đầu tiên ở lách, virus DTHCP tiếp tục lây nhiễm và nhân lên tại các mô bạch huyết của các cơ quan khác với hiệu giá virus cao. Sự lây nhiễm và nhân lên mạnh của virus tại nhiều mô bạch huyết khác nhau gây ra những tổn thương bệnh lý và tình trạng tế bào lympho chết nghiêm trọng, dẫn đến suy giảm miễn dịch và tỷ lệ bệnh, chết cao;
Mức độ gây bệnh của virus DTHCP phụ thuộc vào độc lực của chủng virus, liều và đường xâm nhiễm. Lây nhiễm qua đường mũi, miệng là cách lây nhiễm chính trong bệnh DTHCP trên heo nhà, tuy nhiên khả năng gây bệnh kém hơn so với lây nhiễm qua đường máu;
Thời gian ủ bệnh ở heo nhiễm virus DTHCP trong khoảng 3-19 ngày, tuỳ theo độc lực chủng virus, liều nhiễm, đường lây nhiễm và đặc điểm vật chủ. Thời gian phát bệnh cũng phụ thuộc vào đường lây nhiễm. Heo bị lây nhiễm virus DTHCP qua đường máu có thời gian phát bệnh ngắn hơn nhiều so với heo bị lây nhiễm qua đường mũi-miệng, tương ứng là 7-9 ngày so với 14-22 ngày;
Các tế bào đại thực bào đơn nhân là đích tấn công đầu tiên của virus DTHCP, sau đó virus sẽ xâm nhiễm vào các tế bào nội mô mạch, tế bào gan hoặc tế bào biểu mô. Virus DTHCP xâm nhiễm chủ yếu vào các tế bào bạch cầu đơn nhân của hệ thống đại thực bào, phá huỷ và làm thoái hoá nghiêm trọng mô hạch. Sau đó, virus sẽ theo máu lây nhiễm vào các mô và tế bào khác. Tế bào đích cho sự tái sản của virus DTHCP chủ yếu là các tế bào bạch cầu, đại thực bào, vì thế ở heo nhiễm virus thì số lượng bạch cầu sụt giảm rõ rệt, dẫn đến khả năng miễn dịch của heo bị suy giảm nghiêm trọng;
Các phân lập virus khác nhau không cho thấy có sự khác biệt về tính hướng tế bào hoặc sự phân bố ở các cơ quan; tuy nhiên có sự gia tăng đáng kể về mức độ phá hủy mô khi độc lực virus ngày càng tăng.
12). Bệnh lây truyền như thế nào?
- Con đường lây nhiễm chủ yếu là qua đường miệng-mũi, và qua đường máu thông qua tiêm chích;
- Virus DTHCP có thể truyền lây theo nhiều phương thức, thông qua các yếu tố mang trùng khác nhau như heo bệnh, người vấy nhiễm, thịt heo nhiễm, tinh heo nhiễm, nước uống nhiễm, thực ăn nhiễm, ruồi hút máu, ve hút máu, xe vận chuyển và dụng cụ vấy nhiễm,…;
- Virus DTHCP lây truyền trong quần thể do sự tiếp xúc trực tiếp giữa heo nhiễm và heo chưa nhiễm, hoặc tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như vật tư, thiết bị, dụng cụ, thức ăn, nước uống, phương tiện vận chuyển, người vấy nhiễm virus DTHCP;
- Heo nhiễm virus DTHCP không triệu chứng chính là nguồn lưu cữu và lây truyền virus giữa các trại và trong trại, có thể là nguyên nhân chính gây tình trạng dịch bệnh ở thể lưu nhiễm (endemic) trong quần thể đàn heo nuôi.
13). Nguồn gốc của bệnh DHTCP?
Bệnh DTHCP (African Swine Fever disease, ASF), là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hàng đầu do virus gây ra trên heo. Bệnh được ghi nhận lần đầu tiên trên heo tại Kenya vào năm 1909, nhưng chỉ được báo cáo chính thức vào năm 1921 tại Kenya, sau đó là ở Trung, Tây Phi và vùng sub-Saharan châu Phi. Năm 1957 bệnh lây truyền sang Bồ Đào Nha, và từ đây bệnh đã lan truyền sang nhiều nước châu Âu, một số quốc gia châu Mỹ như Cuba Brazil, the Dominican Republic và Haiti.
Sau khi xuất hiện ở Lisbon, Bồ Đào Nha năm 1960, DTHCP tiếp tục lan truyền qua các nước khác ở châu Âu, bao gồm Spain (1960–1995), France (1964, 1967 and 1974), Italy (1967, 1969 and 1993), Andorra (1974), Malta (1978), Belgium (1985) và Netherlands (1986). Cho đến năm 1995, DTHCP đã được loại trừ ở tất cả các quốc gia châu Âu, trừ vùng Sardinia ở Italy. Ca DTHCP đầu tiên được ghi nhận ở Georgia vào năm 2007, sau đó lan nhanh qua các nước khác vùng Caucasus bao gồm Armenia (2007) và Azerbaijan (2008), đồng thời lây truyền qua heo rừng vùng phía Nam của Nga, từ đó nhiễm vào đàn heo nhà của Nga vào năm 2008, Ukraine (2012) và Belarus (2013). Vào năm 2014, DTHCP lan truyền qua Lithuania và Poland, năm 2016 xâm nhiễm vào Moldova và Hungary, và năm 2017 DTHCP xuất hiện ở Czech Republic và Romania. Từ năm 2018 đến tháng 12/2020, nhiều ổ DTHCP mới đã nổ ra ở một số quốc gia châu Âu khác như Belgium, Bulgaria, Slovakia, Serbia, Greece, và Germany.
Tháng 8/2018, ổ dịch DTHCP đầu tiên xảy ra ở khu vực Đông Á được ghi nhận trên đàn heo nuôi ở Trung quốc, với các chủng virus thuộc genotype II, tương tự như các chủng virus DTHCP gây bệnh ở Nga và Đông Âu. Bệnh sau đó lan truyền qua nhiều quốc gia châu Á khác bao gồm Mongolia, Philippines, Bắc Triều Tiên, Lào, Myanmar, Hàn quốc, Cambodia, Việt Nam, Indonesia, Ấn độ, Malaysia, Bhutan và Thái lan, và 2 quốc gia ở châu Đại dương là Timor-Leste, Papua New Guinea. Theo bản đồ dịch tễ của OIE ghi nhận được cho đến năm 2022, DTHCP xuất hiện ở 5 châu lục: châu Phi, châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Đại dương. Một vài nước đã khống chế được dịch bệnh, tuy nhiên ở phần lớn các quốc gia, DTHCP vẫn còn đang trong tình trạng có dịch hoặc ở dạng lưu nhiễm (endemic).
Virus DTHCP có đến 24 kiểu gen. Các chủng virus DTHCP kiểu gen I có liên quan đến dịch bệnh ở Sardinia, và các chủng kiểu gen II có liên quan đến bệnh dịch ở châu Âu và châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2021 các chủng virus DTHCP kiểu gen I đã xuất hiện ở Trung quốc. Các kiểu gen còn lại có liên quan đến bệnh ở Châu Phi.
14). Nếu như cả đàn phát bệnh DTHCP thì còn cơ hội giữ lại đàn hay không? Chi phí điều trị nhiều không?
- Nếu cả đàn phát bệnh thì loại cả đàn, không nên giữ;
- Níu giữ sẽ làm tinh thần mệt mỏi hơn, áp lực xử lý dịch bệnh căng thẳng hơn (đặc biệt là xác heo chết với số lượng lớn, không tiêu hủy kịp/không có nơi chôn), thiệt hại kinh tế nhiều hơn và làm cho dịch tễ trại/vùng nghiêm trọng hơn, khả năng tái đàn khó hơn;
- Không điều trị được.
15). Điểm giống và khác nhau của DTHCP và tả heo cổ điển?
Giống nhau: đều là bệnh do virus, gây nhiễm virus máu, suy giảm miễn dịch, giảm số lượng bạch cầu, gây xuất huyết da và đa cơ quan, không có thuốc điều trị;
Khác nhau: Bệnh DTHCP và bệnh Dịch tả heo cổ điển khác nhau hoàn toàn về tác nhân gây bệnh. Tác nhân gây bệnh DTHCP là 1 loài virus có bộ gen là ADN, thuộc giống Asfivirus họ Asfarviridae; trong khi virus gây bệnh Dịch tả heo cổ điển là 1 loài virus có bộ gen là ARN thuộc giống Pestivirus, họ Flaviviridiae. Vì vậy việc xét nghiệm virus DTHCP và dịch tả heo cổ điển được thực hiện với 2 kỹ thuật hoàn toàn khác nhau là kỹ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction) dùng xét nghiệm chẩn đoán virus DTHCP; trong khi kỹ thuật RT-PCR (Reverse Transcriptase Polymerase Chain Reaction) dùng xét nghiệm chẩn đoán virus dịch tả heo cổ điển. Vaccine phòng 2 bệnh này cũng hoàn toàn khác nhau, và hoàn toàn không có bảo hộ chéo giữa 2 loại vaccine.
Tuy 2 bệnh DTHCP và dịch tả heo cổ điển là do 2 tác nhân virus hoàn toàn khác nhau gây ra, kỹ thuật xét nghiệm và vaccine cũng hoàn toàn khác nhau, nhưng hai bệnh này lại có những đặc điểm lâm sàng rất giống nhau, rất khó chẩn đoán phân biệt trên thực địa nếu chỉ dựa vào dấu hiệu lâm sàng ở heo bệnh. Tuy nhiên, có thể chẩn đoán phân biệt được bệnh DTHCP và DTHCĐ tại trại nhờ vào những khác biệt quan trọng sau:
Bệnh dịch tả heo cổ điển: (1) Có vaccine phòng bệnh rất hiệu quả (dễ đạt đến mức bảo hộ 100%). Vì vậy nếu trại đã tiêm thường xuyên vaccine phòng bệnh thì về cơ bản bệnh sẽ không xảy ra, hoặc nếu có xảy ra thì tỷ lệ bệnh và lây nhiễm rất thấp; (2) Nếu trại không tiêm vaccine mà heo bị bệnh thì sẽ lây lan rất nhanh và tỷ lệ chết rất cao. Tuy nhiên, trong trường hợp này nếu sử dụng vaccine tiêm khẩn cấp cho toàn đàn thì bệnh sẽ dừng lại trong vòng 1-2 tuần (dĩ nhiên cũng có một tỉ lệ thiệt hại nhất định);
Bệnh DTHCP: (1) Không có vaccine; (2) Tốc độ lây nhiễm chậm. Nếu phát hiện sớm heo nhiễm, cách ly và loại thải đúng đối tượng thì có thể dừng được sự lây nhiễm; (3) Nếu trại heo bị nhiễm chủng virus DTHCP độc lực cao thì có thể chết nhanh.
16). Thời gian ủ bệnh của DTHCP?
Tuỳ theo độc lực của chủng virus nhiễm, số lượng và đường lây nhiễm mà thời gian ủ bệnh có thể khác nhau. Heo nhiễm virus chủng độc lực cao hoặc trung bình thường sẽ biểu hiện lâm sàng ở thể quá cấp và cấp, và dưới cấp, triệu chứng sẽ xuất hiện khoảng 5-15 ngày sau khi heo bị nhiễm virus. Heo nhiễm virus chủng độc lực thấp thường biểu hiện lâm sàng ở thể mãn, triệu chứng chỉ xuất hiện rất lâu sau khi heo bị nhiễm virus, có thể sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng, hoặc không có triệu chứng.
17). DTHCP dễ bùng phát ở điều kiện vùng và thời tiết nào? Tốc độ lây lan?
Các vùng khác nhau, thời điểm khác nhau và điều kiện môi trường khác nhau đều có nguy cơ bùng phát dịch giống nhau. Tuy nhiên, ở một số vùng có điều kiện tiểu khí hậu thích hợp cho sự tồn tại của virus bên ngoài môi trường, nơi có nhiều heo rừng, mật độ chăn nuôi heo cao, khu vực gần nơi giết mổ, đường lưu thông, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với điều kiện an toàn sinh học kém… là cơ hội tốt cho sự lây truyền và bùng phát dịch.
Virus DTHCP phát triển mạnh ở những nơi có nhiệt độ ấm – mùa hè (Khác với PEDv, thường phát triển trong mùa lạnh – mùa đông). Ở Châu Âu dịch thường bùng phát vào tháng 1 và tháng 2 trên đàn heo rừng[2];
Ngoài điều kiện phát triển mạnh, tốc độ lây lan phụ thuộc vào nhiều yếu tố có liên quan mật thiết đến ATSH.
18). Tại sao một số hộ gia đình có xảy ra dịch bệnh DTHCP trong khi số hộ gia đình khác thì không?
Virus DTHCP lây nhiễm chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp giữa heo – heo, và với các yếu tố có mang mầm bệnh (người, phương tiện, vật tư chăn nuôi, thịt heo sống chứa virus…). Nếu hộ gia đình không xuất hiện các yếu tố lây nhiễm nói trên thì bệnh có thể không xảy ra.
Điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, ATSH ở các hộ là hoàn toàn khác nhau.
19). Cách để nhận biết sớm bệnh?
Phát hiện sớm những heo có vấn đề (mệt mỏi, biếng ăn, sốt cao,…), cách ly ngay lập tức heo bệnh và lấy mẫu máu để xét nghiệm virus bằng kỹ thuật PCR. Đặc biệt lưu ý các trại trong vùng dịch và trong thời điểm dịch đang nổ ra.
20). Cách để phòng tránh tiêu diệt triệt để virus trong môi trường?
Trại cần thực hiện tốt các công việc sau:
Vệ sinh chuồng trại
Chuồng, trại heo phải được vệ sinh – tiêu độc thường xuyên, nhất là mỗi ngày đều phải dọn sạch phân trong chuồng. Điều này giúp làm giảm ký sinh trùng, đặc biệt là ruồi tác nhân có thể làm lan truyền virus DTHCP trong trại;
Dọn dẹp sạch sẽ chất thải[3], chất lót chuồng và vệ sinh – tiêu độc ngay lập tức những chuồng có heo bệnh và chết, ngay cả chưa rõ nguyên nhân. Dụng cụ dọn dẹp chất thải cũng phải được vệ sinh sạch sẽ vào cuối ngày làm việc;
Dọn dẹp và làm vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống mỗi ngày vì heo có thể đi phân hoặc tiểu vào máng;
Diệt động vật trung gian
Sử dụng tất cả các phương pháp khả thi (bẫy/thuốc để diệt hoặc xua đuổi ruồi, chuột, côn trùng, thú hoang…);
Xử lý chất thải
Tại các trại, khu vực có dịch phải được xem là nguồn mang và lây truyền virus, và phải được xử lý giống như xử lý xác heo bệnh – chết do DTHCP. Trong trường hợp này, chất thải phải được gom thành đống, xử lý nhiệt, phun thuốc sát trùng và ủ kín trong ít nhất 42 ngày hoặc chôn hay đốt;
Chất thải phải được lưu trữ và xử lý trong ít nhất 60 ngày kể từ ngày chất thải cuối cùng được thêm vào;
Để tiêu diệt virus DTHCP có trong chất thải heo, chất sát trùng được khuyến cáo sử dụng là NaOH 2% với liều lượng 15 lít/ m3 (nồng độ cuối là 0,03%) trong 60 ngày;
Để đảm bảo hiệu quả tiêu diệt virus, trong thời gian xử lý chất thải bằng chất sát trùng thì không được cho thêm chất thải mới vào, và NaOH 2% phải được cho vào đều khắp hố chứa chất thải, đồng thời phải tiến hành đảo, trộn, khuấy cho đến khi độ pH của chất thải được xử lý phải đạt mức pH = 11,0;
Lưu ý: Khi tăng nồng độ cuối NaOH hoặc Ca(OH)2 lên 0,5% thì có thể làm giảm lượng virus 1.000 lần trong vòng 30 phút và giảm 10.000 lần trong vòng 2,5 phút nếu sử dụng nồng độ cuối là 1%, ngay ở 4OC. Khi phân heo nhiễm virus được làm nóng đến 60OC, lượng virus còn sống trong phân giảm 10.000 lần chỉ trong 2 – 4 phút. Như vậy, có thể thấy, biện pháp kết hợp ủ phân với xử lý NaOH hoặc Ca(OH)2 sẽ giúp vô hoạt nhanh và hiệu quả virus DTHCP có trong phân.
Xử lý và tiêu huỷ heo nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm DTHCP
Cần phải được thực hiện với mức độ ATSH cao nhất và phù hợp với điều kiện thực tế (chôn hoặc đốt), tuyệt đối không để phát tán DTHCP ra ngoài môi trường, gây ra nguy cơ lây truyền virus vào các trại chưa nhiễm;
Việc vận chuyển xác heo nhiễm bệnh để tiêu huỷ dễ dẫn đến nguy cơ phát tán virus, vì vậy cần cân nhắc khoảng cách và tuyến đường vận chuyển để hạn chế nguy cơ này, đồng thời có những giải pháp an toàn trong quá trình áp tải và sau khi áp tải;
Xử lý xác heo bệnh-chết do DTHCP có thể thực hiện bằng 2 biện pháp đốt hoặc chôn. Biện pháp chôn chỉ nên thực hiện tại các khu vực có nền đất cao và diện tích rộng, cách xa trại và khu dân cư. Hố chôn xác heo phải đủ sâu sao cho lớp đất phủ lên xác heo sau khi chôn phải dày tối thiểu 1 mét. Tại những nơi không đủ điều kiện để chôn, nên áp dụng biện pháp đốt.. Cần đảm bảo xác heo phải bị đốt hoàn toàn. Với cả 2 biện pháp chôn hoặc đốt, xác heo trước khi xử lý phải được phun thuốc sát trùng. Trên bề mặt và xung quanh khu vực hố chôn, đốt xác heo nhiễm DTHCP, phải thực hiện tiêu độc để ngăn ngừa sự phát tán DTHCP vấy nhiễm trên bề mặt khu vực xử lý xác heo.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hải1 và PGS.TS. Đỗ Võ Anh Khoa2
1Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, 2Viện Chăn nuôi
[1] Possibility of long-term survival of African swine fever virus in natural conditions, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8167539/
[2] PEDv, ASF and the winter setting in, https://www.pigprogress.net/health-nutrition/pedv-asf-and-the-winter-setting-in/
[3] Chất thải phải được chứa ở khu vực heo không thể tiếp cận, ở xa khu vực nuôi heo, trong hầm hoặc hố chứa
- bệnh Dịch tả heo Châu Phi li> ul>
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Nhập khẩu thịt heo có thể tăng trở lại vào quý IV
- Có hiện tượng một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn tiêu thụ gia súc nhiễm dịch bệnh
- Hiệu quả từ các hầm biogas trong chăn nuôi trong hành trình giảm 30% phát thải khí mê – tan
- Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu
- Nhập khẩu đậu tương 10 tháng đầu năm 2024 trị giá gần 935,84 triệu USD
- Tập đoàn Mavin: 02 trang trại heo đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP (phiên bản S.L.P)
Tin mới nhất
T6,22/11/2024
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Nhập khẩu thịt heo có thể tăng trở lại vào quý IV
- Có hiện tượng một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn tiêu thụ gia súc nhiễm dịch bệnh
- Hiệu quả từ các hầm biogas trong chăn nuôi trong hành trình giảm 30% phát thải khí mê – tan
- Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu
- Nhập khẩu đậu tương 10 tháng đầu năm 2024 trị giá gần 935,84 triệu USD
- Tập đoàn Mavin: 02 trang trại heo đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP (phiên bản S.L.P)
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất