Tính đến ngày 13-8, toàn tỉnh Đồng Nai có 2.754 hộ chăn nuôi heo tại 371 ấp thuộc 118 xã của 11 huyện, thành phố xuất hiện dịch tả heo châu Phi (ASF) với trên 271 ngàn con heo bị tiêu hủy. Dịch ASF lan nhanh với số lượng heo tiêu hủy tăng rất nhanh khiến các địa phương tại Đồng Nai cần nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại và để xử lý các ổ dịch ASF.
Xử lý ổ heo dịch tại huyện Thống Nhất. Ảnh: Nguyễn Liên
Đồng Nai đang xin cấp bổ sung 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của Trung ương để chi cho công tác phòng, chống dịch ASF. Công tác ngăn chặn dịch cũng lâm vào cảnh khó chồng khó, cần sự tham gia quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị.
Khó khăn bủa vây
Gần nửa tháng qua, heo hơi liên tục tăng giá, hiện giá bán tại trại đang dao động từ 40-42 ngàn đồng/kg, tăng gần 10 ngàn đồng/kg so với tháng trước đó. Nguyên nhân heo sốt giá dù thị trường tiêu thụ ở giai đoạn thấp điểm vì đang vào tháng chay (tháng 7 âm lịch), học sinh chưa tựu trường, chủ yếu do nguồn cung thiếu hụt. Dự báo giá heo còn tiếp tục leo thang trong thời gian tới vì heo ngày càng khan hàng.
Hiện tổng đàn heo của Đồng Nai chỉ còn gần 1,9 triệu con, giảm hơn 600 ngàn con so với cách đây 4 tháng khi chưa xuất hiện dịch ASF do người chăn nuôi giảm đàn và lượng heo tiêu hủy tăng đột biến trong thời gian gần đây. Trong đó, tổng đàn nái hiện chỉ còn khoảng 230 ngàn con, giảm cả 100 ngàn con so với hồi đầu năm.
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán nhận xét, trong các tháng 5-6 vừa qua, người dân đổ xô bán heo ra thị trường để chạy dịch. Rất nhiều trại thải ra hàng trăm con nái/ngày do dịch ASF lây lan trên đàn nái rất nhanh. “Đàn nái giảm mạnh, dịch ASF vẫn tiếp tục lan nhanh như hiện nay thì phải tính đến chuyện mất nhiều năm người chăn nuôi mới quay lại tái đàn, đầu tư. Cũng chính vì điều này nên hàng loạt công ty cám, thuốc thú y đã đóng cửa hoặc giảm công suất vì dự báo tổng đàn heo đang và sẽ tiếp tục giảm mạnh” – ông Đoán nói.
Trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, dịch ASF lan nhanh với tổng lượng heo bị tiêu hủy tăng theo cấp số nhân. Trong đó có nguyên nhân do ý thức kém của người chăn nuôi đã tiếp tay cho dịch ASF lây lan. Nguy hại nhất là tình trạng thả chất thải chăn nuôi heo, heo chết ra sông suối, môi trường gây nguy cơ lây lan dịch rất lớn.
Đồ họa thể hiện số lượng các địa phương xuất hiện dịch tả heo châu Phi, tổng số heo bị tiêu hủy và một số địa phương có số lượng heo bị tiêu hủy lớn vì dịch tả heo châu Phi; ước tính nguồn quỹ dự phòng hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh. (Thông tin: Bình Nguyên – Đồ họa: Hải Quân)
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên cho biết: “Dịch ASF đang lan rất nhanh. Thời gian qua, tình trạng heo chết thả trôi theo suối Cầu Quang, từ xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) về TP.Biên Hòa xảy ra thường xuyên, gây không ít khó khăn cho địa phương trong công tác tiêu hủy, xử lý môi trường và ngăn chặn dịch tả lây lan”.
Dịch ASF xuất hiện tại huyện Thống Nhất chậm hơn địa phương đầu tiên của Đồng Nai bị dịch gần 2 tháng nhưng tốc độ lây lan lại rất nhanh, dịch tấn công mạnh vào các trang trại lớn. Hiện 10/10 xã của huyện Thống Nhất đều xuất hiện ổ dịch với gần 48,4 ngàn con bị tiêu hủy, tăng gấp đôi so với 2 tuần trước đó.
Chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Nguyễn Đình Cương lo lắng: “Mật độ chăn nuôi dày đặc cũng có thể là nguyên nhân khiến dịch ASF lan nhanh trên địa bàn. Khó khăn không nhỏ của địa phương là rất khó bắt tận tay và xử lý tình trạng vứt heo chết, heo bệnh ra ngoài môi trường; trong đó nhiều trường hợp thương lái vứt heo chết trong quá trình vận chuyển đi tiêu thụ”.
Lo vỡ quỹ dự phòng
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh, kết quả khảo sát tại các địa phương cho thấy, nhiều trang trại nằm ngay trong vùng dịch ASF vẫn an toàn nhờ thực hiện nghiêm túc giải pháp an toàn sinh học. Cụ thể, họ giăng lưới không để một con ruồi, con muỗi vào trại; cách ly công nhân chăn nuôi ở trong trại theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nguồn thức ăn cho công nhân trong trại từ rau đến cá, thịt đều được kiểm soát kỹ, thậm chí được nấu chín trước khi đưa vào bên trong. Đặc biệt, xe vận chuyển cám trước khi vào trại đều được sát trùng, tiêu độc rất kỹ; thương lái và xe vận chuyển không được vào trại vì đây cũng là nguyên nhân lớn gây lây lan dịch thời gian qua.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến nay, toàn tỉnh cần khoảng 400 tỷ đồng để hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại và chi cho công tác xử lý dịch ASF. Trong khi đó, nguồn quỹ phòng, chống thiên tai của các địa phương chỉ có khoảng 130 tỷ đồng nên các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều kiến nghị được tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí.
Huyện Vĩnh Cửu hiện đang đứng đầu về tổng số heo bị tiêu hủy do dịch ASF, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho biết: “Với 59,3 ngàn con heo bị tiêu hủy, ước tổng số tiền cần hỗ trợ cho người chăn nuôi tính đến cuối tháng 7 đã trên 95 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn quỹ dự phòng của cả cấp xã, cấp huyện chỉ khoảng 15 tỷ đồng nên nguồn chi đang bị âm rất lớn”. Áp lực âm nguồn chi của huyện đang ngày càng lớn vì chỉ trong 2 tuần đầu tháng 8, huyện Vĩnh Cửu đã tăng thêm 4,3 ngàn con heo bị tiêu hủy vì dịch ASF.
Đến nay, huyện Định Quán đã hỗ trợ cho 53 hộ chăn nuôi có đàn heo bị tiêu hủy do dịch ASF với tổng số tiền gần 12 tỷ đồng. Nguồn quỹ dự phòng của các xã, huyện đều đã hết trong khi với số heo đã tiêu hủy, địa phương này cần thêm gần 66,4 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi. Với tốc độ dịch bệnh lây lan nhanh như hiện nay, Định Quán đang kiến nghị Sở Tài chính hỗ trợ thêm 200 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch ASF tại địa phương.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chỉ ra: “Tình trạng lây lan dịch ASF rất nhanh và chưa biết điểm dừng, Sở Tài chính nên cân nhắc lại về con số xin cấp bổ sung 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của Trung ương có thể chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của Đồng Nai. Trước mắt, các địa phương cũng cần cố gắng tìm nguồn ứng trước để hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi bị thiệt hại”.
Theo Phó chủ tịch UBND Võ Văn Chánh, trong việc ngăn chặn dịch ASF, các địa phương phải tập trung vào 2 giải pháp: công tác tiêu độc, khử trùng, đặc biệt là khu vực đầu nguồn các suối, ao hồ để hạn chế dịch lây lan do ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động xả thải của các trang trại chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền để người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các giải pháp an toàn sinh học để bảo vệ trại nuôi. Việc thả heo chết ra suối, môi trường gây nguy cơ lây lan dịch rất lớn. Địa phương nào để xảy ra tình trạng vứt heo chết ra môi trường phải kiểm điểm nghiêm túc; quy rõ trách nhiệm của lãnh đạo xã, huyện về tình trạng này.
Bình Nguyên
Nguồn: Báo Đồng Nai
- dịch tả lợn li>
- dịch tả heo châu Phi li> ul>
- Thừa Thiên Huế: Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 24/12/2024
- Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Hoạt động bền bỉ và thành công
- Dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi toàn cầu
- Khởi công xây dựng trạm trộn thức ăn chăn nuôi tại KCN công nghệ cao Mebi Farm
- Hợp quy TĂCN: Nặng hình thức và tốn kém!
- Nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam: Cần gỡ bỏ nút thắt
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
Tin mới nhất
T4,25/12/2024
- Thừa Thiên Huế: Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 24/12/2024
- Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Hoạt động bền bỉ và thành công
- Dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi toàn cầu
- Đồng Nai: Heo hơi tăng giá, đảm bảo nguồn cung Tết Nguyên đán 2025
- Khởi công xây dựng trạm trộn thức ăn chăn nuôi tại KCN công nghệ cao Mebi Farm
- Hợp quy TĂCN: Nặng hình thức và tốn kém!
- Nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam: Cần gỡ bỏ nút thắt
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất