[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Tháng 2/2019, lần đầu tiên Cục Thú y đã công bố dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam. Đây là một loại bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh ở lợn và có khả năng gây chết lợn với tỷ lệ 100%. Mặc dù bệnh chưa có vacxin để phòng bệnh. Nhưng vẫn có một số mô hình thành công trong kiểm soát dịch bệnh. Hiểu đúng về bệnh và thực hiện nghiêm ngặt quy trình vệ sinh phòng bệnh, chống dịch là yếu tố quyết định dẫn đến thành công trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
1. Nguyên nhân gây bệnh và tình hình dịch bệnh
1.1. Nguyên nhân bệnh
Bệnh dịch tả lợn châu Phi (African swine fever – ASF) là một bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh ở lợn, có khả năng gây chết lợn với tỷ lệ 100%, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Bệnh do một loại virus gây ra, không lây lan sang người, nhưng được lan truyền bởi một loài ve mềm thuộc chi Ornithodoros. Virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASFV) thuộc họ Asfarviridae. Đây là một loại virus khác hoàn toàn với virus gây bệnh dịch tả lợn cổ điển (CSFV) thuộc họ Flaviviridae.
Từ việc khẳng định rằng bệnh không lây lan sang người nên yếu tố đại dịch ở người sẽ không xảy ra. Người không bị mắc bệnh này nếu vô tình ăn phải thịt lợn ủ bệnh. Do vậy cần có chiến lược truyền thông để tránh sự hoang mang quá mức cần thiết của người chăn nuôi dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
1.2. Tình hình dịch bệnh
ASF được mô tả lần đầu tiên vào năm 1909 tại Kenya (Montgomery, 1921) và lây lan trong nội bộ khu vực châu Phi cho đến năm 1957 – thời điểm có báo cáo xuất hiện dịch ở Bồ Đào Nha. Vào những năm 1970, ASF xuất hiện ở khu vực Ca-ri-bê và Brazil nhưng cũng được dập tắt thành công. Năm 2007, bệnh lại một lần nữa vượt ra khỏi biên giới châu Phi, xuất hiện ở khu vực Cáp-ca-dơ và ở Nga (OIE, 2013). Năm 2014, bệnh đã xâm nhập vào khu vực Đông Âu như Cộng hòa Séc, Bun-ga-ri và Ba Lan… Theo báo cáo mới nhất của OIE vào giai đoạn từ ngày 01/02/2019 đến 14/02/2019 thì đã gây chết 5672 lợn ở châu Á (4776 ca thuộc về Trung Quốc và 896 ca thuộc về Mông Cổ). Tại châu Âu (Estonia, Italia và Lithuania) số lợn chết hoặc tiêu hủy vì ASF là 196 trong lúc tại châu Phi, số lợn bị chết là 156 (nước Zimbabwe).
Tại Việt Nam, ngày 19/2/2019, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chính thức công bố dịch tả lợn châu Phi. Theo Cục Thú y, từ ngày 1/2/2019, tại Hưng Yên đã phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Trung Nghĩa (TP Hưng Yên) và Yên Hòa (huyện Yên Mỹ) với hàng trăm con lợn bị nhiễm bệnh. Còn tại Thái Bình đã phát hiện bệnh ở một số hộ chăn nuôi tại xã Đông Đô, huyện Hưng Hà. Thống kê của Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, tính đến ngày 27/02/2019, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam. Dịch tả ASF đã khiến 2.349 con lợn bị mắc bệnh và phải tiêu hủy (tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 172.505kg).
Hình 1: Tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên thế giới
giai đoạn 2016-2018 (nguồn OIE)
Hình 2: Tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên thế giới
từ 01/01/2019-01/03/2019 (nguồn OIE)
Như vậy, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã từng lưu hành qua châu Phi, châu Âu, châu Mỹ và hiện tại là châu Á. Từ hình ảnh và số liệu nêu trên có thể suy luận ra 02 vấn đề gồm: (1) Bệnh lây lan mạnh và gây thiệt hại nặng nề do đặc điểm tính mới của ổ dịch kèm theo việc không có vacxin phòng bệnh; (2) Bệnh đã từng được kiểm soát thành công ở nhiều vùng trên thế giới đặc biệt là trên lợn nuôi. Do đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam mặc dù gây thiệt hại nặng nề nhưng vẫn có khả năng kiểm soát ở đối tượng lợn nuôi.
2. Sức đề kháng của virus
ASFV chủ yếu gây nhiễm vào đại thực bào của lợn và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng cho đàn lợn nuôi và lợn rừng. Virus này có khả năng tồn tại lâu dài trong máu, các mô bào và những sản phẩm thịt sống hoặc nấu không chín kỹ. Do vậy, nếu xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh. ASFV bị vô hoạt ở nhiệt độ 60oC trong 20 phút, pH=11,5 hoặc bằng những hóa chất sát trùng thông dụng như ête, chloroform, NaOH 0,8%, clorin 3%, formalin 0,3%. Chi tiết về sức đề kháng của virus có thể xem tại bảng 1.
Dịch tễ học của dịch tả lợn châu Phi rất phức tạp, bởi sự xuất hiện nhiều hình thái dịch bệnh khác nhau ở cả châu Phi lẫn châu Âu. Quá trình truyền bệnh có sự góp mặt của lợn rừng, lợn nhà và ve mềm (được coi là véc tơ truyền bệnh). Bệnh truyền lây trực tiếp qua tiếp xúc giữa lợn ốm và lợn khỏe. Bệnh truyền lây gián tiếp qua thức ăn chứa sản phẩm động vật nhiễm bệnh, véc tơ truyền bệnh (ve mềm) và một số yếu tố khác như trang thiết bị chăn nuôi, xe vận chuyển, quần áo lao động… Lợn được điều trị khỏi về lâm sàng lại trở thành động vật mang trùng suốt đời và là nguồn phát tán virus.
Bảng 1: Sức đề kháng của virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi
Từ thông tin thu thập về sức đề kháng của virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi, việc thiết lập danh mục sản phẩm động vật nhằm kiểm dịch trong và ngoài ngước tập trung riêng cho giai đoạn đang nổ dịch là cần thiết. Virus tồn tại lâu ở những sản phẩm cho dù đã qua chế biến sơ bộ như thịt muối, thịt xông khói nhưng vẫn đề kháng yếu trong trường hợp xử lý bằng biện pháp luộc. Những thông tin này có thể sẽ hữu ích trong quá trình truyền thông nhận thức về bệnh.
3. Kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi – Mô hình thành công và những yếu tố khó/không kiểm soát được.
Năm 2017, một bài báo khoa học do Arias và cộng sự phác thảo về mô hình loại trừ dịch tả lợn châu Phi tại Tây Ban Nha đã được công bố. Bài báo sau đó được tham khảo nhiều lần dành cho những nước đã, đang và có nguy cơ xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Trên thực tế, Tây Ban Nha đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi từ năm 1967 nhưng không kiểm soát được cho đến khi có sự hỗ trợ tài chính đáng kể từ cộng đồng chung châu Âu (European Union) vào năm 1985. Vào thời điểm đó, Tây Ban Nha đã thiết lập một mạng lưới đội ngũ bác sĩ thú y cơ động đi cùng với đó là hệ thống phòng xét nghiệm tham chiếu dành cho giám sát ASF và nhận diện ổ dịch. Việc vận chuyển động vật được kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt và việc lưu hành thịt lợn trái phép (illegal pork transpostation) bị cấm tuyệt đối. Ngoài ra cũng phải kể đến một biện pháp đồng hành trong chương trình là chế độ hỗ trợ cho những lợn tiêu hủy được thực thi hợp lý.
Nga cũng là nước đã từng xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi từ năm 2007. Bệnh lan rộng và khó kiểm soát vì một số lý do chính như:
– Việc vận chuyển trái phép lợn nhiễm bệnh, sản phẩm thịt từ lợn bệnh, thức ăn dạng lỏng và kiểm soát lợn bệnh không hợp lý.
– Virus gây bệnh lưu hành liên tục từ lợn rừng và những yếu tố liên quan đến con người.
– Việc kém hiệu quả trong thực thi những biện pháp phòng, kiểm soát bệnh cũng như thực thi chương trình loại trừ bệnh bằng tài chính của chính phủ.
– Sự thiếu hụt lực lượng thú y hỗ trợ cho một lượng lớn hộ chăn nuôi quy mô nhỏ cũng như chăn nuôi nông hộ, nơi mà luôn hiện hữu khả năng an toàn và an ninh sinh học ở mức thấp.
Trung Quốc là nước gần đây nhất ngay cạnh Việt Nam công bố dịch vào năm 2018. Nước này cũng có mô hình chăn nuôi và quần thể lợn rừng cũng như một số điều kiện về thú y tương tự như Nga. Những biện pháp chủ yếu Trung Quốc đã thực hiện (thể hiện bằng văn bản pháp quy) được liệt kê ở bảng 2:
Bảng 2: Một số quy định của Trung Quốc về phòng chống dịch ASF (nguồn: Wang và cộng sự, 2018)
STT |
Ngày ban hành |
Nội dung quy định |
1 |
13/09/2018 |
Dừng sử dụng máu lợn để sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn. Không được phép cho lợn ăn thức ăn dạng lỏng (cám) mà không chế biến. |
2 |
11/09/2018 |
Cấm vận chuyển liên tỉnh đối với lợn và những sản phẩm của lợn từ những tỉnh đã từng có dịch ASF |
3 |
10/08/2018 |
Tăng cường kiểm dịch vận chuyển lợn |
4 |
03/08/2018 |
Ban hành kế hoạch ứng phó ASF khẩn cấp ở mức độ 2 |
5 |
07/05/2018 |
Cấm nhập khẩu lợn và sản phẩm từ lợn ở Hungary |
6 |
14/02/2018 |
Về phòng chống ASF |
7 |
03/12/2017 |
Về việc thực hiện những biện pháp kỹ thuật đặc biệt để phòng và kiểm soát bệnh (bản thảo) |
8 |
20/10/2017 |
Về thực hiện kế hoạch ứng phó khẩn cấp ASF |
9 |
14/04/2017 |
Phát triển và tăng cường những biện pháp phòng ASF |
10 |
20/03/2017 |
Tăng cường điều tra và giám sát dịch tễ học với ASF |
11 |
03/09/2007 |
Cấm nhập khẩu lợn và sản phẩm từ thịt lợn ở Armenia |
12 |
08/08/2007 |
Cấm nhập khẩu lợn và sản phẩm từ thịt lợn ở Georgia |
Rõ ràng cho dù có những bước đi nhất định trong việc kiểm soát nguy cơ phát dịch ASF tại Trung Quốc, nước này cũng đã phải công bố dịch vào năm 2018. Từ đó, nhiều biện pháp liên quan được thực thi hơn so với trước. Đáng tiếc, vẫn không hoàn toàn hiệu quả trong khống chế dịch và dịch ASF đã lan tràn khắp Trung Quốc. Một số định hướng khuyến cáo cho Trung Quốc bao gồm:
– Với chính phủ: Tập trung vào giám sát và đưa ra những hành động như:
+ Thiết lập kết nối đa chiều với nhiều ban ngành liên quan để cùng hành động trong kiểm soát ASF.
+ Thiết lập nhiều “hàng rào” bảo vệ và kiểm soát dịch bệnh
+ Thiết lập hệ thống giám sát thường trực với sự vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn với những quy định về an ninh sinh học, kiểm dịch, tiêu độc khử trùng và kiểm soát sự di chuyển của xe chuyên chở động vật từ vùng dịch.
+ Thiết lập chương trình giám sát, tầm soát sớm và chủ động
+ Tách biệt những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu vực sản xuất lợn giống
+ Kiểm soát lợn rừng và ve (vecto truyền bệnh)
+ Thiết lập hệ thống kiểm soát toàn diện và hỗ trợ mạnh về kỹ thuật cho việc kiểm soát khu vực ổ dịch, vùng đệm và vùng vành đai.
+ Phát triển những xét nghiệm nhanh, đặc hiệu để chẩn đoán sớm bệnh trong trường hợp nghi ngờ.
+ Thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại một cách hợp lý
+ Chủ trang trại bắt buộc phải khai báo những ca nghi bệnh, lợn ốm hoặc chết cho bác sĩ thú y địa phương.
– Với chủ trang trại (người chăn nuôi): Tập trung vào cải thiện những biện pháp an ninh sinh học
+ Không nhập lợn và tinh lợn từ vùng có ASF vào trại
+ Tránh mang thịt lợn và sản phẩm từ lợn ở bên ngoài vào trại
+ Không bổ sung thức ăn sản xuất từ thành phần có nguồn gốc từ lợn
+ Không cho phép thăm quan trang trại trong trường hợp người đó xuất phát từ vùng dịch
+ Làm sạch và khử trùng xe tải trước và sau khi vận chuyển lợn
+ Cách ly 1 – 3 ngày sau khi du lịch (di chuyển từ xa về)
+ Tiêu diệt ve, ruồi, muỗi và các côn trùng khác.
4. Đề xuất giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
Cho đến nay, vẫn chưa có vắc xin để phòng ASF do những hiểu biết về điểm cảm thụ của virus ở tế bào đích còn khá hạn chế; sự phức tạp trong hệ gen của virus; thiếu quá nhiều thông tin về mối liên hệ giữa khả năng gây bệnh và yếu tố dịch tễ học của bệnh.
Như vậy kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi tại thời điểm đang có dịch hiện nay không thể dựa vào vacxin mà dựa vào biện pháp hành chính, kiểm dịch, truyền thông, giám sát dịch tễ và vệ sinh phòng bệnh. Những biện pháp chi tiết về kiểm dịch, vệ sinh phòng bệnh, chẩn đoán xét nghiệm, … chúng tôi sẽ không đi vào chi tiết mà chúng tôi xin được trình bày quan điểm dưới góc cạnh bổ sung cho những biện pháp trên.
Về đại thể, chăn nuôi lợn ở Việt Nam có hai điều tương đối bất lợi cho công tác phòng chống dịch là (1) Lượng người chăn nuôi nhỏ lẻ quá đông kèm theo số lượng giết mổ, vận chuyển manh mún cực kỳ nhiều dẫn đến hệ thống thú y cho dù có sự hỗ trợ của một số ban ngành cũng khó kiểm soát được tình hình dịch bệnh lây lan và (2) Người chăn nuôi chỉ tập trung vào việc giảm thiệt hại cho cá nhân, một bộ phận thậm chí không rõ chính sách hỗ trợ của Chính phủ; thương lái đương nhiên vì lợi nhuận và buôn bán bất chấp tình hình dịch bệnh phức tạp dẫn đến việc bán tháo lợn bệnh làm bệnh lây lan.
Việt Nam quyết tâm không để cho ngành chăn nuôi lợn bị tàn phá bởi bệnh Dịch tả heo châu Phi
Tập trung giải quyết hai vấn đề này, chúng tôi đề xuất một số biện pháp song hành cùng với những biện pháp kiểm dịch, vệ sinh phòng bệnh như sau:
(1) Tách riêng nhóm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cách xa hẳn khu vực sản xuất lợn giống. Việc này cần điều tra, vận động và nghiên cứu kỹ để đạt được hành động hiệu quả. Khi làm được việc này, chúng ta chủ động được nguồn giống để tái sản xuất. Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện từ năm 1909, đến nay có thể nói rằng bệnh đã lây lan sang khắp thế giới. Tuy vậy, các nước (kể cả các nước có dịch bệnh) vẫn tiếp tục sản xuất thịt lợn và Việt Nam cũng quyết tâm không để cho ngành chăn nuôi lợn bị tàn phá bởi bệnh này.
(2) Khi lực lượng chức năng không đủ để giám sát toàn bộ quá trình vận hành dẫn đến lan tràn dịch bệnh của chăn nuôi lợn quy mô nhỏ. Việc nâng cao ý thức của người chăn nuôi là rất quan trọng. Việc này trước mắt có thể cải thiện ở 02 khâu:
+ Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, báo chí
+ Tập huấn rộng rãi cho người chăn nuôi (đặc biệt là công nhân làm việc trực tiếp tại trang trại) về an toàn sinh học và an ninh sinh học, tầm quan trọng của việc khai báo ổ dịch, chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong trường hợp bị thiệt hại do dịch bệnh, các biện pháp tiêu độc, khử trùng đúng kỹ thuật, …
(3) Nghiên cứu thiết lập và vận hành một hệ thống phản ứng nhanh và cơ động trong phát hiện và kiểm soát bệnh ASF từ giai đoạn dự báo, nhận diện ca nghi mắc bệnh (căn cứ vào thông số dịch tễ học) đến lấy mẫu xét nghiệm và xét nghiệm nhanh (thực hiện bởi phòng thí nghiệm chỉ định và đạt tiêu chuẩn) rồi đưa ra quyết định và cách thực hiện (kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, …)
(4) Kiểm soát yếu tố nguồn dịch thiên nhiên là lợn rừng và ve mềm để đảm bảo bệnh không lưu hành qua lại liên tục giữa lợn nuôi và yếu tố nguồn dịch thiên nhiên.
Cho dù thế nào thì ASF cũng đang nổ ra ở Việt Nam. Bây giờ cũng là thời điểm không phải chỉ có Chính phủ, các cơ quan quản lý, nghiên cứu nhận thức mà chính bản thân người chăn nuôi, đặc biệt là người chăn nuôi nhỏ lẻ (quy mô trang trại nhỏ hoặc nông hộ) cần phải hiểu rõ và tuân thủ nghiêm túc những quy trình vệ sinh phòng bệnh, khuyến cáo của nhà nước trong phòng chống bệnh. Từ đó, việc phòng chống bệnh sẽ đạt hiệu quả không phải chỉ với riêng ASF mà còn với rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác ở động vật.
PGS.TS Nguyễn Bá Hiên
Khoa Thú y – Học viện Nông Nghiệp Việt Nam
- bệnh Dịch tả lợn Châu Phi li>
- Dịch tả lợn Châu Phi li> ul>
- Vỏ yến mạch đang ngày càng phổ biến trong dinh dưỡng gia cầm
- 6 thành phần giàu chất xơ và lợi ích của chúng đối với người chăn nuôi gia cầm
- Lựa chọn chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của gà thịt giống
- 6 điều có thể bạn chưa biết giúp thúc đẩy quá trình tổng hợp protein (tăng cơ bắp) ở heo
- Đất sét trao đổi ion trong thức ăn có thể thể hiện đặc tính kháng sinh
- Nghiên cứu đầu tiên về vi khuẩn nước bọt lợn cho thấy sự biến đổi cao
- Lợi ích và thách thức của urê cấp thức ăn chăn nuôi
- Nghiên cứu cho thấy cúm H5N1 ở bò có thể lây lan qua đường vắt sữa
- Gluten ngô là thành phần dinh dưỡng có giá trị của động vật nhai lại
- Sử dụng năng lượng và protein tối ưu
Tin mới nhất
T7,16/11/2024
- Sử dụng vắc xin AVAC ASF LIVE, chủ đại lý bán gần 1.000 tấn cám/tháng an tâm nuôi lợn
- Vỏ yến mạch đang ngày càng phổ biến trong dinh dưỡng gia cầm
- Ứng dụng chế phẩm vi sinh để xử lý bã dong riềng làm phân bón hữu cơ và thức ăn chăn nuôi
- Hải Dương sẽ thực hiện cấm chăn nuôi tại 270 khu dân cư ở các phường, thị trấn
- Giá trâu bò thấp, người chăn nuôi gặp khó
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Tập huấn phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2024
- Mavin nhận giải thưởng danh giá về Trách nhiệm xã hội
- Thiết lập và tăng cường lá chắn miễn dịch cho lợn
- Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%
- 6 thành phần giàu chất xơ và lợi ích của chúng đối với người chăn nuôi gia cầm
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất