Gian nan phục tráng giống lợn Ỉ cổ truyền - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 67.000 - 71.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 70.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Yên Bái 68.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội 71.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 64.000 - 69.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 68.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Nam 65.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Thanh Hóa 69.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 63.000 - 67.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 67.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Bến Tre 65.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Bạc Liêu 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Sóc Trăng 64.000 đ/kg
    •  
  • Gian nan phục tráng giống lợn Ỉ cổ truyền

    [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Tập quán chăn nuôi lợn Ỉ và trồng lúa nước xuất hiện ngay từ khi ra đời ở Đồng bằng Bắc Bộ, luôn gắn liền với đời sống của nông dân Việt suốt hàng ngàn năm qua. Thế nhưng giờ đây, giống lợn Ỉ đang ở giữa bờ vực của sự tuyệt chủng..

     

    Lợn Ỉ tên nghe thật quen, khiến ta nhớ tới con vật đen trũi, mặt nhăn, lưng võng, bụng sát đất mà chẳng bao giờ bị viêm vú. Hàng ngày lợn mẹ cứ nhẩn nha đưa đàn con mình bới hết đống đất này tới bụi rậm nọ, tìm con giun con dế, rễ cây rễ cỏ, thậm chí chúi mũi vào đống rác mà chẳng bao giờ bị ngộ độc, bởi nhờ có bộ khứu giác từng được xưng tụng là “vị giác tinh”.

    Gian nan phục tráng giống lợn Ỉ cổ truyền

    Những con lợn Ỉ đang được bảo tồn tại DABACO ở Bắc Ninh.

     

    Bảo tồn khi đã… muộn

     

    TS Võ Văn Sự, nguyên Trưởng khoa Động vật quý hiếm – Viện Chăn nuôi, người nhiều năm trăn trở “cứu” lợn Ỉ trước “họa” tuyệt chủng cho biết, lợn Ỉ mang hình thái đặc trưng:da đen bóng, mặt nhăn, mắt híp, nọng cổ và má chảy sệ, chân thấp, mõm ngắn, bụng sệ quét đất. Lợn nái thường đi chữ bát, mỗi năm chỉ đẻ 2 lứa, mỗi lứa cho 8-11 con. Lợn sơ sinh có khối lượng rất thấp, chỉ 0,4 kg/con. Nuôi 1 năm tuổi, lợn mới đạt trọng lượng 36-45 kg/con, 3 năm tuổi đạt 50 -75 kg/con. Tỷ lệ mỡ ở dòng Ỉ Mỡ lên tới 48% so với thịt xẻ; Ỉ Gộc có tỷ lệ mỡ 42%. Tuy vậy, mỡ lợn Ỉ có cấu trúc chủ yếu là acid béo không no, tương tự như dầu ăn thực vật, nên tuy thịt lợn nhiều mỡ nhưng ăn không ngán như thịt lợn ngoại, và cũng không làm tăng hàm lượng cholesteron trong máu.

     

    “Mỡ lợn Ỉ vô cùng thơm ngon. Xưa kia, nhà quê nào rán mỡ lợn Ỉ thì chẳng thể dấu nổi, mùi mỡ thơm toả đi đầu làng cuối xóm. Dân gian hàng nghìn năm nay truyền tụng 6 sản vật đặc trưng ngày Tết “Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh/ Thịt mỡ, dưa hành, câu đói đỏ”. Mỡ lợn Ỉ là thành phần không thể thiếu được trong chiếc bánh chưng xưa. Đã hơn 30 năm, bánh chưng Việt Nam mất đi hương vị vì phải sử dụng thịt lợn lai làm nhân”, TS Võ Văn Sự than thở.

     

    Năm 1969 điều tra số lượng vật nuôi cho thấy cả nước còn 2 triệu con lợn Ỉ, thế nhưng đến năm 1990 thì giống lợn Ỉ gần như tuyệt chủng. Lý giải nguyên nhân đẩy lợn Ỉ xuống “vực thẳm”, theo ông Sự vì giống lợn này quá chậm lớn, nuôi cả năm cũng chưa được nổi 50 kg, nên không tranh chấp nổi với các giống lợn “Tây” nuôi 4 tháng đã đạt 80 kg. Những năm 1980, khi ngành chăn nuôi nước ta hô hào phong trào “lai kinh tế”, dùng lợn Đại Bạch của Liên Xô phối giống với lợn Ỉ tạo con lai F1 cho ưu thế lai. Chương trình ngoại hoá đàn lợn thành công tới mức “tận diệt” nguồn gen nội thuần chủng. Từ năm 1985, thế giới đã bắt đầu hướng tới việc bảo tồn những giống vật nuôi truyền thống, những chủng giống vật nuôi nào mà số lượng giảm xuống dưới 1000 con thì phải được bảo tồn. Chương trình bảo tồn vật nuôi của Việt Nam được thực hiện muộn hơn, mãi tới năm 1992, nước ta mới bắt đầu công bố đa dạng sinh học, thống kê các giống vật nuôi và triển khai đề án “Bảo tồn nguồn gen vật nuôi quốc gia”. Vào thời điểm đó, các nhà khảo sát đều không tìm thấy lợn Ỉ thuần chủng. Vì vậy, trong tập bản đồ các giống vật nuôi ở Việt Nam do Bộ NN&PTNT phát hành, lợn Ỉ được xếp vào loài đã bị tuyệt chủng.

     

    Từ đầu những năm 1990, TS Võ Văn Sự được giao nhiệm vụ tại khoa Động vật quý hiếm – Viện Chăn nuôi, chuyên bảo tồn và phát triển các giống vật nuôi quý hiếm. Thuở đó, TS Võ Văn Sự lặn lội về các miền quê để tìm  những con lợn ỉ đen sì, bụng sệ sát đất, da nhăn nheo. Một giống lợn từng có 2 triệu con, ai ngờ thật khó tìm. TS Sự đã phải bỏ ra 4 tháng trời ròng rã đi khắp các làng quê ở Đồng bằng sông Hồng. Xuống Nam Định, tối tìm nhà người dân ngủ nhờ, ngày lại lên đường lân la dò hỏi: “Các bác có biết đâu bán lợn Ỉ không?”. Cũng có một số nhà còn nuôi lợn Ỉ đấy, nhưng đều là lợn Ỉ lai, hàm lợn máu lợn Ỉ chỉ dưới 65%, những con lợn thuần chủng 100% máu Ỉ tuyệt nhiên không thấy. Nam Định không có, ông sang Thái Bình, rồi Ninh Bình. Nông dân đi làm sớm, ông cũng phải dậy từ 3-4 giờ, đi quanh làng để nghe tiếng lợn đòi ăn, chỗ nào có tiếng kêu nặng chình chịch, nhưng ngắn và gấp là ông tấp vào hỏi: “Nhà ta có lợn Ỉ gộc đấy à?”. Có những buổi chiều, nghe người ta mách “nhà ông Hát giữa làng còn một con”, ông bèn tìm đến. Nhà khóa cổng, ông ngồi ở chân đống rơm chờ. Sẩm tối, vợ chồng nhà nọ về. “Vâng, bác vào mà xem”. Hăm hở vén mành chuồng lợn. Mặc mùi phân nồng nặc, ông xán lại: Không phải! Đâu phải ai cũng biết đích xác thế nào là giống lợn Ỉ thuần chủng, cứ đen đen xâu xấu thì bảo “chắc chắn nhà đấy có”.  Song cuối cùng, chuyến đi xuyên 3 tỉnh, hơn 4 tháng trời biền biệt không về nhà đó, TS Sự cũng tìm được giống lợn ỉ pha, nhưng chỉ đạt 70% máu lợn Ỉ.

    Gian nan phục tráng giống lợn Ỉ cổ truyền

    Giống lợn Ỉ đang ở giữa bờ vực của sự tuyệt chủng.

     

    Nhọc nhằn phục tráng lợn Ỉ

     

    Trong một chuyến khảo sát tại huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá vào năm 1995, ông Nguyễn Như Cương là giảng viên của trường ĐH Hồng Đức đã phát hiện một số con lợn Ỉ được nuôi giữ bởi những hộ nghèo nhất nhì trong vùng. TS Võ Văn Sự hào hứng về Thanh Hóa, kiểm tra phân tích cho thấy hàm lượng gen lợn Ỉ ở những con lợn này khá cao, lên đến 75-85% máu lợn Ỉ.

     

    Từ năm 2001, đàn lợn Ỉ ở Hoằng Hoá được Viện Chăn nuôi đưa vào chương trình đề án “Bảo tồn quỹ gen vật nuôi Việt Nam”, ông Nguyễn Như Cương đại diện cho Hội Chăn nuôi thú y Thanh Hoá ký kết hợp đồng bảo tồn với Viện Chăn nuôi. Mỗi năm Nhà nước chi 50 triệu đồng cho cơ sở bảo tồn lợn Ỉ tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, việc đề tài Phục tráng giống lợn ỉ do Viện Chăn nuôi và Thanh Hóa thực hiện không thành công, khi đàn lợn Ỉ đã phát triển lên 38 con, nhưng độ thuần chủng không nâng cao lên được, đàn lợn đối diện với nguy cơ dịch bệnh, có thể xóa sổ bất cứ lúc nào. Vì vậy, đến năm 2009, đàn lợn được đưa về Trung tâm Thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi (thuộc Viện Chăn nuôi quốc gia) ở Thụy Phương, Hà Nội để tiếp tục công cuộc bảo tồn và phục tráng giống. Thế nhưng, đàn lợn Ỉ được nuôi dưỡng tại Viện Chăn nuôi cứ chết dần, tuy sinh sản được nhiều đàn hậu duệ, nhưng đàn con sinh ra phần lớn đều chết non. Vì vậy đến năm 2016, Bộ NN&PTNT chuyển giao những con lợn Ỉ từ Viện Chăn nuôi về cho Công ty Dabaco ở Bắc Ninh. Ngày 11/11/2016, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa hai Bộ. Tại lễ ký kết này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT  Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ  Chu Ngọc Anh  đã giao nhiệm vụ cho Tập đoàn DABACO Việt Nam cùng với các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam trong thời gian ngắn nhất phục tráng 2 giống lợn đặc sản của Việt Nam là giống lợn Móng Cái thuần và lợn Ỉ thuần sớm đưa vào sản xuất.

     

    Trước thềm năm mới Kỷ Hợi, tôi tìm đến Trung tâm Thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi của Viện Chăn nuôi, bà Nguyễn Thị Mười, Giám đốc Trung tâm cho biết, toàn bộ lợn Ỉ đã chuyển giao hết cho DABCO, nên tại Trung tâm không còn cá thể nào. Số lượng lợn Ỉ giao cho DABCO là 10 con lợn nái và 2 cá thể lợn đực. Với sự nỗ lực phục tráng, độ thuần chủng của đàn lợn Ỉ bảo tồn từ mức 85% máu lợn Ỉ khi nhận chuyển giao từ Thanh Hóa, đến thời điểm năm 2015, đã có những con lợn đạt đến 95-98% máu lợn Ỉ. Tuy vậy, chỉ có 2 con đạt đến độ này, và chưa có con lợn nào đạt độ thuần chủng 100% máu lợn Ỉ như mục tiêu đề ra, phần lớn số con còn lại chỉ dao động ở mức 85-95% máu lợn Ỉ. Nhưng điều đáng nói, lợn Ỉ bào tồn rất khó nuôi, tỷ lệ lợn chết lên đến 80-100% ngay trong giai đoạn trước cai sữa, nguyên nhân là do cận huyết. “Trước đây cha ông ta nuôi lợn Ỉ, đàn lợn cả nước còn đông đến mấy triệu con, thì không bị cận huyết, nên lợn Ỉ được ngợi ca là có sức chống chịu cao, ít bệnh tật so với các giống lợn ngoại. Nhưng nay bảo tồn chỉ có mấy chục con đem giao phối với nhau, dẫn đến cận huyết, sức khỏe rất kém, lợn con nào sinh ra thì chết con đó. Từ đàn lợn ngót 40 con, về sau chỉ còn hơn chục con. Chúng tôi nhiều lần về Thanh Hóa tìm mua thêm lợn đực Ỉ để làm tươi máu đàn lợn bảo tồn, nhưng không có. Người ta cũng giới thiệu trong dân có những con lợn Ỉ, nhưng là lợn dưới 60% máu Ỉ, nếu sử dụng nhân đàn thì sẽ đi ngược mục tiêu phục tráng giống”, bà Mười cho hay.  Theo bà Mười, trong đàn lợn chuyển giao cho DABACO, có 2 ổ lợn nái mới sinh con. Thế nhưng DABCO nhận về, họ nuôi cũng chết hết.  

     

    Chúng tôi tìm đến Công ty TNHH Lợn giống hạt nhân DABACO, thành viên Tập đoàn DABACO, tại xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nơi hiện đang bảo tồn những con lợn Ỉ cuối cùng. Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ ở đây cho biết, công cuộc bảo tồn giống lợn Ỉ vẫn hầu như không có tiến triển và rất gian nan. Tuy vẫn có những đàn lợn con mới chào đời,  nhưng nuôi sống được rất được rất hãn hữu. Và càng chưa thể dự đoán được đến bao giờ mới phục tráng thành công lợn 100% máu lợn Ỉ như nhiệm vụ được Bộ NN&PTNT giao.

     

    Bài và ảnh: Chu Minh Khôi

     

    6 Comments

    1. P anh

      Đầu những năm 2000, ở Thảo Điền,quận 2, tphcm,tôi vẫn thấy những đàn lợn mình hoa như hình vẽ những con lợn trong tranh Đông Hồ trong sách giáo khoa khi còn học cấp 1. Có khi 1 con, có khi heo nái dắt 1 đàn con mìh trắng, vằn đốm đen, cái lưng võng xuống, cái bụng chạm đất. Trông chúng đẹp lắm. Thật không ngờ chúng bị tiệt chủng rồi sao!

    2. Xuân Thọ

      Giờ mình cũng muốn nuôi mà không có. Nghe nói bên Mỹ họ nuôi làm cảnh không biết có phải không.

    3. Nguyễn Quang Huy

      https://tuoitre.vn/lon-i-viet-nam-lam-loan-o-lanh-tho-my-20201225192526996.htm
      Ở Việt Nam thì sắp tuyệt chủng nhưng đang có hàng chục nghìn chú lợn Ỉ tại Mỹ và đang bị săn lùng và ban ” cái chết nhân đạo ” Liệu chúng ta có thể làm gì để bảo vệ giống lợn đã đi theo lịch sử của Việt Nam hàng nghìn năm ?

    4. Luc Do Duc

      Anh có muốn nuôi không tôi biếu một con để anh nuôi.

    5. Nguyễn quốc kỳ

      Tôi muốn nuôi bảo tồn

    6. funny guy

      Thật ko? bạn cân nó lên, được bao nhiêu cân tôi trả bạn bấy nhiêu cục vàng nôi nha? đổi ko? (bonus: tặng bạn 1tr/1con)

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

  • Nguyễn bảo Quốc
  • Tôi muốn mua cám dế

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.