Phát triển ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm tơ tằm - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 64.000 - 66.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 66.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Thái Bình, Yên Bái 65.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lào Cai 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 61.000 - 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 61.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 64.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Nam 62.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 61.000 - 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Bến Tre 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Cà Mau 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Vĩnh Long 61.000 đ/kg
    •  
  • Phát triển ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm tơ tằm

    [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Tơ tằm là một sản phẩm có giá trị cao nhưng khối lượng sản xuất được lại thấp, chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng nguyên liệu dệt của thế giới. Sản xuất tơ tằm xuất khẩu là một ngành nghề đem lại hiệu quả khá lớn, cần được quan tâm bảo vệ và phát triển một cách bền vững.

    Việt Nam hiện đứng thứ ba trên thế giới về sản lượng tơ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ

     

    Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 32 tỉnh có nghề trồng dâu nuôi tằm, với 38.076 hộ nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm, tính theo lao động chiếm 0,24% tổng lao động nông nghiệp. Nghề trồng dâu nuôi tằm đóng góp khoảng 2% tổng giá trị xuất khẩu.

     

    Diện tích trồng dâu cả nước khoảng 13,2 ngàn ha, tập trung chủ yếu ở vùng Tây Nguyên (trong đó Lâm Đồng chiếm khoảng 73% diện tích so với cả nước); tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018 – 2022 là 12,15%.

     

    Năm 2022, sản lượng kén tằm của cả nước đạt 16.824 tấn, trong đó vùng Tây Nguyên đạt 14.796 tấn chiểm 87,94% so với cả nước (riêng Lâm Đồng đạt 14.708 tấn, chiếm 87,42 % so với cả nước). Giá trị xuất khẩu tơ tằm của Việt Nam năm 2022 đạt 97,7 triệu USD. Phần lớn tơ thô của Việt Nam được xuất khẩu sang Ấn Độ (năm 2020: 91,4%, năm 2021: 92,3%, năm 2022: 95%).

     

    Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về sản lượng tơ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 70 triệu USD/năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Doãn Hùng, Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, ngành dâu tằm tơ Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại cả về sản xuất và thị trường. Trong đó, nghề trồng dâu nuôi tằm được thực hiện chủ yếu tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có một quy hoạch tổng thể và chương trình phát triển dài hạn để hình thành các vùng nguyên liệu gắn với tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

     

    Nghề trồng dâu nuôi tằm chủ yếu vẫn là sản xuất thủ công nhiều khâu, đặc biệt là trồng dâu nuôi tằm và hái lá, cơ giới hóa trong sản xuất còn nhiều hạn chế. Trình độ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh… còn thấp. Việc nuôi tằm vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại cây dâu, tằm khiến sản lượng kén thực tế thấp hơn nhiều so với năng suất tiềm năng. Bên cạnh đó, ngành dâu tằm tơ Việt Nam chủ yếu sản xuất kén, chế biến tơ thô xuất khẩu nguyên liệu.

     

    Ông Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cho biết, đầu tư cho trồng dâu nuôi tằm không nhiều nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhanh có thu nhập. Những năm gần đây do thu nhập từ dâu tằm khá lên, một số nơi chưa có tập quán cũng đã phát triển nhanh hình thành những vùng dâu có diện tích lớn, sản lượng kén cao như: Yên Bái, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa, nhất là các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai.

     

    Theo ông Tú, muốn thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 đưa diện tích dâu của nước ta lên 15.000ha, giá trị xuất khẩu đạt 150 triệu USD/năm đòi hỏi ngành sản xuất dâu tằm tơ phải có các giải pháp đồng bộ và toàn diện từ giải pháp về khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, thị trường, chính sách, xây dựng cơ sở và vật chất kỹ thuật…

     

    Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển

     

    Tháng 8/2024, đoàn các thành viên Liên minh Tơ lụa quốc tế (ISU) do ông Zhang Guoqiang, Chủ tịch Đại hội đồng ISU làm trưởng đoàn đã đến thăm Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Việt Nam tại Bảo Lộc, cùng làm việc, trao đổi với Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam. Ông Zhang Guoqiang cho rằng, tơ tằm Việt Nam mở xu hướng mới trong phát triển công nghiệp như sử dụng toàn diện tài nguyên nuôi tằm, nuôi tằm công nghiệp, sản xuất tơ lụa thông minh, xanh và bền vững, cũng như các hướng phát triển mới của ngành như thúc đẩy giáo dục tơ lụa, thời trang đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế sẽ tạo thương hiệu mạnh trên thế giới. 

     

    Tháng 01/2024, làm việc với Bộ NN&PTNT Việt Nam, ông Ikboljon Ergashev, Chủ tịch Ủy ban Phát triển công nghiệp tơ lụa và len Uzbekistan cho biết, Uzbekistan có trung tâm nghiên cứu các sản phẩm tơ tằm, hai nước có thể hợp tác theo hướng trao đổi về giống dâu tằm cũng như hợp tác giữa các viện nghiên cứu về tơ tằm của Việt Nam với các viện nghiên cứu của Uzbekistan.

     

    “Chúng tôi mong muốn hai quốc gia tiếp tục có sự trao đổi, phát triển, chúng tôi đã thăm các công ty sản xuất dâu tằm tơ ở Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác để tăng sản lượng, trao đổi hàng hoá giữa hai bên. Các doanh nghiệp Uzbekistan rất mong muốn nhập khẩu công nghệ tơ lụa Việt Nam”, ông Ikboljon Ergas nói.

     

    Về vấn đề phát triển dâu tằm tơ của Việt Nam, ông Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cho biết, dâu tằm tơ là ngành nghề truyền thống của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã chủ động được giống dâu năng suất, chất lượng cao, kỹ thuật nuôi tằm con tập trung được áp dụng trên toàn quốc.

     

    Riêng tại tỉnh Lâm Đồng hiện có 25 nhà máy ươm tơ tự động, 10 nhà máy se và dệt. Sản lượng tơ chất lượng cao có đến 80% tập trung ở địa phương này. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất trong lĩnh vực phát triển dâu tằm tơ của Việt Nam là nguồn trứng giống phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện nhu cầu trứng giống của Việt Nam từ 400.000-500.000 hộp/năm và nguồn giống trong nước chỉ đáp ứng 10%.

    80% sản lượng tơ chất lượng cao tập trung ở tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: baolamdong)

     

    Liên kết các doanh nghiệp để sản xuất tơ tằm

     

    Lâm Đồng là tỉnh phát triển ngành dâu tơ tằm lớn nhất cả nước, theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết, diện tích trồng dâu đạt 9.882 ha (trong đó diện tích trồng dâu ứng dụng công nghệ cao đạt trên 2.000 ha), với khoảng trên 15.000 hộ trồng dâu nuôi tằm, tập trung chủ yếu tại các huyện Lâm Hà (3.510 ha), huyện Đạ Tẻh (1.573 ha), huyện Đức Trọng (1.754 ha), TP. Bảo Lộc (749 ha), huyện Di Linh (710 ha), huyện Đam Rông (630 ha), huyện Bảo Lâm (596 ha)…

     

    Hiện nay, sản phẩm tơ, lụa của tỉnh đang được tiêu thụ bởi những thị trường lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Lào, Campuchia, Ý, Pháp… thậm chí có cả những thị trường khó tính bậc nhất trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc.

     

    Trong số các địa phương phát triển tơ tằm của Lâm Đồng, TP. Bảo Lộc là nơi quy tụ những “cánh chim đầu đàn” về đầu tư công nghiệp tơ lụa. Tại đây, hiện có khoảng 30 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh về tơ tằm. Trong đó 11 doanh nghiệp ươm tơ, 10 doanh nghiệp chuyên về công nghiệp dệt và 5 doanh nghiệp kinh doanh tơ lụa. Hiện nay sản lượng tơ của TP. Bảo Lộc khoảng 1.000 tấn/năm, mỗi năm sản xuất khoảng 5 triệu mét vải lụa.

     

    Bà Hồ Thị Giáng, Giám đốc Công ty Tơ lụa Minh Thành (một trong những doanh nghiệp có quy mô ươm tơ lớn nhất của TP. Bảo Lộc) cho biết, hiện nay nhà máy sản xuất 6 tấn kén/ngày và đang phấn đấu nâng lên 7-8 tấn kén/ngày. “Tơ của Bảo Lộc có chất lượng tốt, cạnh tranh về giá nên thị trường thế giới rất ưa chuộng. Công ty chúng tôi hiện đang xuất khẩu 80% tơ qua thị trường Ấn Độ, 20% qua thị trường Nhật Bản. Phần phế liệu như thảm, gốc rũ, nhộng thì được tiêu thụ bởi thị trường Trung Quốc”, bà Hồ Thị Giáng cho biết thêm.

     

    Ông Nguyễn Đình Chiến, Giám đốc Công ty Tơ tằm Phúc Hưng (phường Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc) cho biết, doanh nghiệp có 2 dãy máy ươm tơ tự động với công suất 7 tấn tơ/2 ca làm việc. Để đảm bảo kén nguyên liệu phục vụ sản xuất, doanh nghiệp này đã liên kết với hàng nghìn hộ dân trong và ngoài Thành phố. “Mỗi tháng Công ty thu mua 30 tấn kén từ các hộ dân trong tỉnh để phục vụ sản xuất. Nguồn nguyên liệu này chỉ đáp ứng được gần 70% công suất nhà máy. Hiện tại, thị trường Nhật Bản và Ấn Độ đề xuất tiêu thụ 50 tấn tơ/năm nhưng nguồn nguyên liệu kén có hạn nên chúng tôi chỉ đáp ứng được 35 tấn tơ/năm cho cả 2 quốc gia này”.

     

    Ông Chiến cho biết thêm, để đảm bảo thực hiện quy trình sản xuất hiện đại, đáp ứng nhu cầu tơ của trị trường, Công ty thường xuyên đào tạo công nhân từ việc nấu kén, nối tơ đến vận hành máy móc hiện đại, kiểm tra chất lượng sản phẩm… Hiện nay, sản phẩm tơ của nhà máy không đủ cung ứng cho thị trường nên doanh nghiệp đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng trong việc xây dựng liên kết, mở rộng vùng sản xuất dâu, nuôi tằm.

     

    Tiềm năng phát triển

     

    Xu thế của người tiêu dùng Việt Nam cũng như người tiêu dùng các nước trên thế giới là ưa thích sử dụng các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên; đặc biệt là các sản phẩm làm bằng chất liệu tơ tằm. Thị trường tiêu thụ vải lụa lớn trên thế giới như Ý, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc và Canada vẫn tiếp tục thể hiện nhu cầu ngày càng tăng với các sản phẩm làm từ tơ lụa. Vải lụa tơ tằm Việt Nam với chất sợi mềm mỏng, nhẹ nhàng, sợi tơ dệt chắc, nguồn gốc tự nhiên, người thợ dệt có tay nghề và kĩ thuật cao luôn được sự quan tâm của các thị trường khó tính trên thế giới.

     

    Hội tơ tằm quốc tế và các quốc gia sản xuất tơ tằm đều cho rằng, hiện nay sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và xu hướng sử dụng tơ tằm trên thế giới ngày càng tăng. Ngay tại thị trường tiêu thụ nội địa nhu cầu tiêu dùng cũng tăng lên rất nhiều do đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Do vậy, có thể xác định tiềm năng phát triển của ngành tơ tằm Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.

     

    Với những tiềm năng to lớn như trên ngành tơ tằm Việt Nam cần những doanh nghiệp, những con người để chung tay xây dựng phát triển ngành tơ tằm ngày một tốt hơn đáp ứng được sự kỳ vọng của thị trường.

     

    Theo ông Lê Thái Vũ, Ủy viên BCH Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tơ lụa Quảng Nam, “Để phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam, đòi hỏi có thêm các nhà thiết kế, viện thiết kế trong và ngoài nước cùng tham gia tạo nên sản phẩm thời trang và nhiều sản phẩm khác từ lụa tơ tằm Việt Nam. Đặc biệt, phải kết hợp với du lịch “làng nghề” để tạo điểm tham quan trải nghiệm cho du khách (quy trình trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa) và tổ chức những lễ hội truyền thống có liên quan đến tơ tằm nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu lụa tơ tằm Việt Nam ra bạn bè quốc tế”.

     

    Ông Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cho rằng, “Muốn phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa cần xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa, đưa giống dâu mới, giống tằm tốt, nuôi tằm con tập trung, phân vùng mua lại sản phẩm kén tằm cho từng doanh nghiệp ươm tơ và chọn một số doanh nghiệp “đầu đàn” làm nhiệm vụ xuất khẩu. Đồng thời phân xử được việc tranh mua, tranh bán, dìm giá, phá giá và ngăn chặn được giống dâu, giống tằm, tằm con kém chất lượng khiến nông dân không yên tâm sản suất”.

     

    Quỳnh Chi

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

  • Trần Thế Tuyên
  • Sđt mình: 0913463234.

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.