[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Stress nhiệt được định nghĩa là một tình trạng gây ra khi cơ thể động vật đang hiện diện trong môi trường có nhiệt độ quá cao, làm cho vật nuôi không duy trì được thân nhiệt ổn định như mức độ thường có trong điều kiện tối ưu.
Khi đã định nghĩa được như trên có nghĩa là xem như đã xác định nguyên nhân gây ra stress nhiệt: đó là do nhiệt độ ngay tại môi trường nuôi, hay nói đúng hơn là nhiệt độ cảm nhận tại môi trường nuôi tăng lên quá cao hơn mức nhiệt độ tối ưu, vốn đã được xác định là chỉ ở trong mức 17 – 27 oC cho hầu hết các loài vật nuôi và thấp hơn một chút, ở mức 15 – 25 oC cho bò. (khi nhiệt độ cảm nhận ở môi trường nuôi xuống quá thấp, từ dưới 15-17 oC trở xuống thì cơ thể cũng gặp stress nhiệt, và để phân biệt người ta gọi đó là stress nhiệt lạnh thay vì stress nhiệt nóng như thường gặp ở các nước nhiệt đới)
Không nên để xảy ra tình trạng stress nhiệt trên đàn vật nuôi rồi mới tìm cách khắc phục vì một khi tình trạng này xảy ra và đàn vật nuôi có những biểu hiện để người chăn nuôi nhận biết được thì khi đó vật nuôi đã có những rối loạn, thương tổn bên trong cơ thể ở mức khó khắc phục được ngay hoặc thậm chí khi đó đã có một tỷ lệ khá lớn, 20 – 30% số đầu con, không còn cứu chữa được nữa.
Các biện pháp phòng ngừa và khắc phục có thể được chia thành hai nhóm là nhóm biện pháp liên quan đến công tác chăn nuôi, chăm sóc đàn vật nuôi; và nhóm biện pháp dinh dưỡng tác động vào thức ăn và/hoặc nước uống của vật nuôi. Tùy theo điều kiện cụ thể mà người chịu trách nhiệm quản lý chăn nuôi xem xét lựa chọn để áp dụng một vài hay toàn bộ các biện pháp được nêu dưới đây để giúp đàn gà duy trì năng suất, giảm thiểu thiệt hại do stress nhiệt gây ra.
Nhóm giải pháp phòng chống stress nhiệt liên quan đến công tác chăm sóc, chăn nuôi
1. Duy trì nhiệt độ cảm nhận trong khu vực chuồng nuôi, nhất là phạm vi xung quanh cơ thể vật nuôi luôn ổn định ở mức nhiệt độ tối ưu là 17-27 oC đối với heo, gà và 15-25 oC đối với bò.
Thông thường các kiểu chuồng mát có thể làm giảm được nhiệt độ (tuyệt đối) trong chuồng thấp hơn chừng 10oC so với nhiệt độ ngoài trời. Do vậy nếu nhiệt độ ngoài trời đo được trên 37oC thì lúc đó hầu như chắc chắn là nhiệt độ trong chuồng nuôi sẽ cao hơn ngưỡng trên của mức nhiệt độ tối ưu. Đồng thời phải thấy là nếu nhiệt độ tuyệt đối trong chuồng khoảng 27oC mà muốn tạo ra mức nhiệt độ cảm nhận cho vật nuôi cũng là 27oC thì phải có được ẩm độ trong chuồng nuôi ở mức dưới 50%, trong khi thường độ ẩm không khí trên hầu khắp cả nước thường xuyên ở mức 70-80%, thậm chí nhiều nơi còn cao hơn nữa. (tham khảo Bảng quy đổi nhiệt độ cảm nhận trong bài viết trong cùng số Tạp chí này).
Mong muốn làm giảm ẩm độ trong chuồng nuôi có thể thực hiện được phần nào nhờ vào việc điều chỉnh tốc độ gió từ phía các quạt đẩy và quạt hút đã được thiết kế, lắp đặt ở chuồng trước đó và còn tùy vào thời gian xả nước ở giàn làm mát (cooling pad). Cũng cần lưu ý việc thiết kế chuồng sao cho hướng của luồng khí vào và hướng ra không cùng nằm trên một trục thẳng thì mới tạo được luồng khí lưu thông khuấy đảo bên trong chuồng và từ đó lôi kéo được khối không khí bên trong chuồng di chuyển gần như qua tất cả mọi vị trí trong chuồng, nhất là phần nằm dưới thấp, ngay sát lớp độn chuồng, mà không có tác động xấu đến vật nuôi. Mặt khác nếu tạo được luồng khí lưu thông theo kiểu khuấy đảo như vậy thì sẽ dễ lôi kéo được các khí độc trong chuồng ra ngoài, tạo ra một không khí “sạch” hơn cho vật nuôi.
Hình 1. Thiết kế hướng luồng khí vào không cùng trục thẳng với hướng luồng khí ra để tạo nên sự khuấy đảo luồng không khí lưu thông trong chuồng
Bảng 1. Ngưỡng giới hạn một số loại khí thông thường trong chuồng nuôi gà
Loại khí |
Ký hiệu |
Mức gây độc |
Mong muốn |
Carbon Dioxide |
CO2 |
Trên 30% |
Dưới 1% |
Methane |
CH4 |
Trên 5% |
Dưới 1% |
Ammonia |
NH3 |
Trên 500ppm |
Dưới 40ppm |
Hydrogen Sulfide |
H2S |
Trên 500ppm |
Dưới 40ppm |
Oxygen |
O2 |
Dưới 6% |
Trên 16% |
Nguồn: https://www.thepoultrysite.com/articles/key-factors-for-poultry-house-ventilation
2. Nếu như các thiết kế chuồng có sẵn không thể nào cải thiện về nhiệt độ, độ ẩm và/hoặc tốc độ gió được hơn nữa, một khi các ghi nhận cho thấy mức nhiệt độ cảm nhận trong chuồng nuôi sẽ có thể cao hơn mức nhiệt độ tối ưu vào một số thời điểm nhất định trong ngày thì giải pháp kế tiếp sẽ là tránh để cho vật nuôi ăn vào những thời điểm này. Trường hợp của gà thịt hoặc heo thịt vốn được cho ăn liên tục trong ngày thì đến trước thời điểm này sẽ cần rút máng ăn lên cao hoặc tính toán lượng thức ăn cung cấp trước đó sao cho vật nuôi ăn hết trước khi đến thời điểm mà nhiệt độ cảm nhận trong chuồng bị tăng cao và tiếp tục để máng trống không có thức ăn cho đến khi nào nhiệt độ hạ xuống mức tối ưu trở lại. Thường trong mùa nắng nóng, quãng thời gian không cho ăn này sẽ bắt đầu từ 10-11 giờ và kéo dài đến khoảng 15-16 giờ.
Mặt khác thì nước uống vẫn phải được cung cấp đầy đủ. Nếu có điều kiện thì có thể làm lạnh nước bằng cách bỏ một số đá lạnh vào bồn chứa nước của mỗi dãy chuồng. Pha thêm vitamin C hoặc chất điện giải (electrolytes) vào nước uống cho vật nuôi trong suốt mùa nóng cũng là một giải pháp nên thực hiện để giảm bớt stress nhiệt.
Việc không cho ăn trong thời điểm nắng nóng đương nhiên sẽ làm giảm sự tăng trưởng của vật nuôi và kéo dài thời gian nuôi ở thú lấy thịt; cũng như pha chất điện giải vào nước uống thì sẽ làm phân của vật nuôi thải ra ẩm ướt hơn. Tuy nhiên đó là cái giá (không đắt) phải trả để giảm thiểu số chết do stress nhiệt có thể sẽ rất lớn.
3. Một giải pháp liên quan đến công tác chăn nuôi cần được xem xét đến ngay từ đầu lứa nuôi là xác định mật độ thả nuôi sao cho phù hợp. Các khuyến cáo mật độ nuôi có sẵn chỉ là mức để tham khảo. Người nuôi cần dựa vào lịch sử các lứa nuôi trước và dựa trên ước lượng khối lượng cùng với thể tích của vật nuôi vào tuần cuối cùng trước khi xuất thịt để ấn định mật độ nuôi thích hợp nhất. Có nhiều nơi vào mùa nóng, người quản lý trại phải quyết định giảm đi 1/4 số đầu con nuôi so với mùa có khí hậu mát. Tuy là việc giảm mật độ đàn như vậy có làm tăng chi phí chuồng trại nhưng bù lại là duy trì được sức tăng trưởng và năng suất vật nuôi, cùng với giảm thiểu con số tử vong của vật nuôi do stress nhiệt.
Nhóm giải pháp phòng chống stress nhiệt liên quan đến công tác dinh dưỡng
Các dưỡng chất trong thức ăn không thể nào can thiệp được vào tiểu khí hậu chuồng nuôi nhưng một số dưỡng chất trong thức ăn có thể giúp vật nuôi tăng được sức chịu đựng với các stress từ môi trường, nhất là stress nhiệt.
Nhiều tài liệu đã xác định một nhóm các hợp chất có cấu trúc hóa học gần giống nhau là: acid amin methionin, betain, cholin có chức năng giúp tăng chịu đựng với stress nhiệt trong cơ thể vật nuôi, bên cạnh các chức năng đã biết của các hợp chất này.
Một lời khuyên thứ hai là khi lập công thức thức ăn cho vật nuôi, cần giảm bớt các nguồn cung năng lượng từ chất bột đường mà nên tăng thêm các nguồn cung năng lượng từ chất béo. Do là khi các nhóm dưỡng chất đã được tiêu hóa đưa về các mô bào thì nhóm chất bột đường khi được phân giải thì có xu hướng tạo ra nhiệt mạnh nhất, trong khi đó các chất béo khi được phân giải, chuyển hóa thì có xu hướng tạo ra nhiệt ít nhất so với nhóm chất bột đường hoặc nhóm protein.
Vai trò của chất khoáng natri (Na) cùng với chloride (Cl) dễ bị bỏ sót trong mối liên quan với phòng ngừa stress. Nhiều người hay bị ám ảnh về mối lo “heo, gà ăn thức ăn nhiều muối dễ bị đi phân lỏng”. Lo lắng này là có thật nhưng thật ra nếu như thức ăn chứa dư thừa chloride thì mới dễ gây ra hiện tượng này. Trong khi đó với thức ăn hỗn hợp vốn chủ yếu là các nguyên liệu nguồn gốc từ thực vật thì sẽ rất thiếu natri so với nhu cầu của vật nuôi. Do vậy khi xác định nhu cầu dưỡng chất cho vật nuôi, không nên gộp chung nhu cầu Na với nhu cầu Cl lại làm một, mà cần tính riêng nhu cầu Na, nhu cầu Cl để khi cần thiết sẽ sử dụng nguồn bổ sung cho thích hợp. Đây là lý do mà trong nhiều trường hợp người ta phải dùng loại muối NaHCO3 (sodium bicarbonate hay còn gọi là thuốc tiêu mặn) để bổ sung riêng Na vào thức ăn hỗn hợp mà không dùng muối ăn vì muối ăn – NaCl – có chứa cả Na với Cl nên nếu dùng muối ăn cho đủ nhu cầu Na thì chắc chắn sẽ làm dư Cl so với nhu cầu, dẫn đến vật nuôi đi phân lỏng.
Thông thường các khuyến cáo nhu cầu Na cho hầu hết các giai đoạn vật nuôi là 0,17% trong khi nhu cầu Cl chỉ khoảng 0,15%. Một nghiên cứu của Dương Duy Đồng và ctv. 2016 cho thấy trong mùa nắng nóng ở miền Nam Việt Nam thì gà thịt lông màu đạt mức tăng trưởng tốt nhất và có hiệu quả kinh tế nhất khi nhận mức Na trong thức ăn là 0,25% so với các mức 0,15%; 0,20%; và nếu mức Na trong thức ăn lên đến 0,35% thì gà vẫn tăng trưởng bình thường mặc dù không đạt được hiệu quả kinh tế tốt như khi Na ở mức 0,25%.
Mặt khác, trong thức ăn, ba nguyên tố khoáng natri – chloride – kali (K) phối hợp với nhau tạo nên một cân bằng gọi là cân bằng chất điện giải (EB – electrolytes balance). Nếu cân bằng này có giá trị khoảng trên 240 sẽ giúp làm êm dịu thần kinh cho vật nuôi để chịu đựng các tác động bất lợi về mặt vật lý như trường hợp stress nhiệt, hơn là khi cân bằng này ở mức thấp hơn. Thậm chí với gà đẻ, người ta thường khuyến cáo nên thiết lập cân bằng này ở mức trên 260. Riêng các loại heo thì có thể chấp nhận một mức cân bằng thấp hơn, trong khoảng 200 – 220.
Các giải pháp về dinh dưỡng nêu trên không nhất thiết chỉ áp dụng trong mùa nóng mà vẫn nên xem xét thực hiện thường xuyên, nhất là nội dung cân bằng chất điện giải, để có lợi cho vật nuôi cả về sức khoẻ lẫn năng suất chăn nuôi mà không tốn quá nhiều chi phí.
Dương Duy Đồng
- Stress nhiệt li> ul>
- Đa dạng sản phẩm chế biến từ gà Tiên Yên
- Dinh dưỡng gà thịt bền vững và mẹo xây dựng công thức
- Cách phòng ngừa bệnh viêm phổi ở gia cầm thương mại
- Cho ăn chính xác có thể làm giảm lượng khí thải từ các trang trại chăn nuôi lợn
- Những lợi ích thực tế của bã bia trong thức ăn cho bò sữa
- Một sức khỏe – Cách tiếp cận toàn diện giúp cải thiện an toàn thực phẩm
- Thị trường nguyên liệu thức ăn cho thú cưng: Đa dạng và chất lượng
- Bổ sung chế phẩm Bacillus subtilis (Procell-B03): Tiềm năng thay thế kháng sinh ức chế một số vi khuẩn đường ruột trong chăn nuôi
- Tác dụng tiền hấp thụ của kẽm tăng cường trên hệ vi sinh của gà thịt
- Cung cấp N-Carbamylglutamate trong giai đoạn đầu thai kỳ giúp nâng cao hiệu quả sinh sản ở heo nái
Tin mới nhất
T5,12/12/2024
- Không để dịch bệnh gia súc, gia cầm lan ra diện rộng
- Người chăn nuôi đón cơ hội thị trường cuối năm
- Trao tặng 1.500 con vịt biển cho quân, dân Bà Rịa- Vũng Tàu
- VM Club 15 năm thành lập: Tự hào rèn nghề cho hơn 3.000 bác sĩ thú y miền Bắc
- Tiên phong bán tín chỉ gà đẻ không nhốt lồng tại Việt Nam
- Cô gái trẻ nuôi gà mát tay
- Trứng vịt thả đồng trở thành sản phẩm OCOP
- Việt Nam lần đầu bán tín chỉ gà đẻ không nhốt lồng
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 10/12/2024
- Việt Nam nhập thịt và phụ phẩm nhiều kỷ lục
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất