[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Xưa kia, người ta nuôi chó chủ yếu với mục đích trông giữ nhà cửa. Phong trào nuôi chó cảnh mới chỉ phát triển ở nước ta trong vài thập niên gần đây. Cách đây trên dưới chục năm, những giống chó ngoại có kích thước nhỏ như: chó Nhật, chó Bắc Kinh lông xù, chó Phốc hươu, chó chihuahua… trở thành “mốt” thời thượng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành. Ngày nay, thị hiếu nuôi chó đã nhiều thay đổi, các giống chó nội đã được “sánh vai” với chó ngoại.
Bây giờ “mốt” nuôi chó đã thay đổi, lớp trẻ không còn bàn chuyện con chó đẹp hay xấu, giá bao nhiêu tiền nữa, mà chỉ nói về tình cảm yêu thương với con chó
Không còn “mốt” nuôi chó đắt tiền
Ông Nguyễn Bảo Sinh, một tay chơi chó và kinh doanh chó “cự phách” ở Hà Nội cho biết: Bây giờ người ta ít nuôi chó để giữ nhà. Vì chó đang là vật nuôi dễ bị bắt trộm nhất, giờ chủ nuôi trở phải thành người trông chó, bảo vệ chó. Đó là lý do khiến những chú chó có thể trạng to lớn không còn được ưa chuộng nữa.
Một thời gian, người Hà Nội nói riêng, dân Việt Nam nói chung chuộng nuôi những chó có thể vóc nhỏ bé, hình thức đẹp lạ mắt lông xù hoặc lông màu nâu đỏ giống con hươu. Những chó như vậy thường có giá bán cao từ 5 -10 triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng. “Dạo đó, người ta tự hào khi sở hữu con chó đắt tiền, tức là người ta muốn khoe tiền. Bây giờ “mốt” nuôi chó đã thay đổi, lớp trẻ không còn bàn chuyện con chó đẹp hay xấu, giá bao nhiêu tiền nữa, mà chỉ nói về tình cảm yêu thương với con chó. Những chú chó, “cô nàng” chó thông minh, quấn quýt với chủ thì được cưng chiều. Có những nàng chó chỉ mua với giá 1 triệu đồng, nhưng cô chủ sẵn sàng chi cả chục triệu đồng mỗi năm để thuê dịch vụ chăm sóc, làm đẹp, nghĩ dưỡng cho chó. Khi chó chết, thì các cô chủ khóc lóc, tìm đến dịch vụ làm lễ mai táng. Người ta bây giờ không còn đánh giá con chó ở giá mua, mà người ta đánh giá ở tình cảm, trí thông minh của con chó.
Ông Sinh cho hay, hiện nay ở Hà Nội có hàng trăm giống chó được nuôi, không có giống nào trở thành “mốt” nữa. Trước đây, người ta chuộng các giống chó nhập ngoại, nhưng nay các giống chó của người Mông ở Hà Giang, chó Phú Quốc… lên ngôi có giá bán còn đắt hơn cả chó ngoại. Độ tuổi của người chơi chó cũng thay đổi. Trước kia, nuôi chó chủ yếu là nam giới tuổi trung niên, các gia đình khá giả. Nhưng nay, nuôi chó chủ yếu là người tuổi teen và nữ nhiều hơn nam. Hỏi: tuổi teen thì lấy tiền đâu để mua chó? Ông Sinh chia sẻ: “Tuổi teen trong xã hội được nuông chiều. Tuổi teen chưa làm ra tiền, nhưng bố mẹ cho tiền con để mua chó. Bây giờ đang là thời “Bực mình chẳng dám nói ra. Nuôi một bố trẻ bằng ba mươi bố già”. Con thích, bố phải theo”.
Giới nuôi chó chuyên nghiệp cũng nhiều thay đổi. Ở nhóm này, họ quan tâm nhiều đến dòng giống, lý lịch đẹp. Muốn bán được chó cho họ, thì phải kèm theo có giấy chứng nhận lý lịch của chó. Chó từ nước ngoài nhập về, phải có giấy chứng nhận phẩm chất giống kèm theo.
Nghề kinh doanh mua bán chó cảnh ngày càng nở rộ, ước tính ở Hà Nội có hàng nghìn người tham gia. Trong đó, chỉ một vài nhà chăn nuôi sinh sản chó, còn lại hầu hết chủ yếu theo kiểu “mua của người chán, bán cho người thèm”. Mua đi bán lại như vậy thì lấy đâu ra giống chó chuẩn và lý lịch chó. Vì vậy, chứng nhận lý lịch chó vô cùng bát nháo, đa phần là giả mạo. “Một số người kinh doanh chó xin dấu và chữ ký của các Ủy ban nhân dân cấp xã vào bản “lý lịch chó”.
Theo Luật pháp, thì con dấu của UBND xã không phải để xác nhận vào những văn bản này, nhưng một số cán bộ chính quyền xã vẫn làm theo yêu cầu của người dân miễn là có tí tiền lót tay, dẫu chẳng biết bản lý lịch đó có chính xác hay không. Cũng có các bản “lý lịch chó” được chứng nhận bởi Hội nuôi chó Việt Nam. Tuy nhiên, Hội nuôi chó không phải cơ quan chức năng, vì vậy chứng nhận của Hội này không có tính pháp lý, mà chỉ có giá trị niềm tin trong khác hàng. Vì vậy, tình trạng làm giấy chứng nhận giả cho chó với con dấu giả Hội nuôi chó cũng trở nên phổ biến”, ông Sinh nói.
Nở rộ dịch vụ làm đẹp chó
Tại resort dành cho chó của ông Nguyễn Bảo Sinh được xây dựng bài bản chẳng khác gì kinh doanh khách sạn cho người. Sừng sững một tòa nhà cao 6 tầng, mặt bằng mỗi tầng rộng 100 m2, tại đây có phòng thẩm mỹ thời trang cho vật nuôi, chuyên làm các công việc: tắm gội, sấy, uốn lông, cắt tỉa móng; dịch vụ thú y chữa bệnh… Giá dịch vụ ở đây không rẻ, 100 nghìn đồng/lần cho chăm sóc chó; giá gửi chó qua đêm là từ 200 – 500 nghìn đồng/ngày đêm.
Chứng kiến nhân viên tắm cho chó, sau đó sấy khô lông và chải làm đẹp bộ lông rất tỉ mẩn. Cô nhân viên chia sẻ: “Cái khó nhất của người làm công việc này là bắt quen với con chó mới được đưa đến. Phải làm quen rồi tỏ ra thân thiện với chúng trước khi tắm hay cắt tỉa lông, nếu không mình rất dễ bị chúng tấn công. Người làm dịch vụ này phải yêu thương động vật, vì công việc không đơn giản là cầm vòi nước xịt vào chúng hay cắt tỉa lông… Chăm sóc vệ sinh và làm đẹp cho thú cưng đòi hỏi phải khéo léo, kiên trì và trước khi làm đẹp cho chúng phải bỏ thời gian nói chuyện với chủ và gần gũi chúng để hiểu tập tính của mỗi con vật”.
Mỗi mùa Tết có khoảng 100 con chó được gửi tại đây. Khách hàng gửi chó, mèo chủ yếu là những cán bộ ngoại giao người nước ngoài; các chủ doanh nghiệp nước ngoài làm ăn sinh sống tại nước ta, các gia đình vợ Việt – chồng Tây và ngược lại. Thông thường vào những ngày lễ, Tết… họ phải về nước nghỉ ngắn ngày, không thể đem thú cưng đi theo, nên có nhu cầu gửi lại cho cơ sở của ông chăm sóc.
Theo ông Sinh, đem chó đến gửi đều là những người yêu thú nuôi, có điều kiện kinh tế và rất kỹ tính. Ông kể cho chúng tôi nghe một sự việc diễn ra cách đây vài năm, ở một cơ sở nhận gửi chó, mèo khác. Khi đó, có một khách người Mỹ gửi một con chó béc giê, giá trông coi (bao gồm cả ăn uống, chữa bệnh) được hai bên thỏa thuận là 200 nghìn đồng/ngày đêm. Sau hai tháng trời, vị khách quay lại nhận chó và dứt khoát không chịu thanh toán số tiền 12 triệu đồng cho cơ sở trông coi. Chủ cơ sở cho rằng khách định quỵt tiền, liền báo công an địa phương. Công an tới, vị khách bèn kiện ngược cơ sở trên với lý do chăm sóc chó tồi. Khi bắt đầu gửi, con chó nặng 40 kg, nay tụt mất 5 kg, thân chó lại bị ghẻ do ve, bọ chét cắn. Ông khách khép tội cơ sở là “ngược đãi súc vật”; khổ nỗi ở Việt Nam thì chưa có điều luật nào về khoản này để mà áp dụng nên sự việc nhùng nhằng không giải quyết được, bên nào cũng có lý. Công an đành khuyên hai bên tự hòa giải. Tức mình, ông khách móc túi ra luôn 2.000 USD, gọi chủ cơ sở đến nhận với cam kết, số tiền thừa phải được để cứu trợ cho những con chó bị ngược đãi khác.
Kỳ lạ dịch vụ mai táng chó
Tại cơ sở của ông Nguyễn Bảo Sinh, điều kỳ lạ nhất là ở đây có nghĩa địa chó mèo với gần 1.000 phần mộ. Những ngôi mộ chó mèo được xếp bằng bốn viên đá ong, có cả bia mộ in hình con vật, trên đó ghi rõ tên, tuổi, năm sinh năm mất, chạy dọc theo bờ một hồ nước nhỏ. Phía sau những ngôi mộ đá ong là khu vực bia mộ hỏa táng, có một bức tường xây ngăn nhiều kệ, trên đó đặt di ảnh chó mèo và bát hương.
Ông Sinh cho hay: “Tôi chuyên làm dịch vụ mai táng chó mèo, với 2 hình thức an táng: địa táng hoặc hỏa táng. Địa táng là con vật được chôn xuống dưới đất, sau đó xây mộ, dựng bia, với mỗi con chó tôi thu 10 triệu đồng từ chủ của chúng. Còn hỏa táng, giá 3 triệu đồng, xác con vật được đưa đi thiêu, sau đó lấy phần cốt cho vào lọ. Sau khi mai táng, tôi giữ hài cốt chó cho họ trong 3 năm. Từ năm thứ tư sau khi cải táng, nếu họ vẫn để xương cốt chó ở đây, thì mỗi năm tôi thu thêm 1 triệu đồng”. Trước khi mai táng, mỗi con chó đưa đến đều được ông Sinh làm lễ cầu siêu với mong muốn hồn của con vật sẽ không phải lang thang ở chốn trần gian nữa.
Thỉnh thoảng, ông Sinh tổ chức những lễ cầu siêu cho chó, mỗi lần thu hút hàng trăm khách tham dự. Giải thích về lễ cầu siêu không ít người cho là kỳ quặc này, ông Sinh nói: “Người phương Đông quan niệm có luân hồi, kiếp sau con chó có thể đầu thai thành người. Khi người phương Đông yêu chó mèo, người ta mong chó mèo được sống tốt đẹp trong cả những kiếp sau nữa, thế nên mới cầu siêu”.
Ngắm nghĩa địa chó, tôi đọc hàng trăm tấm bài vị ghi tên từng con chó. Thú vị là có tấm bia mang tên “Nguyễn Thị Thu Mon”, theo ông Sinh nhiều chủ nuôi lấy họ của mình để đặt họ tên cho chó cưng. Tại nghĩa địa chó mèo, ông Sinh treo tấm bia “Chùa Tề đồng vật ngã” (Thú vật và con người bình đẳng). Quan điểm của ông Sinh bị nhiều người phản đối, thậm chí có người tìm đến tận nơi gây sự. Lý do đơn giản nhất: “Không hiểu sao ông ta lại chăm lo cho chó mèo xa xỉ như vậy trong khi đồng loại của ông ta – con người – còn không có mà ăn?”. Ông Sinh trần tình: “Mười năm trước, tôi cũng có lúc lo sợ hoặc xấu hổ với những câu hỏi như thế, còn bây giờ thì không. Giờ rất nhiều người đem chó đến đây mai táng. Giờ, muốn tìm người đẹp, cứ đến thăm Nghĩa trang chó mèo của tôi. Đến đây, sẽ gặp rất đông những cô gái 9x, cô bé 10x, nhiều chàng trai trẻ đem chó đến mai táng. Có gia đình, cả mẹ lẫn 3 đứa con đều yêu chó, coi con chó cưng như đứa em út trong nhà.
Có một “Bệnh viện chó” ở Hà Nội
Từ vài năm trở lại đây, ở Hà Nội xuất hiện một “bệnh viện” gây sự chú ý của nhiều người. Đã nói đến bệnh viện, người ta nghĩ ngay đến chữa trị bệnh cho con người, nhưng công việc của “bệnh viện” này chuyên khám, chữa và điều trị các loại bệnh liên quan đến chó, mèo… Nắm được nhu cầu nuôi thú cảnh trong các gia đình ngày càng lớn Công ty Hanvet đã thành lập ra “Bệnh viện chó, mèo” có một không hai này đang là địa chỉ khá tin cậy của nhiều gia chủ nuôi thú vật cảnh. Bệnh viện chó mèo nằm trong một ngõ trên đường Trường Chinh, luôn có từ 5 – 6 bác sỹ thú y hàng ngày túc trực từ sáng sớm đến tối khuya.
Bác sỹ thú y Nguyễn Thanh Huyền – Trưởng Phòng khám bệnh ở bệnh viện Hanvet cho biết: Hiện nay, nhu cầu khám chữa bệnh cho vật nuôi của người dân ngày càng tăng cao, nên công ty chúng tôi đã lập ra phòng khám chữa bệnh liên quan đến chó, mèo… Ở đây chúng tôi có đầy đủ các dịch vụ khám và điều trị nội và ngoại trú cho chó, mèo và thú cảnh, tiêm phòng các loại vắc xin, tẩy giun sán, triệt sản, xử lý gẫy xương, xét nghiệm, chụp X–quang… Trung bình một ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 20 đến 30 chó mèo đến khám và điều trị, vào những ngày thứ 7, chủ nhật số chó, mèo đến khám và điều trị tăng cao từ 40 – 50 trường hợp.
CHU KHÔI
“Hiện nay, trong xã hội người ta chỉ giáo dục trẻ con yêu thương con người. Tôi khuyên các bậc cha mẹ hãy dạy cho con mình lòng yêu thương loài vật. Nếu đã yêu loài vật, đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ tàn bạo với con người”, ông Nguyễn Bảo Sinh, chủ một khách sạn chó mèo ở Hà Nội.
- dịch vụ li>
- nuôi chó li>
- nuôi chó cảnh li>
- chó ngoại li> ul>
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Tập đoàn Nhật Sojitz khai trương nhà máy chế biến thịt bò mát 10.000 tấn tại Tam Đảo
Tin mới nhất
T2,23/12/2024
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất