Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 61.000 - 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Yên Bái 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lào Cai 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 58.000 - 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 60.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 62.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Ninh Thuận 60.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đắk Lắk 58.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 59.000 - 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 60.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Cần Thơ 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi TP. Hồ Chí Minh 61.000 đ/kg
    •  
  • Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Sáng nay 9.4, tại TP Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại với nông dân Việt Nam với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”.

     

    Đây là lần đầu tiên, sau rất nhiều năm, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đối thoại với nông dân cho thấy Chính phủ hiện tại rất quan tâm tới nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đối thoại với nông dân. Ảnh: Thành Chung

     

    Dự hội nghị đối thoại có các đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các bộ phận chức năng thuộc các Ban Xây dựng Đảng Trung ương và một số Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đại diện lãnh đạo các địa phương, các trường đại học, các viện liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ; một số nhà khoa học, doanh nghiệp và 500 nông dân trên khắp cả nước tham dự.

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời các câu hỏi của nông dân. Ảnh: Thành Chung

     

    Về phía tỉnh Hải Dương, các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dự.

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Các đại biểu tham dự buổi đối thoại. Ảnh: Thành Chung

     

    Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, đồng chí Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khẳng định những thành tựu to lớn do giai cấp nông dân đạt được trong hơn 30 năm đổi mới nông nghiệp, nông thôn. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

     

    Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, sản xuất nông nghiệp trong toàn quốc đang bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc gây bức xúc như tình trạng phân bón giả; tiêu thụ nông sản khó khăn; đào tạo nghề, việc làm chưa thích hợp; ô nhiễm môi trường; vướng mắc trong đền bù đất đai…

     

    Hội nghị đối thoại sẽ là cơ hội để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các giải pháp chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; chỉ đạo các bộ, ngành nhanh chóng giải quyết những nhu cầu chính đáng của nông dân và doanh nghiệp.

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Nông dân Tăng Xuân Trường ở thôn Phúc Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc hỏi Thủ tướng các biện pháp tìm đầu ra cho nông sản. Ảnh: Thành Chung

     

    Giải quyết những vướng mắc, khơi dòng động lực, phát huy sự sáng tạo của nông dân, tiếp đà phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong những năm tới theo hướng chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng với thế giới.

     

    Phát biểu khai mạc phiên đối thoại, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh các cơ quan khối Đảng, Quốc hội, các bộ, ngành và 500 nông dân đang có mặt tại hội nghị để cùng trao đổi, cùng giải quyết những vướng mắc, khó khăn đang đặt ra trong sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay.

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Nông dân Đặng Thị Dịu, khu 7, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

     

    Thủ tướng Chính phủ trăn trở tại sao với 70% người dân sống ở nông thôn như hiện nay nhưng sản xuất nông nghiệp chỉ đóng góp cho GDP của đất nước 15-16%. Điều này đặt ra cho sản xuất nông nghiệp nhiều vấn đề về: thị trường, đất đai, công nghệ, đầu ra cho nông nghiệp, nông thôn mới… Thủ tướng nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới phải bao gồm cả hạ tầng và đời sống tinh thần của nhân dân. “Văn hóa tinh thần, tình làng nghĩa xóm là rất quan trọng” Thủ tướng khẳng định. Nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương đang được đặt ra. Do đó, tại phiên đối thoại hôm nay, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng lắng nghe, trao đổi trực tiếp những câu hỏi của nông dân để cùng tháo gỡ, giải quyết.

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Nông dân Nguyễn Văn Cường ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) hỏi Thủ tướng liên quan đến việc vay vốn sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thành Chung

     

    Thủ tướng cho biết, đã đi thăm Công ty CP Gốm Chu Đậu, mô hình sản xuất tiêu biểu của ông Tăng Xuân Trường, ở xã Gia Tân (Gia Lộc). Thủ tướng cho rằng những mô hình như vậy rất quan trọng, đã giúp tiêu thụ, chế biến nông sản, giải quyết việc làm cho nông dân. Ở đây, đặt ra câu hỏi, tại sao vẫn cơ chế đó mà có địa phương làm tốt, có người vận dụng chính sách làm tốt? Vấn đề đặt ra là con người và việc vận dụng cơ chế chính sách.

     

    Thủ tướng khẳng định lợi thế nông nghiệp của chúng ta lớn. Chưa bao giờ nông thôn Việt Nam phát triển như hiện nay, nhưng vẫn có một bộ phận nông dân khó khăn, nghèo túng. Do đó, Chính phủ luôn sẵn sàng trao đổi, tạo điều kiện về pháp lý, cơ chế chính sách tốt nhất để nâng cao đời sống nhân dân.

     

    Cùng tìm thị trường tiêu thụ nông sản

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời các giải pháp tìm đầu ra cho nông sản. Ảnh: Thành Chung

     

    Trả lời câu hỏi của một số nông dân về việc hỗ trợ tìm thị trường, định hướng thị trường và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thành quả của nông nghiệp Việt Nam rất lớn.

     

    Những năm qua nông sản của Việt Nam đã gia nhập nhiều thị trường mới. Tình trạng dư thừa nông sản còn xảy ra nhưng không phải là phổ biến. Thủ tướng lưu ý việc tìm thị trường tiêu thụ nông sản Nhà nước phải làm nhưng người dân cũng phải làm. Trước khi gieo hạt phải tính sẽ tiêu thụ sản phẩm này ở đâu. Khi anh sản xuất một cái gì đó thì anh phải đặt câu hỏi thị trường có cần không. Phải sản xuất cái thị trường cần chứ không phải cái mình có. Việc phát triển thị trường phải gắn liền với quy hoạch sản xuất bài bản. Phải thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết giữa 6 nhà: nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng (ngân hàng), nhà phân phối.

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trả lời nông dân một số lĩnh vực liên quan. Ảnh: Thành Chung

     

    Chính phủ và các bộ ngành đang hoàn thiện, chuẩn bị ban hành Nghị định 201 khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

     

    Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thông tin thêm hiện nay toàn quốc có 145 nhà máy chế biến nông sản, trong năm nay sẽ tiếp tục xây thêm 8 nhà máy lớn, hiện đại. Nhưng điều quan trọng là phải bàn liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu chặt chẽ từng khâu.

     

    Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng khuyến nghị những nông sản dư thừa trong thời gian qua là những nông sản vụ mùa, việc tổ chức tiêu thụ chưa được tốt. Vì vậy thời gian tới Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương sẽ tiếp tục quan tâm làm quy hoạch, tổ chức tốt hơn, làm thông tin thị trường tốt hơn. Điều quan trọng là phải sản xuất theo quy mô mới, tiếp cận và khai thác thông tin thị trường hiệu quả hơn. Và dù thị trường nào cũng cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, thương hiệu sản phẩm.

     

    Gỡ khó về vốn

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trả lời các hỏi liên quan đến việc vay vốn sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thành Chung

     

    Trao đổi về ý kiến của các nông dân Võ Quan Huy (Long An), Tố Hiến Thành (Bắc Giang) hỏi về việc nông dân hiện khó tiếp cận được nguồn vốn của Chính phủ hỗ trợ nông dân, nông thôn; nhiều nông dân phải vay ngân hàng với lãi suất cao, thậm chí vay tín dụng đen; nông dân được hưởng lãi suất vay hỗ trợ thấp… Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời.

     

    Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải đáp vốn cho nông nghiệp không thiếu và trong thời gian qua các ngân hàng thương mại đã tích cực hỗ trợ nông dân vay vốn. Một số chương trình lớn của Chính phủ như hỗ trợ nông dân vươn khơi bám biển, đánh bắt xa bờ, hỗ trợ giảm tổn thất cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn… đang được triển khai với số dư nợ lớn. Nhiều chính sách lớn được quan tâm như giải cứu chăn nuôi lợn trong năm 2017 với dư nợ khoảng 27 nghìn tỷ đồng cho thấy Đảng, Nhà nước quan tâm đến hỗ trợ vốn cho nông dân, nông thôn.

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Ông Võ Quan Huy ở Long An phản ánh việc nông dân hiện khó tiếp cận được nguồn vốn của Chính phủ hỗ trợ nông dân, nông thôn. Ảnh: Thành Chung

     

    Ngoài ra còn rất nhiều chương trình khác hỗ trợ nông thôn. Ngân hàng có 18 chương trình hỗ trợ, đi vào từng mặt hàng, nông sản cụ thể. Nhiều chương trình cũ bộc lộ những yếu tố không phù hợp đang được chỉnh sửa để phù hợp với hiện nay.

     

    Lãi suất cho vay hiện nay cũng giảm hơn một nửa so với hơn 5 năm trước. Ngày đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 0,5 – 1% lãi suất cho tất cả các đối tượng.

     

    Mức vay và tài sản thế chấp theo Nghị định 55, Thông tư 39 mới ban hành cuối năm 2017, thì tài sản thế chấp không phải là biện pháp duy nhất để vay vốn, mà chỉ cần chứng minh được hiệu quả dự án và đây là quyền của các ngân hàng thương mại chứ không phải là quyền của Ngân hàng Nhà nước như trước đây.

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Phương Hoa trả lời một số câu hỏi của nông dân liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai. Ảnh: Thành Chung

     

    Với một số ý kiến hỏi về khó khăn trong việc thế chấp tài sản vay bằng đất và tài sản hình thành trên đất, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng quan trọng là nguồn đất của đơn vị có bảo đảm quyền để bảo đảm vay vốn hay không. Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại phối hợp trao đổi, trả lời cụ thể từng trường hợp xem vì sao không vay được. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ trực tiếp làm việc với một số nông dân về các ý kiến cụ thể về vay vốn sản xuất nông nghiệp và sẽ trả lời công khai trên báo chí.

     

    Tình trạng tín dụng đen tràn lan ở nông thôn hiện nay không phải vì mạng lưới khó tiếp cận, không phải vì thiếu vốn vì hệ thống ngân hàng thương mại dày đặc, mà yếu tố quan trọng nhất là tính minh bạch của dự án, mục đích sử dụng nguồn vốn. Do đó, nếu doanh nghiệp, nông dân khát vốn mà không cụ thể, minh bạch về thông tin, hiệu quả dự án rất dễ tiếp cận nguồn vốn từ tín dụng đen.

     

    Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu loại hình tín dụng lưu động để xuống cho vay trực tiếp tận xã và đang thí điểm, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp Bộ Công an tiếp tục xử lý tín dụng đen.

     

    Trao đổi về vấn đề tín dụng đen ở nông thôn, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ có trách nhiệm của các ngành, các cấp, nhưng có trách nhiệm lớn là của Ngân hàng Nhà nước. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục tìm cách tháo gỡ về nguồn tài sản thế chấp, về các loại hình hỗ trợ cho vay để nông dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, minh bạch hơn.

     

    Liên kết để tiếp cận 4.0

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Ông Phạm Văn Hát ở huyện Tứ Kỳ nêu những khó khăn trong việc đăng ký bản quyền cho những sáng chế của mình. Ảnh: Thành Chung

     

    Tại buổi đối thoại, ông Phạm Văn Hát ở Tứ Kỳ, một nông dân nổi tiếng với những sáng chế sản xuất nông cụ ở xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) nêu những khó khăn trong việc đăng ký bản quyền cho những sáng chế của mình.

     

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc đăng ký bản quyền sáng chế là vấn đề toàn cầu, liên quan chặt chẽ đến những tranh chấp sản xuất, thương mại nên chúng ta phải tuân thủ nghiêm. Đối với người nông dân, những sáng chế có đặc thù khác với những sáng chế trong phòng thí nghiệm, xuất phát từ thực tế sản xuất và khả năng của bản thân. Để thực hiện được việc đăng ký bản quyền sáng chế cần vai trò từ hai phía. Người sáng chế cần hiểu rằng việc này có quy trình nghiêm ngặt, chuyên môn riêng nên cần sớm tiếp cận với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ để được hướng dẫn làm hồ sơ. Các địa phương cũng cần dành kinh phí để hỗ trợ những nhà sáng chế không chuyên đăng ký bản quyền sáng chế.

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi liên quan đến hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thành Chung

     

    Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Bá Êm ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) về việc Chính phủ có giải pháp nào để hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp trong cuộc cách mạng 4.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không nên hiểu cách mạng 4.0 một cách đao to búa lớn.

     

    Để có thể hội nhập được, người nông dân cần chủ động học hỏi trên internet, tham gia các hiệp hội ngành nghề để trao đổi, chia sẻ, khai thác hiệu quả thông tin với nhau. Cách mạng 4.0 có thể hiểu là cách mạng công nghệ mới trong đó quan trọng là công nghệ thông tin, vì vậy người nông dân phải tăng cường liên kết, kết nối với nhau, chia sẻ những sáng tạo trọng sản xuất nông nghiệp với nhau.

     

    Xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán phân bón giả

     

    Trước câu hỏi của một số nông dân về tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng và chất lượng giống vật nuôi, cây trồng không đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thông tin hiện nay nước ta đã tự chủ phân bón và đã xuất khẩu. Tuy nhiên, việc lạm dụng phân vô cơ đã ở mức đáng quan tâm vì ảnh hưởng lớn đến chất lượng nông sản, môi trường.

     

    Chính phủ đã kiện toàn quản lý nhà nước, nâng cao chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật để giảm phân vô cơ, nâng cao chất lượng cây trồng. Người nông dân, các doanh nghiệp cần chung tay, ủng hộ cùng nhà nước thực hiện chủ trương trên. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh thị trường chuyển giao công nghệ. Các nhà khoa học phối hợp với doanh nghiệp để đưa nhanh những kết quả nghiên cứu giống vào thực tế để làm ra các loại giống tốt hơn, tạo tiền đề nông nghiệp hội nhập thành công.

     

    Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mọi người dân, cơ sở phải có trách nhiệm phát hiện, thông tin đến cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón, giống giả, kém chất lượng để xử lý nghiêm minh. Về vụ việc Công ty Thuận Phong (Đồng Nai) sản xuất phân bón giả, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan xử lý dứt điểm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5.2018.

     

    Bảo hiểm cho nông dân

     

    Nông dân Nguyễn Thị Thêu ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đề nghị nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi không thuộc diện được hỗ trợ học nghề, Chính phủ cần xem xét hỗ trợ đào tạo, đặc biệt là các nhóm nghề nông nghiệp cho nông dân trong độ tuổi này.

     

    Nông dân Đinh Công Bắc ở tổ 4, phường Chiềng Sinh (Sơn La) đề nghị Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp, tiếp tục triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp trên diện rộng và ưu tiên hỗ trợ phí bảo hiểm cho nông nghiệp; điều chỉnh lại các quy định phức tạp về bồi thường thiệt hại khi người nông dân gặp phải thiên tai, dịch bệnh như trong thời gian thực hiện thí điểm vừa qua.

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Nông dân Đinh Công Bắc ở tổ 4, phường Chiềng Sinh (Sơn La) đề nghị Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Ảnh: Thành Chung

     

    Trao đổi về các ý kiến trên, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích trí thức trẻ về nông thôn, cơ sở; một số người đã thành công; số lượng lớn nông dân được hỗ trợ đào tạo nghề, có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống phát triển. Việc đào tạo nghề phải bảo đảm các tiêu chí về độ tuổi, nhu cầu sử dụng lao động, do đó Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tiếp tục tập trung cùng tháo gỡ vấn đề này cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

     

    Về bảo hiểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay là tập trung vào lực lượng chính là nông dân và phi trí thức. Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, chúng ta hoàn toàn có thể hỗ trợ được theo hình thức Nhà nước, nhân dân cùng tham gia. Nếu 2 đối tượng này cùng tham gia chúng ta mới đạt được mục tiêu bảo hiểm toàn dân.

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Bộ trưởng Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trả lời các câu hỏi của các đại biểu. Ảnh: Thành Chung

     

    Trao đổi về nội dung làm sao để đưa trí thức trẻ về nông thôn, đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương mong muốn các hộ nông dân khuyến khích, chăm lo con em học tập, quay về xây dựng, đóng góp cho quê hương. Dẫn chứng bằng một câu chuyện về thanh niên đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, thu nhập cao nhưng vẫn quyết tâm quay về quê hương Ninh Thuận đầu tư trồng cây thanh long, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương mong muốn ngày càng có nhiều thanh niên có trình độ thành công ngay trên chính quê hương của mình.

     

    Đồng chí cũng kiến nghị nhu cầu về vốn của nông dân mỗi địa phương, mỗi nơi một khác, do đó, các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần căn cứ vào nhu cầu cụ thể của nông dân để có chính sách hỗ trợ cho từng vùng.

     

    Khẳng định chính sách bảo hiểm cho nông dân là chính sách tốt, hỗ trợ nông dân khi về già, tuy nhiên, hỗ trợ bao nhiêu là phải căn cứ vào sự phù hợp của ngân sách quốc gia. Thời điểm này là 30% là phù hợp với ngân sách nhà nước. Đồng chí cũng mong các hộ nông dân tích cực tham gia vào chương trình lương hưu cho nông dân Việt Nam, ít nhiều tích góp để có nguồn lương khi về già.

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế hỗ trợ nông dân khâu thu hoạch, bảo quản để tăng giá trị nông sản. Ảnh: Thành Chung

     

    Kết thúc phiên đối thoại, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã tin tưởng, tạo điều kiện cho Hải Dương là địa chỉ tổ chức cuộc đối thoại đầu tiên giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân Việt Nam hôm nay.

     

    Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thông tin Hải Dương luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, xây dựng nông thôn mới, cụ thể bằng nhiều chính sách riêng của tỉnh nhằm hỗ trợ nông dân, sản xuất nông nghiệp.

     

    Từ thực tế Hải Dương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cho những nông dân xây dựng những kho lạnh, xưởng chế biến bằng cơ chế hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho nông dân có cơ hội cạnh tranh công bằng, hưởng nhiều ưu đãi, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản mạnh mẽ hơn.

     

    Nông nghiệp sẽ chuyển mình mạnh mẽ

     

    Phát biểu kết luận cuộc đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, rất thẳng thắn của đại diện cho bà con nông dân, các chuyên gia, các doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh sau hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ một nước thiếu lương thực đã trở thành một quốc gia hàng đầu về nhiều mặt hàng nông sản, nguồn cung quan trọng cho thị trường thế giới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong nước cũng như toàn cầu. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc, có nhiều cơ chế, chính sách và dành nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc đối thoại. Ảnh: Thành Chung

     

    Cùng với sự phát triển của nông nghiệp, được sự quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân ngày càng được cải thiện; diện mạo nông thôn ngày càng khang trang. Tính đến cuối tháng 2.2018, cả nước có 3.160 xã (35,4%) đạt chuẩn nông thôn mới; 46 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn nông thôn mới.

     

    Nông dân trong cả nước cũng có những bước vươn mình trưởng thành, nắm bắt cái mới, mạnh dạn đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, ngày càng có nhiều điển hình tiên tiến sản xuất, kinh doanh giỏi.

     

    Sự phát triển của ngành nông nghiệp, khu vực nông thôn, nhất là sự cải thiện đáng kể đời sống người nông dân đã đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, tạo nền tảng ngày càng vững chắc cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

     

    Vui mừng và tự hào về những thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn và nâng cao đời sống người dân nông thôn nhưng Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận chúng ta còn nhiều khó khăn, hạn chế, thách thức đặt ra yêu cầu cấp bách cần nhanh chóng khắc phục, giải quyết để phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững hơn, nâng cao hơn nữa đời sống của người nông dân. Đó là: tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn phổ biến, đặt ra yêu cầu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

     

    Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Tình trạng bị động trong sản xuất, thiếu gắn kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, dẫn đến tình trạng “được mùa, rớt giá”, dư thừa sản phẩm, tiêu thụ khó khăn. Khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Tích tụ đất đai còn khó khăn và quy hoạch phát triển nông thôn còn yếu.

     

    Mặc dù được cải thiện nhưng đời sống của bà con nông dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người. Hầu hết người nghèo vẫn ở khu vực nông thôn. Xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi vẫn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ít quan tâm tới việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân.

     

    Bước vào giai đoạn phát triển mới, nông nghiệp nước ta có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đối mặt nhiều khó khăn thách thức. Tiềm năng của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn rất lớn. Thủ tướng đã có dịp trao đổi với lãnh đạo các quốc gia, họ mơ ước có điều kiện tự nhiên, xã hội, con người như nước ta để phát triển nông nghiệp.

     

    Phát triển nông nghiệp ngày nay ở nước ta gắn liền với xuất khẩu. Hội nhập quốc tế, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nếu không nâng cao năng suất, chất lượng, chú trọng bảo vệ và giữ gìn uy tín nông sản Việt Nam trên trường quốc tế thì chính chúng ta tự làm khó mình.

     

    Qua thảo luận 3 nhóm vấn đề lớn phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân với nhiều nội dung Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung lớn sau:

     

    Một là, về nông nghiệp, phải chú trọng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

     

    Về xây dựng nông thôn, hướng tới nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội hiện đại; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.

     

    Về người dân nông thôn, tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; xây dựng lực lượng nông dân có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực.

     

    Hai là, các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

     

    Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực, để giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, trước hết là lao động, đất đai, rừng và biển.

     

    Khai thác tốt các điều kiện thuận lợi trong hội nhập kinh tế quốc tế cho phát triển lực lượng sản xuất; phát huy cao nội lực; tăng mạnh đầu tư của Nhà nước và xã hội, ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí nông dân.

     

    Ba là, cần tập trung quyết liệt triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, sản phẩm mới, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.

     

    Bốn là, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn.

     

    Tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, hình thành cho được các mô hình liên kết đối tác chặt chẽ, bình đẳng, tin cậy giữa nông dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp trong khu vực nông thôn, tập trung vào các mô hình kinh doanh mới, góp phần định hướng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

     

    Năm là, có giải pháp giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm, phải giải cứu như thời gian qua. Cần nghiên cứu các mô hình kinh tế chia sẻ, giải pháp công nghệ mới nâng cao khả năng kết nối sản xuất – thị trường, tăng cường tính minh bạch trong chuỗi giá trị nông nghiệp, cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ngăn chặn thực phẩm bẩn.

     

    Sáu là, tăng cường dân chủ ở cơ sở, thường xuyên đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

     

    Bảy là, các bộ, ngành, địa phương tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, phải sát cơ sở hơn; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách, cụ thể hóa các định hướng, không chung chung. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường quốc tế và các thỏa thuận thương mại tự do.

     

    Tám là, khuyến khích các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh rõ nét, tập trung xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp, ứng dụng phương thức thương mại điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực tâm thiết lập quan hệ đối tác với nông dân.

     

    Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, mở thêm các kênh để lắng nghe được nhiều hơn ý kiến của người dân, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, cũng như tạo điều kiện cho người nông dân phát huy hết khả năng để làm giàu cho bản thân, cho đất nước.

     

    Thủ tướng đánh giá qua hội nghị này Chính phủ và các bộ, ngành đã nhận diện rõ hơn những tồn tại, thách thức. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ nội dung, đây cũng là một cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế – xã hội, để đời sống của bà con nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn.

     

    Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ rất quan trọng cần sự chung tay, sự sâu sát của các bộ, ngành, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, nhất là sự chủ động, tích cực của mỗi người nông dân.

     

    Qua báo cáo của các bộ, ngành, qua nắm bắt tình hình phát triển nông nghiệp trên thế giới và đặc biệt qua cuộc đối thoại hôm nay, Thủ tướng tin rằng nông nghiệp nước ta sẽ chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới, trở thành một nước có nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Nông dân Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng với đóng góp của mình không chỉ trong nước mà còn ở tầm quốc tế.

    Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

    Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng quà 24 nông dân đại diện cho nông dân cả nước đã đặt câu hỏi, tham gia thảo luận. Ảnh: Thành Chung

     

    Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà 24 nông dân đại diện cho nông dân cả nước đã đặt câu hỏi, tham gia thảo luận và 20 nông dân là gia đình chính sách ở TP Hải Dương.

     

    TRUNG THU – HOÀNG BIÊN – THÀNH CHUNG
    Nguồn: Báo Hải Dương

    Trước cuộc đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và tặng quà gia đình ông Trần Quốc Hanh, thương binh 1/4 ở khu 2, thị trấn Gia Lộc và tham quan mô hình sản xuất, chế biến nông sản tại Công ty TNHH Một thành viên Hưng Việt của gia đình ông Tăng Xuân Trường ở xã Gia Tân (cùng huyện Gia Lộc).

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

  • Nguyễn Mạnh
  • Bài viết đã cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích! Nếu bạn đang tìm kiếm thêm nguồn cung cấp bột đá, đá hạt, vôi bột và bột dolomite chất lượng cao cho các ngành sản xuất, hãy ghé thăm bột đá đá hạt dolomite vôi bột . Chúng tôi tự hào mang đến sản phẩm với tiêu chuẩn nghiêm ngặt, giá cả cạnh tranh và giao hàng nhanh chóng. Rất hân hạnh được hợp tác cùng bạn!

  • Đỗ Đại Trùng Dương
  • Tôi muốn liên kết.

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.