Sáng 13/4, tiếp tục Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Chăn nuôi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành Phiên họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Cần điều chỉnh pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nêu bật toàn cảnh pháp luật quản lý ngành chăn nuôi để thấy được bối cảnh, thực trạng xã hội đòi hỏi phải có sự điều chỉnh của pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi.
Từ khi ban hành Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004 đến nay, thực tế sản xuất, kinh doanh ngành chăn nuôi đã có nhiều biến động lớn và thay đổi cơ bản. Từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, chăn nuôi các giống bản địa là chủ yếu, chuồng trại sơ sài, kỹ thuật lạc hậu đến nay đã phổ biến là chăn nuôi trang trại, công nghiệp, ứng dụng chuồng kín, chuồng lồng, sản xuất tập trung, hàng hóa và cơ bản đã chăn nuôi các giống cao sản, tiên tiến của thế giới. Sản lượng sản phẩm đã tăng trưởng gấp đôi trong thời gian 13 năm; Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với quốc tế và đã tham gia nhiều Công ước, Hiệp định thương mại quốc tế… Bộ trưởng khẳng định tất cả những yếu tố này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh của pháp luật; việc ban hành đạo luật quản lý cả ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, quản lý môi trường trong chăn nuôi để phát triển bền vững là rất cần thiết và cấp bách.
Với 8 Chương, 65 điều, dự án Luật hướng tới việc thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, kinh tế, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển ngành chăn nuôi phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội; thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Luật này quy định về quản lý trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi động vật cảnh và động vật bán hoang dã gây nuôi, chế biến, xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; trách nhiệm quản lý nhà nước về chăn nuôi. Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam là đối tượng áp dụng của Luật Chăn nuôi.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày tờ trình. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá nội dung dự án Luật có nhiều quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế về chăn nuôi. Hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Luật Chăn nuôi được bố cục tương đối hợp lý, bao quát tương đối toàn diện hoạt động chăn nuôi từ khâu quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đến quản lý cơ sở chăn nuôi, bảo vệ môi trường chăn nuôi, quản lý chăn nuôi động vật bán hoang dã, động vật cảnh.
Tuy nhiên, trong cơ quan thẩm tra có ý kiến cho rằng hoạt động mua bán, bảo quản, chế biến sản phẩm chăn nuôi là một khâu quan trọng để nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhưng chưa được quy định trong dự thảo Luật; cần bổ sung quy định về “Chiến lược phát triển chăn nuôi”; làm sâu sắc hơn nội dung về nghiên cứu khoa học và công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới để tranh thủ được tiến bộ kỹ thuật, phù hợp với Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ.
Một vấn đề quan trọng khác, nội dung “đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có lợi thế quốc gia, lợi thế địa phương và các đặc sản vùng, miền” để triển khai Nghị quyết 05 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số chủ trương, chinh sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cấp chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được thể chế hóa đầy đủ trong dự án Luật. Thường trực cơ quan thẩm tra thấy rằng, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định về nội dung này…
Nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Chăn nuôi
Là dự án Luật lần đầu được trình ra Quốc hội, tại phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung chủ yếu làm rõ những vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật về sự cần thiết ban hành; phạm vi và đối tượng điều chỉnh; tính thống nhất của luật với hệ thống pháp luật nói chung; tính khả khi và tác động của luật đến phát triển kinh tế…
Làm rõ sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật, ý kiến của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cùng với những kết quả tích cực đạt được thì ngành chăn nuôi nước ta nói chung còn nhỏ lẻ, chăn nuôi quy mô hộ gia đình còn chiếm tỷ lệ cao (60-70%) nên việc đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại, phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, kiểm soát dịch bệnh và phát huy lợi thế của từng vùng còn gặp nhiều khó khăn; chưa sản xuất theo chuỗi khép kín nên khó kiểm soát an toàn thực phẩm. Môi trường chăn nuôi chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, việc xử lý và sử dụng chất thải trong chăn nuôi còn chưa thực sự hợp lý, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này; thiếu đồng bộ trong cơ cấu chăn nuôi và giữa chăn nuôi với trồng trọt, thủy sản… Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế đặt ra đòi hỏi ngành chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu phải có chất lượng cao với giá thành hợp lý, đủ sức cạnh tranh.
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Chăn nuôi để đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hiện đại, theo chuỗi, chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường là rất cần thiết.
Dự án Luật Chăn nuôi có liên quan tới nhiều đạo luật hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đặc biệt lưu tâm đến tính khả thi và sự thống nhất của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung, nhất là những vấn đề về phạm vi điều chỉnh, làm rõ ranh giới giữa chăn nuôi và thủy sản; việc chăn nuôi con vật dưới nước, con vật trên cạn, hay con vật nửa dưới nước, nửa trên cạn; làm rõ quy định thế nào là “an ninh thực phẩm”…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Trưởng Ban Dân Nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, bên cạnh bảo đảm tính thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật nói chung, Ban soạn thảo cần rà soát để tránh mâu thuẫn giữa các chương, điều trong dự thảo Luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về giống vật nuôi thuần chủng của Việt Nam, giống vật nuôi nhập khẩu và giống vật nuôi lai tạo để giữ gìn nguồn gen quý hiếm của các giống vật nuôi truyền thống của đất nước, vừa tiếp cận được nguồn gen giống của nước ngoài để chủ động nguồn giống vật nuôi cho chăn nuôi.
Tán thành với việc dự thảo Luật xác định 3 danh mục vật nuôi, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định về quy chế pháp lý của từng vật nuôi, đặc biệt đối với danh mục giống vật nuôi quý hiếm cần phải bảo tồn và chỉ rõ ngoài 3 danh mục này, những giống vật nuôi không nằm trong danh mục thì có được tự do sản xuất kinh doanh hay không.
Về nguyên tắc hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, một số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thể hiện các quy định này cô đọng và rõ ràng hơn, mang tính định hướng, xuyên suốt trong hoạt động chăn nuôi; nghiên cứu, phân định rõ các hoạt động mà Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích một số khâu trọng yếu trong chăn nuôi như xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phát triển vùng trồng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm và đẩy mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi…
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành trong quản lý, thúc đẩy phát triển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; có những quy định nhằm khắc phục sự thiếu đồng bộ trong chăn nuôi, từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lấy thêm ý kiến của nhân dân, đặc biệt là doanh nghiệp, người chăn nuôi, người kinh doanh, tiêu dùng; giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra chính thức dự án Luật.
Chiều cùng ngày, theo dự kiến chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Trồng trọt.
Quỳnh Hoa – Lý Kiên
Nguồn: TTXVN
- phát triển chăn nuôi li>
- chăn nuôi li>
- ngành chăn nuôi li> ul>
- 529 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn đối với bệnh Dịch tả heo Châu Phi
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Nhập khẩu thịt heo có thể tăng trở lại vào quý IV
- Có hiện tượng một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn tiêu thụ gia súc nhiễm dịch bệnh
- Hiệu quả từ các hầm biogas trong chăn nuôi trong hành trình giảm 30% phát thải khí mê – tan
- Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu
- Nhập khẩu đậu tương 10 tháng đầu năm 2024 trị giá gần 935,84 triệu USD
Tin mới nhất
T6,22/11/2024
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Nhập khẩu thịt heo có thể tăng trở lại vào quý IV
- Có hiện tượng một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn tiêu thụ gia súc nhiễm dịch bệnh
- Hiệu quả từ các hầm biogas trong chăn nuôi trong hành trình giảm 30% phát thải khí mê – tan
- Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu
- Nhập khẩu đậu tương 10 tháng đầu năm 2024 trị giá gần 935,84 triệu USD
- Tập đoàn Mavin: 02 trang trại heo đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP (phiên bản S.L.P)
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất