Nhiều người thường gọi Tiến sĩ Nguyễn Văn Duy với cái tên trìu mến: “Cha đẻ” của dòng vịt biển, bởi anh là người có nhiều đóng góp trong việc nuôi khảo nghiệm và chọn lọc giống vịt mới, thích nghi với điều kiện sống ở môi trường nước mặn. Hơn 3 năm, đã có gần 2 triệu con vịt biển được đưa đến những vùng biển, đảo của Tổ quốc, trong đó có huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), giúp cho quân và dân nơi đây khắc phục khó khăn, vững vàng nơi đầu sóng.
Đam mê… thủy cầm
Sinh ra ở vùng quê chiêm trũng ngoại thành Hà Nội (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên), năm 2000, chàng thanh niên Nguyễn Văn Duy thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Với thành tích vượt bậc trong quá trình học tập, Duy được trao giải thưởng Sinh viên xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và được ưu tiên học lên tiến sĩ khi mới 25 tuổi.
Năm 2004, Tiến sĩ Nguyễn Văn Duy về công tác tại Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (đơn vị khoa học đầu ngành về nghiên cứu, lai tạo các giống vịt mới tại Việt Nam – PV), giữ vai trò là cán bộ phụ trách kỹ thuật chăn nuôi, chọn giống. Từ đây, anh thường xuyên có cơ hội được nghiên cứu về các giống vịt – loài thủy cầm gắn bó với người nông dân.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Duy đưa những con vịt biển Đại Xuyên ra tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa.
Trước tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn diễn ra ở khắp các vùng ven biển của Việt Nam, anh đã có ý tưởng lai tạo giống vịt có thể sống được ở biển và các vùng nước lợ. Với suy nghĩ đó, anh đã bắt tay vào thực hiện việc nuôi khảo nghiệm. Từ kiến thức được học và kinh nghiệm gần 10 năm nghiên cứu về thủy cầm, anh cùng đồng nghiệp miệt mài nghiên cứu giống vịt mới để có thể sinh trưởng trên vùng nước mặn, đặc biệt là ở huyện đảo Trường Sa.
Sau nhiều lần nghiên cứu, đến năm 2012, vịt biển dòng bố mẹ đã được tạo ra từ các tổ hợp lai. Những quả trứng vịt biển đầu tiên từ dòng bố mẹ được đưa vào ấp nở nuôi thí điểm ở môi trường biển (tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh). Lần thứ hai, 1.000 quả trứng vịt biển được gửi ra đảo Trường Sa Đông (huyện đảo Trường Sa) để ấp nở, nhưng tỷ lệ thành công rất ít. Lần thứ ba, trứng vịt tiếp tục được gửi ra đảo Trường Sa Lớn để thử nghiệm, song kết quả cũng không khả quan hơn.
Không bỏ cuộc, anh và đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu, nuôi thử nghiệm tại các vùng nước mặn khác nhau, quyết tâm phải tạo bằng được giống vịt thích nghi với vùng hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Không chỉ nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, anh và đồng nghiệp còn đến địa bàn thí điểm để theo dõi về quá trình sinh trưởng, phát triển của loài vịt biển, từ đó điều chỉnh, đưa ra quy trình chọn tạo, chăm sóc phù hợp. Không phụ lòng người, tháng 6-2014, việc tạo giống vịt biển đã thành công, anh và đồng nghiệp vỡ òa trong niềm hạnh phúc.
Giống vịt biển 15 Đại Xuyên ra đời đã khắc phục được nhược điểm của những dòng vịt thông thường. Nuôi ở môi trường nước mặn, nước lợ, vịt không còn bị rụng lông, nhiễm bệnh, khả năng sinh trưởng tốt. Từ những đặc tính ưu việt trên, giống vịt này được đưa vào nuôi rộng rãi tại các địa phương ven biển, mở ra hướng phát triển mới cho ngành chăn nuôi thủy cầm, hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp cho nhiều ngư dân. Và điều đặc biệt, ngay sau khi lai tạo thành công, hàng nghìn con vịt biển đã được đưa lên tàu, đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa…
Món quà thiết thực nơi đầu sóng
Ngày 19-12-2014 được xem là dấu mốc quan trọng đầu tiên khi 600 con vịt biển một ngày tuổi được Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vận chuyển bằng đường hàng không từ Hà Nội đến Sân bay Cam Ranh. Số vịt này được nuôi thêm một thời gian ngắn cho quen với điều kiện khí hậu, rồi chuyển theo tàu tới các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa có đủ điều kiện nuôi vịt.
Nhớ lại thời điểm những con vịt biển đầu tiên ra đảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Duy xúc động chia sẻ: “Tôi chờ mong từng ngày và không có gì vui sướng, hạnh phúc bằng khi nghe tin báo về là giống vịt sinh trưởng nhanh, khả năng chịu bệnh tốt, chất lượng thịt cao”. Thời điểm đó, anh chưa được đến Trường Sa. Nhưng qua báo chí, biết được cuộc sống khó khăn của quân và dân trên đảo, anh đã dành rất nhiều tình cảm và có những việc làm hết sức thiết thực.
Trong thời gian hơn 3 năm, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên đã cung cấp gần 2 triệu con vịt biển giống và vịt thương phẩm tới các địa phương ven biển, trong đó đã tặng hàng nghìn con cho quân và dân huyện đảo Trường Sa.
Khi đó, Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng 146 (Quân chủng Hải quân), Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã gửi thư cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, trong đó có đoạn: “Chúng tôi rất phấn khởi và cảm động khi nhận được quà của các đồng chí gửi tặng. Món quà này không những có giá trị, ý nghĩa về vật chất mà còn thể hiện tình cảm đối với bộ đội Trường Sa thân yêu. Đây là sự cổ vũ, động viên rất kịp thời, thiết thực và hiệu quả đối với cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, khắc phục khó khăn, thử thách, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông”.
Năm 2017, Tiến sĩ Nguyễn Văn Duy đã vinh dự được đến với Trường Sa. Được tận mắt chứng kiến cuộc sống, điều kiện sinh hoạt của quân, dân huyện đảo, anh càng cảm phục ý chí và nghị lực của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đây, từ đó càng trăn trở, suy nghĩ làm sao có thể gửi tặng thật nhiều vịt biển ra Trường Sa.
Chia sẻ về định hướng phát triển giống vịt biển, anh nói: “Thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương để cung cấp con giống và chuyển giao quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng vịt biển. Hy vọng, với đặc tính ưu việt của vịt biển 15 Đại Xuyên, sẽ khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của các vùng biển, đảo Việt Nam, đặc biệt là có thêm nguồn thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Với những đóng góp vì cộng đồng, giống vịt biển 15 Đại Xuyên được nhận giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” lần thứ 3 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Còn “cha đẻ” của dòng vịt biển – Tiến sĩ Nguyễn Văn Duy đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen “Người tốt, việc tốt” năm 2018.
Những chuyến tàu chuyển hàng Tết ra Trường Sa sắp tới sẽ mang theo tấm lòng, tình yêu, nỗi nhớ thương của đất liền gửi tới nơi đảo xa, trong đó có cả những con vịt biển của Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên. Cùng với cả nước, trung tâm đã chuẩn bị sẵn sàng hàng nghìn con vịt biển gửi tặng, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng.
Vũ Ngọc Yến
Nguồn: Hà Nội Mới
- chăn nuôi vịt biển li>
- kỹ thuật chăm sóc vịt biển li>
- giống vịt biển li> ul>
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- 529 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn đối với bệnh Dịch tả heo Châu Phi
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Nhập khẩu thịt heo có thể tăng trở lại vào quý IV
- Có hiện tượng một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn tiêu thụ gia súc nhiễm dịch bệnh
- Hiệu quả từ các hầm biogas trong chăn nuôi trong hành trình giảm 30% phát thải khí mê – tan
- Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu
Tin mới nhất
T7,23/11/2024
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Nhập khẩu thịt heo có thể tăng trở lại vào quý IV
- Có hiện tượng một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn tiêu thụ gia súc nhiễm dịch bệnh
- Hiệu quả từ các hầm biogas trong chăn nuôi trong hành trình giảm 30% phát thải khí mê – tan
- Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu
- Nhập khẩu đậu tương 10 tháng đầu năm 2024 trị giá gần 935,84 triệu USD
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất