[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Nhìn chung, trong một thời gian dài, mặc dù chúng ta đã nhập khá nhiều nguồn giống vật nuôi tốt, kết hợp với nguồn giống vật nuôi bản địa sẵn có, nhưng vấn đề công tác giống và quản lý giống chưa thể hiện rõ nét ở tầm chiến lược/quốc gia. Việc nghiên cứu bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen vật nuôi còn khá mơ hồ, chưa có chiều sâu, đối tượng tản mạn, và còn mang tính chung chung. Để công tác giống dần có chiều sâu và mang tầm chiến lược, đồng thời để góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, có mấy giải pháp gợi ý sau đây.
Rà soát lại các công trình nghiên cứu, các giải pháp nghiên cứu về giống và các bộ giống/dòng hiện có để xây dựng chiến lược về giống tầm quốc gia
Việc nhập giống và lai tạo giống khó kiểm soát như hiện nay sẽ làm mất định hướng sản xuất, mất cân đối nguồn cung cầu và sự phát triển bền vững của hệ thống giống vật nuôi trong ngành chăn nuôi của nước ta. Muốn thế, cần tổ chức các hội nghị/hội thảo cấp quốc gia/cấp vùng để thu thập thông tin, tìm kiếm giải pháp chiến lược về giống phù hợp với từng vùng miền hoặc cấp độ quốc gia.
Song song đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ/hướng dẫn nhanh các doanh nghiệp/trang trại/cơ sở chăn nuôi xác lập, công nhận các giống/dòng vật nuôi nội-ngoại nhập-lai, từng bước đưa vào hệ thống quản lý giống cấp nhà nước. Việc sản xuất và cung ứng giống vật nuôi phải được bảo hộ/khuyến khích của nhà nước trong giai đoạn đầu về mặt cơ chế, chính sách, từng bước đưa vào hệ thống quản lý cấp quốc gia một cách khoa học và trật tự hơn. Cơ sở sản xuất giống phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Việc sản xuất, nghiên cứu lai tạo và phát triển các giống/dòng vật nuôi tại từng thời điểm cụ thể của cơ sở phải có đăng ký và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở công tác quản lý giống đã được xác lập một cách có hệ thống, định kỳ cần có hội/hiệp hội/cơ quan thẩm định, đánh giá giá trị con giống của từng cơ sở. Điều này đã được làm từ khá sớm ở các nước phát triển thông qua vai trò của hội/hiệp hội chăn nuôi quốc gia. Việc tổ chức sản xuất phải có hệ thống, phải có kế hoạch và phải được điều tiết/xúc tiến thương mại bởi các liên hiệp hội, còn các cơ quan nhà nước nên đóng vai trò điều hành, hướng dẫn, tìm kiếm thị trường, tạo điều kiện/cơ chế tốt nhất để hệ thống vận hành, tổ chức sản xuất và tiêu thụ.
Hình 1: Gợi ý mô hình quản lý giống
Chú trọng công tác nghiên cứu bảo tồn, khai khác và phát triển hiệu quả hơn nữa nguồn gen của các giống vật nuôi bản địa
Cần phải chú trọng hơn nữa công tác nghiên cứu bảo tồn, khai khác và phát triển hiệu quả nguồn gen của các giống vật nuôi bản địa bởi vì: (i) Việc sản xuất các giống vật nuôi ngoại nhập tại Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai do chịu ảnh hưởng của sự cạnh tranh về giá của các sản phẩm nhập nội theo cơ chế thị trường và hội nhập, (ii) Việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chỉ mang tính nhỏ giọt và thị trường thiếu ổn định, và (iii) Những đặc điểm quý (chất lượng, sức kháng, dược chất…) trong nguồn gen giống vật nuôi bản địa cần được nghiên cứu bài bản và khai thác hiệu quả hơn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm (có thể được xem là sản phẩm độc quyền, ít cạnh tranh). Điều này cần phải có luận cứ khoa học chắc chắn chứ không thể khoa trương như thời gian qua. Có một điều đặc biệt là thị trường ~ 95 triệu dân Việt Nam đều thích sản phẩm của các giống vật nuôi bản địa như gà thả vườn, heo mọi, vịt cỏ,… (ngoại trừ các sản phẩm gia súc nhai lại có nguồn gốc ngoại nhập như Mỹ, Úc, New Zealand,…). Đây là cơ sở để phát triển đàn giống bản địa theo công nghệ hiện đại nhằm từng bước khẳng định và nâng cao chất lượng với giá thành hợp lý hơn. Dĩ nhiên cũng cần lưu ý rằng trong tương lai có thể thế hệ trẻ sẽ chọn nhiều hơn các sản phẩm công nghiệp có nguồn gốc từ các giống ngoại nhập như thịt bò, thịt gà, bơ sữa,…
Cũng cần lưu ý các giống và công tác lai tạo giống gia cầm trong thời gian qua được triển khai khá nhanh, rộng khắp ở các cơ sở chăn nuôi bởi đặc điểm ưu việc của công tác giống/dòng gia cầm là chọn tạo nhanh, chu kỳ sản xuất ngắn, qui mô đàn dễ tăng nhanh, tái đàn nhanh và hiệu quả sản xuất dễ thu/dễ thấy được trong thời gian ngắn,… so với các loài vật nuôi khác, đặc biệt là các giống gà thả vườn. Gần đây, một số công ty cũng giảm qui mô đàn gà trắng, dần chuyển sang sản xuất và kinh doanh gà lông màu/vịt. Điều này càng đẩy nhanh và mạnh hơn tốc độ sản sinh những giống/dòng gia cầm mới trong thời gian tới, trong khi đó hệ thống quản lý, khai thác và bảo tồn nguồn gen chưa được xây dựng một cách có hệ thống.
Quản lý, bảo tồn và khai thác tốt hơn nguồn gen ngoại nhập
Cần quản lý, bảo tồn và khai thác tốt hơn nguồn gen ngoại nhập bởi nhiều giống vật nuôi ngoại nhập luôn có những đặc điểm ưu việt hơn giống vật nuôi bản địa như ngoại hình, năng suất, chất lượng,… Việc bảo tồn nguồn gen ngoại từng bước sẽ giúp chúng ta làm chủ được công nghệ và chủ động được nguồn giống phục vụ sản xuất tiêu dùng và xuất khẩu, cũng như cải thiện nhanh hơn một số tính trạng (hệ số chuyển hóa thức ăn, số con sơ sinh, tốc độ sinh trưởng, tỉ lệ nạc, năng suất sữa…) trên đàn giống bản địa.
Heo giống tại Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam
Ứng dụng công nghệ mới nhằm đẩy nhanh tốc độ cải thiện di truyền, tăng năng suất, chất lượng, sức khỏe vật nuôi, bảo vệ nguồn giống vật nuôi có nguy cơ bị tuyệt chủng, cũng như nâng cao hiệu quả chăn nuôi
Ứng dụng công nghệ mới nhằm đẩy nhanh tốc độ cải thiện di truyền, tăng năng suất, chất lượng, sức khỏe vật nuôi, bảo vệ nguồn giống vật nuôi có nguy cơ bị tuyệt chủng, cũng như nâng cao hiệu quả chăn nuôi bởi hiện nay hầu hết các bộ giống vật nuôi cao sản trên thế giới đều được chọn tạo dựa trên sự hỗ trợ của các công nghệ này.
Trong đó (i) công nghệ gen đã được ứng dụng rộng rãi. Nhiều marker di truyền phân tử hỗ trợ chọn giống cũng đã được thương mại hóa như IGF2 (Kris và ctv, 2002), RN (giảm thiệt hại ~10 đô la/con) (Le Roy và ctv, 1990), HAL-1843 (Gibson và ctv, 1996; Murray & Johnson, 1998) trong chọn heo giống; Myostatin (McPherron và Lee, 1997), GeneSTAR®Quality (chứa 2 marker TG5 và M2), Igenity TenderGENETM (chứa 3 marker UoGCAST1, Calpain 4751 và Calpain 316), GeneSTAR®Tenderness (chứa 3 marker CAST-T1, Calpain 316-T2 và Calpain 4751-T3) trong chọn giống bò giống (Van Eenennaam, 2006)…
Thực vậy, các marker di truyền hỗ trợ chọn lọc (Marker-Assisted Selection, MAS) cho phép chọn lọc chính xác kiểu gen (sự khác nhau của chuỗi/đoạn DNA hay nucleotide đơn/haplotype) có tương quan với những kiểu hình/tính trạng phức tạp (i.e. vân mỡ trong thịt/mỡ giắt, sức kháng,…). Ở đó có những gen chính (marked gene) có ảnh hưởng mạnh lên chính tính trạng đó và được xem như là công cụ đắc lực, luôn được sử dụng trong công nghệ chọn giống. Thực tế, sự biểu hiện của tính trạng thường được kiểm soát bởi nhiều gen, ngoài gen chính còn có những gen phụ (unmarked genes). Sự hiện hiện hoặc vắng mặt của một số lượng lớn gen phụ trong sự tương tác với môi trường có thể ảnh hưởng đến sự biểu hiện đúng kiểu hình mong đợi (i.e. khối lượng cai sữa lớn, tỉ lệ vân mỡ tăng,…).
Điều này có thể đang gây hoài nghi cho một số nhà khoa học khi đề xuất giải pháp ứng dụng MAS trong chọn lọc. Vì vậy, nhiều nỗ lực gần đây đã cố gắng nhận diện càng nhiều gen ứng viên càng tốt để bổ sung cho MAS. Nếu như trước đây MAS chỉ dựa vào ít gen thì giờ đây MAS được thiết kế dựa vào hàng nghìn gen/dấu gen. Song cũng cần lưu ý rằng, (a) MAS nên được thiết kế riêng cho từng quần thể/giống/dòng thuần có đủ độ lớn; (b) MAS chỉ là công cụ hỗ trợ chọn lọc, không phải thay thế cho kỹ thuật chọn lọc truyền thống, đặc biệt đối với những nhóm tính trạng có hệ số di truyền thấp, khó và đắt đỏ để đo lường (i.e. sức kháng, chất lượng,…), hoặc khó đo lường giá trị đóng góp cho đời sau (i.e. thân thịt)…;
(ii) Công nghệ sinh sản (cấy truyền phôi, thụ tinh trong vi giọt, tinh giới tính, nhân bản,…) cũng đã được áp dụng khá thành công trên nhóm gia súc nhai lại, giúp đẩy nhanh tiến bộ di truyền và sản sinh những cá thể tốt nhất ở đời sau theo ý muốn.
Tăng cường công tác quản lý đàn giống và cơ sở sản xuất giống
Tăng cường công tác quản lý đàn giống và cơ sở sản xuất giống bởi việc quản lý tốt sẽ có được: (i) Kế hoạch khai thác và phát triển nguồn gen tốt, và (ii) Chủ động điều tiết và phát triển sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường.
Để công tác quản lý giống được tốt, các cơ sở chăn nuôi cần phải có: (i) Giấy phép đăng ký kinh doanh, (ii) Nguồn nhân sự đúng chuyên môn, và (iii) Hệ thống quản lý giống phải được cập nhật thường xuyên và phải được kết nối với hệ thống quản lý giống cấp quốc gia. Con giống trước khi bán ra thị trường phải được khảo nghiệm, công bố chất lượng dựa trên các minh chứng khoa học và phải có tổ chức giám sát và thẩm định.
Đầu tư xây dựng hệ thống giống và quản lý giống cần nhiều thời gian và kinh phí
Đầu tư xây dựng hệ thống giống và quản lý giống cần nhiều thời gian và tốn kém bởi công nghệ giống Việt Nam thực sự còn rất non trẻ. Tuy nhiên nếu không đầu tư nghiêm túc, dài hạn và có hướng chiến lược cho riêng mình thì tương lai không xa hệ thống giống Việt Nam sẽ phụ thuộc vào công nghệ giống và bộ giống nước ngoài. Con heo là một ví dụ. Thực tế, công nghệ giống cũng là một trong công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và chăn nuôi nói chung. Nhiều quốc gia phát triển đã đầu tư công nghệ giống từ nhiều thập kỷ qua và đến nay mới đạt được những thành tựu nhất định. VD: một con heo hậu bị cụ kỵ nhập từ Mỹ về có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, trong khi chúng ta vẫn chưa chủ động được nguồn heo giống cấp ông bà/bố mẹ với giá thấp hơn nhiều. Có thể thấy giá trị của công nghệ giống vật nuôi mang lại cũng không thua kém các công nghệ khác. Đây là một trong những cơ sở để các nước phát triển không cần tăng đàn nhưng vẫn đảm bảo được sự phát triển của ngành chăn nuôi sở tại.
Bài viết này có thể được nhìn nhận chưa toàn diện và thấu đáo các vấn đề về giống và công tác giống vật nuôi cũng như quản lý giống vật nuôi ở Việt Nam, nhưng hi vọng có thể đóng góp chút chính kiến để góp phần thúc đẩy chăn nuôi Việt Nam phát triển ngày càng có chiều sâu hơn, ổn định hơn và bền vững hơn.
PGS TS Đỗ Võ Anh Khoa*
PGS TS Nguyễn Văn Đức**
*Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ,
Giáo sư thỉnh giảng Trường Đại học Khoa học & Công nghệ Tây Nam (SWUST, Tứ Xuyên, Trung Quốc).
**Nguyên Trưởng Bộ môn Di truyền – Giống vật nuôi, Viện Chăn nuôi,
Trưởng Ban Khoa học – Công nghệ, Hội Chăn nuôi Việt Nam.
“Để công tác quản lý giống được tốt, các cơ sở chăn nuôi cần phải có: (i) Giấy phép đăng ký kinh doanh, (ii) Nguồn nhân sự đúng chuyên môn, và (iii) Hệ thống quản lý giống phải được cập nhật thường xuyên và phải được kết nối với hệ thống quản lý giống cấp quốc gia. Con giống trước khi bán ra thị trường phải được khảo nghiệm, công bố chất lượng dựa trên các minh chứng khoa học và phải có tổ chức giám sát và thẩm định”, PGS TS Đỗ Võ Anh Khoa
- greenfeed li>
- chăn nuôi bền vững li>
- giống vật nuôi li>
- heo giống li> ul>
- Hình ảnh siêu quang phổ có thể phát hiện độc tố nấm mốc trong thức ăn gia cầm
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nghiên cứu axit amin chỉ ra tiềm năng cho chế độ ăn ít protein hơn
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh
- Rối loạn chất lượng thịt ức ở gà thịt hiện đại
- Vỏ yến mạch đang ngày càng phổ biến trong dinh dưỡng gia cầm
- 6 thành phần giàu chất xơ và lợi ích của chúng đối với người chăn nuôi gia cầm
- Lựa chọn chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của gà thịt giống
- 6 điều có thể bạn chưa biết giúp thúc đẩy quá trình tổng hợp protein (tăng cơ bắp) ở heo
- Đất sét trao đổi ion trong thức ăn có thể thể hiện đặc tính kháng sinh
Tin mới nhất
T2,25/11/2024
- Hình ảnh siêu quang phổ có thể phát hiện độc tố nấm mốc trong thức ăn gia cầm
- CP Foods thu gần 68.000 tỷ đồng tại Việt Nam
- Lào Cai: Đánh giá hiệu quả mô hình nuôi dúi thương phẩm tại xã Liên Minh (thị xã Sa Pa)
- Tập trung phòng bệnh dịch tả châu Phi trên đàn lợn
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Kiểm tra tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng gia súc, gia cầm
- Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái
- Sản lượng lợn của Anh tháng 10/2024 tăng
- Nông dân sản xuất giỏi từ mô hình chăn nuôi dê
- Giới khoa học lo ngại ca H5N1 có dấu hiệu thích nghi với người
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất