Chuông điện thoại reo lên điệu nhạc vui. Xem xong tin nhắn, ông tủm tỉm bảo với tôi: Không có gì thay đổi, 5 con bò 3B trong chuồng của nhà, ngày mai sẽ theo về ở với chủ mới. Mỗi con có tiền công 2 triệu đồng.
Làm lái bò (buôn bò), nhưng cái chất quê mộc mạc trong ông chưa từng phai lạt. Tôi nghĩ như thế về ông bởi cách giao tiếp, trò chuyện thân thiện. Ông kể: Từ bé tôi đã đi chăn thả trâu, bò giúp bố mẹ. Nên không chỉ hiểu tâm tính của chúng, mà tôi biết chúng cần gì. Nhất là những con trâu, bò bị ốm o, gầy nhẳng cần thuốc tẩy giun, sán hoặc phải chữa ngay cho chúng các bệnh về đường ruột.
Con nhà nông gắn bó với con trâu, bò là đương nhiên. Nhưng kinh nghiệm chưa đủ. Bởi với ông, kể từ sau tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật về chăn nuôi trâu, bò do Hội Nông dân phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức, ông được trang bị thêm một số kiến thức cơ bản, giúp công việc chăn nuôi “đầu cơ nghiệp” của gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ở gần rừng, đồi bãi rộng rãi nên ông có lợi thế trong phát triển chăn nuôi đại gia súc. Trước đây, ông duy trì chăn nuôi trâu lấy sức kéo; nuôi bò sinh sản bán lấy tiền sắm sanh trong gia đình. Từ có kinh nghiệm và kiến thức khoa học – kỹ thuật, ông được nhiều bà con trong vùng nhờ cậy đi xem khoang khoáy trâu, bò và định giá mua phù hợp. Nhiều bà con đến nhà ông, đang trà nước chợt nghe tiếng trâu, bò cọ sừng vào gióng chuồng thì nằng nặc đòi mua luôn con trâu, bò đang trong chuồng.
Việc mua bán chóng vánh, ông có tiền công, còn người mua tìm được con vật nuôi khỏe mạnh, mau lớn. Thấy việc mua qua, bán lại vừa lợi mình, ích người. Hơn nữa, ông nhận ra công việc này phù hợp với sở trường, sở đoản của mình nên chú tâm hơn.
Từ đầu năm 2020, ông không nuôi bò thịt, bò sinh sản mà chuyển hẳn sang làm thương lái bò, chủ yếu là bò 3B. Ông không giấu nghề: So với bò ta, bò lai 3B khỏe, ăn tạp, mau lớn, cho khối lượng thịt cao hơn nhiều lần so với giống bò ta. Có con đực 3B năng hơn 1 tấn, con cái nặng hơn 7 tạ. Loại bò này cả 2 chiều mua và bán đều thuận, người mua nuôi vỗ béo hoặc người mua để thịt đều được sinh lời.
Ngày trước, nghề lái trâu, bò không được coi trọng, thậm chí bị khinh khi. Vậy dân gian mới có câu: “Thật thà cũng thể lái trâu”, hoặc “Lái trâu, lái lợn, lái bè/Trong 3 anh ấy chớ nghe anh nào”. Ám chỉ người buôn bán trâu, bò là một nghề không trung thực, không phải chỗ để gửi lòng tin. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Bởi việc buôn bán ngày nay chữ tín được coi trọng, đặt lên hàng đầu. Ví như ông Tú, việc lái bò đều tận dụng triệt để mạng xã hội. Giữa ông và bên có bò bán không cần gặp nhau trực tiếp, nhưng các hợp đồng kinh tế bằng miệng đều có hiệu lực chắc chắn. Bởi giữa họ được cam kết bằng lòng tin.
Cũng nhờ có uy tín nên các mối mua, bán của ông được mở rộng ra các tỉnh lân cận là Bắc Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang… Mọi giao dịch mua, bán, thanh khoản giữa ông và đối tác được thực hiện qua mạng Internet. Thế mới hay công nghệ thông tin mang lại rất nhiều tiện ích trong cuộc sống đời thường, trong đó có nghề lái bò.
Nói theo ngôn ngữ của thời “chuyển đổi số” thì trong xã hội hiện nay đã có một chợ bò trực tuyến, và được họp bất cứ lúc nào trên sàn giao dịch điện tử. Người bán đăng tải hình ảnh đàn bò của mình lên mạng xã hội, kèm theo đó là giá bán, địa chỉ, số điện thoại. Các lái bò như ông Tú vào xem, bình luận, thỏa thuận giá chốt và cùng thảo hợp đồng mua, bán miệng, hoặc bằng tin nhắn điện thoại.
Từ 2 năm gần đây, ông Tú đã thực hiện thành công hàng trăm thương vụ lái bò trên sàn giao dịch điện tử. Ông kể: Sau khi vào mạng xem, thấy ưng, thỏa thuận xong giá cả hợp lý thì thuê xe chuyển về. Thường mỗi chuyến đóng hàng từ 5 đến 7 con bò và trả tiền vào tài khoản của đối tác, chứ không dùng tiền mặt. Bằng cách này cả 2 bên mua, bán đều tiết kiệm được tiền và thời gian đi lại…
Ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khe Mo chia sẻ: Vốn người lành tính, “mát tay”, được lộc lái bò, nên bò vào tay ông Tú nhiều con gầy nhẳng, trơ xương sườn, biếng ăn cũng chỉ sau một thời gian ngắn đã mượt lông, bóng da, trở thành một con bò phàm ăn, mau lớn.
Ông Tú phấn chấn nói: Bí quyết gì đâu, tôi tự bắt bệnh, trị được bệnh thì con bò có sức ăn, sức lớn. Sau đó bán lại cho bà con trong vùng nuôi làm giàu. Còn tôi chỉ lấy chút hoa hồng…
Khi được hỏi 1 năm ông mua, bán được chính xác bao nhiêu con bò? Ông khiêm tốn: Không nhớ nổi, vì có con bò nhập về hôm trước, sáng ngày sau đã có người đến dắt đi. Cũng có con nuôi nhốt trong chuồng cả tuần mới tìm được chủ mới. Nhưng nhẩm lại tôi cầm chắc phần lãi hơn 300 triệu đồng/năm.
Lái bò thời công nghệ, một nghề hót mang lại nhiều lợi ích cho những nông dân nhập cuộc. Ông Tú hóm hỉnh: Ngon đấy, nhưng ngoài đất làm chuồng trại để nuôi nhốt bò, tôi còn phải trồng thêm 7 sào cỏ voi xanh Đài Loan làm thức ăn cho chúng.
Bình luận mới nhất