Giá lợn hạ kỷ lục đã dìm nông thôn vào một cơn sốt “giải cứu” liên miên khắp các loại nông sản từ vịt, cá, trứng, rau màu đến cả những người làm ra chúng cũng đều chung cảnh vật vờ, chìm đắm…
Chưa bao giờ nông dân Hải Dương lại rơi vào cảnh khốn khó như hiện nay khi lợn sập giá, vải thiều mất mùa, dưa lê thất thu, quả trứng rẻ mạt, cá mú ế ẩm, vịt, gà, thóc lúa đều ngoi ngóp ở mức dưới giá thành. Phận người thời loạn giá tựa như cánh bèo dập dềnh trên muôn đầu ngọn sóng…
Cánh bèo trên ngọn sóng
Bà Phạm Thị Khơi ở xã Hồng Khê (huyện Bình Giang, Hải Dương) 23 năm trước đã cùng chồng khai hoang vùng bãi triều ven làng để lập trại. Vùng bãi ấy vốn toàn cỏ vẩy ốc ken dày đến nỗi cuốc mấy nhát cũng chưa thấu tới đất, bước đi bên trên mà cứ dập dập, dềnh dềnh. Trên mảnh đất, ông bà đổ biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt để hình thành nên một trang trại nuôi vịt quy mô lớn nhất vùng.
Bà Khơi bên đàn vịt
Họ quý vịt còn hơn cả quý con. Thức ăn bao giờ cũng căng diều, thuốc thang không thiếu một liều, nóng có mái che, rét có ủ ấm và chưa bao giờ dám để đàn vịt dính nước mưa vì rất dễ bị đi ỉa. Hễ trời hơi động cơn, đổi gió một cái là dù đang lội tung tăng dưới ao lũ vịt cũng được các con của bà Khơi vội vã lùa vào chuồng. Đầu trần, chân đất, người lũ trẻ ướt dầm dề nhưng lông lơ, lông măng của lũ vịt vẫn còn khô nguyên, không một cọng bết bát…
Lúc nào trong trại cũng có ba lứa vịt gối nhau, lứa nhỏ, lứa nhỡ và lứa lớn, mỗi đàn trên dưới 3.000 con, ngốn mỗi ngày mất hơn 3 triệu đồng tiền cám. Hễ bị bỏ đói một tí là khi mở cửa chuồng, hàng trăm con vịt liền xông tới tấn công, mổ tới tấp vào chân chủ. Những cú mổ của vịt siêu rất mạnh, rất đau nhưng không bằng cú “mổ” của thị trường, không phương chống đỡ.
Hơn 20 năm chăn nuôi nhưng chưa bao giờ bà Khơi chứng kiến giá vịt lại rẻ rúng như hiện nay, chỉ 18.000đ/kg trong khi giá hòa vốn ít nhất cũng phải 28.000đ/kg. Gần một năm nay lứa vịt nào nuôi cũng lỗ, tổng cộng âm vào vốn của ông bà hơn 200 triệu đồng. Đau gần chết mà không dám nói ra ngoài vì sợ hàng xóm bảo lỗ nhiều quá vợ chồng đâm ra bất hòa, sinh sự, cấu xé nhau.
Nuốt nước mắt vào trong, bà chỉ dám nói với các con rằng: “Bọn vịt siêu nó ngậm hết sổ đỏ của mẹ rồi!”. Lũ con thương mẹ, bảo thôi đừng nuôi nữa nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại nếu dừng một mai giá cả tăng lên thì lại tiếc nên cứ cố, cứ đuổi. Vậy là tay nóng đổ vào tay nguội, vay chỗ nọ đập vào chỗ kia.
Trước đây khi giá còn cao, người chăn còn được mua cám chịu giờ thì không được thiếu dù chỉ một bao bởi đại lý cũng đang trong tình trạng mấp mé trên bờ phá sản. Vừa rồi đúng là giá cả có lên thật, lên vù vù, lên một mạch, lên tới 28.000đ/kg nhưng đàn vịt của bà mới chỉ đang mọc lông cánh, lông măng không thể bán kịp, được hai ngày giá lại xuống không phanh chỉ còn 18.000đ/kg.
Quần lúc nào cũng ống thấp ống cao, người lúc nào cũng ám đầy mùi phân vịt, nước đái vịt, bà Khơi bảo mình sẽ chiến đấu đến khi nào không thể chịu được nữa mới thôi: “Giờ hoàn cảnh nhà tôi giờ hệt như trong vũng bùn khai hoang thủa trước. Đi không đi được, nhảy không nhảy được. Càng vùng vẫy thì lại càng chìm nên chỉ bò nhẹ sao cho để đỡ lầy, đỡ lấm”.
Để lại trang trại vịt cho người vợ chăn, chồng bà dạo này tất bật chạy chợ buôn lươn, cua, ốc, ếch. Thời buổi 1m2 mấy người bán nên thu nhập chẳng được bao lăm, trung bình chỉ 50.000 – 70.000đ/ngày. Thế mà vẫn mải mốt khuya sớm. Hôm nọ vì vội vã với mớ hàng mới nhập nên luống cuống thế nào ông dính tai nạn, xe cộ dập nát hết, người ngợm trầy khắp.
Ám ảnh vì gà
Anh Lê Văn Sơn ở xã Nam Tân (huyện Nam Sách, Hải Dương) kể từ 4 năm nay khi thuê 2ha đất để làm trại gà 15.000 con siêu trứng chưa bao giờ gặp tai ách nặng như thế. Thường năm nào trước tết và ra Giêng, lúc công nhân các khu công nghiệp lũ lượt đổ về quê cũng là lúc giá trứng xuống đến 1.000đ/quả nhưng chỉ kéo dài khoảng 1 tháng. Còn năm nay, đã gần 6 tháng ròng, giá trứng đang từ 1.400 – 1.500đ/quả xuống 1.000đ/quả mãi mà không ngoi ngóp lên được một chút.
Cả xe trứng đầy chỉ có giá hơn 100.000đ
“Cứ cầm tiền mà đi ăn chơi nhảy múa cũng không lỗ nặng như người nuôi gà bây giờ”, anh ngậm ngùi bảo. Đàn gà 1 vạn rưỡi con mổ âm vào vốn của anh mỗi ngày 2 triệu đồng, vị chi nửa năm đã lỗ hơn 300 triệu. Nếu như người nuôi lợn gặp cảnh giá hạ còn có thể bớt khẩu phần “cám cò” thay thế bằng rau, bằng bèo còn gà sinh sản hễ bớt cái là tịt đẻ, là gầy mòn, là hỏng cả đàn ngay. Bởi vậy, không thể nhịn cho chúng ăn để đợi đến ngày trứng đắt.
Gà cứ việc ăn và sòn sòn đẻ trứng còn chủ cứ việc lo và nghĩ đến rạc cả người. “Khéo cứ đà này tôi phải loại thải gà giống bán thành gà thịt mất. Trước gà thải bán ngang với giá gà giống nhưng giờ chỉ được phân nửa, khoảng trên dưới 40.000đ/kg. Trứng lỗ đằng trứng, gà lại lỗ đằng gà. Nông dân chúng tôi chỉ còn mỗi cách là nằm mà chờ thời thôi”.
Gần kề đó là hai trại gà nuôi lấy trứng của anh Mạc Văn Duẩn ở xã Hợp Tiếp. Anh mới mất trong một tai nạn giao thông thảm khốc mấy tháng trước, giờ trên mộ phần cỏ đã kịp lên xanh. Người chết thì đã yên phận, chỉ khổ cho những người còn sống đang ngày ngày phải đối phó với gánh nặng nợ nần.
Vợ anh do vai mềm, sức yếu không kham nổi nên đã phải nhường cho chị gái nuôi một trại còn mình quán xuyến một trại. Gặp khi giá hạ, cả hai nhà đều chao đảo, rung lắc và sợ hãi hệt như trong một cơn địa chấn cấp chín, cấp mười.
Đứng bên đống trứng chất cao như đống rạ trong kho, chị Lê Thị Bốn – vợ anh Duẩn thất thần bảo: “Mỗi khay trứng 30 quả phải từ 2kg trở lên mới đạt loại 1, mới bán được 1.100đ/quả, đằng này do cả hai trại đều là gà mới vào, đang còn đẻ bói nên toàn cho trứng nhỏ, giá bán chỉ từ 400 – 900đ/quả. Phải 3 tháng nuôi nữa thì gà mới đẻ trứng đạt loại 1 nhưng hiện nay chỗ nào vay được đã vay hết lượt, chẳng biết kiếm nguồn nào để mà cho gà ăn sắp tới nữa đây?”
Tiền cám mất hơn 10 triệu/ngày cộng với lỗ 2,5 – 3 triệu/ngày thì chẳng mấy chốc mà đi tiền tấn nên chị Bốn đã phải cắm 1 sổ đỏ để vay 1 tỉ đồng còn chị Minh (chị gái) đã phải cắm 3 sổ đỏ để vay 2 tỉ đồng. “Vừa lo cho nhà mình tôi lại còn lo thêm cho nhà chị gái. Tôi thì nuôi gà đã lâu, đã quen rồi nhưng chị ấy mới chỉ mới nuôi mà thôi nên trong mấy tháng không ăn, không ngủ được chị sụt mất hơn 10kg. Mà lo cũng chỉ biết vậy thôi, chẳng giúp được gì cả ”, chị Bốn ngậm ngùi.
Trước đây, lượng tiêu thụ chính là nhà ăn của các khu công nghiệp, chế xuất trong vùng. Nhưng kể từ giá thịt lợn rẻ ngang với rau, công nhân đã chuyển từ thói quen mỗi tuần ăn trứng 2 lần sang mỗi tuần ăn trứng 1 lần. Hàng đã rẻ lại còn ế. Biết là lỗ đấy nhưng không bán không được bởi mùa nóng thế này, trứng để trên 10 ngày là bạc phếch màu, loãng lòng, mất đến hơn nửa giá.
Dương Đình Tường
Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
- giải cứu gà li>
- chăn nuôi gia cầm li>
- giải cứu vịt li> ul>
- 529 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn đối với bệnh Dịch tả heo Châu Phi
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Nhập khẩu thịt heo có thể tăng trở lại vào quý IV
- Có hiện tượng một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn tiêu thụ gia súc nhiễm dịch bệnh
- Hiệu quả từ các hầm biogas trong chăn nuôi trong hành trình giảm 30% phát thải khí mê – tan
- Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu
- Nhập khẩu đậu tương 10 tháng đầu năm 2024 trị giá gần 935,84 triệu USD
Tin mới nhất
T6,22/11/2024
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Nhập khẩu thịt heo có thể tăng trở lại vào quý IV
- Có hiện tượng một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn tiêu thụ gia súc nhiễm dịch bệnh
- Hiệu quả từ các hầm biogas trong chăn nuôi trong hành trình giảm 30% phát thải khí mê – tan
- Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu
- Nhập khẩu đậu tương 10 tháng đầu năm 2024 trị giá gần 935,84 triệu USD
- Tập đoàn Mavin: 02 trang trại heo đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP (phiên bản S.L.P)
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất