Cắt điện luân phiên nên các chủ lò ấp nở gia cầm phải chắt chiu nguồn điện từ máy phát điện ưu tiên cho lò ấp, bởi sểnh một chút là tiền tỷ ‘bốc hơi’.
Chịu nóng nhường điện cho lò ấp
Dưới cái nóng hầm hập ở Thủ đô Hà Nội, ngồi quanh mâm cơm trưa, gia đình 6 người nhà anh Nguyễn Văn Cương tại thôn Thượng Yên, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi.
Nóng nực là vậy, dù nhà có cả người già lẫn trẻ em nhưng anh Cương không dám mở điều hòa mà chỉ dám bật một chiếc quạt điện quay đi quay lại để ăn cho xong bữa cơm, bởi do mất điện nên nguồn điện duy trì cho toàn bộ hệ thống lò ấp nở và sinh hoạt gia đình đều phải trông vào chiếc máy nổ phát điện.
Mọi hoạt động sản xuất của các lò ấp nở gia cầm đều phải dựa vào chiếc máy phát điện. Ảnh: Phạm Hiếu.
Không chỉ gia đình nhà anh Cương, thời điểm hiện tại, hộ gia đình nào nơi đây cũng đều rơi vào tình trạng phải giảm tối đa điện cho sinh hoạt và dành điện từ máy phát điện cho hoạt động ấp nở trứng, sản xuất con giống gia cầm, thủy cầm…
“Từ đợt nắng nóng, thiếu điện, khu vực thôn Thượng Yên này đã bị cắt điện 5 lần, mỗi lần đều khoảng từ 6 đến 8 tiếng. Cắt điện lâu dài nên cả sinh hoạt hàng ngày lẫn hoạt động sản xuất của chúng tôi đều bị ảnh hưởng do phải chắt chiu nguồn điện từ máy phát điện. Người dân không còn cách nào khác ngoài việc sử dụng tiết kiệm điện nhất có thể”, anh Nguyễn Văn Cương chia sẻ.
Lau những giọt mồ hôi chảy thành dòng trên mặt, anh Cương cho biết, có những hôm nóng đỉnh điểm, trẻ con trong nhà không chịu nổi, anh cũng chỉ dám bật chiếc quạt điện cho đỡ nóng chứ không bật điều hòa vì sợ rơi vào tình trạng quá tải, mất điện, hệ thống máy ấp nở trứng bị ảnh hưởng. Vì thực tế, công suất hoạt động của máy phát điện vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu điện cần để hệ thống máy ấp nở hoạt động.
Những ngành sản xuất khác mất điện thì chỉ bị đình trệ, còn việc sản xuất, ấp nở con giống gia cầm mang tính đặc thù, không thể thiếu điện dù chỉ vài tiếng đồng hồ. Chỉ cần 10 máy ấp bị hỏng thôi sẽ có thể gây thiệt hại lên đến 1 tỷ đồng. Thế nên nhiều khi dù có nóng đến mấy, các chủ lò ấp nở cũng phải chịu, chả giám bật quạt chứ đừng nói đến điều hòa, nấu ăn cũng không nấu bằng bếp điện mà phải dùng bếp ga.
Với mỗi 10.000 quả trứng để phục vụ cho một máy ấp nở, tùy từng thời điểm, người dân sẽ phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng. Ảnh: Phạm Hiếu.
“Những ngày gần đây, do có cuộc thi vào lớp 10 THPT nên khu vực không có lịch cắt điện. Nhưng đến nay các em đã thi xong, bên điện lực lại thông báo cắt điện 4 ngày liền, mỗi ngày cắt ít nhất 8 tiếng đồng hồ. Thời điểm hiện tại, chúng tôi chỉ mong làm sao sớm duy trì trở lại điện lưới, không bị cắt điện thường xuyên nữa để hoạt động ấp nở con giống được hoạt động ổn định”, anh Nguyễn Văn Cương chia sẻ.
Sểnh một chút là “đi tong” tiền tỷ
Nằm ở vị trí thuận lợi cho thông thương, thôn Thượng Yên, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội) được biết đến là điểm trung chuyển trứng, con giống gia cầm, thủy cầm lớn nhất nhì trên cả nước. Cao điểm, mỗi ngày sẽ có khoảng 10 triệu con giống được xuất đi khắp các tỉnh, thành.
Tại đây, nghề ấp nở con giống gia cầm, thủy cầm được xem là nghề duy nhất của người dân. Nhiều hộ gia đình đã đi vay mượn mới có thể đầu tư hệ thống ấp nở, sản xuất con giống.
Có gia đình đầu tư lớn, hệ thống lên đến 30 máy ấp nở. Với việc mỗi máy ấp nở cùng những thiếu bị vận hành đi kèm có giá trị trung bình khoảng gần 100 triệu đồng, hệ thống 30 máy ấp nở sẽ có giá trị tương đương gần 3 tỷ đồng.
Chưa hết, với mỗi 10.000 quả trứng, để phục vụ cho một máy ấp nở, tùy từng thời điểm, người dân sẽ phải bỏ ra thêm khoảng 100 triệu đồng. Trung bình mỗi hệ thống ấp nở của các hộ dân nơi đây đều có từ 8 đến 10 máy. Như vậy, mỗi lứa con giống của người dân đều rơi vào khoảng 1 tỷ đồng. Đối với người chăn nuôi, đó là một số tiền khổng lồ, là toàn bộ tài sản của họ.
Chỉ cần mất điện vài tiếng cũng có thể gây thiệt hại tiền tỷ cho các cơ sở ấp nở gia cầm. Ảnh: Phạm Hiếu.
Nhận được thông báo có lịch cắt điện từ ngày 13 cho đến ngày 16/6, mỗi ngày sẽ cắt tối thiểu 8 tiếng, ông Nguyễn Xuân Toan (thôn Thượng Yên, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên) lại buông tiếng thở dài vì ông biết, việc sản xuất những ngày tới lại thêm khó khăn hơn.
Vay mượn và đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng hệ thống 8 máy ấp nở trứng, cũng như nhiều hộ dân khác, những ngày này, gia đình ông Toan đã phải chuẩn bị trước máy phát điện đề phòng trường hợp mất điện. Thậm chí, nhiều hộ còn chuẩn bị hẳn 2 máy phát, nhưng do hoạt động quá nhiều nên máy phát điện cũng có dấu hiệu quá tải.
Nếu máy phát điện hỏng, gọi thợ đến sửa cũng phải mất thời gian vì linh kiện máy móc không có sẵn, trong khi chỉ cần thiếu điện vài tiếng thôi là hoạt động máy ấp nở sẽ bị ảnh hưởng, gây thiệt hại.
“Bên điện lực thông báo ngày cắt điện cho bà con biết thế thôi chứ cũng không biết là họ sẽ cắt giờ nào. Hay như tuần trước, đùng cái họ cắt mà không thông báo trước, lại cắt đúng vào giờ oái oăm như từ 8 rưỡi đến 11 giờ sáng hay từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối. Đó đều là giờ cao điểm khi mà các hệ thống máy ấp nở đang cần nhiều điện nhất, khoảng 2.000W để hoạt động”, ông Nguyễn Xuân Toan lắc đầu ngao ngán.
Tại Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, căn phòng duy nhất được bật điều hòa là phòng bảo quản trứng. Nhân viên Trung tâm đã tận dụng hơi mát từ điều hòa để có nước mát uống. Ảnh: Phạm Hiếu.
Bên cạnh đó, người dân cho biết, do xảy ra tình trạng thiếu điện, phải dùng máy phát điện nên chất lượng, số lượng con giống bị giảm rõ rệt. Nếu trước kia điện ổn định, ấp 10 quả có thể nở khoảng 8 – 9 con. Tuy nhiên giờ thiếu điện, máy ấp hoạt động không ổn định nên tỉ lệ nở giảm đi, chỉ còn khoảng 6 – 7 con. Chất lượng con giống cũng kém và xấu đi nhiều do không đủ nhiệt trong quá trình ấp.
Ông Toan cho hay, nghề ấp nở con giống có rất nhiều rủi ro, chỉ cần xảy ra sự cố nhỏ cũng có khả năng hỏng cả lồng ấp, thiệt hại vô cùng lớn. Thế nên lúc nào gia đình cũng phải cắt cử người trông và kiểm tra máy móc liên tục.
“Có một hộ gần đây cũng vay mượn ngân hàng để đầu tư làm nghề ấp nở con giống gia cầm, nhưng do làm ăn khó khăn, thua lỗ, không có tiền trả nợ nên đã bị thu hồi ngôi nhà. Chúng tôi thấy thế nên lo lắm, làm được đồng nào tôi cũng đều mang đi trả nợ hết. Khó khăn là vậy nhưng vẫn phải bám trụ với cái nghề này thôi, vì ở đây chúng tôi không biết làm nghề nào khác cả”, ông Toan bộc bạch.
Chỉ… trứng mới được dùng điều hòa
Ông Nguyễn Văn Duy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi – Bộ NN-PTNT), cho biết, hiện tại đàn vật nuôi của Trung tâm khoảng 12.000 con, trong hệ thống máy ấp đang có khoảng 120.000 quả trứng để sẵn sàng cung cấp con giống bố mẹ cho các hộ chăn nuôi tại các tỉnh thành.
Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên kiểm tra hoạt động của máy ấp trứng gia cầm. Ảnh: Phạm Hiếu.
Ông Duy cho biết, năm nay việc sản xuất, chăn nuôi của người dân bị ảnh hưởng nhiều do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Ngoài ra, việc thiếu điện trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân do hiện nay, nhiều hộ đã sản xuất, chăn nuôi công nghiệp trong chuồng kín, lúc nào cũng cần điện để duy trì hoạt động của các hệ thống. Nếu xảy ra mất điện thì ngay lập tức phải chạy máy phát điện để không xảy ra thiệt hại.
“Nếu xảy ra mất điện, trong chuồng nuôi sẽ xảy ra thiếu lưu thông không khí, sức khỏe vật nuôi sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc mất điện sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động ấp nở trứng trong hệ thống máy. Nếu không đảm bảo nhiệt độ khoảng 37 độ C. Đặc biệt là giai đoạn giãn nở, việc trao đổi khí diễn ra mạnh, phải đảm bảo được việc tuần hoàn khí trong máy ấp, nếu không chất lượng phôi cũng như chất lượng con giống nở ra sẽ bị ảnh hưởng”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên chia sẻ.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Văn Duy cho biết, các hoạt động của Trung tâm đều phải sử dụng điện một cách tiết kiệm nhất. Các phòng làm việc đều phải mở cửa sổ và không bật điều hòa. Căn phòng duy nhất được bật điều hòa là phòng bảo quản trứng.
Nguồn: nongnghiep.vn
- ấp trứng li> ul>
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
Tin mới nhất
T2,23/12/2024
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất