Ngành chăn nuôi 2021: Vẫn tăng trưởng 5,6% - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 67.000 - 69.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội 69.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Yên Bái 68.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lào Cai 67.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 64.000 - 68.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 67.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Ninh Thuận 66.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 63.000 - 67.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 67.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Cần Thơ 66.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Trà Vinh 63.000 đ/kg
    •  
  • Ngành chăn nuôi 2021: Vẫn tăng trưởng 5,6%

    [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Tổng sản lượng thịt các loại năm 2021 đạt khoảng 6,2 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt khoảng 3,82 triệu tấn; thịt gia cầm 1,7 triệu tấn; thịt gia súc ăn cỏ 0,68 triệu tấn; sản lượng trứng khoảng 16 tỷ quả; sản lượng sữa khoảng 1,2 triệu tấn…

     

    Trải qua một năm gian lao, ngành chăn nuôi năm 2021 vẫn đạt tăng trưởng 5,6%

     

    Người chăn nuôi “méo mặt”

     

    Có thể nói, năm 2021 là một năm vô cùng gian khó đối với ngành chăn nuôi, vì phải chịu sức ép ở cả đầu vào và đầu ra: giá thức ăn gia súc tăng phi mã, trong khi giá lợn hơi và giá gia cầm xuất chuồng “lao dốc”, đã tác động tiêu cực đến lĩnh vực chăn nuôi.

     

    Diễn biến giá lợn hơi xuất chuồng năm 2021 khiến người chăn nuôi “méo mặt”. Nếu như trong tháng 3 và 4/2021, giá lợn hơi xuất chuồng vào khoảng 70.000-75.000 đồng/kg thì đến tháng 7, 8 giảm còn 50.000-55.000 đồng/kg. Sang tháng 9/2021 giá tiếp tục giảm, có lúc xuống dưới 40.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá lợn hơi giảm mạnh được các chuyên gia phân tích, do giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng giảm, nên đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng khoảng 30% đã quá tuổi xuất bán. 

     

    Từ sau khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về tạm thời “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19”, nới lỏng giãn cách xã hội, thì giá lợn hơi xuất chuồng đã tăng. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 12/2021 khi Tết Nguyên đán đã cận kề thì giá lợn hơi xuất chuồng vẫn ở mức thấp 48.000-50.000 đồng/kg. Các chuyên gia ngành chăn nuôi nhận định, giá lợn hơi có nhiều khả năng sẽ còn giảm hoặc duy trì ở mức thấp trong quý đầu năm 2022 khi mà lo ngại về những biến chủng mới của Covid-19 sẽ khiến cho các biện pháp chống dịch được siết chặt. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ trực tiếp từ các nhà hàng và bếp ăn tập thể mà còn gây cản trở việc lưu thông.

     

    Đối với gia cầm, vào tháng 10/2021, do số lượng đầu con tăng khoảng 4,4% so với tháng 10/2020, trong khi nhu cầu thị trường giảm, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên lượng gia cầm tồn đọng trong chuồng cao. Đặc biệt tại các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, các doanh nghiệp chăn nuôi trong tháng 8 và 9 chỉ tiêu thụ được 5-10% số lượng gà công nghiệp lông trắng. Có thời điểm, số lượng gà công nghiệp quá tuổi xuất chuồng tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên ứ đọng trên 9,3 triệu con với khối lượng trên 3,8kg/con, trong khi bình thường gà xuất chuồng ở trọng lượng 1,8-2,5 kg. 

     

    Lý giải về tình trạng bi đát của ngành chăn nuôi trong quý 3 năm nay, ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nguyên nhân là do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới và Việt Nam khiến đứt gẫy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi. Khâu lưu thông bị gián đoạn, nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tình hình này làm cho người chăn nuôi lỗ rất nhiều, ứ đọng tiền vốn. Chỉ có các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn mới đủ sức trụ vững.

     

    Tuy nhiên, thực tế không chỉ nông dân thua lỗ, mà không ít doanh nghiệp chăn nuôi bài bản cũng phải “kêu trời”. Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam, cho biết giá bán heo thấp hơn giá thành khoảng 20.000 đồng/kg. Giá bán gà lông trắng, gà lông màu đều dưới giá thành khoảng 10.000 đồng/kg. Ngay cả trứng gà cũng rớt giá chỉ còn 1.250 đồng/quả, thấp hơn giá thành 600 đồng/quả. Những doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín như Emivest với hệ thống sản xuất cám, thuốc thú ý, giống gà, heo cũng đang rơi vào tình thế khó khăn. “Tính toán giá thành sản xuất nếu người nuôi phải mua con giống thì mỗi kg thịt lợn hơi xuất chuồng đã lên đến 60.000-65.000 đồng. Còn với các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt, thì giá thành vào khoảng 45.000-50.000 đồng/kg”, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc miền Trung thông tin.

     

    Giá thức ăn lập đỉnh

     

    Ông Nguyễn Văn Trọng, cho biết từ tháng 10/2020 đến nay, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng 5-6 đợt, với mức tăng trung bình quân trong trong vòng 1 năm lên đến 30-35%. Giá thức ăn tăng khiến giá thành sản xuất chăn nuôi tăng cao hơn so với mọi năm, cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào thua lỗ.

     

    Nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao là bởi hầu hết các loại nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên thị trường quốc tế biến động tăng rất mạnh trong năm vừa qua. Tại thị trường Chicago (Mỹ), 6 tháng đầu năm 2021, giá đậu tương tăng 65,64%; giá ngô tăng 71,6%; giá lúa mỳ tăng 24,41%… “Giá nguyên liệu tăng cao là do dịch Covid-19 tác động tới logistics toàn cầu, khiến cước vận chuyển nhiều loại hàng hóa tăng mạnh. Trong khi, Trung Quốc đột ngột mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản với số lượng kỷ lục dẫn đến giá tăng trên quy mô toàn cầu ở mức độ bất thường”, ông Trọng thông tin.  

     

    Tại Việt Nam, thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% trong cấu trúc chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, nguồn cung lại phụ thuộc chủ yếu vào việc nhập khẩu các mặt hàng ngô, lúa mì và đậu tương. Sự thiếu chủ động trong nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam làm gia tăng rủi ro và lệ thuộc vào giá nông sản thế giới, minh chứng rõ ràng nhất là giai đoạn nửa đầu năm nay khi giá ngô, lúa mì và đậu tương đều đồng loạt tăng mạnh.

     

    Tăng trưởng cao, nhưng nhập siêu vẫn rất lớn

     

    Theo Cục Chăn nuôi, tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2021 đạt khoảng 5,6%. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm nay ước đạt 440 triệu USD, tăng 4,0 % so với năm trước. Kim ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm chăn nuôi ước trên 3,4 tỷ USD, giảm 1,8% so với năm 2020. Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi chủ yếu là sữa (lên tới 1,5 tỷ USD, tăng 12%), sau đó đến thịt bò và bò sống, lợn và thịt gà. Như vậy, chỉ tính riêng về thương mại sản phẩm chăn nuôi, đã thâm hụt thương mại tới gần 3 tỷ USD.

     

    Ước tính tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi năm 2021 đạt 21,4 triệu tấn (tăng 5,9% so với năm 2020), trong đó thức ăn cho lợn đạt khoảng 10,88 triệu tấn (tăng 22%), thức ăn cho gia cầm đạt khoảng 9,75 triệu tấn (giảm 8,7%), thức ăn cho vật nuôi khác khoảng 0,76 triệu tấn (tăng 7,3%). Một điểm nhấn của ngành chăn nuôi năm nay là xuất khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đã lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD khi đạt 1,049 tỷ USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 34% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 75,6% so với năm 2020. Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Campuchia tăng 22,7%; chiếm 14,1% và đứng thứ 2 về kim ngạch. Xuất khẩu thức ăn gia súc tăng mạnh ở nhiều thị trường: sang Philippines tăng 165,3%, sang Thái Lan cũng tăng mạnh 78,2%. Tuy vậy, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi năm 2021 lên tới 4,9 tỷ USD, tăng 29% so với 2020. Điều này dẫn đến ngành thức ăn chăn nuôi nhập siêu tới hơn 3,8 tỷ USD.

     

    Giải pháp nào cho năm 2022?

     

    Năm 2022, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt từ 4% đến 5%; sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,44 triệu tấn, tăng khoảng 4,0%; sản lượng trứng đạt khoảng 16,7 tỷ quả và sản lượng sữa đạt khoảng 1,3 triệu tấn.

     

    Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, năm 2022, theo dự báo dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch Covid-19 trong năm 2021 tác động kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi.

     

    Nhằm ứng phó với đứt gãy chuỗi tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, Cục chăn nuôi khuyến cáo người chăn nuôi cần liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp để xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín, đồng thời đẩy mạnh khâu chế biến các sản phẩm từ thịt trước khi đưa ra thị trường. Đồng thời, phải đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

     

    Đề xuất giải pháp kiểm soát giá và thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước, ông  Dương Tất Thắng cho rằng các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi (khô dầu hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo…). Cần chủ động sản xuất các nguyên liệu thức ăn trong nước có thể sản xuất được như chế phẩm probioitic, enzim, thảo dược, các loại khoáng đa lượng (bột đá, MCP, DCP…), khoáng vi lượng (CuSO4, FeSO4…).

     

    Cục Chăn nuôi khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi cần áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong chăn nuôi về chuồng trại, thiết bị, con giống, quản trị trại thật tốt để tăng tối đa hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi (giảm thấp nhất FCR/đơn vị sản phẩm chăn nuôi). Bên cạnh đó, cần áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, chế biến nâng cao giá trị và bảo quản nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông, công nghiệp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như xương và mỡ cá tra, đầu và vỏ tôm…

     

    Trước tình trạng giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi tăng quá cao gây khó khăn cho ngành chăn nuôi, Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho rằng, bên cạnh các giải pháp về chính sách thuế, thương mại, đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước một cách căn cơ, bài bản. Theo đó, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, mà một trong các giải pháp đó là phát triển các loại cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học, trong đó có trồng ngô để tăng cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước.

                                                                   Chu Khôi

    Ông Phùng Đức Tiến (Thứ trưởng Bộ NN&PTNT):

     

    Cần phát triển chế biến để khai phá các thị trường xuất khẩu

     

    Việt Nam đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi qua chế biến khoảng 60%. Khẳng định xu thế chuỗi khép kín là không thể đảo ngược được và nếu không phát triển được chế biến thì rất khó khai phá các thị trường xuất khẩu. Muốn phát triển chăn nuôi bền vững, phải giải quyết bài toán môi trường, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, về khoa học công nghệ cần thể hiện được vai trò để tạo động lực xây dựng chuỗi khép kín.

     

    Để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ vay vốn để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do Covid-19 tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Sớm có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu TACN, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất. Bên cạnh đó, xem xét đưa mặt hàng TACN vào nhóm bình ổn giá để sản xuất chủ động đầu vào và có kế hoạch đầu ra, từ đó giúp người chăn nuôi hạn chế rủi ro, thuận lợi hơn trong việc tính toán lợi nhuận, đưa ra giải pháp áp giá trần đối với TACN. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập đối với lĩnh vưc chế biến TACN. Những doanh nghiệp hạ giá bán TACN sẽ được giảm hoặc miễn thuế. 

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.