Nuôi trâu cột, một vốn bốn lời - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 62.000 - 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Yên Bái 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lào Cai 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 60.000 - 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 61.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 63.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Ninh Thuận 62.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Khánh Hòa 60.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 61.000 - 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Cần Thơ 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi TP. Hồ Chí Minh 62.000 đ/kg
    •  
  • Nuôi trâu cột, một vốn bốn lời

    Vừa qua, anh Trần Vũ Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đã dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi trâu nhốt chuồng (người dân quen gọi là nuôi trâu cột) của ông Hoàng Ngọc Rạng ở thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ. Đây là mô hình chăn nuôi có nhiều điểm mới và đặc biệt là hiệu quả rất cao, hiện thời khó có mô hình chăn nuôi nào sánh được.

    Chăm sóc trâu ở khu chăn nuôi hộ gia đình ông Hoàng Ngọc Rạng ở Cam Hiếu, Cam Lộ – Ảnh: Đ.T

     

    Áp dụng “quy trình ngược” để có thu nhập cao hơn

     

    Khi tôi hỏi ở nông thôn bây giờ, nghề chăn nuôi có điểm chi mới, khác biệt so với trước mà có hiệu quả rõ rệt, một người bạn thạo nghề chăn nuôi nói với tôi: “Các nghề khác sao tôi không biết, chứ nghề chăn nuôi bây giờ, cứ làm ngược lại quy trình so với trước thì mới thu được lợi nhuận. Trước đây, những con vật hai chân như gà, vịt… thường nuôi nhốt chuồng hiệu quả thấp, nhỏ lẻ, manh mún, dịch bệnh bủa vây. Bây giờ thì mô hình gà thả vườn, vịt chạy đồng đang được nhân rộng bởi hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần. Trái lại, trước đây trâu, bò, dê… nói chung là loài bốn chân thường được thả rông theo kiểu nhờ trời, được chăng hay chớ, nay quay lại nuôi nhốt chuồng mới cho thu nhập cao. Ông làm báo, nghe các mô hình dê nhốt chuồng, bò nhốt chuồng đã nhiều, riêng mô hình nuôi trâu cột, hay còn gọi là nuôi trâu nhốt chuồng thì đã tận mắt thấy chưa?”.

     

    Khi nghe tôi đáp chưa thấy bao giờ, bạn tôi bảo nên liên hệ để anh Trần Vũ Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ đưa đi mục sở thị. Nghe tôi nhắn, tranh thủ ngày nghỉ, anh Minh nhiệt tình dẫn tôi đi thăm mô hình nuôi trâu nhốt chuồng có một không hai ở xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ.

     

    Đến tầm Km 9 Quốc lộ 9, xe chúng tôi ghé sát bên đường, dừng lại trước tòa nhà hai tầng khang trang liền kề với căn nhà cấp bốn vững chãi, nằm giữa vườn cây trái xanh tốt. Bước qua chiếc cổng bề thế, trước mặt là khoảng sân rộng lót gạch Bát Tràng màu nâu đỏ ánh lên trong nắng, tôi có cảm nhận chủ nhân là người cơ chỉ và khá giả. Theo con đường đổ bê tông rộng chừng 3 mét, dài gần 100 mét dẫn ra phía sau, băng qua mảnh vườn cây ăn quả đang độ xanh cây, bén rễ, hiện ra trước mắt chúng tôi là khu chuồng trại được xây dựng cao ráo, kiên cố.

     

    Khi chúng tôi bước lên tận khu chăn nuôi, đã thấy sự thiết kế chuồng trại rất hợp lý cho việc nuôi nhốt đàn trâu. Trâu được chia ra thành hai khu, buộc mũi hướng vào phía giữa, nơi đặt máng thức ăn và nước uống. Chuồng trại có hệ thống điện thắp sáng, nước uống cho trâu và vòi tưới để tắm mát trâu. Vào mùa hè, chuồng trại luôn thoáng rộng, mát mẻ và mùa đông có thêm tấm chắn để giữ ấm cho trâu. Toàn bộ chất thải của vật nuôi được dội xuống hồ nước phía sau để xử lý, tránh gây ô nhiễm môi trường. Khu liền kề là nơi chế biến thức ăn, cất trữ cỏ khô cho đàn trâu…

     

    Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ Trần Vũ Minh tỏ ra rất tâm đắc với mô hình nuôi trâu nhốt chuồng của ông Rạng. Anh Minh có một gợi ý vui là ông Rạng nên nghiên cứu để có thể tìm mua, vỗ béo thêm loại trâu có khả năng huấn luyện thành trâu chọi để khi xuất bán sẽ có giá trị cao hơn. “Từ mô hình của ông Rạng, nhằm nhân rộng phong trào chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, chúng tôi sẽ nghiên cứu để tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, từ cách thiết kế chuồng trại, chế độ dinh dưỡng, công tác vệ sinh, phòng bệnh… giúp nông dân yên tâm đầu tư chăn nuôi, phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa”, anh Trần Vũ Minh khẳng định.

     

    Ông Hoàng Ngọc Rạng, chủ nhân của khu chăn nuôi trâu nhốt có dáng thấp, nhỏ, thuộc típ người hiền lành và mẫn tiệp. Chờ để ông xoay vần tắm táp cho đàn trâu, đến quấy thức ăn lên men trộn từ cỏ tươi cho trâu ăn, xong xuôi đâu đó, tôi mới có dịp hỏi han câu chuyện làm ăn của người đàn ông năng động này. Ông Rạng kể, ông sinh năm 1960. Thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ nơi ông đang ở đây cũng chính là quê gốc. Năm 1981, ông vào bộ đội thuộc Ban Hậu cần Trung đoàn 8, Sư đoàn 339, chiến đấu trên chiến trường Campuchia, từ Bát tam bang đến Xiêm Riệp, một tỉnh Tây Bắc, bên bờ của hồ Tonlé Sap đẹp nổi tiếng. Đến năm 1985 ra quân, ông trở về quê hương lập gia đình và làm công nhân xưởng cưa xẻ gỗ. Do bị một tai nạn lao động khá nặng, ông được cho về theo chế độ 176, rồi chí thú làm ăn với đất ruộng cho đến bây giờ…

     

    Khi tôi hỏi: “Cơ duyên nào để ông theo đuổi nghề nuôi trâu nhốt khá độc đáo này”, ông Rạng trả lời mộc mạc: “Có cơ duyên chi mô. Về quê làm Chi hội trưởng nông dân, rồi công an viên, Tập đoàn trưởng Tập đoàn sản xuất Vĩnh An, Trưởng thôn Vĩnh An, làm anh cán bộ cơ sở đầu nghĩ, miệng nói, tay làm, chân chạy… miết rồi tập tành cho mình cái sự năng động, biết tìm cách gỡ khó mà vươn lên trong làm ăn, tạo dựng cuộc sống bằng sự hiểu biết và tinh thần dám nghĩ, dám làm, luôn tìm tòi cái mới, đam mê với cái mới. Tôi có thời gian trải nghiệm quý giá đó là nuôi bò nái sinh sản bằng cách thụ tinh nhân tạo theo một chương trình chăn nuôi của huyện. Quá trình làm quen với chăn nuôi bò cũng giúp tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi trâu sau này. Thực ra mô hình nuôi trâu nhốt chuồng không mới, nhiều nơi đã làm, chỉ trên địa bàn Quảng Trị là khá mới mẻ thôi…”.

     

    Theo lời ông Rạng kể, tôi có thể hình dung ra cách thức “lập nghiệp” từ mô hình nuôi trâu nhốt chuồng của ông Rạng như thế này: Thoạt đầu, ông lên internet, tìm hiểu trên sách báo, ti vi, gặp, trò chuyện với những người có kinh nghiệm, những đồng đội cũ để tìm hiểu về cách thức nuôi trâu nhốt chuồng. Sau khi tích lũy hòm hòm cách nuôi, ông tự thiết kế chuồng trại trên diện tích gần 600 m2 ; thuê 5 sào đất của người dân dưới chân hồ chứa nước Nghĩa Hy để trồng cỏ; đặt mua rơm cuộn bằng máy dưới vùng Triệu Phong, Hải Lăng đưa lên; tập cách chế biến thức ăn cho trâu từ cỏ tươi, chuối cây, bả bia ủ men vi sinh…

     

    Khi công tác chuẩn bị hoàn tất, ông đã ngược xuôi kết nối, tìm mua trâu có thể trạng gầy, kén ăn ở những vùng như Tà Rụt, Ba Lòng, Cùa… dắt về chăm sóc. Thời gian đầu ông mua về 13 con trâu tầm 3 năm tuổi, cân nặng một con khoảng 2 – 2,5 tạ. Nhờ tập trung công sức vỗ béo, chỉ sau thời gian từ 2 – 3 tháng, trâu đã tăng trọng khá nhanh, da lông bóng mượt, thịt săn chắc, trâu linh hoạt, khỏe mạnh, thương lái đến tận nơi chọn mua và rất hài lòng với chất lượng đàn trâu của ông. Sau đó cứ mua đi, bán lại xoay vòng, đến nay trong chuồng nhà ông có 24 con. Sau thời gian vỗ béo chừng 2 – 3 tháng, ông xuất bán vài ba con, bình quân một con khoảng từ 38 triệu đến trên 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi một con khoảng 5 triệu đồng.

     

    Nhân rộng để liên kết

     

    Không giống với chủ nhân một số mô hình sản xuất, chăn nuôi mới, hoặc chúng tôi khó tiếp cận, hoặc khi tiếp cận được rồi thì thường không cởi mở, quan ngại qua chuyện trò, việc làm ăn của mình có nhiều người biết, cơ hồ một số kinh nghiệm được chia sẻ, gây bất lợi này khác, ông Hoàng Ngọc Rạng lại là người gần gũi, chân tình bộc bạch những “bí kíp” về nghề nuôi trâu nhốt chuồng cho chúng tôi và những ai quan tâm. Ngay cả cách thức chế biến thức ăn cho trâu với tỉ lệ cỏ voi bao nhiêu; rơm, chuối cây trộn ủ men vi sinh thế nào; mỗi ngày cho một con trâu ăn thức ăn tổng hợp ra sao; thời điểm nào thì cho trâu ăn hợp lý nhất… ông cũng chia sẻ với chúng tôi một cách tường tận.

     

    Ông lưu ý rằng, những con trâu gầy ốm được mua về phải tiêm phòng các loại vaccine phòng bệnh, tẩy giun sán ngay và cho ăn theo chế độ riêng. Trâu đưa vào nuôi vỗ béo đều là trâu đực, khi mới mua về phải nuôi riêng biệt ở một chuồng khác để theo dõi sức khỏe, dịch bệnh trong vòng 7 – 10 ngày. Không nên mua trâu cái về nuôi vì sẽ gặp phức tạp trong chăm nuôi nếu trâu sinh sản. Trâu cái lúc đó thường hung hăng, lồng phá chuồng trại để ra ngoài, rất khó chăm quản.

     

    Trong thời điểm bây giờ, người chăn nuôi phải đặc biệt quan tâm đến việc phòng trừ dịch bệnh. Công tác thú y, chăm sóc sức khỏe cho vật nuôi được ông tiến hành sát sao. Ở ông toát lên tư chất của một người làm chủ nghề của mình với phong thái rất đĩnh đạc. Do vậy, khi chúng tôi ướm hỏi về định hướng phát triển nghề nuôi trâu nhốt chuồng trong thời gian tới, ông bộc bạch rằng mong muốn nghề này được nhân rộng trên địa bàn để ngày càng có thêm nhiều con trâu chất lượng xuất bán ra thị trường. Người trong làng, trong xã sống được với nghề chăn nuôi, đời sống khấm khá lên cũng là một cách đóng góp xây dựng quê hương thiết thực, chung tay cùng cả xã hội xây dựng nông thôn mới.

     

    Ông Rạng cho biết, trâu của ông thường xuất bán ra các tỉnh phía Bắc dùng để xẻ thịt, cày kéo nhưng một lần số lượng chưa nhiều. Nếu có thêm vài cơ sở nuôi trâu nhốt nữa thì sẽ có sự liên kết với nhau, tập hợp đủ số lượng, xuất bán một lần, tiết kiệm được chi phí, lợi nhuận sẽ cao hơn. Các cơ sở chăn nuôi này cũng chia sẻ kinh nghiệm với nhau để chăm sóc trâu hiệu quả hơn.

     

    Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ Trần Vũ Minh cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao mô hình nuôi trâu vỗ béo của ông Hoàng Ngọc Rạng. Đây là mô hình tiêu biểu trong hội viên nông dân của huyện, với cách nuôi sáng tạo đã mở ra hướng đi mới trong quá trình phát triển chăn nuôi đại gia súc ở địa phương. Về phần mình, Hội Nông dân huyện sẽ đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn để hỗ trợ ông Rạng mở rộng quy mô, xây dựng mô hình điểm nhằm nhân rộng trên địa bàn”…

     

    Đan Tâm

    Nguồn tin: Báo Quảng Trị

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.