Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND thành phố Hà Nội, việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố đã thu được những kết quả khả quan.
Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn khoảng 1.127 hộ, hơn 76.874 con gia súc, gia cầm chăn nuôi ở khu vực không được phép, gây ô nhiễm môi trường và khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh…
Huyện Hoài Đức sẽ di dời các hộ chăn nuôi ra khỏi khu dân cư trong thời gian tới. Ảnh: Hương Giang
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND thành phố Hà Nội về ban hành Quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố quy định rõ khu vực không được phép chăn nuôi.
Đó là các phường của các quận; 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây (Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền, Lê lợi); các thị trấn của 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức); các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thành phố hỗ trợ một lần cho việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi từ ngày 1-1-2021 đến 31-12-2023.
Sau hơn 3 năm triển khai, việc di dời đã đạt được một số kết quả khả quan, từng bước giảm về số hộ chăn nuôi và số lượng gia súc gia cầm tại các khu vực không được phép. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng thông tin, nhờ triển khai Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND, chăn nuôi gia cầm đã giảm được hơn 65% số hộ và hơn 63,4% số con; chăn nuôi lợn giảm hơn 32% số hộ và hơn 36% số con; chăn nuôi trâu bò, dê giảm gần 30% số hộ và hơn 21% so với năm 2020. Các thị trấn giảm gần 100% về lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm là: Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm); Đông Anh (huyện Đông Anh); Phùng (huyện Đan Phượng).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác di dời các hộ chăn nuôi ra khỏi khu dân cư vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc và bất cập. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn ở phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, vì gia đình ông có nghề làm đậu phụ nên tận dụng bã đậu sau sản xuất để chăn nuôi lợn. “Mặc dù các ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động, nhưng không chăn nuôi, tôi không biết làm nghề gì để mưu sinh; cũng không còn trẻ để chuyển đổi nghề khác”, ông Tuấn bộc bạch.
Đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Hoàng Mai Ngô Văn Nguyên cho biết, trên địa bàn quận vẫn còn 156 con trâu, bò; 548 con lợn; 200 con gia cầm nuôi trái với quy định. Nguyên nhân là do gắn liền với lợi ích kinh tế của người dân. Việc kiểm tra, xử lý của địa phương mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản nhắc nhở, chưa xử phạt hành chính trường hợp nào.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, quy định di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư ở các địa phương trên địa bàn cả nước, trong đó có thành phố Hà Nội, vẫn còn khó khăn là do việc bố trí quỹ đất và các thủ tục liên quan sau di dời.
Chính vì vậy, đến nay, trên địa bàn các phường, thị trấn của Hà Nội không được phép chăn nuôi vẫn còn hơn 1.127 hộ chăn nuôi, với hơn 76.874 con gia súc, gia cầm, tập trung chủ yếu ở các quận: Bắc Từ Liêm, Hà Đông…
Tuyên truyền và xử lý vi phạm
Để di dời hết các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố trước ngày 31-12-2023 theo đúng Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND, ông Nguyễn Đình Hùng ở phường Phú Lương (quận Hà Đông) cho rằng, các ngành chức năng cần tham mưu cho thành phố hỗ trợ cho người chăn nuôi học nghề sát với thực tế và hỗ trợ lao động chuyển đổi nghề được vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thường Sơn cho biết, quận đang xây dựng dự toán chi phí cho việc di dời cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mặt khác, nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề nghiệp; tìm ngành nghề hoặc việc làm phù hợp để tổ chức đào tạo nghề cho các hộ sau khi không còn chăn nuôi.
Còn Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đàm Tiến Thắng thông tin, quận tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân tự giác thực hiện; đồng thời, chỉ đạo các phường quản lý chăn nuôi theo quy định. Cùng với đó, quận thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình nuôi gia súc, gia cầm trong khu vực không được phép.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường khẳng định, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện có khu vực không được phép chăn nuôi tiến hành rà soát số hộ và tổng đàn gia súc, gia cầm. Cùng với đó, Sở thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm các hộ chăn nuôi không bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.
Nguồn: Báo Hà Nội Mới
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng:Cần thêm cơ chế
Trong sản xuất nông nghiệp của huyện, kinh tế chăn nuôi chiếm 50%. Tính đến tháng 9-2023, toàn huyện có 6.553 con trâu, bò; 29.358 con lợn; 300.864 con gia cầm… Thực hiện Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND thành phố về “Ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội”, huyện đã và đang triển khai các phương án chuyển cơ sở chăn nuôi ra ngoài khu dân cư đến các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Cụ thể, huyện xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư tại: Khu Đầm Tiên, thôn Cổ Giang, xã Lệ Chi, với diện tích 92.324,6m2; xứ đồng Vèn Láng, thôn Phù Đổng 3, xã Phù Đổng, có diện tích 22.265m2; khu Lầy Rêm, thôn Linh Quy Đông, xã Kim Sơn, tổng diện tích 48.821m2…
Ngoài ra, huyện cũng đề nghị UBND thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, có cơ chế đặc thù để huyện có căn cứ phê duyệt phương án chăn nuôi xa khu dân cư tại các xã có phần diện tích ngoài bãi sông.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận:Giảm thiểu chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường
Chăn nuôi ở Hoài Đức chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, phân tán không đồng đều. Cùng với tập trung hướng dẫn, tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về lĩnh vực chăn nuôi, thú y cho các hộ dân, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, hướng dẫn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học…
Là một trong 5 huyện đang phấn đấu trở thành quận trong giai đoạn 2020-2025, không nằm trong quy hoạch phát triển chăn nuôi của thành phố, do vậy huyện Hoài Đức đang điều chỉnh giảm dần số đàn gia súc, gia cầm hiện có.
Đặc biệt, tại thị trấn Trạm Trôi (thuộc đối tượng áp dụng thực hiện theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố), UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và thị trấn tăng cường tuyên truyền để nhân dân, các hộ chăn nuôi biết, xây dựng kế hoạch chuyển đổi nghề phù hợp với điều kiện, khả năng. Đến nay, thị trấn Trạm Trôi chỉ còn 4 hộ chăn nuôi, với 70 con lợn thương phẩm.
Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phan Thị Thu Hiền:Nhiều phường không còn chăn nuôi gia súc, gia cầm
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND thành phố, thị xã có 4 phường: Lê Lợi, Quang Trung, Ngô Quyền, Sơn Lộc không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm. Do đó, các phường đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chấm dứt và không phát sinh thêm hoạt động chăn nuôi. Đến nay, cả 4 phường đều không còn hộ chăn nuôi, góp phần tích cực giúp môi trường khu dân cư trở nên xanh, sạch hơn, không bị ô nhiễm bởi chất thải chăn nuôi.
Việc không còn chăn nuôi ở 4 phường và giảm dần mật độ chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các xã, phường khác trên địa bàn thị xã đã giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu dân cư. Do đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền để giảm dần và hướng tới không còn hộ chăn nuôi trong khu dân cư ở các phường, thị xã đẩy mạnh xây dựng khu chăn nuôi xa khu dân cư trên địa bàn 5 xã: Xuân Sơn, Thanh Mỹ, Kim Sơn, Sơn Đông, Cổ Đông; phấn đấu thực hiện lộ trình giảm mật độ chăn nuôi theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố.
Ánh Dương ghi
- di dời các cơ sở chăn nuôi li> ul>
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Nhập khẩu đậu tương 11 tháng năm 2024 tăng khối lượng, giảm trị giá
Tin mới nhất
T2,23/12/2024
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
- Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất