Vắc xin Dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE: Hành trình gian nan đi tới thành công - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 62.000 - 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Yên Bái 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lào Cai 62.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 60.000 - 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 61.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 63.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Ninh Thuận 62.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Khánh Hòa 60.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 61.000 - 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 63.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Cần Thơ 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi TP. Hồ Chí Minh 62.000 đ/kg
    •  
  • Vắc xin Dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE: Hành trình gian nan đi tới thành công

    [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Ngày 19/10/2023, vắc xin Dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE đã chính thức được phép xuất khẩu đến 5 quốc gia là Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar. Đằng sau sự thành công đó là hành trình gian nan từ sản xuất, thử nghiệm, kiểm nghiệm, khảo nghiệm tiêu tốn nhiều thời gian, nguồn nhân lực và tài chính của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam với sự đồng hành của Cục Thú y.

     

    Gian nan con đường tìm chủng vi rút và tế bào tương thích để sản xuất vắc xin

     

    Bệnh Dịch tả lợn châu Phi (ASF) lần đầu tiên xuất hiện tại châu Phi vào năm 1921, sau đó nhanh chóng lan rộng và gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi lợn toàn cầu và Việt Nam. ASF trở thành mối nguy lớn nhất đối với người chăn nuôi lợn ở nhiều quốc gia. Việc phát triển vắc xin ASF là tối quan trọng và được toàn thế giới quan tâm.

     

    Tháng 11/2019, các nhà khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố đã thành công trong việc tạo ra các chủng vi rút ASF nhược độc bằng công nghệ cắt bỏ các gen độc lực. Ngay sau công bố của các nhà khoa học Hoa Kỳ, Cục Thú y Việt Nam đã cử người sang Hoa Kỳ gặp trực tiếp các chuyên gia để họp bàn phối hợp nghiên cứu, sản xuất vắc xin ASF.

    Sản xuất vắc xin AVAC ASF LIVE tại Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam (Ảnh Lê Việt Hùng/cafeF)/

     

    Tháng 7/2020, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y cùng doanh nghiệp có tiềm năng, nguồn lực, kinh nghiệm phối hợp với các nhà khoa học của Bộ NN&PTNT tiếp cận chủng vi rút, công nghệ và phối hợp nghiên cứu sản xuất vắc xin ASF.

     

    Cuối năm 2020, Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam (AVAC) đã khởi động dự án phát triển và sản xuất vắc xin ASF sử dụng chủng vi rút nhược độc ASF-G-delta MGF cắt bỏ 6 gen độc lực.

     

    Tại hội thảo khoa học “Vắc xin AVAC ASF LIVE: Giải pháp hiệu quả phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi”, tổ chức ngày 20/10/2023 tại tỉnh Quảng Ninh, TS. Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, muốn sản xuất vắc xin ASF cần 3 yếu tố: (1) Chủng vi rút đảm bảo yêu cầu; (2) Môi trường tế bào nuôi cấy phù hợp; (3) Quy trình nghiên cứu, sản xuất, đánh giá, kiểm nghiệm, thử nghiệm.

     

    Cũng theo TS. Nguyễn Văn Long, sau nhiều lần làm việc, Hoa Kỳ đã chấp nhận chuyển giao chủng vi rút nhược độc cho Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn và chức năng của Việt Nam cần đánh giá thêm các tiêu chí để đảm bảo sản xuất vắc xin.

     

    Theo TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc AVAC, tháng 01/2021, AVAC đã nhận được Giấy phép từ Cục Thú y cho phép nhập chủng vi rút ASF nhược độc ASF-G-delta MGF đã xóa bỏ 6 gen liên quan đến độc lực của vi rút. AVAC xác định nghiên cứu vắc xin ASF ở dạng vắc xin sống nhược độc, vì tỷ lệ bảo hộ cao.

    Đội ngũ nghiên cứu vắc xin AVAC ASF LIVE tại AVAC (Ảnh: AVAC)

     

    Nhưng khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu và phát triển vắc xin sống nhược độc đó là dòng tế bào thích ứng cho sự nhân lên của vi rút vắc xin. Nếu không có những dòng tế bào tương thích thì không sản xuất được vắc xin trên quy mô lớn. Cho đến nay, các nhà khoa học Hoa Kỳ vẫn dùng tế bào đại thực bào sơ cấp từ lợn. Nhưng dòng tế bào này có 3 hạn chế: (1) Tạp nhiễm sinh vật ngoại lai, có thể lây nhiễm mầm bệnh vi sinh vật; (2) Không ổn định quần thể tế bào ở nhiệt độ âm sâu; (3) Tính nhạy cảm với chủng vi rút không cao.

     

    VÌ SAO AVAC THÀNH CÔNG?

     

    Theo TS. Nguyễn Văn Điệp, AVAC thành công là do hội tụ được các yếu tố cần thiết (1) Có chủng vi rút nhược độc đảm bảo vắc xin an toàn; (2) Có môi trường tế bào phù hợp để vi rút vắc xin tăng sinh khối ổn định; (3) Có đủ các dữ liệu nghiên cứu thực hiện trong điều kiện môi trường chăn nuôi thực tế. Việc đánh giá sinh trưởng của lợn, tương tác vắc xin ở các quy mô khác nhau rất khó và không khả thi ở các nước phát triển. Ở Việt Nam có thuận lợi hơn vì có thể thực hiện thử nghiệm trên nhiều quy mô chăn nuôi khác nhau, với các điều kiện khác nhau.

     

    TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc AVAC “kỹ sư trưởng” của Dự án vắc xin AVAC ASF LIVE (Ảnh: Lê Việt Hùng/cafeF)

     

    Vì vậy, với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, học tập ở Nhật chuyên sâu về các loại vắc xin trên lợn, TS. Nguyễn Văn Điệp và cộng sự đã chọn lọc dòng tế bào từ đại thực bào của phổi và tủy xương ở phôi thai lợn, để phát triển dòng tế bào thích hợp, đảm bảo cho vi rút ASF nhân lên tối ưu (thời gian nhân lên gấp đôi chỉ mất ¼ ngày), duy trì đặc tính kháng nguyên, ổn định về di truyền. Dòng tế bào này được đặt tên là tế bào DMAC, đã được cấp bảo hộ độc quyền sáng chế tại Việt Nam và trên thế giới. “Đây là điểm mấu chốt giúp AVAC phát triển và sản xuất thành công vắc xin AVAC ASF LIVE”, TS. Nguyễn Văn Điệp khẳng định.

     

    Trải qua hơn 2 năm nghiên cứu, sản xuất, đánh giá, kiểm nghiệm, thử nghiệm trên các quy mô khác nhau, đến nay AVAC đã tạo ra vắc xin Dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE tích hợp các đặc tính đã được tối ưu để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả cao khi sử dụng.

     

    Vắc xin được đăng ký và khuyến cáo sử dụng cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên, chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất, kháng thể bắt đầu xuất hiện sau 10 ngày tiêm vắc xin và độ dài miễn dịch kéo dài trên 5 tháng, bảo hộ cả vòng đời cho lợn thịt.

     

    Sau 28 ngày tiêm 01 mũi vắc xin, trung bình trên 90% lợn được bảo hộ khi cường độc bằng chủng vi rút độc lực cao genotype II phân lập tại thực địa. Ngoài ra, sau khi tiêm vắc xin, không phát hiện thấy vi rút vắc xin bài thải qua dịch tiết và chất thải như phân, nước tiểu, dịch mũi, miệng. Không hoặc hiếm khi phát hiện thấy vi rút vắc xin trong máu, thịt và nội tạng ở thời điểm xuất bán.

     

    Thí nghiệm cấy chuyển liên tục nhiều đời trên lợn đã không phát hiện vi rút vắc xin tái độc lực sau 5 đời, cho thấy vi rút vắc xin thỏa mãn các tiêu chí không có nguy cơ tái độc lực. Vi rút vắc xin ổn định về di truyền khi cấy chuyển liên tiếp trong tế bào DMAC. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vắc xin ASF không ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của lợn; không làm suy giảm đáp ứng miễn dịch của lợn đối với các vắc xin khác như vắc xin dịch tả lợn cổ điển, vắc xin PRRS, vắc xin Lở mồm long móng.

     

    Theo TS. Nguyễn Văn Điệp, cho đến nay, vắc xin AVAC ASF LIVE giải quyết được 3 mục đích: Kiểm soát bệnh về mặt lâm sàng; giảm lây lan dịch bệnh và giúp giảm thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, vắc xin không phải là “áo giáp hoàn hảo”, mà cần thực hiện đồng bộ với thực hiện tốt an toàn sinh học, kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật và tập huấn đào tạo… AVAC sẽ liên tục nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện để cho ra sản phẩm tốt hơn nữa.

     

    Quá trình kiểm nghiệm nghiêm ngặt, cẩn thận, tỉ mẩn và đầu tư nhiều công sức, thời gian, tài chính

     

    Theo ông Nguyễn Văn Long, vắc xin của AVAC được sản xuất và kiểm nghiệm trong bối cảnh hết sức khó khăn của ngành thú y khi bùng nổ ASF vào tháng 2/2019, bệnh Viêm da nổi cục năm 2020 và năm 2021 là dịch bệnh Covid-19 trên người.

     

    Ông Long khẳng định: “Chúng tôi đã kiểm nghiệm hàng trăm loại vắc xin nhưng chưa có loại nào kiểm nghiệm, khảo nghiệm mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, lực lượng như vậy. Vắc xin AVAC ASF LIVE được kiểm nghiệm rất nghiêm ngặt và thận trọng”.

     

    Việc đánh giá vắc xin dựa trên 3 cấp độ:

     

    1. Trong phòng thí nghiệm (AVAC và Cục Thú y độc lập tiến hành thường xuyên, liên tục).

     

    1. Khảo nghiệm tại trại chăn nuôi ở thực tế có quy mô từ 300 – 20.000 con, với điều kiện chăn nuôi khác nhau, an toàn sinh học khác nhau.

     

    1. Khảo nghiệm 600.000 liều vắc xin để đánh giá trên quy mô toàn quốc, được giám sát chặt chẽ bởi Cục Thú y và Chi cục Thú y, chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố.

     

    Đã có hàng chục hội đồng khoa học cấp cơ sở được lập ra để thường xuyên, liên tục phản biện về hiệu quả, các quy trình nghiên cứu, khảo nghiệm, kiểm nghiệm vắc xin. Sau đó, ở hội đồng cấp Bộ, Bộ NN&PTNT đã mời các cơ quan, ban ngành liên quan đánh giá toàn diện quá trình từ sản xuất đến kiểm nghiệm đã chặt chẽ chưa, đảm bảo thực tiễn chưa, rồi cuối cùng mới được cấp phép lưu hành.

     

    “Chúng tôi còn yêu cầu các tổ chức quốc tế đánh giá, phản biện; yêu cầu Công ty AVAC đăng bài báo khoa học công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí trong nước, quốc tế có sự phản biện chặt chẽ, nghiêm ngặt và minh bạch”, ông Long cho biết.

     

    Ông Long cũng cho biết thêm, Cục Thú y thường xuyên trao đổi với nhà khoa học Hoa Kỳ trong mỗi công đoạn bằng văn bản, xác nhận qua email. Trước khi cấp phép lưu hành, đã yêu cầu phía Hoa kỳ trả lời bằng văn bản, khẳng định rằng nghiên cứu đó phù hợp với kết quả nghiên cứu của Hoa Kỳ; cũng như phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt thống nhất và không còn quan ngại về chất lượng của vắc xin này.

     

    Ông Long cũng cảm ơn sự giúp đỡ của phía Phillipines đã tạo điều kiện để thử nghiệm tiêm phòng vắc xin AVAC ASF LIVE, qua đó khẳng định hiệu quả của vắc xin này, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho hai bên.

     

    “Vắc xin ASF không chỉ giúp cho AVAC, cho ngành thú y Việt Nam, mà giúp cho ngành chăn nuôi lợn toàn thế giới, mang lại hạnh phúc, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm”, ông Nguyễn Văn Long chia sẻ thêm.

     

    Hà Ngân

    ÔNG NGUYỄN VĂN LONG, CỤC TRƯỞNG CỤC THÚ Y: Đã làm chặt chẽ, đầy đủ theo đúng quy trình chuẩn nhất thế giới

     

    Với tư cách người đứng đầu ngành Thú y Việt Nam, chúng tôi khẳng định: quá trình thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm nghiệm vắc xin làm chặt chẽ, đầy đủ, theo những quy trình chuẩn nhất thế giới, đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Còn những gì phát sinh, yêu cầu cao hơn thì chúng ta sẽ chờ các nhà khoa học thế giới và Tổ chức Thú y Thế giới phản hồi để hoàn thiện. Việt Nam cam kết với Tổ chức Thú y Thế giới sẽ chia sẻ quy trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin.

     

    ÔNG HOÀNG MINH ĐẠT, CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ CHĂN NUÔI TỈNH CAO BẰNG: Đề nghị AVAC cung cấp 20.000 liều vắc xin AVAC ASF LIVE

     

    Là địa phương chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn. ASF khiến cho tỉnh mất đi ¼ đàn lợn. Sau thời gian tiêm thử nghiệm vắc xin AVAC ASF LIVE có hiệu quả, lợn phát triển bình thường, Chi cục đã đề nghị phía công ty cung cấp 20.000 liều vắc xin vào cuối tháng 10/2023 để tiến hành tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi.

     

    ÔNG NGUYỄN NAM HÙNG, CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y TỈNH LẠNG SƠN: Hạ giá thành vắc xin để giảm chi phí cho người chăn nuôi

     

    Lạng Sơn đã tổ chức tiêm vắc xin AVAC ASF LIVE tại 2 huyện Bắc Sơn và Nam Quan, với tổng số 139 liều. Sau tiêm 1 tháng, 100% lợn có kháng thể dương tính và khỏe mạnh bình thường. Tôi đề xuất AVAC hạ giá thành sản phẩm để phần nào giảm chi phí cho người chăn nuôi; cùng với đó, nghiên cứu mở rộng đối tượng tiêm vắc xin cho lợn nái, lợn giống; đề xuất Cục Thú y có văn bản chỉ đạo để Chi cục tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin cho đàn lợn trong tỉnh.

     

    ÔNG PHẠM THÀNH NHƯƠNG, CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y TỈNH THÁI BÌNH: Sẽ tiếp tục tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn trong tỉnh

     

    Trong các ngày từ 17/8 đến 12/9/2023, Chi cục đã phối hợp cùng với Công ty AVAC tiến hành tiêm cho đàn lợn của 16 nông hộ thuộc 6 xã của 3 huyện: Vũ Thư, Tiền Hải và Thái Thụy. Căn cứ kết quả tiêm phòng, giám sát thực tế trên địa bàn tỉnh. Theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty AVAC và các địa phương tiếp nhận đăng ký vắc xin và triển khai tiêm phòng cho đàn lợn thịt trong tỉnh.

     

    ÔNG CHU ĐỨC TOÀN, CHỦ ĐẠI LÝ THUỐC THÚ Y CHU TOÀN (VĨNH PHÚC): Đã bán ra 1.000 liều vắc xin AVAC ASF LIVE

     

    Cách đây 2 tháng đã tiêm 44 liều vắc xin AVAC ASF LIVE cho 2 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn. Đàn lợn khỏe mạnh và đã xuất bán, trong khi đó, các hộ xung quanh không tiêm đã bị nhiễm ASF. Vì vậy, trong 2 tháng vừa rồi, đại lý đã bán ra 1.000 liều vắc xin cho bà con và vẫn tiếp tục theo dõi lợn tiêm vắc xin.

     

    ÔNG LÊ VIẾT THỂ, HỘ CHĂN NUÔI TẠI HÀ NỘI: Bí quyết giúp đàn lợn khỏe mạnh sau tiêm vắc xin

     

    Tôi đã bắt đầu tiêm vắc xin AVAC ASF LIVE từ tháng 8/2022 cho gia đình mình và chia sẻ vắc xin cũng như kinh nghiệm cho 40 – 50 hộ xung quanh, với tổng số hơn 3.000 liều. Tôi tiêm cho cả lợn nái, lợn thịt và lợn con. Đến nay, các đàn lợn đều được bảo hộ; có lợn nái đã đẻ được 4 lứa, con sinh ra khỏe mạnh, phát triển tốt. Bí quyết giúp đàn lợn vẫn mạnh khỏe sau khi tiêm vắc xin AVAC ASF LIVE, thứ nhất, phải xét nghiệm trước khi tiêm con nào có mầm bệnh thì tuyệt đối không tiêm. Thứ hai, phải tiêm đúng liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất, đúng kỹ thuật, sau khi tiêm xong phải cho lợn uống chất điện giải để chống sốt trong vòng 15 ngày. Nhờ làm cách này, sau khi tiêm, đàn lợn nhà tôi cơ bản thích ứng tốt, chỉ có một vài con bị sốt.

     

    ÔNG TAN YI LING, GIÁM ĐỐC CÔNG TY YENHER (MALAYSIA): Đẩy nhanh quá trình lưu hành vắc xin

     

    Tại Malaysia tình hình ASF cũng diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi lợn. Yenher cũng chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp tiềm năng về sản xuất vắc xin ASF. Qua nhiều nguồn thông tin tin cậy, Yenher đã biết đến vắc xin AVAC ASF LIVE của AVAC. Phía Yenher đã nhiều lần làm việc với AVAC và ký kết thỏa thuận vào ngày 6/11/2023. Hiện, phía Yenher cơ bản hoàn thiện các hồ sơ với Chính phủ Malaysia để lưu hành vắc xin AVAC ASF LIVE. Việc đăng ký lưu hành một loại vắc xin cần 3 – 4 năm, nên Yenher cũng đang thúc đẩy quá trình đăng ký để lưu hành vắc xin khẩn cấp. Hy vọng, vắc xin AVAC ASF LIVE sẽ giúp đảm bảo an toàn thực phẩm, chuỗi giá trị chăn nuôi và hệ thống các ngành kinh tế tại Malaysia.

     

    Hà Ngân ghi

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.