[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Mấy hôm rồi truyền thông rộ lên chuyện thiếu thịt lợn, mà cái Tết con Chuột lại sắp đến. Năm nay hai cái Tết đến rất gần nhau, khoảng cách giữa Tết tây và Tết cổ truyền chỉ không đầy một tháng lại càng làm gia tăng nhu cầu thịt lợn – loại thịt chính trong bữa ăn của dân ta.
Nói đến Tết cổ truyền, ai cũng nhớ đến câu: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ – Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.
Thật ra đã có rất nhiều thay đổi trong số sáu cái không thiếu được cho ngày Tết: cây nêu, tràng pháo không còn nữa, câu đối đỏ cũng ít dần. Có lẽ cái thay đổi đáng kể và đáng mừng nhất là sự biến mất của tràng pháo – cái thói quen tưởng đâu không thể bỏ được, mà dân ta đã quyết không cho nó tồn tại để giữ được môi trường an toàn, trong lành. Nhìn sang nước láng giềng, với 1,4 tỉ người mà vẫn không bỏ được thói quen này, thì đủ biết cái lớn lao mà nước ta đã làm được. Có hai thứ là thịt mỡ, bánh chưng thì liên quan rất nhiều đến con lợn, đặc biệt là bánh chưng. Thiếu gì thì thiếu, chứ bánh chưng, bánh tét là không thể thiếu trong dịp Tết, mà nói đến bánh chưng thì phải có thịt lợn, xưa nay chưa thấy ai làm bánh chưng với thịt gà hay thịt bò. Nhiều nhà hiện nay không thích ăn loại bánh nếp này, nhưng chí ít trên bàn thờ cúng tổ tiên ngày tết thế nào cũng phải có cặp bánh chưng.
Nhiều bộ, ban ngành, nhất là Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đang đau đầu với chuyện thiếu hụt thịt lợn trên thị trường dịp Tết năm nay. Cách đây mấy tháng người ta đã khuyến khích tái đàn lợn nhưng cái bệnh quái ác “dịch tả lợn Châu Phi” vừa mới hoành hành nên người nuôi vừa làm vừa lo và bây giờ thì biết là không kịp. Gần đây người ta nói đến chuyện nhập khẩu thịt lợn đông lạnh từ bên ngoài, với sự phát triển của hệ thống siêu thị toàn cầu, chẳng nói thì các doanh nghiệp lớn cũng sẽ tăng nhập khẩu lúc có cơ hội sinh lời không dễ gặp này.
Nhân chuyện thiếu hụt thịt lợn cung cấp trên thị trường, ta nhớ không lâu, trước thiệt hại của dịch bệnh, Bộ NN&PTNT đã khuyến nghị người nuôi giảm bớt việc nuôi lợn mà tăng dần trâu bò và gia cầm trong cơ cấu chăn nuôi. Có lẽ đây là lúc ta có thể đẩy mạnh xu thế mà rất nhiều nước trên thế giới đã làm. Theo thống kê, năm 2018 ở nước ta bình quân đầu người tiêu thụ 56,4kg thịt hơi trong đó 71% là thịt heo. Nếu so với các nước trên thế giới thì tiêu thụ thịt trên đầu người của nước ta chưa phải là cao (Mỹ, Úc 100kg/năm/người, Tây Âu 80 – 90kg, Trung Quốc 60kg…), thế nhưng cũng đã xuất hiện nhiều hiện đáng lo, điển hình như trẻ em thừa cân béo phì, mà dễ thấy nhất là ở các thành phố lớn như ở TP Hồ Chí Minh là 50%, Hà Nội 41% (kết quả điều tra năm 2014-2015). Tình hình này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe (di chuyển nặng nề, khó khăn, khó thở, tăng nguy cơ mắc các bệnh cao huyết, gan nhiễm mỡ…) mà còn ảnh hưởng đến tâm lý trẻ dễ bị tự ty, chán chường, kéo dài thì có khi dẫn đến trầm cảm.
Tại sao khi chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, người ta nghĩ nhiều đến việc thu hẹp chăn nuôi lợn, có lẽ ngoài chuyện sức khỏe (dư thừa năng lượng) thì chuyện môi trường là đáng lo ngại nhất. Không có nhiều nước mà trong cơ cấu bữa ăn thịt lợn lại chiếm nhiều như nước ta. Trong chăn nuôi, con lợn là một động vật cho sản phẩm nhiều mỡ, tiêu tốn khá nhiều năng lượng cho một đơn vị sản phẩm làm ra so với các loại gia súc gia cầm khác. Ngoài ra, chất thải của nó xả ra môi trường hàng ngày rất lớn, mùi xú uế nồng nặc, không chỉ làm tổn hại sức khỏe con người, gia súc mà còn tạo áp lực lên cuộc sống xã hội.
Trong nông nghiệp từ xa xưa, con lợn thường gắn với cây lúa. Lúa cho cám, cho các phụ phẩm để nuôi lợn, ngược lại lợn cho phân để bón lúa. Vòng năng lượng khép kín tuyệt vời của nông nghiệp dựa trên hộ gia đình đã bị phá vỡ với chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn. Trong chăn nuôi hiện đại, với thức ăn công nghiệp, năng suất vật nuôi cao hơn, nuôi nhanh hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn, có khi không cần dựa vào đất nhưng hậu quả ô nhiễm môi trường lại nẩy sinh gay gắt. Lượng phân bón, chất thải thường rất khó xử lý, một gia đình nuôi là cả một khu vực dân cư chịu ảnh hưởng. Nước thải không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước, đất đai mà cả không khí, gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng. Đáng tiếc ở một số nơi sự ô nhiễm đã dẫn đến xung đột xã hội. Thật ra không phải là không có cách xử lý, nhưng với chăn nuôi tập trung, việc xử lý là rất tốn kém, các công trình xử lý nước thải phần lớn là xây dựng để đối phó với các nhà quản lý.
Trên nhiều nước, để giảm mặt tiêu cực của chăn nuôi gia súc, người ta đã nghĩ đến chuyện ăn chay, bớt ăn thịt. Cách đây 15 năm, từ năm 2003, ở châu Âu đã có chiến dịch quốc tế “Ngày thứ Hai không ăn thịt” để giảm sản lượng tiêu thụ thịt, giảm bệnh béo phì, tốt cho sức khỏe, sống lâu, lại tiết kiệm tiền. Ở các trường đại học một số nước, các bếp ăn sinh viên có một ngày ăn chay trong tuần, người ăn chỉ được ăn protein thực vật và hoàn toàn không có protein động vật. Ở nước ta, chuyện ăn chay không xa lạ, nhưng hầu như chỉ là chuyện của cá nhân và liên quan nhiều đến đời sống tôn giáo. Thiết nghĩ thật không hay ho gì với thói quen ăn nhậu, ăn nhiều thịt, nhất là thịt lợn nhiều mỡ. Việc cổ động cho phong trào ăn chay một ngày trong tuần đáng được sự ủng hộ của toàn xã hội trước hết là ở các thành phố, nơi mức sống đã tương đối cao.
GS Lê Viết Ly
Hội Chăn nuôi Việt Nam
- Thịt lợn li> ul>
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những tác động có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam
Tin mới nhất
T2,23/12/2024
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất