Vi khuẩn Escherichia. coli là một trong những tác nhân gây bệnh truyền nhiễm trên heo, đặc biệt là bệnh phù thũng xảy ra trên heo sau cai sữa với tỷ lệ chết cao gây thiệt hại kinh tế cho nhà chăn nuôi. Đề tài được thực hiện từ 1/2017 đến 4/2018, nhằm xác định tỷ lệ bệnh, các chủng F4, F18, gene độc lực Shiga toxin 2e (Stx2e) và sự đề kháng của vi khuẩn. Theo kết quả khảo sát, trong số 1.387 con của 76 đàn heo sau cai sữa tại 4 huyện thuộc tỉnh Kiên Giang, có 207 con bệnh chiếm 19,47% và không khác nhau ở 4 huyện; 165/207 con chết, chiếm 61,11% và có sự khác biệt giữa các huyện. Các triệu chứng đặc trưng phổ biến là mí mắt sưng (90,65%), đầu sưng (80,37%), co giật kiểu bơi (69,16%). E. coli phân lập được từ 107/107 heo bệnh (100%) gồm phân và hạch lâm ba màng treo ruột. Gene Stx2e trên heo phù thũng chiếm 47,66%. E. coli gây bệnh phù thũng trên heo con tại tỉnh Kiên Giang không khác biệt ở các tuần tuổi. E. coli phân lập trên heo con ở hộ gia đình (82,24%) cao hơn trang trại (17,76%), mùa mưa (61,68%) cao hơn mùa nắng (38,32%). E.coli nhạy cảm cao với 9/12 loại kháng sinh. Chúng đã kháng cao với trimethoprim/sulfamethoxazole (95,33%), ampicillin (92,52%) và streptomycin (62,62%). Có 103/107 chủng đa kháng từ 2 đến 9 loại kháng sinh với kiểu hình đa kháng rất đa dạng và phức tạp.
1. GIỚI THIỆU
Vi khuẩn Escherichia coli là một trong những tác nhân gây bệnh truyền nhiễm trên heo, đặc biệt là bệnh phù thũng xảy ra trên heo sau cai sữa với tỷ lệ chết cao, gây thiệt hại kinh tế cho nhà chăn nuôi. Các chủng E. coli gây bệnh đặc trưng bởi độc tố Shiga toxin 2e (Stx2e) (Helgerson et al., 2006). Triệu chứng đặc trưng của bệnh là mí mắt sưng, đầu và trán sưng phù, tiếng kêu khàn, rối loạn thần kinh với các cơn co giật, đi loạng choạng và suy hô hấp. Ở thể bệnh quá cấp, heo con chết đột ngột, không có biểu hiện triệu chứng. Bệnh xảy ra lẻ tẻ hoặc có thể ảnh hưởng đến toàn đàn, tỷ lệ heo chết thay đổi từ 50-90% (Zimmerman et al., 2012). Độc tố Stx2e và kháng nguyên F18 đã được tìm thấy ở nhiều heo con sau cai sữa bệnh phù thũng do vi khuẩn E. coli gây ra (Coddens et al., 2007). Tuy nhiên, tính mẫn cảm của heo đối với bệnh phù thũng phụ thuộc vào một số yếu tố như di truyền, chế độ dinh dưỡng, sức đề kháng và độc tố như Stx2e, LT (độc tố không chịu nhiệt), ST (độc tố chịu nhiệt) (Frydendahl, 2002).
Các chủng E. coli gây bệnh đều sản sinh ra một hoặc nhiều loại kháng nguyên bám dính F4, F5, F6, F18, trong đó kháng nguyên bám dính đặc trưng của vi khuẩn E. coli gây bệnh phù thũng là F4 và F18 (Carter et al., 1995). Việc xác định các chủng E. coli phổ biến gây bệnh phù thũng trên heo con là yêu cầu cấp thiết trong phòng và trị bệnh giúp tăng năng suất và lợi nhuận cho nhà chăn nuôi (Cornick, 2009). Bệnh phù thũng trên heo con sau cai sữa đã được nghiên cứu ở một số tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về bệnh này ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang. Do đó, nghiên cứu được thực hiện tại tỉnh Kiên Giang nhằm xác định tỷ lệ bệnh và định danh các chủng vi khuẩn E. coli phổ biến là F4, F18 và xác định gene mã hóa yếu tố độc lực Stx2e gây bệnh phù thũng trên heo con sau cai sữa, đồng thời kiểm tra sự nhạy cảm của vi khuẩn đối với kháng sinh giúp tăng hiệu quả trong phòng và trị bệnh phù thũng do E. coli gây ra trên heo con tại tỉnh Kiên Giang.
2 VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1 Vật liệu nghiên cứu
Từ tháng 1/2017 đến tháng 4/2018, mẫu được thu thập từ 107 mẫu phân và 101 mẫu hạch lâm ba màng treo ruột của 107 con heo sau cai sữa bệnh phù thũng trên 207 con bệnh được khảo sát tại 42 hộ và 6 trại chăn nuôi ở 4 huyện :Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành và Hòn Đất thuộc tỉnh Kiên Giang.
Các loại kháng sinh sử dụng trong nghiên cứu gồm amoxicillin/clavulanic acid (Ac) 20/10 μg, colistin (Co) 10 μg, gentamycin (Ge) 10 μg, amikacin (Ak) 30 μg, streptomycin (Sm) 10 μg, tetracycline (Te) 30 μg, doxycycline (Dx) 30 μg, ampicillin (Am) 10 μg, trimethoprim/ sulfamethoxazole (bactrim) (Bt) 1,25/23,75 μg, ceftazidime (Cz) 30 μg, cefuroxime (Cu) 30 μg, và levofloxacin (Lv) 5 μg (Công ty Nam Khoa, Việt Nam). Nguyên liệu dùng cho phản ứng PCR: primer (mồi xuôi, mồi ngược của Stx2e, F4, F18,) (Integrated DNA Technologies, USA); bộ kit PCR, Go Taq® Green Master Mix, 2X (Promega, USA); thang DNA 100 bp (Gel loading buffer – Invitrogen)(Promega, USA).
2.2 Phương pháp nghiên cứu
2.2.1 Phương pháp lấy mẫu
Phương pháp lấy mẫu được thực hiện theo TCVN 10782:2015 (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2015) (ISO 13307:2013). Mẫu phân (25 gram), 2 hạch lâm ba/con đã được thu thập từ heo bệnh phù thũng. Tại mỗi trại hay hộ chăn nuôi heo tiến hành lấy 2-3 con/đàn, trên 1-2 đàn/ trại. Mẫu được bảo quản ở nhiệt độ lạnh.
2.2.2 Phương pháp phân lập và định danh vi khuẩn E. coli
Phương pháp phân lập được thực hiện theo TCVN 5155-1990 (Ủy ban Khoa học Nhà nước, 1990), dựa theo hướng dẫn của Barrow và Feltham (2003).
Định danh các chủng E. coli phổ biến gồm F4, F18 gây bệnh phù thũng trên heo được thực hiện bằng phản ứng PCR dựa theo mô tả của Boerlin et al. (2005) và kiểm tra sự hiện diện của gene mã hóa yếu tố độc lực Stx2e với các cặp mồi đặc hiệu được trình bày ở Bảng 1. Kiểm tra sự đề kháng của vi khuẩn E. coli đối với các loại kháng sinh dựa trên
phương pháp khuếch tán trên thạch theo mô tả của Bauer et al. (1966).
2.2.3 Phương pháp định danh các chủng F4, F18 và xác định gene mã hóa yếu tố độc lực Stx2e của vi khuẩn E. coli gây bệnh phù thũng trên heo con sau cai sữa
Tách chiết DNA của vi khuẩn bằng phương pháp sốc nhiệt dựa theo mô tả của Costa et al. (2010). Các bước của phản ứng PCR thực hiện theo TCVN 8400-16:2011 (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2011).
2.3 Phương pháp xử lý số liệu
Số liệu được xử lý thống kê bằng các phương pháp Chi-square, Fisher’s exact test bởi phần mềm Minitab 16.0, và Microsoft Excel 2010 ở mức ý nghĩa được xử lý thống kê ở độ tin cậy 95% (p<0,05).
3 KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1 Kết quả khảo sát tỷ lệ bệnh phù thũng do E. coli trên heo con sau cai sữa tại tỉnh Kiên Giang
Qua khảo sát 1.387 con heo sau cai sữa ở 4 huyện của tỉnh Kiên Giang, 270 con heo nghi bệnh phù thũng, chiếm tỷ lệ khá cao 19,47%. Zimmerman et al. (2012) đã báo cáo bệnh xảy ra lẻ tẻ hoặc có thể ảnh hưởng đến cả đàn chiếm tỷ lệ từ 10 – 40%, cá biệt có đàn lên đến 80%, bệnh xảy ra quanh năm và chủ yếu xảy ra trên heo sau cai sữa. Tỷ lệ heo sau cai sữa nghi bệnh phù thũng tại tỉnh Kiên Giang khá cao có thể là do chăn nuôi heo ở Kiên Giang chủ yếu là nhỏ lẻ dạng hộ gia đình nên kiến thức về chăm sóc nuôi dưỡng, phòng bệnh còn hạn chế. Mainil et al. (2002) cho rằng tính mẫn cảm của bệnh phù thũng phụ thuộc vào một số yếu tố như đặc tính di truyền, chế độ dinh dưỡng, các bệnh kế phát, khả năng tiết ra các loại độc tố của vi khuẩn E. coli, sức đề kháng con vật. Tỷ lệ heo con nghi bệnh phù thũng không có sự khác biệt ở các huyện khảo sát với P= 0,052; điều này có thể là do các huyện có vị trí địa lý không cách xa nhau và giống nhau về phương thức chăn nuôi.
Tỷ lệ heo chết do nghi bệnh phù thũng tại tỉnh Kiên Giang là rất cao chiếm 61,11% (165/270 con). Zimmerman et al. (2012) đã báo cáo tỷ lệ heo chết dao động từ 50-90%. Heo nghi bệnh phù thũng có tỷ lệ chết cao tại các huyện của tỉnh Kiên Giang có thể là do bệnh thường xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh, người chăn nuôi không phát hiện hoặc phát hiện trễ khi heo đã có những triệu chứng thần kinh nên việc can thiệp điều trị không mang lại hiệu quả. Các triệu chứng thường gặp trên heo bệnh phù thũng tại tỉnh Kiên Giang phổ biến nhất là mí mắt sưng phù (90,65%), đầu, trán sưng phù (80,37%) tiếp theo là co giật kiểu bơi (69,16%), tiếng kêu khàn (53,27%) và thấp nhất là tiêu chảy (37,38%); sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê (P=0,000). Điều này có thể do khả năng sản sinh độc tố của các chủng E. coli gây bệnh khác nhau. Gyles and Faibrother (2010) đã chỉ ra rằng khi heo bệnh phù thũng do E. coli sản sinh độc tố hướng mạch máu (Verotoxin), độc tố sẽ được hấp thu vào ruột và sau đó sẽ vào máu làm tổn thương thành mạch, giảm áp suất thẩm thẩu làm tràn dịch và tích tụ lại gây phù tại vùng mặt đầu tiên, đây là triệu chứng khởi phát của bệnh. Tiếp theo, khi bệnh trở nên trầm trọng heo bị phù thanh quản làm khàn giọng, khó nuốt, phù não gây triệu chứng thần kinh. Kết quả khảo sát đã cho thấy các triệu chứng trên heo bệnh tại tỉnh Kiên Giang như là mắt sưng, đầu trán sưng phù, co giật kiểu bơi, tiếng kêu khàn là những biểu hiện đặc trưng của bệnh phù thũng trên heo con sau cai sữa.
3.2 Kết quả phân lập và định danh vi khuẩn E. coli gây bệnh phù thũng trên heo con sau cai sữa tại tỉnh Kiên Giang
Tỷ lệ hiện diện của vi khuẩn E. coli trên phân là 100% (107/107) do E. coli là những vi khuẩn hội sinh chiếm ưu thế nhất trong hệ vi sinh vật đường ruột của động vật kể cả trong cơ thể những con vật khỏe mạnh, do đó vẫn chưa thể khẳng định đây là các chủng E. coli gây ra bệnh phù thũng. Nhưng tỷ lệ phân lập 100% (101/101) có sự hiện diện của vi khuẩn E. coli trong hạch lâm ba màng treo ruột đã khẳng định E. coli chính là nguyên nhân gây bệnh phù thũng. Bertschinger et al. (1992) đã báo cáo rằng ở trạng thái bình thường, hạch lâm ba màng treo ruột không có sự hiện diện vi khuẩn E. coli; điều này cũng phù hợp với cơ chế gây bệnh của E. coli là vi khuẩn bám dính, xâm nhập và sản sinh độc tố gây bệnh trên tế bào biểu mô niêm mạc ruột. Có 101/107 con chết có sự hiện diện E. coli trên hạch lâm ba, có 6/107 con heo bệnh còn sống, đã giúp khẳng định E.coli là vi khuẩn gây bệnh phù thũng trên heo con sau cai sữa tại tỉnh Kiên Giang. Zimmerman et al. (2012) đã cho thấy bệnh phù thũng do E. coli gây ra có thể được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng, bệnh tích điển hình đặc trưng của bệnh. Kết quả nghiên cứu phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Hoa và ctv. (2010), phân lập các bệnh phẩm trên heo có triệu chứng của bệnh đều cho tỷ lệ dương tính với vi khuẩn E. coli là 100% ở phân và hạch lâm ba màng treo ruột.
Heo con sau cai sữa bị bệnh phù thũng xảy ra tại các hộ gia đình (82,24%) có tỷ lệ E. coli dương tính cao hơn heo tại các trang trại (17,76%) và sự khác biệt này là rất có ý nghĩa thống kê (P=0,000). Điều này có thể là do người chăn nuôi ở các hộ gia đình còn hạn chế về kỹ thuật và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng heo. Mặt khác, tại các địa điểm thu mẫu khảo sát, phần lớn chuồng nuôi là chuồng sàn bằng gỗ hoặc xi măng đã xuống cấp, rất bất tiện nên hiệu quả trong vệ sinh sát trùng kém, do phân hay nước bẩn đọng lại làm cho ẩm độ của chuồng nuôi tăng cao, tạo điều kiện dễ dàng cho vi khuẩn E. coli tồn tại, xâm nhập và gây bệnh. Trái lại, ở các trang trại, người chăn nuôi rất quan tâm đến chuồng trại, cơ sở vật chất, các quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng và quản lý dịch bệnh như vệ sinh và khử trùng chuồng trại, phòng bệnh chủ động, theo dõi để phát hiện sớm và điều trị kịp thời khi heo bệnh. Swords et al. (1993) cho rằng những yếu tố stress liên quan đến nuôi dưỡng, chăm sóc trong thời kỳ cai sữa như vận chuyển, thay đổi khẩu phần thức ăn,… đã ảnh hưởng đến khả năng đề kháng, tạo điều kiện cho E. coli phát triển và gây bệnh.
Trong 107 mẫu phân lập, tỷ lệ bệnh ở heo con sau cai sữa 1-2 tuần tuổi là 48,6% tương đương với heo con trên 2 tuần tuổi (51,4%) với P=0,682. Bertschinger et al. (1992) cho rằng bệnh phù thũng trên heo xảy ra phổ biến ở heo 1-2 tuần tuổi sau cai sữa và phát triển mạnh nhất vào 3-5 tuần sau cai sữa. Kết quả khảo sát này cho thấy heo con sau cai sữa tại tỉnh Kiên Giang bệnh phù thũng chủ yếu ở heo từ 1- 2 tuần và trên 2 tuần tuổi. Heo bệnh tập trung vào các tuần tuổi này có thể là do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ gia đình có thời gian cai sữa dài hơn khoảng từ 28 ngày trở lên trong khi tại các trang trại, cai sữa vào 21 ngày tuổi. Báo cáo của Wilson and Francis (1986) cho thấy ở những nơi thực hiện việc cai sữa trễ, heo có tỷ lệ mắc bệnh phù thũng cao.
Tỷ lệ E. coli dương tính trên heo con bệnh phù thũng ở mùa nắng có tỷ lệ 38,32%, thấp hơn mùa mưa (61,68%) với P=0,003. Điều này có thể do Kiên Giang có khí hậu nóng ẩm quanh năm, vào mùa mưa độ ẩm tăng lên làm cho mầm bệnh tồn tại lâu hơn, đồng thời, đây cũng là thời điểm có nhiệt độ và lượng mưa cao nhất trong năm, là điều kiện tốt cho mầm bệnh phát triển gây bệnh; trong khi khả năng điều tiết thân nhiệt của heo con sau cai sữa kém nên dễ mắc bệnh. Điều này cũng phù hợp với nhận định Zimmerman et al. (2012) rằng các yếu tố stress trong thời gian cai sữa có liên quan đến mức độ của bệnh phù thũng và những yếu tố stress phổ biến ảnh hưởng đến heo cai sữa như thay đổi thời tiết và heo bị nhiễm lạnh thì làm giảm nhu động ruột làm tăng vi khuẩn đường ruột như E. coli nên bệnh dễ xảy ra.
Tần suất xuất hiện các bệnh tích trên heo con bệnh phù thũng do vi khuẩn E. coli gây ra tại Kiên Giang dao động từ 55,14-72,90% và sự sai khác này là rất có ý nghĩa thống kê (P=0,000). Điều này có thể giải thích là do cơ chế gây bệnh của vi khuẩn E. coli là nhiễm độc huyết, tác động của yếu tố bám dính; vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tiêu hóa và tác động của độc tố Stx2e làm tổn thương các cơ quan phủ tạng khác nhau ở các vật chủ khác nhau. Gyles and Faibrother (2010) cho rằng vi khuẩn E. coli tác động lên bề mặt niêm mạc ruột non, đặc biệt là giữa không tràng và hồi tràng, rồi vào niêm mạc ruột, hệ thống lâm ba vào máu và gây sung huyết, xuất huyết và sưng phù hạch lâm ba màng treo ruột do vi khuẩn E. coli từ ruột di chuyển lên các hạch bạch huyết màng treo ruột sinh độc tố Stx2e, chất độc được hấp thu vào máu làm tổn hại các thành mạch quản dẫn đến tổn thương các cơ quan nội tạng. Kết quả khảo sát này tương tự với mô tả của Zimmerman et al. (2012), bệnh tích rõ nhất trên heo là phù mặt, tim nhão, xoang ngực, xoang bụng tích nước, viêm hạch lâm ba màng treo ruột.
3.3 Kết quả định danh các chủng F4, F18 và gene mã hóa yếu tố độc lực Stx2e của vi khuẩn E. coli gây bệnh phù thũng trên heo con sau cai sữa tại tỉnh Kiên Giang
Chủng E. coli phổ biến gây bệnh phù thũng trên heo sau cai sữa tại tỉnh Kiên Giang là F18 chiếm 55,14% (59/107), cao hơn F4 chiếm 9,34% (10/107). Có 17/107 mẫu ghép 2 chủng F4 và F18, chiếm 15,89%. Kết quả cho thấy F18 không chỉ là chủng phổ biến gây bệnh phù thũng cho heo con sau cai sữa tại tỉnh Kiên Giang mà còn là chủng gây bệnh ghép với F4 đã làm cho heo bệnh thêm trầm trọng hơn và gây chết cao. Zimmerman et al. (2012) đã cho rằng F18 là chủng xuất hiện chủ yếu ở heo con bệnh phù thũng.
Yếu tố đặc trưng để gây bệnh phù thũng trên heo con sau cai sữa ngoài kháng nguyên bám dính F18 và F4 còn có độc tố Stx2e. Kết quả Bảng 9 cho thấy mối liên quan giữa các chủng E. coli gây bệnh với độc tố Stx2e, qua kết quả phân tích cho thấy chủng E. coli F18 là chủng phổ biến, nhưng khả năng gây bệnh khi có sự hiện diện của độc tố Stx2e giữa 2 chủng F18 (62,71%) và F4 (70%) là không khác nhau; các chủng F4, F18 dù phân bố riêng lẻ trên đàn heo con sau cai sữa bệnh phù thũng hay ghép giữa F4 và F18 thì khả năng gây bệnh trên heo con tại tỉnh Kiên Giang là như nhau.
3.4 Kết quả khảo sát sự đề kháng của E.coli đối với kháng sinh tại tỉnh Kiên Giang
Vi khuẩn E. coli gây bệnh phù thũng trên heo con tại tỉnh Kiên Giang còn nhạy với 9/12 loại kháng sinh kiểm tra với tỷ lệ từ 54,21-99,07%; trong đó, nhạy cao với doxycycline (99,07%), amikacin (98,13%), ceftazidime (94,39), cefuroxime (91,59) amoxicillin/clavulanic acid (91,59%), colistin (83,18), nhạy vừa với levofloxacin (74,77%), tetracycline (64,49%) và nhạy trung bình với gentamycin (54,21%). Tuy nhiên, E. coli đã đề kháng cao với bactrim (95,33%), ampicillin (92,52%), streptomycin (62,62%). Kết quả khảo sát tại Kiên Giang cho thấy các loại kháng sinh mạnh như: ceftazidime, doxycycline, amoxicillin/ clavulanic acid,… là những kháng sinh còn mới ít được sử dụng nên vi khuẩn vẫn nhạy cảm cao. Gentamycin, tetracycline, bactrime, ampicillin là các loại thuốc thường xuyên được sử dụng để điều trị bệnh do E. coli gây ra cũng như các bệnh nhiễm khuẩn khác tại các hộ chăn nuôi và trang trại trên địa bàn nghiên cứu; vì vậy đã tạo nên sự kháng thuốc và điều này đã gây khó khăn cho công tác điều trị. Oanh T. K. N et al., (2010) đã nghiên cứu cho thấy các chủng E. coli phân lập được từ 92 heo con bệnh phù thũng đã kháng với các kháng sinh phổ biến như gentamycin (32,8%), streptomycin (70,4%). Hanchun Yang et al. (2004) nghiên cứu ở Trung Quốc trên 89 heo cai sữa bị bệnh cho thấy E. coli đã đề kháng cao với tetracycline (98%), sulfathaxazole (84%), ampicillin (79%) và bactrim (76%).
Vi khuẩn E. coli phân lập được trên heo con bệnh phù thũng đã đa đề kháng từ 2-9 loại kháng sinh. Có 103 chủng đa kháng với 45 kiểu hình đa kháng khác nhau, rất đa dạng và phức tạp, trong đó đa kháng từ 3-6 loại kháng sinh là phổ biến. Nguyên nhân có thể là do trong điều trị các nhà chăn nuôi và cán bộ thú y phối hợp nhiều kháng sinh cùng một lúc hay bổ sung kháng sinh vào thức ăn và nước uống hoặc đã sử dụng trong thời gian dài. Sự khác nhau về mức độ đa kháng thuốc và kiểu hình đa kháng đã phản ánh tình trạng sử dụng kháng sinh tại các trại cũng như các hộ chăn nuôi tại tỉnh Kiên Giang. Nghiên cứu của Lý Thị Liên Khai và ctv. (2015) cho thấy các chủng E. coli được phân lập trên heo tại tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp hầu hết đã đa kháng từ 2- 7 loại kháng sinh.
4. KẾT LUẬN
Tỷ lệ bệnh phù thũng trên heo con sau cai sữa do vi khuẩn E coli gây ra tại tỉnh Kiên Giang là khá cao 19,47%, không phụ thuộc vào địa điểm, tỷ lệ heo chết cao (61,11%) và khác biệt giữa các huyện. Heo bệnh phù thũng có các triệu chứng mí mắt sưng phù, đầu, trán sưng phù bệnh tích đặc trưng như ruột, màng treo ruột sưng phù, xuất huyết, xoang ngực, xoang bụng tích nước do E. coli gây ra. Các chủng F4, F18 và F4 ghép F18 là nguyên nhân gây bệnh phù thũng trên heo cai sữa tại tỉnh Kiên Giang và F18 là chủng phổ biến, khả năng gây bệnh của F4 và F18 là không khác nhau.
Vi khuẩn E.coli còn nhạy cảm cao 9/12 loại kháng sinh gồm doxycycline (99,07%), amikacin (98,13%), ceftazidime (94,39), cefuroxime (91,59) amoxicillin/clavulanic acid (91,59%), colistin (83,18), nhạy vừa với levofloxacin (74,77%), tetracycline (64,49%) và nhạy trung bình với gentamycin (54,21%). Vi khuẩn đã đề kháng cao với bactrim (95,33%), ampicillin (92,52%), streptomycin (59,81%), gentamycin (45,79%) và đã đa đề kháng với 2-9 loại kháng sinh với 45 kiểu hình đa kháng rất đa dạng và phức tạp.
Huỳnh Thị Ái Xuyên và Lý Thị Liên Khai
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 54,
Số chuyên đề: Nông nghiệp (2018): 23-32
- Escherichia coli li>
- bệnh phù thủng li> ul>
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nghiên cứu axit amin chỉ ra tiềm năng cho chế độ ăn ít protein hơn
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh
- Rối loạn chất lượng thịt ức ở gà thịt hiện đại
- Vỏ yến mạch đang ngày càng phổ biến trong dinh dưỡng gia cầm
- 6 thành phần giàu chất xơ và lợi ích của chúng đối với người chăn nuôi gia cầm
- Lựa chọn chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của gà thịt giống
- 6 điều có thể bạn chưa biết giúp thúc đẩy quá trình tổng hợp protein (tăng cơ bắp) ở heo
- Đất sét trao đổi ion trong thức ăn có thể thể hiện đặc tính kháng sinh
- Nghiên cứu đầu tiên về vi khuẩn nước bọt lợn cho thấy sự biến đổi cao
Tin mới nhất
T7,23/11/2024
- Sắp diễn ra hội thảo, phổ biến áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Nhập khẩu thịt heo có thể tăng trở lại vào quý IV
- Có hiện tượng một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn tiêu thụ gia súc nhiễm dịch bệnh
- Hiệu quả từ các hầm biogas trong chăn nuôi trong hành trình giảm 30% phát thải khí mê – tan
- Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu
- Nhập khẩu đậu tương 10 tháng đầu năm 2024 trị giá gần 935,84 triệu USD
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất