Tóm tắt
Cải thiện di truyền nâng cao năng suất chăn nuôi lợn được ngành nông nghiệp thế giới quan tâm phát triển trong nhiều thập niên qua bởi vì: Vai trò quan trọng của chăn nuôi lợn trong việc cung cấp thực phẩm cho con người; Là yếu tố cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh; Đặc biệt, trong tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát thì sản xuất và cung cấp con giống tại chỗ theo địa phương có vai trò ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Việt Nam thể hiện quyết tâm phát triển giống lợn thông qua các Chiến lược phát triển chăn nuôi của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các giai đoạn 2010-2020 và 2021-2030. Bài viết này, tổng quan những vấn đề nguyên lý cơ bản của cải thiện di truyền và thực hành sản xuất lợn giống tại Việt Nam. Trong đó, tập trung chủ yếu đến cải thiện di truyền các tính trạng sinh sản bằng công nghệ đánh giá di truyền và chọn lọc từ kinh nghiệm lý thuyết và thực tiễn của tác giả.
Kỹ thuật đánh giá di truyền BLUP đã được ứng dụng trong nhiều thập niên qua tại Việt Nam để chọn lọc và nhân thuần đàn lợn giống GGP/GP, từ đó làm nguồn gen lai tạo đàn lợn nái lai thương phẩm PS cho năng suất sinh sản về số con sơ sinh sống đạt 14 con/ổ, tương ứng 32 lợn con cai sữa/lợn nái/năm. Kết quả cho thấy, Việt Nam đang chủ động về công nghệ di truyền và chọn giống để sản xuất lợn giống cao sản của thế giới.
I. Nguyên lý cải thiện di truyền
1.1. Nguyên lý đa gen trong di truyền học số lượng
Các tính trạng hay kiểu hình của sinh vật đều do gen điểu khiển thông qua quá trình tổng hợp protein. Có hai loại tính trạng thường được dùng để chỉ kiểu hình của sinh vật là tính trạng chất lượng, như màu sắc lông da, kiểu dáng tai của các giống lợn và tính trạng số lượng, như năng suất sinh sản, năng suất sinh trưởng của các cá thể lợn. Tính trạng chất lượng thường do một hoặc một số ít gen điều khiển. Trong khi đó, tính trạng số lượng do đa gen điều khiển.
Nói cách khác, tính trạng số lượng là những tính trạng do nhiều gen đồng thời cùng điều khiển quá trình tạo nên giá trị kiểu hình hay năng suất của con vật. Đồng thời, một gen cũng có thể điều khiển nhiều tính trạng.
Hoạt động của gen trong quá trình hình thành giá trị kiểu hình của tính trạng số lượng chịu tác động nhiều bởi môi trường. Trong khi đó, quá trình hình thành giá trị kiểu hình của tính trạnh chất lượng ít chịu tác động của yếu tố môi trường.
Hầu hết các tính trạng năng suất ở lợn là tính trạng số lượng, và các gen có vai trò khác nhau, hay mức độ ảnh hưởng khác nhau trong điều khiển quá trình hình thành giá trị kiểu hình của tính trạng.
1.2. Nguyên lý hoạt động của gen trong chọn lọc và lai
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào báo cáo một cách đầy đủ về số lượng gen, cũng như hoạt động và tương tác của tất cả các gen tham gia vào quá trình tổng hợp protein trong hình thành các đặc tính năng suất ở lợn. Nhưng theo nguyên lý chung, các gen hoạt động theo các nguyên tắc cộng gộp (additive gentic effects), trội lặn (dominant effects) và tương tác gen (interaction effects), Wan Vleck và CS (1987).
Hoạt động cộng gộp của gen có thể di truyền cho thế hệ sau. Các gen độc lập với nhau và phân chia trong quá trình phân bào giảm nhiễm. Chọn lọc cải thiện di truyền tăng năng suất chăn nuôi lợn là phương pháp làm thay đổi tần số các gen hoạt động theo phương thức cộng gộp. Theo đó, những cá thể có số lượng các gen có mức độ ảnh hưởng cộng gộp cao hơn sẽ được giữ lại làm giống và loại thải những cá thể có số lượng gen có mức độ ảnh hưởng cộng gộp thấp hơn.
Hoạt động trội lặn là sự tương tác lấn át của một gen so với gen khác cùng alen ở dạng dị hợp. Hoạt động trội lặn của gen có thể tạo ra giá trị kiểu hình của đời con cao hơn bố mẹ, hay gọi là ưu thế lai.
Đặc tính hoạt động trội lặn của gen hay ưu thế lai không di truyền cho thế hệ sau. Do vậy, việc chọn lọc những cá thể có năng suất cao do ưu thế lai để giữ lại làm giống sẽ không dẫn đến kỳ vọng tăng năng suất cho các thế hệ sau. Cha mẹ từ các dòng hay giống có sự khác biệt về di truyền càng nhiều thì hoạt động trội lặn của gen ở con lai càng lớn, hay ưu thế lai càng lớn, do vậy năng suất của con lai càng cao.
Chọn lọc là quá trình tích tụ làm tăng tần số các gen hoạt động theo phương thức cộng gộp và tạo ra các dòng đồng huyết khác biệt về di truyền. Trong khi đó, lai khác dòng hay giống làm tăng ưu thế lai do tác động trội lặn của gen.
Quá trình phân bào giảm nhiễm trong sản xuất bế bào sinh dục và giao phối ngẫu nhiên sẽ làm thay đổi cấu trúc di truyền của các cá thể ở đời con. Theo đó, sẽ xuất hiện những cá thể mang nhiều gen có lợi về năng suất cao và ngược lại, sẽ có những cá thể có cấu trúc di truyền mang đặc điểm năng suất thấp hơn.
2. Thực hành sản xuất giống lợn tại Việt Nam
2.1. Các giống chủ đạo trong ngành công nghiệp chăn nuôi lợn
Việt Nam đang ngày càng tiếp cận xu thế của thế giới trong ngành công nghiệp chăn nuôi lợn từ mô hình chuồng trại, kỹ thuật, quản lý, thức ăn chăn nuôi và con giống. Các giống lợn Landarce, Yorkshire và Duroc đang ngày càng đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất cung cấp thực phẩm cho tiêu dùng ở Việt Nam. Trong đó, giống lợn Landrace và Yorkshire được sử dụng để sản xuất lợn nái lai hai giống (LY) vì năng suất sinh sản cao. Giống lợn Duroc được dùng làm đực cuối (terminal boar) để sản xuất lợn thịt 3 giống (three-way crosbred, DLY) vì năng suất sinh trưởng, chất lượng thịt và hiệu quả chuyển hóa thức ăn cao. Các giống lợn địa phương sẽ đóng vai trò sản xuất thịt lợn đặc sản nhờ những đặc tính riêng biệt của giống bản địa.
Để sản xuất lợn thịt 3 giống (DLY), trong nhiều năm qua Việt Nam đã nhập khẩu các giống Landrace, Yorkshire và Duroc để tạo lập nguồn gen trong nước, từ đó nuôi thích nghi, chọn lọc cải thiện di truyền theo thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, do quần thể ban đầu hạn chế về số lượng, ảnh hưởng của các yếu tố môi trường chăn nuôi và dịch bệnh, tiến bộ cải thiện di truyền của các giống lợn nhập khẩu của Việt Nam chưa theo kịp với một số nước phát triển. Do vậy, việc tiếp tục nhập khẩu nguồn gen để cải thiện tiềm năng di truyền của đàn giống là cần thiết trong thời gian trước mắt.
2.2. Chọn lọc cải thiện di truyền các giống lợn Landrace, Yorkshire và Duroc
Chọn lọc là quá trình xem xét, đánh giá các cá thể con giống, từ đó giữa lại những cá thể phù hợp với nhu cầu sản xuất và thị trường để cho sinh sản và nhân giống, đồng thời loại thải những cá thể không phù hợp. Nhu cầu thị trường và sản xuất bao gồm nhiều yếu tố (tính trạng) khác nhau. Có thể có sự xung đột lẫn nhau giữa nhu cầu thị trường và sản xuất. Ví dụ, lợn sinh sản cần có bộ khung xương to, chân to chắc khỏe, nhưng thị trường thịt lợn cần tỷ lệ thịt cao, xương ít.
Để cải thiện các tính trạng đáp ứng ngày càng cao của thị trường và sản xuất người ta thường áp dụng các phương pháp chọn lọc bao gồm, chọn lọc lần lượt (Tandem selection), chọn lọc loại thải độc lập (Independent culling), và chọn lọc chỉ số (Index selection).
Chọn lọc lần lượt là phương pháp chỉ tập trung vào một tính trạng nào đó cho đến khi đạt được kết quả mong muốn. Tuy nhiên, với cơ chế hoạt động đa gen, một gen có thể điều khiển nhiều tính trạng và một tính trạng chịu sự điều khiển của nhiều gen, thì các tính trạng có thể có tương quan di truyền với nhau theo chiều không mong muốn. Ví dụ, chọn lọc tăng tỷ lệ nạc ở lợn có thể sẽ làm giảm tỷ lệ mỡ giắt trong thịt nạc, một tính trạng liên quan đến độ mềm và độ ngọt của thịt. Ngược lại, nếu chỉ tập trung chọn lọc tăng tỷ lệ mỡ giắt sẽ dẫn đến giảm tỷ lệ nạc, tăng độ dày mỡ lưng.
Chọn lọc loại thải độc lập áp dụng với các tính trạng ngoại hình như màu sắc lông da, đặc điểm giống, cấu trúc xương chân, cơ quan sinh dục ngoài, số lượng vú. Các nhà chọn giống thường đặt ra các tiêu chuẩn về ngoại hình đối với từng giống lợn khác nhau làm cơ sở để chọn lọc hay loại bỏ những cá thể không đáp ứng tiêu chuẩn ngoại hình.
Các tính trạng ngoại hình là những tính trạng có giá trị phân bố rời rạc, như tai đứng hay cụp, số lượng vú chức năng, cơ quan sinh dục phát triển bình thường hay không bình thường. Vận động đi lai bình thường hay không bình thường. Chọn lọc loại thải độc lập cũng có thể áp dụng đối với các tính trạng năng suất nếu chưa thiết lập được chỉ số chọn lọc.
Chọn lọc chỉ số (Index selection) là phương pháp chọn lọc đồng thời nhiều tính trạng được tích hợp vào một chỉ số.
Trong đó, Ij là chỉ số chọn lọc của cá thể j, Xjn là giá trị kiểu hình hoặc giá trị kiểu gen của cá thể j đối với tính trạng n và an là giá trị kinh tế của tính trạng n.
Trong chọn lọc bằng chỉ số, việc bao gồm đồng thời nhiều tính trạng sẽ làm giảm tiến bộ di truyền trên mỗi tính trạng qua mỗi thế hệ chọn lọc. Do vậy, trong một chương trình giống, cần xác định mục tiêu hay chiến lược chọn lọc bằng việc xác định tính trạng kinh tế quan trọng.
Tính trạng kinh tế quan trọng là những tính trạng mang lại lợi nhuận từ chương trình giống. Đồng thời tính trạng đó phải dễ thực hiện cân đong đo đếm tại trang trại chăn nuôi.
Những tính trạng kinh tế quan trọng ở lợn có thể bao gồm số con sơ sinh sống, số lợn con cai sữa và trọng lượng cai sữa. Mặc dù, số lợn con cai sữa và trọng lượng cai sữa là những tính trạng đánh giá khả năng tiết sữa và nuôi con của lợn mẹ. Nhưng có thể đây là tính trạng mà việc thu thập số liệu có độ chính xác thấp do đặc điểm ghép đàn trong quá trình nuôi con. Việc đưa tính trạng trọng lượng lợn con cai sữa vào chọn lọc, do vậy có thể sẽ đòi hỏi thêm chi phí thu thập số liệu.
Những tính trạng sinh trưởng có giá trị kinh tế quan trọng ở lợn bao gồm tăng trọng hàng ngày và tỷ lệ nạc. Các tính trạng này thường được quy đổi về khối lượng xuất chuồng lúc 100 kg.
Giá trị kinh tế (an) của một tính trạng là lợi nhuận mang lại trên một đơn vị giá trị di truyền được cải thiện thông quan chọn lọc. Tùy thuộc vào thị trường mỗi nước khác nhau và chiến lược chọn giống khác nhau mà giá trị kinh tế của các tính trạng có thể khác nhau giữa các quốc gia và giữa các nhà sản xuất giống lợn. Giá trị kinh tế có thể là một yếu tố cạnh tranh giữa các nhà sản xuất giống lợn. Bởi vì, giá trị kinh tế hàm chứa chiến lược chọn lọc trong phát triển con giống.
2.3. Phương pháp đánh giá di truyền các tính trạng kinh tế quan trọng
Trong chỉ số chọn lọc nêu trên, giá trị Xj có thể được tính bằng độ lệch của quan trắc trên cá thể j so với trung bình quần thể, hoặc Xj là giá trị kiểu gen của cá thể j.
Gía trị kiểu gen hay bản chất di truyền của tính trạng năng suất là một ẩn số không thể xác định một cách chính xác, bởi đặc tính đa gen của tính trạng năng suất và tương tác giữa kiểu gen và môi trường. Để đạt được độ chính xác cao, tiệm cận với bản chất di truyền của tính trạng, các phương pháp ước lượng giá trị kiểu gen đang ngày càng được phát triển.
Các phương pháp ước lượng giá trị kiểu gen bao gồm, hiệu chỉnh giá trị kiểu hình theo các yếu tố ảnh hưởng môi trường cố định. Ví dụ, năng suất sinh sản về số lợn con sơ sinh sống của một heo nái ở một lứa đẻ nào đó sẽ được hiệu chỉnh theo lứa đẻ. Tăng trọng gram/ngày của lợn ở các ngày tuổi khác nhau sẽ được quy đổi về cùng một ngày tuổi.
Phương pháp ước tính giá trị kiểu gen bằng BLUP (Best Linear Unbiased Prediction) được coi có độ chính xác cao và đang được áp dụng rộng rãi nhiều thập niên qua trên thế giới. Trong đó, giá trị kiểu gen, hay giá trị di truyền (genetic value), hay cụ thể hơn là tổng giá trị di truyền cộng gộp (total additive gentic value) của cá thể j (Xj) được tính toán trên cơ sở dựa vào giá trị kiểu hình của tất cả các cá thể có quan hệ huyết thống với cá thể j.
Để tính giá trị di truyền bằng BLUP, mô hình tính toán cần bao gồm các thông tin về năng suất đo lường được từ các cá thể trong đàn và mối qua hệ huyết thống của các cá thể đó. Đồng thời, mô hình BLUP cũng bao gồm các đặc tính về môi trường hình thành nên năng suất mà ta đo lường được.
Gọi yji là giá trị kiểu hình (năng suất) của một tính trạng nào đó mà ta đo lường được trên con vật j trong điều kiện môi trường i, mô hình thống kê sau đây mô tả mối quan hệ giữa kiểu gen và môi trường trong hình thành giá trị kiểu hình.
Trong đó, aj là giá trị di truyền của cá thể j, bi là ảnh hưởng của đặc tính môi trường b đo lường được trong điều kiện i và eji là những sai số còn lại của môi trường mà ta chưa biết, hay gọi là sai số của mô hình, m là trung bình quần thể có phương sai bằng không, var(m)=0 .
Ta có thể viết lại mô hình trên dưới dạng ma trận đại số như sau với var(m)=0:
Trong đó, Z là ma trận tần suất các cá thể lợn, X là ma trận tần suất các ảnh hưởng xác định của môi trường, e là véc tơ sai số của mô hình.
Mô hình BLUP bao gồm các thông tin về giá trị kiểu hình, quan hệ huyết thống giữa các cá thể trong đàn giống, môi trường xác định hình thành nên giá trị kiểu hình được sử dụng để ước tính giá trị kiểu gen có dạng như sau:
Trong đó, R là ma trận phương sai hiệp phương sai do ảnh hưởng ngẫu nghiên của môi trường. G-1 là ma trận nghịch đảo ma trận phương sai, hiệp phương sai di truyền giữa các cá thể trong hệ phả, G-1= A-1 (1/). Trong đó, A-1 là ma trận nghịch đảo của ma trận quan hệ huyết thống của các cá thể có trong hệ phả, là phương sai di truyền của tính trạng cần tính (Henderson, 1984, Mrode, 1996).
Giải phương trình trên ta có giá trị di truyền (a) của các cá thể trong hệ phả và ảnh hưởng môi trường cố định (b). Mô hình BLUP nêu trên cho phép ta tính được giá trị di truyền của những cá thể đối với những tính trạng không thể đo lường được. Ví dụ, số con sơ sinh sống của lợn đực giống.
Hình 1 là ví dụ về giá trị di truyền được tính bằng phương pháp BLUP của một đàn lợn giống nuôi tại khu vực Đông Nam bộ qua 5 năm chọn lọc trên tính trạng số con sơ sinh sống (NBA) và trọng lượng sơ sinh (BWT).
Tại một số đàn giống trên thế giới, chọn lọc được tập trung mạnh vào tăng số lợn con sơ sinh sống, đã làm giảm đáng kể trọng lượng sơ sinh của lợn con. Do vậy, làm giảm khả năng sống sót của lợn con sau sinh, dẫn đến hiệu quả chọn lọc không như mong đợi. Việc đưa trọng lượng lợn con sơ sinh vào mục đích chọn giống có ý nghĩa duy trì mức hợp lý về trọng lượng lợn con sơ sinh trong khi vẫn đặt mục tiêu cải thiện di truyền làm tăng số lợn con sơ sinh sống.
Hình 1. Giá trị di truyền (EBV) qua các năm chọn lọc về số con sơ sinh sống (NBA) và trọng lượng sơ sinh (BWT) ở lợn (Kiều Minh Lực, 2020a)
2.4. Ưu thế lai
Chọn lọc ở các đàn lợn giống thuần GGP sẽ làm tăng tần số gen có lợi hoạt động theo phương thức cộng gộp. Tuy nhiên, chọn lọc trên cơ sở giá trị di truyền tính bằng BLUP thường dẫn đến đồng huyết, do những cá thể có quan hệ huyết thống thường được giữ lại làm giống. Đồng huyết sẽ làm tăng mức độ đồng hợp của bộ gen trong cấu trúc di truyền của đàn giống. Hiệu quả tích cực của quá trình này là tăng ưu thế lai khi lai giữa các dòng hay giống. Tuy nhiên, ảnh hưởng không mong đợi ở các đàn giống thuần đồng huyết là giảm năng suất do suy thoái cận huyết.
Tính trạng số con sơ sinh sống (NBA) ở lợn được nghiên cứu là có hệ số di truyền thấp, trong phạm vi 0,09-0,12. Do vậy, đáp ứng chọn lọc trên thế hệ sẽ thấp. Việc lai giữa các dòng hay giống khác nhau sẽ làm tăng năng suất nhờ ưu thế lai. Trong thực tế sản xuất, lợn nái lai giữa hai giống Landrace và Yorkshire có số con sơ sinh sống cao hơn lợn nái thuần 8,7% nhờ ưu thế lai (Bảng 1).
Bảng 1. Năng suất sinh sản về số lợn con sơ sinh sống (NBA) của lợn nái thuần, lợn nái lai và ưu thế lai
Giống lợn |
Số lứa đẻ |
NBA |
Landrace (L) |
2.031 |
12,89 |
Yorkshire (Y) |
2.189 |
13,38 |
Lợn nái lai LY (♂♀) |
9.780 |
14,36 |
Lợn nái lai YL (♂♀) |
7.937 |
14,20 |
Trung bình lợn nái thuần |
4.220 |
13,14 |
Trung bình lợn nái lai |
17.717 |
14,28 |
Ưu thế lai (%) |
|
8,7 |
Nguồn: Kiều Minh Lực, 2020b.
Với năng suất sinh sản của lợn nái lai tại Việt Nam trong Bảng 1 thì một năm một lợn nái có thể sản xuất được 32 lợn con cai sữa, tương đương với nhiều nước có nền chăn nuôi lợn công nghiệp trên thế giới.
Từ kết quả này, chúng ta có thể khảng định Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng các công nghệ hiện tại để sản xuất giống lợn cho mục đích chăn nuôi trong nước.
3. Di truyền phân tử và chọn giống
Công nghệ di truyền phân tử đang ngày càng mở rộng khả năng tìm kiếm những vị trí gen QTL (Quantitative Trait Loci) trên bản đồ di truyền liên quan đến tính trạng kinh tế quan trọng trong chăn nuôi lợn. Nhiều gen đánh dấu (marker gene) đang được nghiên cứu về chức năng và độ lớn phương sai di truyền và đưa vào ứng dụng chọn giống lợn với mục đích làm tăng độ chính xác ước lượng giá trị di truyền.
Giá trị di truyền GEBV (Genomic Estimated Breeding Value) được đánh giá trên cơ sở thông tin của hệ gen (genome), thông tin SNP (Single Nucleotide Polymorphism), hay thông tin các gen đánh dấu (marker gene) có độ chính xác cao hơn phương pháp BLUP truyền thống, đưa phương pháp chọn lọc chuyển sang một giai đoạn mới là chọn lọc theo hệ gen (genomic selection), (Antonia Bianca Samorè và Luca Fontanesi, 2016).
Một số gen đánh dấu đã được kiểm tra trên đàn giống lợn Việt Nam gồm, gen liên quan đến tính trạng sinh sản FSHB, PRLR và gen liên quan đến tính trạng sinh trưởng H-FABP, MC4R và PIT-1 (Nguyễn Hữu Tỉnh, 2020a,b).
Bảng 2. Phương sai di truyền cộng gộp và phương sai di truyền của các gen estrogen, prolactin và FSH đối với tính trạng số lợn con sơ sinh sống (NBA)
Thành phần phương sai |
Phương sai |
Hệ số di truyền |
Kiểu hình |
10,2 |
– |
Di truyền cộng gộp |
1,20 |
0,118 |
Estrogen |
0,04 |
0,004 |
Prolactin |
0,35 |
0,034 |
FSH |
0,08 |
0,008 |
Nguồn: Kiều Minh Lực, 2021
4. Hệ thống giống và mô hình tổ chức sản xuất
4.1. Hệ thống giống lợn
Để khai thác ưu thế lai về tính trạng sinh sản ở lợn nái lai bố mẹ, và ưu thế lai về tính trạng sinh trưởng ở lợn thịt, hệ thống giống lợn thường được tổ chức theo mô hình hệ thống giống kín 4 cấp. Theo đó, cấp giống cụ kị (GGP) bao gồm các giống/dòng thuần được chọn lọc qua nhiều thế hệ. Cấp giống ông bà (GP) là cấp giống trung gian để nhân đàn giống bố mẹ (PS) và cuối cùng là lợn thịt thương phẩm. Cấp giống GP có thể là đàn giống thuần hoặc lai tùy thuộc vào chiến lược phát triển của đơn vị sản xuất giống. Cấp giống PS thường là đàn lợn nái lai để khai thác tối đa ưu thế lai về năng suất sinh sản, vì cấp giống PS có số lượng đàn nái chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 90% tổng đàn nái.
Hệ thống giống kín trong mô hình sản xuất lợn giống thể hiện ở chỗ, việc đánh giá di truyền và chọn lọc thường chỉ thực hiện ở đàn giống GGP hoặc GGP và GP tùy thuộc quy mô đàn. Tần số các gen có lợi được tập trung cao độ ở đàn giống GGP, các cá thể được chọn lọc để bổ sung vào nguồn gen là những cá thể thuần sinh sa từ đàn GGP.
Đôi khi các nhà sản xuất giống vẫn phải nhập khẩu lợn giống hoặc tinh để bổ sung nguồn gen từ bên ngoài. Tuy nhiên, nguồn gen bổ sung vào đàn lợn giống GGP không lấy từ đàn giống GP và PS. Do vậy, đàn lợn nái PS còn có thể được gọi là đàn nái thương phẩm (commercial sows). Điều này đồng nghĩa với việc lợn nái PS sau khi kết thúc sẽ loại thải mà không để lại nguồn gen trong hệ thống sản xuất lợn giống.
Đây là điểm khác biệt giữa hệ thống giống kín ở lợn với hệ thống giống mở ở bò sữa. Bò sữa không có bò cái sữa thương phẩm, mà tất cả con gái của bò sữa đều có cơ hội sinh sản để sản xuất thế hệ sau, nghĩa là tham gia vào việc duy trì nguồn gen cho thế hệ sau. Do vậy, bất kỳ một bò cái sữa nào nếu có giá trị di truyền cao, sau khi được kiểm tra qua nhiều thế hệ đời con đều có cơ hội trở thành bò giống hạt nhân.
4.2. Mô hình tổ chức sản xuất
Mô hình tổ chức hệ thống giống lợn cần phải được lưu ý cả ở cấp độ cấp cơ sở sản xuất giống lợn và cấp độ quốc gia.
Tùy thuộc vào quy mô đàn lợn nái mà việc tổ chức hệ thống giống lợn (GGP, GP, PS và lợn thịt thương phẩm) có thể nằm trên cùng một trang trại hoặc phân chia thành các trang trại khác nhau.
Tổ chức hệ thống sản xuất giống lợn trên cùng một trang trại có ưu điểm là chi phí vận chuyển lợn giống thấp, giảm thiểu lây lan dịch bệnh do quá trình vận chuyển lợn giống, nhưng khó theo dõi, chi phí theo dõi số liệu cao và hiệu quả chọn giống thấp nếu quy mô đàn nhỏ.
Trong trường hợp quy mô đàn lợn nái lớn và tổ chức chăn nuôi theo nhiều trang trại, thì có thể xây dựng hệ thống các trang trại GGP, GP và PS tách biệt.
Đối với các trang trại quy mô nhỏ có thể chuyên biệt sản xuất một cấp giống nào đó, ví dụ SP hoặc GP, hoặc GGP.
Ở cấp độ quốc gia, việc tổ chức hệ thống giống lợn theo mô hình liên kết các trang trại có quy mô vừa và nhỏ có thể mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ kỹ thuật đánh giá di truyền, tổ chức kiểm tra năng suất, xét nghiệm gen, trao đổi nguồn gen giữa các trang trại GGP và mạng lưới phân phối con giống đến các cấp sản xuất thấp hơn (GP và PS).
Kết luận
Tính trạng năng suất ở lợn được điều khiển theo nguyên lý đa gen.
Việc lựa chọn tính trạng năng suất và giá trị kinh tế tương ứng của các tính trạng để đưa vào chương trình giống thể hiện chiến lược sản xuất giống của cơ sở sản xuất và mang tính cạnh tranh cao.
Công nghệ đánh giá di truyền BLUP đang là công cụ có giá trị tốt trong chọn giống đàn lợn GGP/GP.
Năng suất sinh sản về số con sơ sinh sống của đàn lợn nái thương phẩm PS ở Việt Nam đã đạt 14 con/ổ, tương ứng 32 lợn con cai sữa/lợn nái/năm.
Xây dựng mô hình quản lý giống lợn quốc gia, tiếp tục tiếp thu công nghệ đánh giá di truyền bằng hệ gen sẽ giúp Việt Nam chủ động để sản xuất các giống lợn cao sản của thế giới.
Kiều Minh Lực[1]
Tài liệu tham khảo
Antonia Bianca Samorè &Luca Fontanesi (2016). Review: Genomic selection in pigs: state of the art and perspectives. Italian J. Anim. Sci. 15(2): 211–232.
Henderson C.R. (1984). Application of Linear Models in Animal Breeding. niversity of Guelph press, Guelph, Canada.
Kiều Minh Lực (2020a). Giá trị di truyền (EBV) qua các năm chọn lọc về số con sơ sinh sống (NBA) và trọng lượng sơ sinh (BWT) ở lợn, (Không xuất bản).
Kiều Minh Lực (2020b). Năng suất sinh sản của lợn nái thuần, lợn nái lai và ưu thế lai, (Không xuất bản).
Kiều Minh Lực (2021). Phương sai di truyền cộng gộp và phương sai di truyền của các gen estrogen, prolactin và FSH đối với tính trạng số lợn con sơ sinh sống (NBA), (Không xuất bản).
Mrode R.A. (1996). Linear Models for the Prediction of Animal Breeding Values. CAB International, Wallingford, Oxom, UK.
Nguyễn Hữu Tỉnh và CS. (2020a). Năng suất sinh trưởng của dòng lợn đực cuối TS3 được chọn lọc dựa trên giá trị di truyền BLUP kết hợp kiểu gen H-FABP, MAC4R và PIT-1. Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Chăn nuôi, 2020, Số 259, 2-7.
Nguyễn Hữu Tỉnh và CS. (2020b). Năng suất sinh sản của dòng lợn nái SS1, SS2 và bố mẹ S12, S21 được chọn lọc dựa trên giá trị giống và kiểu gen FSHB và PRLR. Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Chăn nuôi, 2020, Số 259, 7-13.
Van Vleck L. Dale, Pollak E. John and Oltenacu E. A. Branford (1987). Genetics for the Animal Sciences. Department of Animal Sciences, Cornell University, W.H. Freeman and Company, New York
[1] Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam; Khu Công nghiệp Biên Hòa 2, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai; Email: [email protected]; Điện thoại: 0918194988.
- năng suất chăn nuôi lợn li> ul>
- Nghiên cứu axit amin chỉ ra tiềm năng cho chế độ ăn ít protein hơn
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh
- Rối loạn chất lượng thịt ức ở gà thịt hiện đại
- Vỏ yến mạch đang ngày càng phổ biến trong dinh dưỡng gia cầm
- 6 thành phần giàu chất xơ và lợi ích của chúng đối với người chăn nuôi gia cầm
- Lựa chọn chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của gà thịt giống
- 6 điều có thể bạn chưa biết giúp thúc đẩy quá trình tổng hợp protein (tăng cơ bắp) ở heo
- Đất sét trao đổi ion trong thức ăn có thể thể hiện đặc tính kháng sinh
- Nghiên cứu đầu tiên về vi khuẩn nước bọt lợn cho thấy sự biến đổi cao
- Lợi ích và thách thức của urê cấp thức ăn chăn nuôi
Tin mới nhất
T5,21/11/2024
- Hiệu quả từ các hầm biogas trong chăn nuôi trong hành trình giảm 30% phát thải khí mê – tan
- Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu
- Nhập khẩu đậu tương 10 tháng đầu năm 2024 trị giá gần 935,84 triệu USD
- Tập đoàn Mavin: 02 trang trại heo đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP (phiên bản S.L.P)
- Tham vấn kỹ thuật phân tích chuỗi giá trị và đánh giá rủi ro trong chăn nuôi heo
- Từ 16/12, thuế suất hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi được giảm xuống còn 1%
- Nghiên cứu axit amin chỉ ra tiềm năng cho chế độ ăn ít protein hơn
- Chuyển hướng nuôi bò nhốt chuồng vì hiệu quả cao
- Thị trường nhập khẩu ngô 10 tháng đầu năm 2024
- Giá sản phẩm chăn nuôi (giá tại trại) cả nước ngày 19/11/2024
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất