TMR (Total Mixed Ration) là khẩu phần thức ăn cho bò sữa kết hợp giữa thức ăn thô xanh, thức ăn tinh, các phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp, các chất bổ sung khoáng, vitamin và các chất phụ gia với một tỉ lệ nhất định, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của bò. Mô hình dưới đây sẽ cung cấp phương pháp tạo ra một khẩu phần ăn TMR đồng nhất và cân bằng về dưỡng chất, giúp cho người nuôi nâng cao khả năng hấp thụ dinh dưỡng và chất lượng sữa ở bò.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Khoảng 65% nguồn dưỡng chất cung cấp cho bò sữa đến từ sự chuyển hóa các chất do quá trình lên men thức ăn và sinh khối từ xác của hệ vi sinh vật trong dạ cỏ. Phần thức ăn còn lại sẽ được tiêu hóa bởi chính men tiêu hóa của bò ở dạ múi khế và trong ruột non. Do đó, sự đa dạng về chủng loài vi sinh vật và sự phát triển nhanh chóng về sinh khối trong dạ cỏ sẽ cung cấp nguồn dưỡng chất có phẩm chất cao cho bò để sản xuất ra sữa có giá trị dinh dưỡng cao và dễ tiêu hóa ở người.
Thông thường, các hộ chăn nuôi bò sữa ở Thành phố Hồ Chí Minh đều áp dụng phương thức cho ăn riêng từng loại thức ăn. Trong đó, thức ăn tinh được cho bò ăn trước hoặc sau khi vắt sữa, bằng cách trộn chung với nước, sau đó mới cho bò ăn thức ăn thô. Cách làm này khiến việc cung cấp chất dinh dưỡng không phù hợp với đặc điểm sinh lý của bò sữa, và nếu mỗi lần cung cấp thức ăn gây ra xáo trộn môi trường dạ cỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tiêu hóa ở bò. Vì vậy, tạo môi trường dạ cỏ thích hợp cho hệ vi sinh vật dạ cỏ tồn tại, hoạt động và phát triển là điểm mấu chốt để nâng cao hiệu quả tiêu hóa và chất lượng sữa bò.
Quy trình và phương pháp thực hiện
Điều kiện sản xuất
Thức ăn cần cho chăn nuôi bò sữa gồm:
Thức ăn thô: là thức ăn chủ yếu của bò, có hàm lượng chất xơ thô lớn hơn 18%. Trong thức ăn thô cũng có chứa một ít tinh bột, các chất đường dễ tan và một lượng đáng kể đạm thô, muối khoáng và các vitamin. Bao gồm:
– Thức ăn thô xanh: các loại cỏ, thân lá cây còn xanh như ngọn mía, thân cây bắp, ngọn lá khoai mì…
– Thức ăn thô khô: cỏ khô, rơm lúa…
Thức ăn củ quả: là loại thức ăn nhiều nước, nghèo chất đạm, chất béo, chất xơ và khoáng chất nhưng giàu tinh bột, đường, vitamin A, B, C và có mùi vị thơm ngon (khoai lang, khoai mì, khoai tây….) nên bò thích ăn.
Thức ăn tinh: là loại thức ăn có khối lượng nhỏ nhưng hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao, gồm 2 nhóm:
– Thức ăn cung cấp năng lượng: các loại bắp hạt, hạt bông vải, khô dầu hạt bông vải, khoai mì lát….
– Thức ăn cung cấp đạm: các loại hạt họ đậu, các loại khô dầu (khô dầu đậu nành, khô dầu đậu phộng…), bột thịt, bột cá….
Phụ phế phẩm trong công nghiệp chế biến: là những sản phẩm phụ từ công nghiệp chế biến nông sản, được sử dụng để thay thế một phần thức ăn thô hoặc thức ăn tinh, bao gồm xác đậu nành, hèm bia, xác mì, xác thơm (vỏ thơm), rỉ mật đường…
Thức ăn bổ sung: là loại thức ăn được thêm vào khẩu phần với số lượng nhỏ để cân bằng một số chất dinh dưỡng thiếu hụt ở bò như chất đạm, chất khoáng, vitamin,…Thức ăn bổ sung thường được sử dụng hiện nay là urê, đá liếm hoặc vitamin.
Phương pháp thực hiện
Phối trộn thức ăn theo khẩu phần phối trộn hỗn hợp tổng số (TMR)
Phương pháp phối trộn:
Đối với nông hộ chưa có máy trộn thức ăn TMR thì khẩu phần sau khi được định lượng sẽ trộn thủ công với công thức: Thức ăn tinh (cám hỗn hợp) + hèm bia + xác mì + thức ăn thô (cỏ tươi, cỏ khô, thân cây bắp va rơm khô được thái thành đoạn ngắn 3–5cm).
Đối với nông hộ đã trang bị máy trộn thức ăn TMR thì tất cả các nguyên liệu được cho vào máy trộn theo định lượng và thứ tự sau: đầu tiên cho thức ăn thô vào máy trộn, sau đó cho bắp ủ hoặc cỏ ủ chua, thức ăn tinh và thức ăn bổ sung được đưa vào cuối cùng.
Khi chuyển đổi từ cách cho ăn truyền thống (cho ăn riêng lẻ thức ăn tinh và thô) sang thức ăn TMR, nên thực hiện trong thời gian từ 3-5 ngày để tránh cho bò bị stress và rối loạn hệ tiêu hóa. Thực hiện chuyển đổi theo trình tự như sau:
– Ngày đầu tiên: 75% thức ăn truyền thống + 25% thức ăn TMR.
– Ngày thứ 2: 50% thức ăn truyền thống + 50% thức ăn TMR.
– Ngày thứ 3: 25% thức ăn truyền thống + 75% thức ăn TMR.
– Ngày thứ 4 trở đi: 100% thức ăn TMR.
Lưu ý:
– Thời gian trộn/mẻ nên tuân theo đúng khuyến cáo của nhà cung cấp máy trộn thức ăn TMR.
– Thức ăn TMR sau khi phối trộn xong, chỉ sử dụng trong ngày, không bảo quản lâu để tránh ôi thiu và nấm mốc.
Thời điểm cho ăn:
– Đối nhóm bê, bò tơ hậu bị: cho ăn 2 lần/ngày (sáng sớm và chiều mát).
– Đối với nhóm bò khai thác sữa: cho ăn 2–3 lần/ngày.
Lưu ý:
– Hạn chế nguy cơ viêm vú cho bò sữa bằng cách cho bò ăn thức ăn TMR ngay sau mỗi lần vắt sữa.
– Nguồn nguyên liệu và thành phần thức ăn nuôi bò phải tương đối ổn định.
– Biết rõ giá trị dinh dưỡng của từng loại nguyên liệu để xây dựng khẩu phần thức ăn phù hợp nhu cầu dinh dưỡng và với giá thành thấp nhất.
– Nắm rõ thông tin về đàn bò sữa như trọng lượng, khả năng sản xuất sữa, đặc điểm sinh lý…
– Phân nhóm bò theo lứa tuổi, năng suất sữa, thể trạng để đảm bảo khẩu phần thức ăn cung cấp đáp ứng nhu cầu cần thiết cho từng nhóm bò.
– Theo dõi khả năng thu nhận thức ăn hàng ngày của bò, sự biến động về năng suất và chất lượng sữa để điều chỉnh khẩu phần phù hợp.
– Đối với những trang trại quy mô lớn (tổng đàn trên 50 con/trại và nhóm bò vắt sữa từ 20 con trở lên), cần trang bị máy trộn thức ăn TMR và có đồng cỏ thâm canh năng suất, chất lượng cao để chủ động nguồn thức ăn thô xanh quanh năm.
Cách thay thế các nguyên liệu trong khẩu phần thức ăn
Khi sử dụng các nguyên liệu trong khẩu phần, nếu một số loại nguyên liệu không có, khó kiếm hoặc giá cao, thì có thể thay thế bằng nguyên liệu khác có giá trị dinh dưỡng tương tự:
– Các loại cỏ voi, cỏ tự nhiên, thân bắp có thể thay thế lẫn nhau.
– Rơm khô, thân bắp khô, cỏ khô có thể thay thế lẫn nhau.
– 1kg cỏ khô = 4-5kg cỏ tươi
– 1kg rơm khô (không ủ) = 2kg cỏ tươi
– 1kg bánh dầu bông vải = 750g bánh dầu phộng
– 1kg bánh dầu – phộng = 2kg bánh dầu dừa
– 1kg cám hỗn hợp = 6kg xác mì
– 1kg cám hỗn hợp = 7kg xác đậu nành, cần chia nhỏ nếu dùng chung với các loại thức ăn có chứa urê, vì trong xác đậu nành có men phân giải urê.
– 1kg cám hỗn hợp = 3kg xác mì + 3,5kg xác đậu nành
– 1kg cám hỗn hợp = 5kg hèm bia.
Lưu ý:
– Không thể dùng hèm bia, xác đậu nành, xác mì để thay thế cỏ và rơm.
– Cho ăn tối đa khoảng 15kg hèm bia/con/ngày để tránh giảm tỷ lệ tiêu hóa chất xơ, các chất chứa nitơ và giảm chất lượng sữa.
Một số quy trình chế biến thức ăn chăn nuôi khác
Ủ rơm khô với urê và vôi:
Trộn nguyên liệu: theo các công thức:
– 100kg rơm khô + 4kg urê + 70-100 lít nước sạch.
– 100kg rơm khô + 4kg urê + 0,5kg vôi tôi + 70-100 lít nước sạch.
– 100kg rơm khô + 2,5kg urê + 2-3kg vôi tôi + 70-100 lít nước sạch.
Hố ủ và dụng cụ:
– Có 3 loại hố ủ là 3 vách, 2 vách cạnh nhau hoặc 2 vách đối diện. Nền hố bằng xi măng, gạch, lót lá chuối hoặc nylon. Dung tích hố ủ phụ thuộc vào số lượng rơm cần ủ. Nếu không làm hố ủ có thể ủ rơm trong bao nylon (bao đựng phân đạm) lồng trong bao tải dứa.
– Dụng cụ khác: 1 cái cân, 1 chậu to hay vại sành để hòa tan urê và vôi, 2-3 cái xô, 1 cái ô doa tưới nước.
Cách ủ:
– Ủ trong hố: rải từng lớp rơm khoảng 20cm vào hố rồi tưới nước urê/vôi sao cho đều rơm, sau đó đảo đều cho rơm ngấm nước. Dùng chân nén chặt rơm, tiếp tục trải một lớp rơm và nước rồi tiếp tục nén chặt. Cuối cùng phủ kín bao nylon lên trên.
– Ủ trong túi: rải từng lớp rơm khoảng 20cm trên nền sạch, hoặc trên 1 tấm nylon, hoặc vải xác rắn rộng chừng 2-3m2 rồi tưới nước urê/vôi vừa phải sao cho đều rơm. Tiếp theo cho lớp rơm khác và và lại tưới đều. Lần lượt làm như vậy tới khi ẩm hết lượng rơm cần xử lý. Sau khi rơm được tưới đều thì cho vào các bao tải dứa, nén rồi buộc chặt. Đặt các bao tải này vào nơi sạch sẽ, tránh nắng, mưa, ẩm ướt.
Cho ăn:
Sau khi ủ 2 tuần (mùa nắng) hoặc 3 tuần (mùa mưa) thì có thể lấy rơm ra cho bò ăn. Lấy xong đậy kín hố ủ hoặc buộc kín bao nylon lại.
Lúc đầu cho bò ăn ít, trộn chung với thức ăn khác, sau đó cho ăn tăng lên để bò quen dần.
Rơm ủ chất lượng tốt có màu vàng đậm, mùi urê, không có mùi mốc, rơm ẩm, mềm.
Ủ rơm tươi với urê
Nguyên liệu: lượng urê dùng bằng khoảng 4% vật chất khô của rơm. Do đó, căn cứ vào hàm lượng nước của rơm khi đem ủ, tính toán lượng urê cho phù hợp.
Hố ủ: hố làm giống như ủ rơm khô với urê nhưng có kích thước lớn hơn.
Cách ủ: rải rơm vào hố ủ sau đó tưới urê, tiếp tục làm như vậy cho đến khi đầy hố. Cuối cùng phủ kín hố ủ bằng bao nylon. Vì rơm còn tươi nên đòi hỏi phải nén thật chặt và phủ nylon thật kín để tránh tổn thất trong quá trình hô hấp và lên men vi sinh vật.
Cho ăn: tương tự như rơm khô được ủ với urê/vôi.
Ủ chua thân cây bắp
Nguyên liệu: đối với cây bắp còn non thì phơi tái cây khoảng 2 ngày trước khi ủ để tăng hàm lượng vật chất khô lên trên 25%. Còn cây bắp già chỉ cần bổ sung thêm rỉ mật hoặc cám để tăng bột đường (dùng 10kg rỉ mật cho một hố ủ 1,5m3).
Hố ủ và dụng cụ:
– Hố ủ được xây dựng bằng gạch và xi măng, mỗi hố có kích thước 1,5m3.
– Dụng cụ khác: rải sỏi hoặc gạch vỡ xuống đáy hố; rơm lúa khô dùng để rải lên sỏi và bao quanh thành hố; đất để lấp kín hố tránh không khí vào; 2 đoạn tre dài 2m để làm khung phủ vải nhựa tránh mưa.
Cách ủ: loại bỏ lá khô ở gốc rồi thái thân bắp và lá bắp thành đoạn dài 6-10cm. Sau đó chất nguyên liệu vào hố ủ theo từng lớp dày từ 15-20 cm và nén chặt. Đối với cây bắp già thì hòa rỉ mật với 50% nước và tưới đều.
Lưu ý: không ủ vào lúc trời mưa.
Cho ăn: sau khi ủ 3 tuần có thể lấy thức ăn ra cho bò ăn. Lấy vừa đủ lượng cần thiết cho từng bữa.
Ưu điểm của công nghệ
Thức ăn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu, thích hợp với sinh lý tiêu hóa, giảm biến động pH dạ cỏ ở bò sữa.
Trộn lẫn được với các loại thức ăn có mùi vị không dễ chịu, bò không thể lựa chọn loại nguyên liệu mà chúng thích và loại bỏ loại chúng không thích ăn.
Toàn đàn được ăn cùng thời gian, giảm thiểu sự cạnh tranh.
Kiểm soát hiệu quả sử dụng thức ăn thông qua biến động lượng sữa hàng ngày, từ đó điều chỉnh phù hợp nhu cầu, giúp bò kéo dài độ bền cho sữa, khai thác được nhiều kỳ sữa.
Tiết kiệm nhân công, tăng năng suất lao động do tăng cơ giới hóa trong các khâu chăn nuôi.
Lượng dưỡng chất như nhau góp phần ổn định độ pH hệ vi sinh vật dạ cỏ giúp bò chuyển hóa hiệu quả thức ăn thành sữa, nâng cao khả năng sinh sản, cải thiện thể trạng, tăng năng suất, chất lượng sữa.
Nguồn tin: Trung tâm Thông tin & Thống kê KHCN TP.HCM
- chăn nuôi bò sữa li>
- TMR li>
- Mô hình sản xuất thức ăn li> ul>
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bệnh xuất huyết thỏ (Rabbit haemorrhagic disease – RHD)
- Ảnh hưởng của nguồn cung cấp natri không chứa clo
- Đa dạng sản phẩm chế biến từ gà Tiên Yên
- Dinh dưỡng gà thịt bền vững và mẹo xây dựng công thức
- Cách phòng ngừa bệnh viêm phổi ở gia cầm thương mại
- Cho ăn chính xác có thể làm giảm lượng khí thải từ các trang trại chăn nuôi lợn
- Những lợi ích thực tế của bã bia trong thức ăn cho bò sữa
- Một sức khỏe – Cách tiếp cận toàn diện giúp cải thiện an toàn thực phẩm
Tin mới nhất
T3,24/12/2024
- “Chạy đua” xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch
- Ảnh hưởng của các mức selenomethionine đến chất lượng thịt và sự tích luỹ selen trong mô
- Bình Phước: Chuẩn bị heo thịt cho thị trường tết
- Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
- Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là tương lai của ngành chăn nuôi
- Vemedim tổ chức khóa học chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về hô hấp phức hợp trên chó mèo
- Đón đọc Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam số tháng 12 năm 2024
- Hòa Bình: Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng ngành nông nghiệp
- Khả năng tiêu hoá tinh bột ở động vật và lợi ích của amylase
- Bình Định: Công ty Vĩnh Quang đầu tư trang trại chăn nuôi heo tại huyện Vĩnh Thạnh
- Biogénesis Bagó: Tăng tốc tại thị trường châu Á thông qua việc thiết lập văn phòng khu vực tại Việt Nam
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
Bình luận mới nhất