Vai trò của Actinobaclillus pleuropneumoniae và Pasteurella multocida trong bệnh lý hô hấp trên heo - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 56.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi  Vĩnh Phúc 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 55.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 55.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lâm Đồng, Bình Thuận 58.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 57.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 56.000 - 59.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Bến Tre 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Kiên Giang 59.000 đ/kg
    •  
  • Vai trò của Actinobaclillus pleuropneumoniae và Pasteurella multocida trong bệnh lý hô hấp trên heo

    [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Nhiều nghiên cứu trên thực tế đã ghi nhận Actinobacillus pleuropneumoniae (APP) và Pasteurella multocida (PM) là 2 trong số các vi sinh vật thường xuyên hiện diện ở heo bệnh hô hấp, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, chủ yếu do bệnh lý hô hấp mãn tính trên heo choai, heo thịt và đặc biệt là heo xuất chuồng, cũng như gây bệnh và gây chết trên nái.

     

    Bệnh do APP có thể làm giảm 33,6% tăng trọng ngày và giảm hiệu quả chuyển đổi thức ăn đến 25,5% (Sassu et al., 2018). Thiệt hại do giảm tăng trọng và tăng chi phí thức ăn ở heo nhiễm PM ước tính 7,88 USD/ heo (Wyburn et al., 2015). Bài viết sẽ chia sẻ các vấn đề khoa học liên quan đến vai trò của 2 vi khuẩn APP, PM trong bệnh lý hô hấp trên heo, qua đó giúp định hướng xây dựng các biện pháp phù hợp trong kiểm soát tốt bệnh liên quan đến APP và PM, cũng như bệnh lý hô hấp phức hợp trên heo.

    1. Đặc điểm vi khuẩn A. pleuropneumoniae và P. multocida

     

    1.1 Đặc điểm vi khuẩn APP

     

    A. pleuropneumoniae gây bệnh lý hô hấp ở heo trên toàn thế giới, từ thể quá cấp đến mãn tính, với bệnh tích viêm phổi – màng phổi xuất huyết, hoại tử nghiêm trọng. APP thể mãn làm tăng tỷ lệ chết, chi phí điều trị bệnh, giảm năng suất heo giai đoạn vỗ béo, xuất chuồng. Bệnh thường xảy ra ở nhóm tuổi heo cai sữa, heo choai, giai đoạn chuyển đổi (mùa, sinh lý…) và trong điều kiện chuồng trại kém. Tỷ lệ bệnh có thể đến 40% và tỷ lệ chết khoảng 20%.

     

    A. pleuropneumoniae có ít nhất 18 kiểu kháng nguyên (serotype) và không có miễn dịch chéo giữa các serotype (Bosse et al., 2018). Các serotype có độc lực khác nhau và phân bố tùy theo các khu vực, thậm chí là theo trại. Điều này gây ra khó khăn rất lớn cho việc tạo ra vaccine hiệu quả trong phòng bệnh do APP ở phạm vi toàn cầu.

     

    Yếu tố độc lực quan trọng nhất của APP là các độc tố Apx (ApxI, ApxII, ApxIII và ApxIV), có độc tính khác nhau và thay đổi tuỳ theo serovars (Bảng 1). Tác động gây độc mạnh nhất là độc tố ApxI, tiếp theo là ApxIII, ApxII; riêng ApxIV vẫn chưa xác định được mức độ độc tính (Frey, 2019). Độc tố Apx của APP gây tổn hại chức năng miễn dịch của các đại thực bào phổi, hoạt hóa cơ chế tổng hợp, gia tăng tích tụ cytokines, yếu tố hoại tử, tại mô phổi tổn thương, gây viêm và hoại tử phổi nặng.

     

    Bảng 1: Độc tố Apx và độc lực của các serotype A. pleuropneumoniae (Marie Sjölund, 2010)

     

    Độc tố Apx

    Độc lực

    Serotype

    I + II

    Cao

    1, 5a, 5b, 9, 11, 10, 14

    II hoặc II + III

    Trung bình

    2, 4, 6, 7, 8, 12, 13, 15

    III

    Thấp

    3

     

    Ngoài ra, APP còn sinh ra enzyme hyaluronidase, có tác dụng phá huỷ mô gian bào, giúp APP xâm nhiễm sâu vào trong mô phổi và gây bệnh tích nghiêm trọng ở phổi (Kahlisch et al., 2009). Các yếu tố độc lực khác như vỏ capsule, nội độc tố (lipopolysaccharides – LPS) và protein màng ngoài (outer membrane proteins – OMP) cũng tham gia vào quá trình gây bệnh của APP.

     

    1.2 Đặc điểm vi khuẩn Pasteurella multocida (PM)

     

    Pasteurella multocida, vi khuẩn Gram âm, cư trú thường xuyên ở xoang mũi của heo. PM có 5 nhóm huyết thanh (serogroups) A, B, D, E và F. Các chủng PM serogroup A và D sinh độc tố là tác nhân chính gây bệnh viêm teo mũi, bệnh viêm phổi ở heo, trong khi PM serogroups B là tác nhân gây bệnh Tụ huyết trùng ở heo (Tang et al., 2009).

     

    Các yếu tố độc lực quan trọng của PM là capsule, nội độc tố lipopolysaccharide, yếu tố kết bám, độc tố gây hoại tử da (dermonecrotic toxin), chất hấp phụ sắt, enzyme sialidases, và protein màng ngoài (Outer membrane proteins – Omp). Các yếu tố độc lực này giúp PM cư trú, xâm nhiễm, trốn thoát cơ chế miễn dịch, gây tổn thương mô và gây phản ứng viêm ở vật chủ.

     

    2. Đặc điểm gây bệnh của APP và P

     

    2.1 Đặc điểm gây bệnh của APP

     

    A. pleuropneumoniae là vi khuẩn cơ hội, hiện diện trên đường hô hấp trên của heo bình thường (heo mang trùng), lưu nhiễm ở heo đã khỏi bệnh và lây nhiễm cho những heo khác trong bầy. Bệnh thường xảy ra bất ngờ, khi xuất hiện các yếu tố ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật chủ (điều kiện chuồng trại, nhiệt độ môi trường, chuyển giai đoạn…).

     

    Khi mới xâm nhập, nhờ vào các lông bám, LPS và OMP, APP kết bám và cư trú ở bề mặt biểu mô đường hô hấp trên, hình thành lớp biofilm và sau đó xâm nhiễm sâu vào đường hô hấp dưới (Bercier et al., 2019), kết bám lên màng nhầy, lông rung của phế quản, tế bào biểu mô phế nang, nhân lên, sinh enzyme và độc tố Apx làm tổn thương nghiêm trọng mô phổi, phá hủy hồng cầu, neutrophils và đại thực bào, gây viêm phổi và có thể gây chết heo (Chiers et al., 2010).

     

    Hệ miễn dịch của heo giữ vai trò quyết định chống lại sự tấn công của APP. Dịch nhầy trên đường hô hấp có tác dụng bắt giữ, ngăn chặn sự xâm nhập và loại thải APP ra khỏi cơ thể ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi APP đã xâm nhập sâu vào phần dưới của đường hô hấp, vi khuẩn sẽ kết bám lên các tế bào biểu mô phế nang và lúc này cơ thể sẽ không thể loại trừ được APP (Auger et al., 2009).

     

    Heo nhiễm APP ở dạng mang trùng, không triệu chứng là nguồn lưu cữu, bài thải và lây truyền APP chính trong và giữa các trại heo. APP lây truyền chủ yếu thông qua sự tiếp xúc trực tiếp mũi hoặc miệng giữa heo với heo, hoặc qua các giọt bắn trong phạm vi gần (1 – 2 mét), khi heo ho hoặc hắt hơi. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát bệnh do APP bằng các biện pháp quản lý đàn, mật độ nuôi nhốt thích hợp. Heo mẹ nhiễm APP có thể truyền lây APP cho heo con ở giai đoạn theo mẹ từ 10 ngày tuổi. Việc nuôi ghép bầy heo con sau cai sữa sẽ tạo điều kiện cho sự lây truyền APP trong trại.

     

    Bệnh do APP có 3 thể: thể quá cấp, cấp tính và mãn tính. APP thể quá cấp và cấp tính ít xảy ra hơn so với thể mãn tính. Heo bệnh thể quá cấp và cấp tính thường không có bất kỳ triệu chứng báo trước, heo chết đột ngột, có thể chỉ trong vòng 12 – 24 giờ sau khi heo nhiễm APP và hay xảy ra ở giai đoạn vỗ béo, khi heo bị stress do lưu chuyển đàn, trộn bầy hay cai sữa, nhất là stress do nhiệt độ môi trường quá cao. Ở thể cấp, heo bệnh sẽ có biểu hiện thở gấp, thở mạnh, ngồi xổm, sốt cao hơn 40OC, có thể chết sau vài ngày nếu không được điều trị tích cực. Bệnh có thể diễn tiến chậm hơn với biểu hiện khó thở, heo há miệng để thở, miệng sùi bọt hoặc chảy máu ở mũi, miệng, tím tái ở tai, các đầu ngón và có thể tím tái toàn thân. Bệnh thường xảy ra ở heo 10 – 16 tuần tuổi với tỷ lệ chết có thể lên đến 20 – 80% ở heo vỗ béo. Nái mang thai có thể bị sẩy thai.

     

    Heo sau khi khỏi bệnh cấp tính sẽ trở thành heo mang trùng hoặc mãn tính với thể trạng kém, ho mãn tính do bị viêm phổi – màng phổi, heo có biểu hiện ho không thường xuyên, tăng trưởng giảm, không sốt. Mức độ nghiêm trọng của bệnh thay đổi tuỳ vào tuổi, tình trạng miễn dịch của heo, điều kiện quản lý đàn, áp lực dịch bệnh và serotype của APP (Sassu et al., 2018).

     

    Bệnh tích đặc trưng của heo bệnh APP bao gồm: phổi viêm hóa sợi, nhục hóa hoặc bị hoại tử – xuất huyết, viêm màng phổi sợi, viêm dính màng phổi, viêm phổi mủ. Tổn thương ở phổi tạo thành các nốt viêm có màu sắc thay đổi từ đỏ, đỏ bầm hay xám, hoá xơ cứng ở giai đoạn cuối, di chứng của các ổ áp-xe (Ruggeri et al., 2020). Phế quản và khí quản chứa đầy dịch, bọt lẫn máu gây phù phổi, đôi khi bị viêm, loét và hoại tử. Xoang ngực tích dịch có màu máu. Ngoài ra còn ghi nhận bệnh tích viêm tích dịch, hoá sợi màng bao tim. Viêm đa khớp thỉnh thoảng cũng được ghi nhận ở một số heo bệnh do APP (Merialdi et al., 2012). Ngoài ra, APP phát triển trên bề mặt mô phổi, tạo thành màng biofilm làm giảm hiệu quả điều trị của kháng sinh, cũng như hệ miễn dịch (Hoeltig et al., 2018).

    Hình 1: Bệnh tích viêm phổi do APP. (A) Thể cấp: các ổ viêm xung huyết, xuất huyết, hoại tử. (B, C) Thể mãn: viêm màng phổi dính mặt lưng của phổi.

     

    APP chủ yếu phân lập được từ dịch viêm màng phổi (86,7%) và màng bao tim (73,3%) của heo bệnh cấp tính (Hoeltig et al., 2018). APP rất ít khi phân lập được từ heo bệnh mãn tính, tuy nhiên xét nghiệm PCR có thể xác nhận tình trạng nhiễm cận lâm sàng ở heo nhiễm. Việc đánh giá tình trạng đàn heo mang trùng hay nhiễm mãn tính APP thường được thực hiện bằng xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể đặc hiệu với ApxIV, được sản sinh bởi tất cả các serovars của APP.

     

    2.2 Đặc điểm gây bệnh của PM

     

    PM là vi khuẩn hội sinh, thường trú trong hệ vi sinh vật đường hô hấp của heo, cư trú chính ở xoang mũi, và có thể phân lập được ở các đàn heo bình thường, không có triệu chứng bệnh. Do vậy, heo là vật chủ mang trùng và là nguồn lây truyền PM. PM bài thải qua dịch hầu – mũi của heo và lây truyền chính qua tiếp xúc trực tiếp mũi – mũi giữa heo với nhau.

     

    P.multocida là tác nhân liên quan đến bệnh Tụ huyết trùng, viêm phổi và viêm teo mũi tiến triển của heo trên toàn thế giới. Tùy theo sức đề kháng của heo, PM xâm nhiễm sâu vào đường hô hấp dưới, vào phổi, dẫn đến heo bị viêm phổi mãn tính. Tại phổi, PM nhân lên, sinh độc tố hình thành các ổ viêm sợi, áp-xe dẫn đến hoại tử mô phổi và viêm phổi nặng. PM có thể gây viêm phổi, viêm màng phổi, viêm phổi – phế quản mủ. Ở thể cấp, heo bệnh sốt cao, có thể đến 41OC, bỏ ăn, nằm một chỗ, chảy dịch mũi, rối loạn hô hấp nặng, thở há hốc miệng, có thể ghi nhận tím tái vùng đầu các chi, tai, mõm và chết trong vòng 4 – 7 ngày nếu không được điều trị tích cực. Bệnh diễn tiến trong khoảng 1 tuần, heo hồi phục sẽ chuyển sang thể mãn tính với thể trạng gầy yếu, ho mãn tính ở dạng bệnh hô hấp phức hợp.

     

    PM thể nhiễm trùng máu (Tụ huyết trùng) có tỷ lệ chết rất cao, nhất là ở heo con, có thể lên đến 95 – 100%. Bệnh tích điển hình được ghi nhận ở heo bị Tụ huyết trùng thể cấp là sưng phù ở vùng hầu và lan rộng đến vùng cổ, ngực của heo bệnh. Mổ khám heo bệnh ghi nhận bệnh tích viêm phổi nặng, xuất huyết ở phổi, xuất huyết điểm màng niêm mạc và nội quan, hạch lympho sưng, phù và xuất huyết. Xét nghiệm tiêu bản mẫu máu và mô sẽ quan sát thấy trực khuẩn Gram âm, nhỏ, bắt màu 2 đầu.

     

    2. Vai trò của APP và PM trong bệnh lý hô hấp ở heo trên thế giới

               

    APP và PM là 2 trong số các tác nhân vi khuẩn phổ biến gây bệnh lý hô hấp ở heo trên toàn thế giới. Xét nghiệm huyết thanh học trên các đàn heo nuôi tại Ý ghi nhận tỷ lệ trại heo nhiễm APP là 96% với 25,1% heo chết có bệnh tích do APP (Merialdi et al., (2012). Các bệnh tích phổi liên quan đến APP và PM chủ yếu ghi nhận trên heo choai và heo thịt so với heo sau cai sữa. Điều này cho thấy, APP và PM nhiễm và lưu nhiễm trên heo ở giai đoạn trước đó (theo mẹ, sau cai sữa) trong một thời gian dài và thường gây ra bệnh lý hô hấp ở dạng mãn tính ở heo choai và heo vỗ béo (Ruggeri et al., 2020). Tại Ai-len, trong giai đoạn 2017 – 2018, tỷ lệ trại heo nhiễm APP trên heo thịt lên đến 98,2% (Rodrigues da Costa et al., 2020). Tại Phần Lan, 70% đàn heo có bệnh lý hô hấp do APP (Haimi-Hakala et al., 2017).

     

    Sự phân bố các serotype của APP thay đổi tuỳ theo quốc gia. Tại Bắc Mỹ, phổ biến serotypes 1, 3, 5, 7 và 8 (Plasencia-Muñoz et al., 2020; Ho To, 2017). Tại châu Âu, các serotype gây bệnh được ghi nhận là 1, 2, 4, 5, 7, 8, 9, 11, 12 và 13 (Kucerova et al., 2005; Haimi-Hakala et al., 2017). Tại châu Á (Nhật bản, Trung quốc, Hàn quốc, Thái lan), APP hiện diện với nhiều serovar như: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 15 (Assavacheep et al., 2003; Xu et al., 2008; Yuwapanichsampan et al., 2011; Kim et al., 2016; Ho To, 2017).

     

    Bệnh do PM trên heo xảy ra chủ yếu ở nhóm heo choai và heo thịt trên toàn thế giới. Tỷ lệ phát hiện PM ở heo bị bệnh viêm phổi ở Trung Quốc là 8,0%; 10,3 – 15,6% ở Hàn Quốc; và 15,6% ở Mỹ (Kim et al., 2019). Ở Trung quốc, tình trạng nhiễm PM có khuynh hướng gia tăng theo thời gian và phân bố theo mùa (Liu et al., 2017, Zhang et al., 2019). Tỷ lệ các serogroup phân lập được ở heo bệnh lý hô hấp thay đổi tuỳ theo quốc gia, phổ biến là serogroup A và D.  Tại Braxin, tỷ lệ phân lập PM từ mô phổi heo thịt có bệnh lý viêm phổi là 43,%, với 54,2% thuộc type A (De Conti et al., 2021). Theo Tang et al., (2009); Liu et al., (2017); Zhang et al., (2019); PM nhiễm trên heo ở Trung Quốc chủ yếu là serogroup D và A. Serogroup D chiếm phần lớn với 54,9% và 39,5% thuộc serogroup A. Tỷ lệ tương tự cũng được ghi nhận ở Đức (58,1% so với 34,9%), ở Malaysia (45% so với 20%) (Tang et al., 2009). Tại Hàn Quốc, tỷ lệ phân lập được PM ở heo bị bệnh hô hấp là 16,8% (Kim et al., 2019) và 35,16% (Lee et al., 2012), với gần 70% các chủng PM thuộc serogroup A, còn lại là serogroup D (Kim et al., 2019; Lee et al., 2012).

     

    3. Vai trò của APP và PM trong bệnh lý hô hấp trên heo tại Việt Nam

     

    Một số nghiên cứu cho thấy bệnh viêm phổi, màng phổi trên heo do APP hoặc PM chiếm tần suất khá cao trên heo bị bệnh lý hô hấp ở cả khu vực phía Bắc và phía Nam Việt Nam.

     

    Nghiên cứu của Lê Văn Dương và ctv. (2012) tại Bắc Giang ghi nhận, APP hiện diện trong 19,59% số mẫu dương tính với virus PRRS, và tỷ lệ này là 17,78% theo Nguyễn Quốc Huy và ctv. (2013). Theo Nguyễn Lương Trường Giang và ctv. (2015), tại thành phố Cần Thơ, tỷ lệ dương tính với APP từ dịch xoang mũi và từ hạch hạnh nhân và phổi heo bệnh tương ứng là 30,43% và 23,08%.

     

    Theo Phan Kim Thanh và ctv. (2017), 48,15% heo bệnh hô hấp ở Kiên Giang dương tính với APP, chủ yếu ở heo khoảng 2 tháng đến 3 tháng tuổi là 27,27% và heo từ sau 3 tháng đến giết thịt là 27,91%. Tại Bắc Giang, tỷ lệ dương tính với APP theo lứa tuổi heo, tương ứng là 26,67% và 17,57% (Lê Văn Dương, 2013) và tại một tỉnh phía Bắc là 58,49% và 42,31% (Nguyễn Thị Thu Hằng, 2010). Nghiên cứu khác của Phan Kim Thanh và ctv. (2018) tại Bến Tre đã ghi nhận 24,62% heo bệnh hô hấp phân lập được vi khuẩn APP. Tỷ lệ dương tính với APP cao nhất ở nhóm heo vỗ béo, heo thịt > 5 tháng tuổi với 43,75%, tiếp theo là 31,25% ở nhóm heo nhỏ hơn 3 tháng tuổi. Ở nhóm heo từ 3 – 4 tháng tuổi, tỷ lệ phân lập được APP là 25%.

     

    Nguyễn Quang Tính và ctv. (2020). Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc viêm phổi trên đàn heo tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang là 28,91% và tỷ lệ chết là 18,41%. Tỷ lệ phân lập vi khuẩn APP trung bình là 14,29%; cao nhất ở heo sau cai sữa (giai đoạn 1,5 – 3 tháng tuổi) là 30,00% và thấp nhất ở heo sơ sinh đến 1,5 tháng tuổi là 8,00%.

     

    Các serotype của APP xác định được trong các nghiên cứu có sự khác nhau trên đàn heo nuôi ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Ở miền Bắc, các serotype của APP được ghi nhận gồm serotype 2, 5a, 5b, với ưu thế là serotype 2 (53,85%) và serotype 5a (30,77%), (Đỗ Tất Đạt và ctv., 2019; Nguyễn Quang Tính và ctv., 2020). Tại miền Nam, Phan Kim Thanh và ctv. (2017) và Phan Kim Thanh và ctv. (2018), đã xác định được các serotype 4, 6, 9 và 11 của APP trên heo có bệnh lý hô hấp ở Kiên Giang và Bến Tre. Các serotype 4, 6 và 9 chiếm đa số, với tỷ lệ 72,22% trên heo tại Kiên Giang và 93,75% tại Bến Tre.

     

    Ngoài APP, Đỗ Tất Đạt và ctv. (2019) còn ghi nhận các chủng PM thuộc 2 type A, D liên quan đến bệnh hô hấp phức hợp ở heo tại Việt Nam. Nghiên cứu của Vu-Khac H et al., 2020 cho thấy, tại Việt Nam, 48,19% các chủng PM phân lập được thuộc về serogroup A; 28,91% serogroup D và 22,35% là serogroup B.

     

    Kết luận

     

    A. pleuropneumoniae và P. multocida giữ vai trò quan trọng trong bệnh hô hấp ở heo trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. APP và PM là những vi khuẩn hội sinh, thường trú trong hệ vi sinh vật đường hô hấp của heo và không thể loại trừ ra khỏi đàn heo đã nhiễm. Heo mang trùng là nguồn lưu cữu, bài thải và lây truyền vi khuẩn trong đàn. Heo nhiễm APP và PM thường bị bệnh viêm phổi mãn tính, giảm tăng trọng, tăng tỷ lệ bệnh và tỷ lệ chết trên đàn heo. APP hiện diện trên đàn heo tại Việt Nam với nhiều serotype khác nhau, đều là những serotype có độc lực cao (5a, 5b, 9 và 11) và độc lực trung bình (2, 4 và 6), gây khó khăn cho việc lựa chọn vaccine phòng bệnh do APP. Vi khuẩn PM phân lập được ở Việt Nam thuộc các serogroup A và D gây viêm phổi ở heo và serogroup B gây bệnh Tụ huyết trùng cho heo. Điều này cho thấy trên đàn heo nuôi ở Việt Nam đang tiềm ẩn nguy cơ cao bệnh liên quan APP và PM và cần có chiến lược kiểm soát phù hợp để giảm thiểu thiệt hại do 2 vi khuẩn này gây ra.

     

    PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hải, Khoa Chăn nuôi – Thú y

    Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh

    Tài liệu tham khảo

    1. Đỗ Tất Đạt, Cù Hữu Phú, Nguyễn Bá Hiên, 2019. Chế tạo vắc-xin đa giá vô hoạt nhũ dầu phòng bệnh viêm phổi ở lợn do vi khuẩn Actinobacillus pleuropneumoniae, Pasteurella multocida và Streptococcus suis gây ra. Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 17(5): 351-359.
    2. Lê Văn Dương, 2013. Nghiên cứu một số đặc tính sinh học của vi khuẩn Actinobacillus pleuropneumoniae, Streptococcus suis, Pasteurella multocida gây viêm phổi trong hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn tại Bắc Giang, biện pháp điều trị. Luận án tiến sĩ Nông nghiệp. Đại học Thái Nguyên.
    3. Lê Văn Dương, Nguyễn Quang Tuyên, Cù Hữu Phú và Hoàng Đăng Huyến, 2012. Kết quả phân lập và xác định một số đặc tính sinh học của các chủng Actinobacillus pleuropneumoniae ở heo dương tính với virus rối loạn hô hấp và sinh sản tại tỉnh Bắc Giang. Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y, 19 (3): 42-47.
    4. Nguyễn Lương Trường Giang, Phan Kim Thanh, Lý Thị Liên Khai, 2015. Sự lưu hành của vi khuẩn Actinobacillus pleuropneumoniae trên heo tại thành phố Cần Thơ. Kỷ yếu Hội nghị khoa học, Chăn nuôi – Thú y toàn quốc. Nhà xuất bản Nông nghiệp, trang 577-582.
    5. Nguyễn Quang Tính,  Nguyễn Mạnh Hùng, Đỗ Bích Duệ, 2020. Nghiên cứu đặc điểm sinh học của các chủng vi khuẩn Actinobacillus pleuropneumoniae phân lập từ lợn bị viêm phổi nuôi tại huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Tạp chí Khoa học & Công nghệ ĐHTN, 225(08): 142 – 148.
    6. Nguyễn Quốc Huy, Lê Văn Dương, Nguyễn Quang Tuyên, Cù Hữu Phú và Hoàng Đăng Huyến, 2013. Xác định độc lực và khả năng mẫn cảm với kháng sinh của các chủng Actinobacillus pleuropneumoniae phân lập được từ heo mắc PRRS tại tỉnh Bắc Giang. Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y, 20(5): 54-60.
    7. Nguyễn Thị Thu Hằng, 2010. Nghiên cứu một số đặc tính sinh học và tính sinh miễn dịch của Actinobacillus pleuropneumoniae phân lập từ lợn làm cơ sở cho việc chế tạo vacxin. Luận án Tiến sĩ Nông nghiệp. Viện Thú y Quốc gia, Hà Nội.
    8. Phan Kim Thanh, Huỳnh Văn Thẩm và Lý Thị Liên Khai, 2018. Khảo sát bệnh viêm phổi, màng phổi do vi khuẩn Actinobacillus pleuropneumoniae trên heo tại tỉnh Bến Tre. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 54(4B): 54-63.
    9. Phan Kim Thanh, Phạm Thị Hồng Chi và Lý Thị Liên Khai, 2017. Xác định Actinobacilus pleuropneumoniae  dựa trên gene độc tố apx IVA và sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh viêm phổi, màng phổi trên heo tại tỉnh Kiên Giang. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 50b: 67-76.
    10. Vũ Khắc Hùng, Trịnh Thị Thu Hằng, Trần Xuân Hạnh, Nguyễn Thị Thinh, 2020. Xác định khả năng kháng kháng sinh (kiểu hình, kiểu gen) của các chủng Pasteurella multocida phân lập từ lợn. Khoa học Kỹ thuật Thú y, Tập XXVII Số 6 – 2020.
    11. Assavacheep P, Persson M, Luengyosluechakul S, Watanaphansak S, Laohasinnarong D, Pungkhun P, Wallgren P. Actinobacillus pleuropneumoniae in Thai pig herds. Prevalence of serum antibodies and relation to performance. J Vet Med B Infect Dis Vet Public Health. 2003 Oct;50(8):390-5. 
    12. Auger E, Deslandes V, Ramjeet M, Contreras I, Nash JH, Harel J, Gottschalk M, Olivier M, Jacques M., 2009. Host-pathogen interactions of Actinobacillus pleuropneumoniae with porcine lung and tracheal epithelial cells. Infect Immun. 2009 Apr;77(4):1426-41. 
    13. Bercier P., Gottschalk M., Grenier D., 2019. Effects of Actinobacillus pleuropneumoniae on barrier function and inflammatory response of pig tracheal epithelial cells, Pathogens and Disease, Volume 77, Issue 1.
    14. Bosse JT, Li Y, Sarkozi R, Fodor L, Lacouture S, Gottschalk M, Casas Amoribieta M, Angen O, Nedbalcova K, Holden MTG, Maskell DJ (2018) Proposal of serovars 17 and 18 of Actinobacillus pleuropneumoniae based on serological and genotypic analysis. Vet Microbiol 217:1–6.
    15. Chandrasekaran, S. and Yeap, P, (1982) Pasteurella multocida in pigs: The serotypes and the assessment of their virulence in mice. Br. Vet. J., 138(4): 332-336.
    16. Chiers K, De Waele T, Pasmans F, Ducatelle R, Haesebrouck F., 2010. Virulence factors of Actinobacillus pleuropneumoniae involved in colonization, persistence and induction of lesions in its porcine host. Vet Res. 2010 Sep-Oct;41(5):65.
    17. De Conti E.R., Takeuti K.L., Schwertz C.I., Bianchi R.M., Driemeier D., deBarcellos D.E.S.N. 2021. Agents of pneumonia in slaughtered pigs in southern Brazil. Pesquisa Veterinária Brasileira 41:e06669, 2021.
    18. Frey J., 2019. RTX Toxins of Animal Pathogens and Their Role as Antigens in Vaccines and Diagnostics. Toxins 2019, 11, 719; doi:10.3390/toxins11120719.
    19. Ho To, Kaho Teshimaa, Shinya Nagaia, Gustavo C. Zielinski b, _, Tomohiro Koyamaa, Jina Leea, Fernando A. Bessoneb, Tetsuji Naganoa, Atsushi Oshimaa, Nobuyuki Tsutsumi, 2018. Characterization of Actinobacillus pleuropneumoniae field strains antigenically related to the 3-6-8-15 group from diseased pigs in Japan and Argentina. Rev Argent Microbiol. 2018;50(1):12 – 22
    20. Hoeltig D, Rohde J, Frase R, Nietfeld F, Waldmann KH, Valentin-Weigand P, Meens J. Multi organ spreading of Actinobacillus pleuropneumoniae serovar 7 in weaned pigs during the first week after experimental infection. Vet Res. 2018 Sep 25;49(1):97.
    21. Jongho Kim, Jong Wan Kim, Sang-Ik Oh, ByungJae So, Won-Il Kim and Ha-Young Kim. Characterisation of Pasteurella multocida isolates from pigs with pneumonia in Korea. Veterinary Research (2019) 15:119.
    22. Boram Kim, Jin Hur, Ji Yeong Lee, Yoonyoung Choi & John Hwa Lee (2016). Molecular serotyping and antimicrobial resistance profiles of Actinobacillus pleuropneumoniae isolated from pigs in South Korea, Veterinary Quarterly, 36:3, 137-144.
    23. Kucerova Z., Jaglic Z., Ondriasova R., Nedbalcov K., 2005. Serotype distribution of Actinobacillus pleuropneumoniae isolated from porcine pleuropneumonia in the Czech Republic during period 2003–2004. Vet. Med. – Czech, 50, 2005 (8): 355–360.
    24. Lee KE, Jeoung HY, Lee JY, Lee MH, Choi HW, Chang KS, Oh YH, An DJ., 2012. Phenotypic characterization and random amplified polymorphic DNA (RAPD) analysis of Pasteurella multocida isolated from Korean pigs. J Vet Med Sci. 2012 May;74(5):567-73. doi: 10.1292/jvms.11-0418. Epub 2011 Dec 13. PMID: 22167105.
    25. Liu, H., Zhao, Z., Xi, X., Xue, Q., Long, T. and Xue, Y. (2017) Occurrence of Pasteurella multocida among pigs with respiratory disease in China between 2011 and 2015. Irish Veterinary Journal, 70 : 2.
    26. Maria Rodrigues da Costa, Albert Rovira, Montserrat Torremorell, Rose Mary Fitzgerald, Josep Gasa, Helen O’Shea, Edgar Garcia Manzanilla, 2020. Estimating the Effect of Respiratory Disease on Production Performance in Farrow-to-Finish Pig Farms, 2020. DOI: https://doi.org/10.21203/rs.3.rs-30441/v1.
    27. Merialdi G, Dottori M, Bonilauri P, Luppi A, Gozio S, Pozzi P, et al, 2012. Survey of pleuritis and pulmonary lesions in pigs at abattoir with a focus on the extent of the condition and herd risk factors. Vet J. 2012;193:234–9.
    28. Minna Haimi-Hakala1† , Outi Hälli1*† , Tapio Laurila1 , Mirja Raunio-Saarnisto2 , Tiina Nokireki3 , Taina Laine3 , Suvi Nykäsenoja3 , Kirsti Pelkola3 , Joaquim Segales4,5, Marina Sibila4 , Claudio Oliviero1 , Olli Peltoniemi1 , Sinikka Pelkonen3 and Mari Heinonen, 2017. Etiology of acute respiratory disease in fattening pigs in Finland.. Porcine Health Management (2017) 3:19.
    29. Plasencia-Muñoz B, Avelar-González FJ, De la Garza M, Jacques M, Moreno-Flores A and Guerrero-Barrera AL (2020). Actinobacillus pleuropneumoniae Interaction With Swine Endothelial Cells. Front. Vet. Sci. 7:569370. doi: 10.3389/fvets.2020.569370.
    30. Ruggeri J, Salogni C, Giovannini S, Vitale N, Boniotti MB, Corradi A, Pozzi P, Pasquali P and Alborali GL (2020). Association Between Infectious Agents and Lesions in Post-Weaned Piglets and Fattening Heavy Pigs With Porcine Respiratory Disease Complex (PRDC). Front. Vet. Sci. 7:636.
    31. Sassu EL, Bossé JT, Tobias TJ, Gottschalk M, Langford PR, Hennig-Pauka I., 2018. Update on Actinobacillus pleuropneumoniae-knowledge, gaps and challenges. Transbound Emerg Dis. (2018) 65(Suppl. 1):72–90. doi: 10.1111/tbed.12739.
    32. Sjölund, Marie (2010). Actinobacillus pleuropneumoniae. Diss. (sammanfattning/summary) Uppsala : Sveriges lantbruksuniv., Acta Universitatis Agriculturae Sueciae, 1652-6880 ; 2010:73. ISBN 978-91-576-7518-7 [Doctoral thesis].
    33. Tang X, Zhao Z, Hu J, Wu B, Cai X, He Q, Chen H, 2009. Isolation, antimicrobial resistance, and virulence genes of Pasteurella multocida strains from swine in China. J Clin Microbiol. 2009;47:951–8.
    34. Vu-Khac H, Trinh TTH, Nguyen TTG, Nguyen XT, Nguyen TT. (2020). Prevalence of virulence factor, antibiotic resistance, and serotype genes of Pasteurella multocida strains isolated from pigs in Vietnam, Veterinary World, 13(5): 896-904.
    35. Xu Z, Zhou Y, Li L, Zhou R, Xiao S, et al (2008). Genome Biology of Actinobacillus pleuropneumoniae JL03, an Isolate of Serotype 3 Prevalent in China. PLoS ONE 3(1): e1450. doi:10.1371/journal.pone.0001450.
    36. Wyburn GL, Eamens GJ, Collins, D and Collins AM. 2015. Factors that impact on the expression of respiratory disease in pigs. Final Report. APL Project 2014/447. November 2015.
    37. Yuwapanichsampan S.,  Neramitmansook W.,  Worarach A. and Thongkamkoon P., 2011. Serotypes of Actinobacillus pleuropneumoniae isolated from pigs during 2000-2010 by PCR-RFLP and serology and their antimicrobial susceptibilitiess. Thai-NIAH eJournal: ISSN 1905-5048, http://www.dld.go.th/niah, Volume 6 Number 2: 31-40.
    38. Zhang, B., Ku, X., Yu, X. et al. Prevalence and antimicrobial susceptibilities of bacterial pathogens in Chinese pig farms from 2013 to 2017. Sci Rep 9, 9908 (2019). 

     

     

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.