Công nghệ cấy truyền phôi đã được thực hiện tại các trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung thuộc Tập đoàn TH giai đoạn 2015-2020. Việc ứng dụng thành công công nghệ cao trong sinh sản đã giúp Tập đoàn làm chủ được nguồn giống và nhân giống bò sữa. Sau 5 năm thực hiện, các chỉ tiêu về sinh sản, sinh trưởng phát triển ở đời con sinh ra từ công nghệ phôi rất khả quan, triển vọng và từng bước khẳng định được vị thế của công nghệ cấy phôi trong chăn nuôi bò sữa ở nước ta. Ngoài việc nhập phôi đông lạnh từ Mỹ, tập đoàn đã chủ động sản xuất phôi tươi và phôi đông lạnh, tiến hành cấy phôi trên đàn bò của mình. Kết quả đánh giá hiệu quả của các loại phôi đông lạnh và phôi tươi được tổng hợp như sau: Tỷ lệ đậu thai của phôi tươi (52%) cao hơn phôi đông lạnh (44,5-46,9%); tỷ lệ bê sơ sinh sống ở cả 2 nhóm bê sinh ra từ phôi nhập khẩu và bê sinh ra từ phôi sản xuất tại TH là 92,2-96,5%; khối lượng trung bình sơ sinh không có sự khác nhau nhiều giữa 02 nhóm (33,4-34,2kg); tỷ lệ cai sữa của 2 nhóm trung bình là 94% (92-97%); chiều cao trung bình của bò tơ tại 13, 14, 15 tháng của nhóm bò sinh ra từ phôi nhập khẩu cao hơn 2-3cm so với nhóm bò sinh ra từ phôi sản xuất tại TH. Có sự khác nhau về năng suất sữa 305 ngày giữa 2 nhóm.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trên thế giới hiện nay công nghệ cấy truyền phôi (CTP) được xem là biện pháp đặc biệt trong việc sớm tạo ra những con giống tốt làm hạt nhân của đàn bò sữa, bò thịt. Công nghệ CTP giúp nâng cao nhân nhanh các giống tốt, quý hiếm ra thực tế sản xuất, trên cơ sở khai thác triệt để tiềm năng di truyền của những cá thể cái cao sản; nâng cao khả năng sinh sản, tăng năng suất sữa, thịt, rút ngắn thời gian tuyển chọn giống, vì một con bò cho phôi có thể tạo ra nhiều bê chất lượng cao.
Đánh giá được ưu việt của công nghệ phôi và dựa trên thế mạnh, nguồn lực của mình, năm 2015, Tập đoàn TH đã ký hợp tác với tập đoàn Sexsing Technology Inc, Mỹ để sản xuất thử nghiệm phôi phân ly giới tính tại Nghệ An. Kết quả ban đầu đạt được đáng khích lệ là tiền đề mang lại thành công cho hợp tác này và cũng là động lực cho tập đoàn triển khai nhanh, mạnh công nghệ này vào thực tế sản xuất, góp phần tăng nhanh đàn bò chất lượng cao tai TH.
2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng và địa điểm
Trên đàn bò sữa (bao gồm bò nhận phôi và đàn bê sinh ra từ công nghệ CTP thuộc hệ thống trang trại bò sữa của tập đoàn TH.
2.2. Phương pháp
Quản lý và thu thập số liệu từ phần mềm quản lý đàn Afifarm của Afikim, Israel. Sử dụng phương pháp phân lô so sánh giữa nguồn phôi đông lạnh nhập khẩu, phôi tươi và phôi đông lạnh sản xuất tại trang trại bò sữa thuộc tập đoàn TH.
Sử dụng PG F2α tiêm kích thích động dục cho bò nhận phôi.
Sử dụng phần mềm Minitab 16 để phân tích đánh giá và biểu thị Hình sản lượng sữa.
2.3. Xử lý số liệu
Dữ liệu theo dõi và thu thập được xử lý theo phương pháp thống kê sinh học với dung lượng mẫu n>30. So sánh bằng phép thử χ2 và phép thử Fisher trong những trường hợp tần số lý thuyết nhỏ hơn 5.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Tỷ lệ đậu thai và sẩy thai giữa các nhóm bò được cấy phôi đông lạnh nhập khẩu, phôi tươi và phôi đông lạnh sản xuất tại TH
Qua bảng 1 cho thấy trong giai đoạn nghiên cứu (4/2017 đến 12/2019), tổng số 1.712 phôi, trong đó 1.173 phôi sản xuất tại TH (cả cấy phôi tươi và phôi đông lạnh) và 539 phôi đông lạnh nhập từ Mỹ đã được cấy. Sau khi cấy phôi, chúng tôi tiến hành kiểm tra thai ở 35-41 ngày sau khi chuyển phôi vào tử cung con bò nhận phôi. Những trường hợp nghi ngờ chúng tôi sử dụng máy Scaner để xác nhận thai. Tỷ lệ đậu thai trung bình của 03 loại phôi đạt 47,9%, trong đó phôi đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ đạt 46,9%, phôi đông lạnh được sản xuất tại TH đạt 44,5%. Kết quả này cao hơn kết quả nghiên cứu trước đây của Hoàng Kim Giao và Lưu Công Khánh (2003) cấy phôi trên bò sữa tỷ lệ có chửa là 38,0%. Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Church (1974) công bố tỷ lệ có chửa dao động 35-80% tùy thuộc vào sự đồng pha giữa bò cái cho phôi và nhận phôi. Nhưng, thấp hơn so với kết quả của Lowson và ctv (1975); Church và ctv (1976); Sreenan và Breehan (1976) cho biết nếu bò cái nhận phôi được chọn cẩn thận, thể trạng tốt, chăm sóc nuôi dưỡng chu đáo, trạng thái sinh lý phù hợp với tuổi phôi, tỷ lệ đậu thai đạt 50-60% (Tăng Xuân Lưu và ctv, 2010).
Đối với phôi tươi được sản xuất tại TH, tỷ lệ đậu thai đạt 52%, cao hơn so với phôi đông lạnh (44,5-46,9%), tỷ lệ này tương đương với cấy phôi tươi trên thế giới (50,0-70,0%) được công bố bởi Seidel và ctv (2003).
Kiểm tra thai ở gian đoạn 35-41 ngày sau khi cấy phôi để gieo tinh lại những trường hợp bò động dục lại. Những trường hợp này được coi là bò bị sẩy thai. Tỷ lệ sẩy thai ghi chép được của tất cả ba loại phôi sử dụng trung bình là 14,1% (11,0-17,6%), trong đó tỷ lệ sẩy thai ở phôi đông lạnh sản xuất tại TH cao nhất (17,6%).
3.2. Tỷ lệ bê sơ sinh sống từ cấy phôi nhập khẩu, phôi tươi và động lạnh sản xuất tại TH
Qua bảng 2 cho thấy trong tổng số 1.712 phôi được cấy, có 821 con được xác định mang thai, tỷ lệ đậu thai đạt 44,7%. Đến thời điểm tháng 12 năm 2019, đã có 705 con đẻ, số bê sống là 688 con. Như vậy, tỷ lệ sống của bê sinh ra từ cấy phôi là 94,8%.
Tỷ lệ bê sống sinh ra từ phôi là 94,8%, thấp hơn mục tiêu chung của TH milk (97% tỷ lệ sống sơ sinh). Về tỷ lệ bê sinh ra sống thấp này được giải thích là do toàn bộ phôi chúng tôi cấy trên đối tượng nhận là bò tơ mà tỷ lệ bê sinh ra ở bò tơ thấp hơn so với bò đã đẻ.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ bê sinh ra sống từ phôi tươi (96,5%) cao hơn so với bê sinh ra từ phôi đông lạnh (tỷ lệ giao động từ 92,2 đến 94,9%). Như vậy, với quy trình chăm sóc tại TH, tỷ lệ bê sống đạt được trên 90%.
3.3. Tỷ lệ đực cái và khối lượng sơ sinh của bê sinh ra từ các nguồn phôi và tinh
Theo bảng 3, kết quả nghiên cứu về phôi phân ly giới tính và số lượng bê đực sinh ra không nhiều: ở nhóm FreshTH là 13/274 (4,7%), nhóm FZTH là 11/190 (5,7%) và nhóm ST là 13/205 (6,3%), trong khi đó bò phối tinh thường ở TH Milk là 43,5% trong cùng giai đoạn. Do vậy, trong nghiên cứu này chỉ tập trung phân tích các dữ liệu về sinh trưởng, phát triển của bê cái.
Qua bảng 4 cho thấy, khối lượng sơ sinh của các nhóm bê cái sinh ra từ cấy phôi tương đương nhau, biến động trong 33,11-34,07kg, cao hơn so với bê sinh ra từ phối giống tinh nhập khẩu (29,30kg). Không có sự khác biệt giữa hai loại phôi nhập khẩu và phôi sản xuất tại TH. Bê sinh ra từ cấy phối lớn nhất đạt KL 45kg.
3.4. Tỷ lệ cai sữa của bê cái theo loại phôi
Bê cái sinh ra từ cấy phôi tính đến thời điểm tháng 12 năm 2019 có tỷ lệ cai sữa khá cao, đạt 94% và tỷ lệ cai sữa ở các nhóm bê có khác nhau trong hệ thống trang trại TH (92- 97%).
3.5. Chiều cao của bê sinh ra từ cấy phôi sản xuất tại TH và phôi nhập khẩu
Chiều cao trung bình của bê sinh ra từ cấy phôi ở các độ tuổi 13, 14 và 15 tháng có sự khác nhau: Bê sinh ra từ phôi sản xuất tại TH là 125, 128 và 129cm, thấp hơn so với các giá trị tương ứng 126, 129 và 132cm của phôi nhập khẩu từ Mỹ.
Qua bảng 5 cho thấy rằng, chiều cao vượt trội ở các mốc tuổi của nhóm bò sinh ra từ phôi nhập khẩu so với bò sinh ra từ phôi sản xuất tại TH. Điều này có thể giải thích do bản chất di truyền từ bò cái tạo phôi của TH không cao to bằng bò cái tạo phôi của Mỹ vì có mang nguồn gen của bò New Zealand là nhỏ hơn bò Mỹ.
Hiện tại, tiêu chuẩn chiều cao tối thiểu của bò đủ điều kiện phối giống của TH Truemilk là 123cm. Như vậy, kết quả này đã đạt tiêu chuẩn để phối giống tại TH.
3.6. Tuổi phối giống lần đầu và tuổi đẻ lứa đầu của bê sinh ra từ phôi tươi sản xuất tại TH và phôi đông lạnh nhập khẩu
Nhìn chung, không có sự sai khác đáng kể giữa hai nhóm bò cái tơ sinh ra từ phôi tươi sản xuất tại TH và phôi đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ về 2 chỉ tiêu: tuổi phối giống lần đầu (TPGLĐ) và tuổi đẻ lứa đầu (TĐLĐ).
3.7. Sản lượng sữa của bò sinh ra từ phôi và tinh nhập khẩu
Để so sánh năng suất sữa giữa các nhóm bò, thông tin về sản lượng sữa và các tháng cho sữa là quan trọng. Để đảm bảo tính trung thực, thời gian đẻ và chu kỳ sữa là tương đương nhau. Ở nghiên cứu này, chỉ sử dụng bò sinh ra từ phôi nhập khẩu và bò sinh ra từ phối giống bằng tinh nhập khẩu có cùng thời gian đẻ từ tháng 01/2019 đến tháng 05/2019 tại các trang trại của TH với số lượng bò tương đương nhau.
3.7.1. Sản lượng sữa trung bình 10 tháng
Sản lượng sữa trung bình 10 tháng của bò đẻ lứa 1 từ tháng 01 đến tháng 05/2019 được đánh giá cho thấy sản lượng sữa có sự khác biệt rất lớn giữa hai nhóm bò: sản lượng sữa của nhóm sinh ra từ phôi nhập khẩu cao hơn so với của bò sinh ra từ tinh nhập khẩu khi chúng cùng có chung thời điểm sống, môi trường sống và chăm sóc nuôi dưỡng của TH. Sự khác nhau về sản lượng sữa giữa 2 nhóm ở tháng đầu tiên là 2,72 kg/ngày. Cả hai nhóm bò này đều đạt đỉnh sữa ở tháng thứ 3 và tại tháng thứ 3 sự khác nhau về sản lượng sữa là 3,65 kg/ngày.
Bắt đầu từ tháng thứ 7, đường cong tiết sữa của chu kỳ sữa ở nhóm bò sinh ra từ phối giống bằng tinh nhập khẩu có xu hướng giảm nhanh hơn so với bò sinh ra từ phôi nhập khẩu, chứng tỏ độ bền của chu kỳ sữa ở nhóm bò sinh ra từ phôi nhập khẩu là tốt hơn.
3.7.2. Năng suất sữa 305 ngày
Hình 2 cho thấy năng suất sữa 305 ngày nhóm bò sinh ra từ phôi nhập khẩu tập trung về phía bên phải so với năng suất sữa nhóm bò sinh ra từ phối giống tinh nhập khẩu ở TH, điều đó có nghĩa là nhiều con trong đàn sinh ra từ phôi nhập khẩu có sản lượng sữa 305 ngày cao hơn so với nhóm bò sinh ra từ phối giống bằng tinh nhập khẩu đẻ ở TH trong cùng thời điểm.
Qua bảng 7 cho thấy sản lượng sữa trung bình chu kỳ 1 của bò sinh ra từ phôi nhập khẩu là 9.502,4 kg/chu kỳ, cao hơn so với bò sinh ra từ phối giống tinh nhập khẩu tại TH (8.422,4 kg/chu kỳ). Sở dĩ có sự khac nhau (1.080 kg/ chu kỳ 305 ngày) giữa 2 nhóm bò đó là do đàn bò sinh ra từ phôi nhập khẩu thì nguồn gen của cả bố và mẹ đều có năng suất sữa cao của Mỹ so với đàn sinh ra từ phối giống tinh nhập khẩu vì đàn bò cái của TH có mang nguồn gen của bò New Zealand nên thể trạng và năng suất sữa thấp hơn so với bò Mỹ. Kết quả này cho thấy nhóm bò sinh ra từ cấy phôi nhập khẩu có năng suất sữa cao hơn nhóm bò sinh ra từ phối giống bằng tinh nhập khẩu, chứng tỏ đàn bò cái giống của TH chưa tốt bằng nguồn gen của phôi nhập từ Mỹ.
4. KẾT LUẬN
Tỷ lệ đậu thai của phôi tươi (52%) cao hơn phôi đông lạnh (44,5-46,9%).
Tỷ lệ bê sơ sinh sống ở 2 nhóm bê sinh ra từ phôi nhập khẩu và phôi sản xuất tại TH đều cao (92,2-96,5%), tuy nhiên vẫn thấp hơn kỳ vọng của TH (>97%).
Khối lượng sơ sinh không có sự khác nhau giữa phôi nhập khẩu và phôi sản xuất tại TH (33,4 và 34,2kg).
Tỷ lệ cai sữa của 02 nhóm bê là 94% (92- 97%).
Chiều cao trung bình của bò cái tại 13, 14, 15 tháng tuổi của nhóm sinh ra từ phôi nhập khẩu cao hơn 2-3cm so với nhóm sinh ra từ phôi sản xuất tại TH.
Sản lượng sữa chu kỳ 1 305 ngày của bò sinh ra từ phôi nhập khẩu là 9.502,4kg, cao
hơn giá trị 8.422,4kg của bò sinh ra từ phối tinh nhập khẩu tại TH cùng thời điểm.
Phạm Tuấn Hiệp1*, Hà Đình Hiệu1, Lê Văn Thiện1,
Trần Trung Mỹ1, Nguyễn Thị Thảo1, Hoàng Kim Giao2 và Từ Quang Hiển3
1 Viện nghiên cứu Chăn nuôi bò sữa TH
2 Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn
3 Đại học Thái Nguyên
- chăn nuôi bò sữa li> ul>
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nghiên cứu axit amin chỉ ra tiềm năng cho chế độ ăn ít protein hơn
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh
- Rối loạn chất lượng thịt ức ở gà thịt hiện đại
- Vỏ yến mạch đang ngày càng phổ biến trong dinh dưỡng gia cầm
- 6 thành phần giàu chất xơ và lợi ích của chúng đối với người chăn nuôi gia cầm
- Lựa chọn chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của gà thịt giống
- 6 điều có thể bạn chưa biết giúp thúc đẩy quá trình tổng hợp protein (tăng cơ bắp) ở heo
- Đất sét trao đổi ion trong thức ăn có thể thể hiện đặc tính kháng sinh
- Nghiên cứu đầu tiên về vi khuẩn nước bọt lợn cho thấy sự biến đổi cao
Tin mới nhất
T6,22/11/2024
- Ký kết hợp tác giữa Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội Thương nhân thịt Singapore
- Ảnh hưởng của chất béo đến năng suất, chất lượng và thành phần axit béo của trứng
- Nhập khẩu lúa mì 10 tháng đầu năm 2024 tăng cả lượng và kim ngạch
- Quảng Ninh: Móng Cái chủ động phòng dịch cho đàn vật nuôi
- Nhập khẩu thịt heo có thể tăng trở lại vào quý IV
- Có hiện tượng một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn tiêu thụ gia súc nhiễm dịch bệnh
- Hiệu quả từ các hầm biogas trong chăn nuôi trong hành trình giảm 30% phát thải khí mê – tan
- Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu
- Nhập khẩu đậu tương 10 tháng đầu năm 2024 trị giá gần 935,84 triệu USD
- Tập đoàn Mavin: 02 trang trại heo đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP (phiên bản S.L.P)
- Hiệu quả từ nuôi vịt xiêm trên sàn lưới
- 147 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới năm 2023: New Hope chiếm giữ vị trí số 1
- Một số ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi
- Nghiên cứu mới giúp gà thả vườn tăng cân, giảm nhiễm bệnh
- Hiệu quả liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công
- Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc heo thịt
- Các quy trình ngoại khoa trên heo con và những vấn đề cần lưu ý
- Bệnh Dịch tả heo châu Phi: Làm tốt An toàn sinh học đến đâu, rủi ro bệnh càng thấp tới đó!
- Quy trình xử lí chuồng trại sau khi bị nhiễm dịch tả heo châu Phi
- Bệnh gạo lợn: Những điều cần biết
Bình luận mới nhất