PigHealth Security-X: Ứng dụng an toàn sinh học mới trong chăn nuôi heo theo hướng an toàn và bền vững - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 56.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi  Vĩnh Phúc 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 55.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 55.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lâm Đồng, Bình Thuận 58.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 57.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 56.000 - 59.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Bến Tre 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Kiên Giang 59.000 đ/kg
    •  
  • PigHealth Security-X: Ứng dụng an toàn sinh học mới trong chăn nuôi heo theo hướng an toàn và bền vững

    ĐẶT VẤN ĐỀ

     

    Ở Việt Nam, thịt heo đóng một tỉ trọng lớn trong nguồn thịt dự trữ quốc gia. Năm 2020, tổng lượng thịt heo chiếm 64,25% trong tổng lượng thịt quan trọng cả nước (GSO, 2020). Chăn nuôi heo được hoạch định phát triển thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại vào năm 2030, tổng đàn đạt từ 29 đến 30 triệu con nhằm đảm bảo an ninh thực phẩm và hướng đến xuất khẩu (Chính phủ Việt Nam, 2019).

     

    Ở thời điểm hiện tại, năng suất và giá thịt heo ở Việt Nam đang thuộc nhóm kém cạnh tranh so với các nước. Áp lực mầm bệnh truyền nhiễm là một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên. Các bệnh truyền nhiễm quan trọng hiện hữu thường xuyên trong đàn heo như Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS), Dịch tả heo cổ điển (CSF), Lở mồm Long móng (LMLM), Tiêu chảy cấp trên heo (PED) và các bệnh do PCV2,…

     

    Những bệnh mới nổi như Dịch tả heo Châu phi (ASF), bệnh do Circovirus type 3 (PCV3) cũng đã và đang trở thành mối nguy cơ tiềm tàng cho ngành chăn nuôi heo (Dixon et al., 2019; Mazur-Panasiuk et al., 2019; Ouyang et al., 2019). Từ khi dịch ASF xuất hiện ở Việt Nam, hơn 6 triệu con heo (năm 2019) và 86.000 con heo (năm 2020) bị chết hoặc bị tiêu huỷ (Ha, 2021). Ngoài ra, các mối đe dọa khác cũng không kém quan trọng trong chăn nuôi heo như sự đề kháng kháng sinh ngày càng phổ biến (Cuong et al., 2016), tồn dư hóa chất sử dụng trong chăn nuôi, và các biến đổi về môi trường khí hậu ngày một gia tăng (Hà, 2017).

     

    Tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề trên là hết sức cấp bách. Trong đó, an toàn sinh học được biết đến là một giải pháp quan trọng có thể ngăn chặn, phòng ngừa và loại trừ các nguy cơ sinh học đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm từ bên ngoài vào trại, giữa các khu vực nuôi trong trại và từ trại này qua trại khác (Dietze and Depner, 2019).

     

    Theo Dewulf and Immerseel (2019), Laanen (2013) và Postma et al (2016), nâng cao an toàn sinh học trong chăn nuôi heo mang lại hiệu quả cao đối với sức khoẻ đàn heo và năng suất chăn nuôi. Ngoài ra, cải thiện an toàn sinh học cũng giúp giảm hiện tượng đề kháng kháng sinh (Postma et al., 2016; Rojo-Gimeno et al., 2016). Ở Việt Nam, an toàn sinh học được xem là chìa khoá phát triển bền vững của ngành chăn nuôi heo, thông qua việc ban hành quy định áp dụng các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt. Kế hoạch Quốc gia về phòng chống và kiểm soát Dịch tả heo Châu Phi theo biện pháp an toàn sinh học cũng được ban hành gần đây (số 972/QĐ-TTg, 7/2020).

     

    Trên thực tế, việc thực hiện an toàn sinh học triệt để và có hiệu quả trong chăn nuôi heo là không dễ dàng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thực trạng chăn nuôi, nguồn lực con người và công cụ hỗ trợ. Đánh giá phân loại mức độ an toàn sinh học và nhận diện nhanh yếu tố nguy cơ trong trại heo cần được thực hiện bởi các chuyên gia có sự am hiểu sâu về an toàn sinh học.

     

    Trong những năm gần đây, một số công cụ ứng dụng công nghệ thông tin  đã hỗ trợ hiệu quả trong đánh giá an toàn sinh học trong chăn nuôi heo; tuy nhiên, các phần mềm được phát triển ở các nước phương tây, nhiều chỉ tiêu đánh giá chưa phù hợp với đặc trưng của chăn nuôi heo ở Châu Á và Việt Nam. Ngoài ra, các phương pháp đánh giá an toàn sinh học truyền thống khác thường được thực hiện trên giấy và thủ công, tốn nhiều thời gian và công lao động và khá bất tiện.

     

    Hơn nữa, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nổi lên liên tục gần đây trong chăn nuôi heo nói riêng và chăn nuôi nói chung dẫn dắt đến sự hình thành tư duy mới “khái niệm an toàn sinh học mới” trong chăn nuôi heo theo hướng an toàn và bền vững hơn. Chính vì thế, mục tiêu của nghiên cứu này là phát triển phần mềm ứng dụng (Pighealth SecurityX) đánh giá cả định tính và định lượng an toàn sinh học phòng bệnh trong chăn nuôi heo theo hướng an toàn và bền vững.

     

    VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP

     

    Thiết kế nghiên cứu chung

     

    Nghiên cứu được thực hiện theo ba nội dung, gồm (1) Xây dựng bộ câu hỏi tiêu chí đánh giá an toàn sinh học, (2) Thiết lập phần mềm ứng dụng Pighealth SecurityX và (3) Ứng dụng Pighealth SecurityX đánh giá tại các trang trại heo. Phần mềm ứng dụng (APP) trong nghiên cứu này được thiết kế với tiếp cận an toàn sinh học truyền thống và hiện đại (Bảng 1).

     

    Ở tiếp cận an toàn sinh học truyền thống, tám yếu tố an toàn sinh học được quan tâm gồm: Vị trí và cấu trúc, Thực hành chăn nuôi, Quản lý, Vector vận chuyển, Vector vật dụng, Vector vật tư chăn nuôi, Vector động vật, Vector thức ăn – nước uống và Vector con người. Ở tiếp cận an toàn sinh học hiện đại, các yếu tố trên được quan tâm theo không gian của trại (an toàn sinh học bên ngoài và bên trong). Hơn nữa, các yếu tố an toàn sinh học bên trong được phân định theo các vùng không gian của trại, được đặt tên là vùng Nguy cơ, vùng Đệm và vùng Sạch (Hình 1).

     

    Vùng Nguy cơ liên quan đến khu vực dơ, có sự hiện hữu của yếu tố chứa nhiều rủi ro từ bên ngoài vào trại, nên là hàng rào cần được bảo vệ đầu tiên. Vùng Đệm là hàng rào bảo vệ thứ hai để đảm bảo các yếu tố nguy cơ được loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh trước khi đi vào vùng Sạch. Vùng Sạch là vùng bảo vệ cuối cùng, tại đây hoạt động chăn nuôi diễn ra an toàn.

     

    Bảng 1. Tiếp cận an toàn sinh học truyền thống và hiện đại

    Tiếp cận truyền thống

    Tiếp cận hiện đại

    Vị trí – Mô hình trại

    An toàn sinh học bên ngoài trại

    Thực hành chăn nuôi tốt

    An toàn sinh học bên trong trại

    ·         Yếu tố Vùng Nguy cơ

    ·         Yếu tố Vùng Đệm

    ·         Yếu tố Vùng Sạch

    Quản lý

    Vector-Vận chuyển

    Vector-Vật dụng, vật tư

    Vector-Động vật khác

    Vector-Thức ăn, nước uống

    Vector-Con người

     

    Hình 1. Mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học mới với ba vùng: Nguy cơ – màu đỏ (1: Khu vực nhà khử trùng phương tiện, khử trùng người và bãi đỗ xe, 2: Khu vực nhà kho, nhà cách ly vật dụng, 3: Khu nhà tiếp khách, 4: Silo cám, 5: Khu vực xử lý phân, nhau thai, nước thải, Biogas, 6: Khu nhập, xuất bán heo. Vùng Đệm – màu vàng (7: Khu nhà sinh hoạt và văn phòng admin, nhà khử trùng người, 8: Nhà cách ly heo nhập). Vùng Sạch – màu xanh (9: Khu nhà heo mang thai và heo nọc, 10: Khu nhà nái đẻ, 11: Khu nhà heo cai sữa và heo thịt)

     

    Xây dựng bộ câu hỏi tiêu chí đánh giá

     

    Phần mềm ứng dụng (App) Pighealth SecurityX được xây dựng dựa trên việc trả lời bộ câu hỏi gồm các biện pháp thực hiện an toàn sinh học. Bộ câu hỏi được tạo ra bằng cách lược duyệt các công trình báo cáo khoa học, tài liệu nghiên cứu từ các trường đại học, hội nghị, chia sẻ từ những chuyên gia và kỹ thuật của các công ty thú y, trang trại đang áp dụng biện pháp an toàn sinh học thành công. “Phương pháp phễu chọn lọc” được sử dụng để chọn ra các thông tin và tài liệu liên quan nhất đến an toàn sinh học.

     

    Phương pháp này được miêu tả bởi Andraud and Rose (2020). Các tài liệu nghiên cứu được thu thập trên các cơ sở dữ liệu Pubmed, Google scholar, Veterinary research bao gồm các bài báo có các thuật ngữ tìm kiếm: “Biosecurity”, “Pig”, “Farm”, “ASF”. Các tài liệu sau đó được lựa chọn nếu liên quan đến các khía cạnh an toàn sinh học, những bài báo cáo trùng lặp, các bài viết liên quan đến khía cạnh vi khuẩn, virus, hoặc miễn dịch học,…sẽ bị loại bỏ. Nghiên cứu nội dung các công trình khoa học đã lựa chọn và nguồn kiến thức liên quan để chọn lọc các chỉ tiêu an toàn sinh học quan trọng trong trang trại để thiết lập ra bộ câu hỏi đánh giá.

     

    Bộ câu hỏi đánh giá tập trung vào an toàn sinh học tổng thể và các yếu tố liên quan đến các con đường lây lan bệnh truyền nhiễm (Bảng 1). Bộ câu hỏi đánh giá được thiết kế phù hợp với từng mô hình trang trại; những câu hỏi không phù hợp với mộ hình trang trại cụ thể sẽ được loại bỏ đi. Mỗi câu hỏi đánh giá có từ hai đến ba đáp án lựa chọn. Câu trả lời có thể mang tính định tính (có hoặc không) hoặc định lượng cụ thể. Mỗi đáp án trả lời sẽ có điểm từ 0 (khi biện pháp an toàn sinh học không được thực hiện hoặc câu trả lời là kém tối ưu nhất) đến 0,5 (khi biện pháp an toàn sinh học được thực hiện đầy đủ hoặc tối ưu nhất).

     

    Dựa trên mức độ quan trọng của câu hỏi đánh giá, điểm số có thể được nhân với một trọng số. Trọng số của câu hỏi sẽ được xem xét dựa trên ý kiến của chuyên gia. Trọng số cao khi câu hỏi đánh giá có tính chất quan trọng, tần suất vi phạm lớn và khả năng khắc phục khó khăn. Điểm kết quả đánh giá có thể từ 0% (trại hoàn toàn không áp dụng biện pháp an toàn sinh học) đến 100% (trại áp dụng đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học). Kết quả hiển thị của APP bao gồm số điểm trại đạt được bằng đơn vị phần trăm (%) được tính bằng cách lấy số điểm trại đạt được chia cho tổng số điểm tối đa của yếu tố được đánh giá. APP không đưa ra kết quả tổng điểm cho toàn bộ quá trình đánh giá, thay vào đó APP đưa ra kết quả đánh giá cho từng yếu tố an toàn sinh học riêng biệt. Tóm lại, APP có 165 câu hỏi đánh giá, tổng điểm tối đa đạt được cho toàn bộ câu hỏi là 100 điểm.

     

    Thiết lập phần mềm ứng dụng

     

    Phần mềm xây dựng APP chạy trên hệ điều hành IOS và Android. Ngôn ngữ lập trình trên điện thoại thông minh và viết phần mềm ứng dụng bằng ngôn ngữ Dart và sử dụng Framwork (là các đoạn code đã được viết sẵn, cấu thành nên một bộ khung và các thư viện lập trình được đóng gói) là Flutter. Các bước để viết phần mềm ứng dụng PigHealth Security-X gồm: Bước 1, xây dựng database cho phần mềm ứng dụng dựa trên bộ câu hỏi do nhóm đề tài cung cấp; Bước 2, thực hiện phát triển phần mềm ứng dụng gồm các nội dung Đăng nhập, Đánh giá các chỉ tiêu an toàn sinh học; và Bước 3, kiểm tra hoạt động và hình thức của phần mềm ứng dụng.

     

    Ứng dụng đánh giá tại các trang trại heo

     

    Để đánh giá sự hiệu quả của phần mềm Pighealth SecurityX trên thực địa, khảo sát được thực hiện tại các trang trại heo. Ba mươi trang trại heo được chọn để đánh giá an toàn sinh học bằng Pighealth SecurityX. Trại khảo sát gồm mô hình trại heo nái sinh sản nuôi từ heo con theo mẹ đến cai sữa, và trại heo thịt nuôi giai đoạn từ cai sữa đến bán thịt.

     

    Ngoài ra, ba mươi trang trại trên cũng được chia theo quy mô, gồm mười trại có quy mô lớn và hai mươi trại có quy mô vừa; quy định phân chia quy mô trang trại được đề cập trong thông tư 13/2020/NĐ-CP 20/01/2020. An toàn sinh học được đánh giá bằng cả cách tiếp cận truyền thống và hiện đại, tất cả kết quả sẽ được lưu lại trên hệ thống và báo cáo theo dạng tệp excel để phân tích dữ liệu sâu hơn.

     

    Chủ trang trại, cán bộ thú y quản lý trại và nhân viên dịch tễ trại sẽ cung cấp thêm các thông tin về tình hình dịch bệnh của trại bao gồm số ca bệnh ghi nhận trong từng nhóm bệnh (bệnh hô hấp, bệnh tiêu hoá, bệnh khớp, bệnh thần kinh, bệnh về dạ, viêm vú và rối loạn sinh sản), số ca bệnh trong đàn được quy đổi thành tỷ lệ phần trăm. Số liệu sau đó sẽ được phân tích để xem xét mối liên hệ giữa điểm an toàn sinh học của trại và tỷ lệ bệnh của trại trong năm qua.

     

    Xử lý số liệu

     

    Dữ liệu sẽ được lưu trữ và xử lý bằng phần mềm Microsoft Excel 2016. Sự khác biệt giữa điểm trung bình của các tiêu chí đánh giá an toàn sinh học được đánh giá bằng phương pháp T-test; Mối tương quan giữa điểm an toàn sinh học và tỷ lệ bệnh của trại sẽ được đánh giá bằng phương pháp Pearson Correlation bằng phần mềm R.

     

    KẾT QUẢ

     

    Kết quả xây dựng bộ câu hỏi tiêu chí đánh giá an toàn sinh học

     

    Bộ câu hỏi được thiết kết với phần đầu là các câu hỏi liên quan đến thông tin chung của trại bao gồm: Tên trang trại; Địa chỉ trang trại; Diện tích trang trại; Cơ cấu đàn gồm số lượng từng nhóm heo (heo nái, heo nọc, heo thịt, heo con theo mẹ, heo cai sữa); Và năm xây dựng trại. Bộ câu hỏi đánh giá bao gồm 165 câu hỏi với tổng điểm tối đa đạt được là 100. Cấu trúc chung của bộ câu hỏi gồm câu hỏi chỉ tiêu đánh giá; Các đáp án lựa chọn cho chỉ tiêu; Phần điểm cho từng đáp án lựa chọn tương ứng; Nhận xét đưa ra ứng với từng đáp án lựa chọn; Và giải pháp khắc phục cho những đáp án chưa phải tối ưu nhất.

     

    Tuỳ thuộc vào cơ cấu đàn, bộ câu hỏi sẽ xuất hiện những câu hỏi chỉ tiêu phù hợp với mô hình chăn nuôi cụ thể, những câu hỏi không liên quan đến mô hình chăn nuôi sẽ được loại bỏ và điểm số cho câu hỏi đó cũng không được sử dụng cho việc đánh giá. Bộ câu hỏi chỉ tiêu đánh giá bao gồm các câu hỏi chính và câu hỏi phụ. Những câu hỏi phụ xuất hiện để làm rõ hơn đáp án lựa chọn cho câu hỏi chính. Vì thế, câu hỏi phụ chỉ xuất hiện khi đáp án lựa chọn ở câu hỏi chính chưa miêu tả đầy đủ mức độ an toàn sinh học và cần thêm câu hỏi phụ để làm rõ hơn khía cạnh đánh giá. Những câu hỏi chỉ tiêu đánh giá liên quan đến bệnh Dịch tả heo Châu Phi (ASF) sẽ được làm nổi bật hơn để nhấn mạnh các tiêu chí đánh giá có liên quan mật thiết đến con đường lây lan của bệnh. Chi tiết cụ thể bảng câu hỏi được miêu tả trong bảng 2.

     

    Bảng 2. Tổng số câu hỏi và số điểm tương ứng cho từng mục đánh giá an toàn sinh học

    Tiếp cận truyền thống

    Tiếp cận hiện đại

    Đối tượng

    Số câu hỏi

    Điểm

    Đối tượng

    Số câu hỏi

    Điểm

    Vị trí – Mô hình trại

    46

    27,5

    Yếu tố bên ngoài Trại

    32

    19

    Thực hành chăn nuôi tốt 

    43

    25,5

    Yếu tố vùng nguy cơ Trại

    30

    18

    Quản lý

    13

    6,5

    Yếu tố vùng đệm Trại

    40

    25,5

    Vector-Vận chuyển

    12

    7,5

    Yếu tố vùng sạch Trại

    Tổng

    63

    165

    37,5

    100

    Vector-Vật dụng, vật tư

    22

    14,5

    –   Khu chuồng nái bầu 

    55

    32,5

    Vector-Động vật khác

    6

    3,5

    –   Khu chuồng nái đẻ

    53

    31

    Vector-Thức ăn, nước uống

    10

    6,5

    –   Khu chuồng heo cai – thịt

    54

    33,5

    Vector-Con người

    13

    8,5

    –   Khu chuồng heo nọc

    –   Khu chuồng cách ly

    53

    59

    31,5

    36

    Tổng

    165

    100

     

     

     

     

    Thiết lập phần mềm ứng dụng Pighealth SecurityX

     

    Phần mềm Pighealth SecurityX được công bố trên kho phần mềm Appstore lần đầu tiên vào ngày 27 tháng 01 năm 2022. Phần mềm có thể được tải xuống và đăng ký miễn phí. Có hai phương thức đăng ký tài khoản: đăng ký giành cho chủ trại và cho nhân viên. Chủ trại có thể theo dõi tình trạng an toàn sinh học của toàn trại trong khi đó các nhân viên trong trại chỉ có thể theo dõi lịch sử điểm an toàn sinh học do mình đánh giá. Sau khi đăng nhập tài khoản vào ứng dụng, giao diện lịch sử đánh giá xuất hiện nếu như trước đó người sử dụng đã từng đánh giá an toàn sinh học. Toàn bộ thông tin sẽ được lưu trữ lại trên một hệ thống và có thể kiểm tra dễ dàng. Để bắt đầu thực hiện khảo sát, người sử dụng phải đăng ký tạo trang trại, bao gồm các thông tin: Tên trại, địa chỉ, tỉnh, diện tích (m2), số nhân viên và năm xây dựng.

     

    Mô hình chăn nuôi được nhận diện thông qua việc điền vào cơ cấu đàn (số lượng heo nái, heo con theo mẹ, heo nọc, heo thịt, heo cai sữa), các câu hỏi chỉ tiêu không phù hợp với mô hình chăn nuôi sẽ bị ẩn đi, và điểm số cho các câu hỏi đó cũng sẽ không được sử dụng để đánh giá mức độ an toàn sinh học.

    Hình 2. Giao diện màn hình đăng nhập thông tin, đăng ký sử dụng, và chọn hình thức đánh giá tại APP (A, B và C) và Giao diện trình bày kết quả sau khi hoàn thiện việc đánh giá (D).

     

    Cấu trúc của phần mềm Pighealth SecurityX tương tự như thiết kế chung với hai lựa chọn đánh giá an toàn sinh học: tiếp cận truyền thống và tiếp cận hiện đại. Phương thức tiếp cận truyền thống bao gồm tám khía cạnh khác nhau của an toàn sinh học như đã đề cập bên trên. Phương thức tiếp cận hiện đại bao gồm đánh giá an toàn sinh học bên ngoài và bên trong. Phần đánh giá an toàn sinh học bên trong được chia thành các khu vực Nguy cơ, Đệm và Sạch. Trong vùng Sạch có các hệ thống chuồng nuôi khác nhau, tuy thuộc vào mô hình trang trại mà chủ trại sẽ lựa chọn hệ thống chuồng phù hợp.

     

    Người sử dụng phải trả lời toàn bộ câu hỏi ở mỗi phần đánh giá. Các câu hỏi phụ sẽ tự động hiện ra phù hợp, các câu hỏi liên quan đến bệnh ASF sẽ được bôi đỏ và tô đậm để làm nổi bật. Sau khi trả lời toàn bộ câu hỏi, màn hình hiển thị kết quả sẽ xuất hiện. Kết quả của APP bao gồm điểm số an toàn sinh học tính theo đơn vị phần trăm. Kết quả chi tiết cho từng câu hỏi đánh giá cũng được hiển thị khi người dùng lựa chọn “Xem chi tiết”. Trong mục xem chi tiết, người dùng có thể lựa chọn xem lại các chỉ tiêu cần cải thiện hoặc toàn bộ các chỉ tiêu đánh giá vừa thực hiện. Những câu hỏi chỉ tiêu chưa được thực hiện tốt sẽ được biểu hiện bằng màu đỏ hoặc vàng, những chỉ tiêu đánh giá mà trại làm tốt sẽ được biểu hiện bằng màu xanh. Ngoài ra, mỗi chỉ tiêu sẽ xuất hiện nhận xét cho từng câu lựa chọn trả lời, và giải pháp khắc phục nếu câu lựa chọn trả lời chưa phải tối ưu nhất; vì thế, người sử dụng sẽ nhận ra những khía cạnh nào cần phải được cải thiện và làm sao để cải thiện phù hợp. Kết quả sẽ được lưu lại vào hệ thống, theo dõi, và so sánh cho lần đánh giá sau này. Một biểu đồ “hình mạng nhện” được sử dụng để mô tả điểm số đạt được và tình trạng an toàn sinh học của trại. Kết quả của cuộc đánh giá cũng có thể được gửi đến người khác qua thư điện tự, nếu người sử dụng muốn.

     

    Kết quả ứng dụng Pighealth SecurityX tại các trại heo

     

    Kết quả khảo sát ở các trại heo cho thấy những trại có điểm an toàn sinh học cao hơn khi đánh giá bởi Pighealth SecurityX có tỷ lệ bệnh ở trại thấp hơn có ý nghĩa (P < 0,05) so với những trại có điểm an toàn sinh học thấp hơn. Kết quả trên cũng tương đồng với những kết luận của Dewulf và Immerseel (2019) về mối tương quan giữa an toàn sinh học và mức độ bệnh ở trang trại. Nếu xét trên khía cạnh quy mô, những trại quy mô lớn có điểm an toàn sinh học cao hơn những trại có quy mô vừa (P < 0,05). Ở các trại heo nái, điểm an toàn sinh học trung bình cao hơn so với các trại heo thịt (P < 0,05).Tỷ lệ bệnh của các trại quy mô lớn thấp hơn so với trại có quy mô vừa, đặc biệt ở nhóm bệnh hô hấp và tiêu hoá (P < 0,05). Theo mô hình trại, các trại heo nái sinh sản có tỷ lệ bệnh thấp hơn ở nhóm bệnh hô hấp và tiêu hoá (P < 0,05).

     

    Bảng 3a. Điểm trung bình của các trang trại theo mô hình chăn nuôi và quy mô

    hình trại

    Số trại

    % Điểm ATSH

    Tỷ lệ bệnh khảo sát

    Hô hấp

    Tiêu hóa

    Bệnh khác

    Trại heo nái

    6

    87,34a

    12,22a

    21,11a

    12,73a

    Trại heo thịt

    24

    70,95b

    32,08b

    28,75b

    8,89b

    Tổng

    30

    74,23

    28,11

    27,22

    9,66

    a,b là kí hiệu khác nhau cho thấy sự khác biệt về thống kê (P < 0,05)

     

    Bảng 3b. Điểm trung bình của các trang trại theo mô hình chăn nuôi và quy mô

    Quy mô trại

    Số trại

    % Điểm ATSH

    Tỷ lệ bệnh khảo sát

    Hô hấp

    Tiêu hóa

    Bệnh khác

    Trại lớn

    10

    86,79a

    17,33a

    23,67a

    10,97

    Trại vừa   

    20

    67,94b

    33,50b

    29,00b

    9,00

    Tổng

    30

    74,23

    28,11

    27,22

    9,66

    a,b là kí hiệu khác nhau cho thấy sự khác biệt về thống kê (P<0,05)

    Hình 3. Sự tương quan giữa điểm an toàn sinh học (biosecurity score) và tỷ lệ bệnh ở trại (morbidity) qua đánh giá bởi Pighealth SecurityX;

    (R= -0,715; P < 0,05)

     

    THẢO LUẬN

     

    Thực thi đầy đủ an toàn sinh học ở trại chăn nuôi đang là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa sự xâm nhập mầm bệnh từ bên ngoài vào trong trại cũng như sự lây lan mầm bệnh giữa các khu vực khác nhau trong trại chăn nuôi. Tuy nhiên, việc đánh giá an toàn sinh học trong trại chăn nuôi hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và chưa có tính thống nhất để tìm ra các lỗ hỗng nhằm hoàn thiện việc thực thi an toàn sinh học. Nghiên cứu phát triển phần mềm Pighealth Security-X góp phần giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trước đây. Ứng dụng hướng đến các nhà chăn nuôi với nhiều loại mô hình và quy mô chăn nuôi khác nhau.

     

    Nguồn tài liệu tham khảo cho bộ câu hỏi đánh giá là sự kết hợp giữa các tài liệu nước ngoài với những cập nhật và cải tiến trong an toàn sinh học của các nước có nền nông nghiệp phát triển với đặc điểm chăn nuôi, môi trường và đặc điểm dịch tễ đặc trưng của nước ta. Bộ câu hỏi được trình bày bằng văn phong gần gũi với người Việt. Sự rõ ràng, dễ hiểu và thời gian đánh giá thuận tiện được người chăn nuối đánh giá cao. Ngoài ra, nội dung nhận xét cho từng đáp án lựa chọn và khắc phục lỗi giúp người chăn nuôi nhìn nhận vấn đề đang gặp phải và có hướng cải thiện các vấn đề còn tồn tại ở trại của mình.

     

    Phần mềm ứng dụng được thiết kế với giao diện thân thiện, dễ hiểu, và toàn bộ quá trình đánh giá được thực hiện trên điện thoại thông minh có kết nối internet giúp tối ưu hoá các thao tác thực hiện, người dùng có thể đăng ký tài khoản qua thư điện tử trước khi bắt đầu thực hiện đánh giá. Tuy nhiên, đối với những trang trại ở ngoài vùng phủ sóng, việc tiếp cận internet còn khó khăn, hoặc những hộ nông dân ít tiếp cận với công nghệ thông tin, việc sử dụng phần mềm đánh giá gây ra một số trở ngại.

     

    Vấn đề về bảo mật thông tin và chính sách bảo mật cần được chú trọng, có cam kết là việc cần được quan tâm. Các vấn đề này tiếp tục được điều chỉnh, cải thiện để phần mềm mang lại giá trị cao nhất cho người chăn nuôi. Kết quả đánh giá ứng dụng tại các trang trại phần đã chứng minh điểm an toàn sinh học đánh giá bởi ứng dụng Pighealth Security-X là đáng tin cậy. Kết quả khảo sát bước đầu, những trại có điểm an toàn sinh học cao có sức khoẻ đàn heo tốt hơn. Các trại nuôi heo nái có mức điểm an toàn sinh học cao hơn do có sự áp dụng quy trình an toàn sinh học nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn. Các trang trại quy mô lớn có điểm an toàn sinh học cao hơn và tỷ lệ bệnh của các trang trại này thấp hơn nhiều so với các trang trại quy mô vừa. Kết quả chỉ ra rằng các trang trại có quy mô lớn hơn có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào an toàn sinh học, khả năng bảo vệ trại khỏi các yếu tố nguy cơ dịch bệnh cao hơn. Tuy vậy, để đánh giá chính xác hơn về kết quả điểm do ứng dụng đưa ra, cần có những nghiên cứu thêm về năng suất và mức độ sử dụng kháng sinh trong trang trại cũng như trên địa bàn khác với quy mô trang trại và mô hình chăn nuôi đa dạng hơn. An toàn sinh học trong chăn nuôi là việc áp dụng tổng hợp các biện pháp/hoạt động có liên quan nhằm giảm nguy cơ đưa tác nhân gây bệnh vào trại hay một khu vực nào đó và giảm nguy cơ phát tán tác nhân gây bệnh (Madec et al., 2010). Mức độ an toàn sinh học thường được đánh giá bằng mức độ áp dụng các biện pháp cụ thể.

     

    Kết luận

     

    Phần mềm ứng dụng Pighealth Security-X được xây dựng cung cấp cho người chăn nuôi một công cụ hiệu quả để đánh giá mức độ an toàn sinh học và giải pháp khắc phục cho trang trại theo hướng an toàn sinh học mới. Phần mềm có các đặc điểm ưu việt giúp quá trình đánh giá trở nên tiện lợi và nhanh chóng hơn. Kết quả đánh giá an toàn sinh học của ứng dụng Pighealth Security-X là đáng tin tưởng, có sự tương quan có ý nghĩa với tình trạng sức khỏe của đàn heo.

     

    Nguyễn Hữu Doanh, Lại Thị Thanh Tuyền, Lê Ngọc Văn,

    Lê Thị Hồng Nhớ, Ngô Trọng Phúc, Võ Thị Huệ,

    Dư Đại Phong và Đỗ Tiến Duy*

    *duy.dotien@hcmuaf.edu.vn;

    Khoa Chăn Nuôi Thú y – Trưng Đi hc Nông Lâm Tp. HCM

     

    Tài liệu tham khảo

     

    Andraud, M., Rose, N., 2020. Modelling infectious viral diseases in swine populations: a state of the art. Porc Health Manag 6, 22. https://doi.org/10.1186/s40813-020-00160-4

    De Lorenzi, G., Borella, L., Alborali, G.L., Prodanov-Radulović, J., Štukelj, M., Bellini, S., 2020. African swine fever: A review of cleaning and disinfection procedures in commercial pig holdings. Research in Veterinary Science 132, 262–267. https://doi.org/10.1016/j.rvsc.2020.06.009

    Dewulf, J., Immerseel, F.V., 2019. Biosecurity in Animal Production and Veterinary Medicine. CABI.

    Dietze, K., Depner, K., 2019. Role of biosecurity in protecting farms against ASF 14.

    Dixon, L.K., Sun, H., Roberts, H., 2019. African swine fever. Antiviral Research 165, 34–41. https://doi.org/10.1016/j.antiviral.2019.02.018

    GSO [WWW Document], 2019. URL https://bitly.com.vn/5dlns1 (accessed 9.1.21).

    Hà L., 2017. Trộn hoá chất trong thức ăn chăn nuôi: Làm ăn gian dối, coi thường sức khoẻ người tiêu dùng [WWW Document]. URL https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/tron-hoa-chat-trong-thuc-an-chan-nuoi-lam-an-gian-doi-coi-thuong-suc-khoe-nguoi-tieu-dung-582399.ldo (accessed 4.1.22).

    Ha, T., 2021. Livestock of pig has recovered [WWW Document]. General Statistics Office of Vietnam. URL https://www.gso.gov.vn/en/data-and-statistics/2021/04/livestock-of-pig-has-recovered/ (accessed 4.1.22).

    Ingelheim, B., 2018. A tool to aid in the prevention of African swine fever [WWW Document]. Boehringer Ingelheim. URL https://www.boehringer-ingelheim.com/press-release/tool-aid-prevention-african-swine-fever (accessed 4.1.22).

    Introducing ‘Biocheck.ugent’: a unique scoring system that gives farmers the necessary insights to keep both their animals and businesses healthy. [WWW Document], 2021. . EuropeanPork. URL https://www.europeanpork.eu/news/introducing-biocheck-ugent-a-unique-scoring-system-that-gives-farmers-the-necessary-insights-to-keep-both-their-animals-and-businesses-healthy/ (accessed 4.1.22).

    Laanen, M., 2013. Relationship between biosecurity and production/antimicrobial treatment characteristics in pig herds. The Veterinary Journal 5.

    Madec, F., Hurnik, D., Porphyre, V., Cardinale, E., 2010. Good practices for biosecurity in the pig sector : issues and options in developing and transition countries.

    Mazur-Panasiuk, N., Żmudzki, J., Woźniakowski, G., 2019. African Swine Fever Virus – Persistence in Different Environmental Conditions and the Possibility of its Indirect Transmission. J Vet Res 63, 303–310. https://doi.org/10.2478/jvetres-2019-0058

    Ouyang, T., Niu, G., Liu, X., Zhang, X., Zhang, Y., Ren, L., 2019. Recent progress on porcine circovirus type 3. Infection, Genetics and Evolution 73, 227–233. https://doi.org/10.1016/j.meegid.2019.05.009

    Postma, M., Backhans, A., Collineau, L., Loesken, S., Sjölund, M., Belloc, C., Emanuelson, U., Grosse Beilage, E., Stärk, K.D.C., Dewulf, J., 2016. The biosecurity status and its associations with production and management characteristics in farrow-to-finish pig herds. Animal 10, 478–489. https://doi.org/10.1017/S1751731115002487

    Rojo-Gimeno, C., Postma, M., Dewulf, J., Hogeveen, H., Lauwers, L., Wauters, E., 2016. Farm-economic analysis of reducing antimicrobial use whilst adopting improved management strategies on farrow-to-finish pig farms. Preventive Veterinary Medicine 129, 74–87. https://doi.org/10.1016/j.prevetmed.2016.05.001

    Van Cuong, N., Nhung, N.T., Nghia, N.H., Mai Hoa, N.T., Trung, N.V., Thwaites, G., Carrique-Mas, J., 2016. Antimicrobial Consumption in Medicated Feeds in Vietnamese Pig and Poultry Production. EcoHealth 13, 490–498. https://doi.org/10.1007/s10393-016-1130-z

    Và rất nhiều tài liệu tham khảo khác được lược duyệt trong (sách, báo cáo, ý kiến chuyên gia,…) và ngoài nước (cơ sở dữ liệu Pubmed, Google scholar, Veterinary research,…) phục vụ cho quá trình xây dựng bộ câu hỏi.

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.