Tính hiếu chiến ở lợn - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 67.000 - 69.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội 69.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Yên Bái 68.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lào Cai 67.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 64.000 - 68.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 64.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 67.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Ninh Thuận 66.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 63.000 - 67.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 67.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Cần Thơ 66.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Trà Vinh 63.000 đ/kg
    •  
  • Tính hiếu chiến ở lợn

    [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Xung đột là “nhóm hành vi bao gồm tấn công, chạy trốn, đe dọa, phòng thủ và xoa dịu”. Xung đột thường xảy ra khi nhập bầy để đạt được vị trí thống trị và có thể tiếp diễn sau đó nhưng thời gian xung đột ngắn và thường xuyên hơn. Xung đột là bản năng hung hăng/hiếu chiến của lợn. Việc này thường được lưu ý trong hệ thống nuôi nhóm.

     

     

    Lợn được nuôi theo nhóm sẽ được hưởng phúc lợi cao do được tự do vận động, thể hiện tập tính bầy đàn và chọn lựa nơi ngủ nghỉ… Tuy vậy, ở góc độ nào đó vẫn có mặt tiêu cực của nó. Một trong những thách thức lớn nhất khi nuôi nhóm là việc giải quyết hậu quả do tính hung hăng/hiếu chiến của lợn gây nên.

     

    Nuôi nhóm cho phép lợn tự do đi lại, vận động và tương tác nhau. Mặc khác, công tác quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và tính hiếu chiến của lợn có thể tăng. Tính hiếu chiến thể hiện qua một nhóm hành vi như húc vào phần đầu hoặc vào phần thân/cắn vào bất kỳ bộ phận nào của lợn khác, rượt đuổi/chèn ép/đẩy vai và/hoặc nâng lợn khác lên bằng đầu dẫn đến các chấn thương, căng thẳng và gián tiếp làm giảm năng suất chăn nuôi. Các chấn thương từ mức nhẹ đến nghiêm trọng gây đau đớn, sợ hãi, nhiễm trùng, què quặt, sẩy thai, tử vong và có liên quan trực tiếp đến năng suất/phúc lợi động vật ở góc độ nhìn nhận khác.

     

    Bài viết này sẽ đề cập đến các giải pháp cần được xem xét để hạn chế căng thẳng hoặc tổn thương gây ra do các hành vi hung hăng/tính hiếu chiến ở lợn gây nên.

     

    Lợn nái

     

    Hành vi gây hấn: rất phổ biến ở lợn nái thường bị chi phối bởi các mối quan hệ và thứ bậc giữa các cá thể trong đàn. Các hành vi hung hăng ở lợn nái bao gồm cắn, đuổi và ngăn cản lợn khác tiếp cận nguồn tài nguyên như thức ăn, nước uống, hoặc vị trí ưa thích trong chuồng. Sự phân cấp hoặc xếp hạng trong đàn có liên quan đến các hành vi gây hấn, thường xảy ra trong vòng 3-72 giờ sau khi ghép đàn. Những con lợn hung hăng chiếm ưu thế trong việc giành quyền ưu tiên tiếp cận với các nguồn tài nguyên thường được phân loại thành nhóm “thống trị” trong hệ thống được mặc định phân cấp. Ngược lại, những con lợn ít hoặc không gây hấn, không lấn át những con lợn khác thường kém thành công trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên/ưu tiên được phân loại thành nhóm “phục tùng”.

     

    Mức độ hung hăng và thứ hạng: việc ghép đàn rất phổ biến đối với lợn, lần đầu tiên là thời điểm ngay sau khi cai sữa, lần ghép thứ hai hoặc thứ ba có thể tiến hành ở các giai đoạn sau đến khi xuất chuồng. Hệ thống phân cấp cũng thay đổi sau mỗi đợt ghép đàn. Sự hung hăng ở cả lợn con và lợn nái đạt đỉnh điểm trong vòng 2 giờ sau khi ghép và giảm đáng kể khi có sự phân cấp trong đàn. Những con lợn hung hăng thường chiến đấu để tranh giành quyền thống trị ở đàn mới. Phần lớn các trận đánh xảy ra trong vòng 2-3 ngày sau khi ghép đàn ở ở lợn con và lợn nái khô. Một số lợn nái có ưu thế sau khi ghép đàn vẫn tiếp tục gây hấn với những con có thứ hạng thấp hơn và hành vi hung hăng của chúng có thể kéo dài trong suốt quá trình mang thai. Hành vi gây hấn sau khi phân cấp thường xảy ra do cạnh tranh nguồn thức ăn hạn chế trong giai đoạn mang thai. Những con nái thành công trong việc đạt được vị trí thống trị sau khi phối giống sẽ giảm nhu cầu xung đột sau đó, dẫn đến việc giảm bớt sự hung hăng trong đàn. Mặc dù thứ hạng được thiết lập tương đối nhanh chóng nhưng nếu các hành vi hung hăng vẫn được tiếp tục sẽ gây ảnh hưởng đến phúc lợi động vật và năng suất chăn nuôi. Các vết trầy xước trên da thể hiện thứ hạng và mức độ hung hăng của lợn. Tần suất tổn thương da đạt đỉnh điểm sau khi ghép đàn và giảm dần sau đó. Số lượng và vị trí các vết thương trên da cũng được dùng để phân biệt thứ hạng trong đàn của lợn. Những con tránh gây hấn thường ít bị thương hơn. Những con chủ động tấn công thường có thương tích ở 1/3 phần trước của cơ thể trong khi những con bị bắt nạt có nhiều vết thương tập trung ở phần sau của cơ thể (bị tấn công khi đang rút lui). Những con lợn nái hung hăng sau khi ghép đàn thường có thương tích ở phần đầu và tình hình này kéo dài hơn 10 tuần sau đó. Tuy nhiên, các tổn thương ở phần giữa hoặc phần sau cơ thể của heo nái không liên quan đến hành vi hung dữ sau khi ghép đàn.

     

    Mật độ nuôi: có liên quan đến hành vi hung hăng của lợn nái. Sau khi ghép đàn, sự hung hăng của lợn nái giảm đi khi nuôi ở mật độ 1-3 m2/nái. Trong không gian hạn chế, những con nái ưu thế có thể độc chiếm các khu vực ưa thích trong chuồng.

     

    Di truyền: là một trong những yếu tố góp phần vào hành vi hung dữ của lợn nái tuy rằng hệ số di truyền (h2) khá thấp (0,24-0,42).

     

    Thời gian mang thai và lứa đẻ: các hành vi hung hăng của lợn nái xuất hiện nhiều hơn trong khi mang thai so với giai đoạn giữa các lần mang thai. Sự phân cấp (thứ hạng) trong đàn có liên quan với khối lượng cơ thể (những con nặng hơn và già hơn thường có ưu thế hơn) và kinh nghiệm (số lứa đẻ của nái). Ở những đàn có lứa đẻ đồng đều, hành vi hung hăng của nái dễ dự đoán hơn so với nái hậu bị. Quá trình phân cấp của các cá thể trong đàn cũng nhanh hơn so với lợn nái hậu bị và lợn thịt. Lợn nái hậu bị hoặc những con nái đẻ 1-2 lứa đầu tiên sẽ ít hung hăng khi ở chung những con quen thuộc (đã ở cùng nhau 4-6 tuần trước đó).

     

    Qui mô đàn: sự khác biệt có thể dễ nhận diện đối với đàn 20 đến 30 con và dễ can thiệp. Tuy nhiên, ở những đàn lớn hơn, việc nhận dạng giữa các cá thể trở nên khó khăn, gây nguy hiểm cho những con dễ bị bắt nạt.

     

    Máng ăn: nếu cho ăn trên sàn, những con nái thống trị thường độc chiếm khu vực có thức ăn. Kết quả là, những con nái có thứ hạng thấp hơn không thể tiếp cận nguồn thức ăn. Điều này làm cho chúng chậm tăng cân trong suốt giai đoạn mang thai. Đối với các kiểu chuồng này thì nên cho lợn ăn nhiều lần thay vì một lần mỗi ngày. Khi khẩu phần thức ăn được chia thành nhiều đợt, sự gây hấn ở những con chiếm ưu thế có thể giảm đi. Có nhiều hệ thống máng ăn được thiết kế để giảm thiểu sự xung đột/hành vi hung hăng ở lợn như (i) Hệ thống cho ăn trên sàn: đòi hỏi vốn đầu tư thấp nhất nhưng đòi hỏi mức độ quản lý cao. Theo các chuyên gia, nên xây các dải phân cách trong chuồng để lợn có đủ không gian rút lui khỏi những cuộc tấn công (Hình 1); (ii) Cũi ăn không có cổng: thức ăn được cung cấp với một lượng bằng nhau cho mỗi cũi. Các vách ngăn giúp bảo vệ đầu và vai của lợn nái, giúp giảm bớt các thương tích do gây hấn (Hình 2). Cung cấp thức ăn ướt hoặc sử dụng hệ thống cho ăn nhỏ giọt giúp làm chậm tốc độ ăn của lợn nái cũng sẽ giúp giảm bớt các tương tác tiêu cực; (iii)  Hệ thống máng ăn điện tử (electronic sow feeder, ESF): là giải pháp cho phép kiểm soát tốt nhất lượng ăn vào của lợn nái (Hình 3). Hệ thống ESF được điều khiển bởi máy tính có chức năng quét mã số tai của lợn khi chúng bước vào cũi ăn và phân phối khẩu phần phù hợp cho từng đối tượng lợn nái. Sự cạnh tranh sẽ giảm đi vì lợn nái luôn luôn được tiếp cận với máng ăn. Chúng có thể ăn hết khẩu phần ăn cùng một lúc hoặc đến máng ăn nhiều lần trong ngày. Hạn chế của hệ thống ESF là buộc lợn phải ăn theo trình tự. Điều này có thể làm tăng sự hung hăng của lợn nái trên lối đi dẫn đến máng ăn. Để khắc phục tình trạng này, lối đi đến máng ăn dài hơn, trên đường đi bố trí nước uống, rơm, cỏ khô, thức ăn ủ chua có thể giúp giảm bớt sự hung hăng và tăng khả năng tiếp cận thức ăn của những con lợn nái kém ưu thế hơn trong đàn; và (iv) Hệ thống cũi ăn tự do: đòi hỏi vốn đầu tư cao và diện tích sàn lớn, nhưng việc quản lý dễ dàng hơn so với các hệ thống khác. Các ô có lối ra vào cho phép những con nái kém ưu thế trong đàn có thể ăn thoải mái hơn. Lợn nái vào ô bằng cổng sau và có thể rời khỏi bất cứ lúc nào (Hình 4).

     

    Hình 1: Các dãy phân cách trong hệ thống cho ăn trên sàn (Nguồn: Eastwood, 2017)

    Hình 2: Hệ thống các “Cũi ăn không có cổng”. (Nguồn: Eastwood, 2017)

    Hình 3: Hệ thống ESF cho lợn nái. (Nguồn: Eastwood, 2017)

    Hình 4: Hệ thống cũi ăn tự do. (Nguồn: Eastwood, 2017)

     

    Tình trạng đói: giảm tình trạng đói của lợn nái có thể làm giảm sự cạnh tranh về thức ăn và do đó giảm đi các xung đột liên quan đến thức ăn. Tốt hơn nên tăng lượng thức ăn cung cấp thay vì tăng hàm lượng xơ trong khẩu phần. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian ăn có thể làm giảm thời gian hoạt động chung nhưng lại gây ra sự tập trung đông đúc tại máng ăn và góp phần làm tăng tính hung hăng, đặc biệt trong trong hệ thống ESF.

     

    Lợn thịt

     

    Cai sữa là thời điểm đặc biệt căng thẳng đối với lợn con. Việc tách mẹ đột ngột, chuyển từ sữa sang chế độ thức ăn tinh, ghép đàn với những con lợn không quen thuộc,… có thể làm tăng tính hung hăng ở những con lợn mới cai sữa. Tương tự như lợn nái, tính hiếu chiến của lợn con có thể được xem như một hành vi thích nghi với đời sống xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập hệ thống phân cấp trong đàn.

     

    Ghép đàn: trong giai đoạn theo mẹ, những con có nhiều cơ hội tiếp xúc hơn với lợn nái thường ít hung hăng trong giai đoạn từ 3-6 tháng tuổi. Những con lợn có tính hiếu chiến và cạnh tranh mạnh nhất trong giai đoạn theo mẹ thường là những con hung hăng hơn trong 40 phút đầu tiên sau khi ghép đàn. Sự khác biệt về giới tính và khối lượng của lợn con khi ghép đàn không ảnh hưởng đến sự phân cấp nhưng có liên quan đến sự hung hăng của lợn sau cai sữa. Lợn cai sữa và lợn đang trưởng thành ít hung dữ hơn khi có sự chênh lệch lớn về khối lượng. Do đó, nên ghép bầy từ những con có khối lượng không đồng đều để giảm bớt sự hung hăng sau khi ghép đàn. Ngoài ra, trong cùng một nhóm có khối lượng tương đồng, những con lợn cai sữa nhẹ cân ít đánh nhau hơn nhóm lợn cai sữa có khối lượng trung bình hoặc nặng cân.

     

    Tính biệt: những nhóm lợn cai sữa được tách riêng đực và cái sẽ ít hung dữ hơn nhóm gồm cả hai giới tính gộp lại. Tuy nhiên, ở dạng này, lợn đực thường hung hăng hơn lợn cái. Ở các nhóm nhỏ lợn mới cai sữa (6 con), tính hung hăng vào ngày ghép đàn giảm xuống khi có từ 50%-83% con đã quen thuộc với nhau. Tương tự khi ghép những nhóm lớn đang trưởng thành, các nhóm có cả bạn quen thuộc và không quen thuộc thì những con quen thuộc trước đây thường ít gây hấn hơn.

     

    Qui mô đàn: các nhóm có từ 6-12 con cai sữa thường có biểu hiện hung dữ hơn sau khi ghép đàn so với nhóm 24 con. Có thể do xác suất độc chiếm các nguồn tài nguyên giảm đi khi quy mô nhóm tăng lên làm cho lợn ít gây hấn hơn.

     

    Máng ăn: các yêu cầu thiết kế về máng ăn quan trọng hơn trong giai đoạn sau cai sữa so với các giai đoạn khác. Cho lợn ăn thức ăn khô, thiết kế 3-4 vách ngăn có thể làm giảm mức độ cạnh tranh ở khu vực máng ăn. Tương tự, đối với lợn đang tăng trưởng, việc tăng số lượng các máng ăn sẽ làm giảm sự tập trung và tăng cơ hội ăn cho nhóm lợn nhỏ hơn.

     

    Khác: việc bố trí nhiều ô nhỏ dọc theo thành chuồng giúp giảm tần suất tấn công trong 30 phút đầu tiên sau khi ghép đàn nhưng sẽ không có tác dụng 48 giờ sau khi ghép. Cũng có thể phân tán sự chú ý của lợn con trong ngày đầu tiên sau khi ghép đàn bằng cách cho vào chuồng nhiều rơm, rạ. Lợn con cai sữa được cung cấp “đồ chơi” chắc chắn sẽ ít hung dữ hơn trong thời gian 3 tuần sau khi ghép. Đồ chơi như rơm rạ, khúc gỗ, cành cây,… có thể được treo trên trần nhà, để trên sàn chuồng hay ở một vị trí cố định. Đồ chơi có thể khiến lợn phân tâm nên sẽ không thực hiện các hành vi hung hăng, trừ những lúc cho ăn.

     

    Tóm lại

     

    Việc thiết kế và quản lý chuồng trại được xem là quan trọng hơn so với việc chọn lọc di truyền đối với những hành vi hung năng ở lợn. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm các giải pháp để giảm sự cạnh tranh về nguồn thức ăn nhằm đảm bảo quyền lợi của những con lợn yếu hơn trong đàn.

     

    Đỗ Võ Anh Khoa1,2, Nguyễn Tuyết Giang3,

    Nguyễn Thị Hồng Tươi4, Nguyễn Thị Ngọc Linh4

    1Viện Chăn nuôi, 2Trường ĐHNL Thái Nguyên,

    3Trường ĐH An Giang, ĐHQG TP.HCM, 4Trường ĐH Cần Thơ

     

     

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

     

    Eastwood, L. (2017). Group housing systems for gestating sows. Omafra, Stratford.

     

    Llonch, P., Mainau, E., Temple, D., & Manteca, X. (2017). Aggression in pigs and its welfare consequences. The farm animal welfare fact sheet. Farm Animal Welfare Education Centre.

     

    Verdon, M., & Rault, J.-L. (2017). Aggression in group housed sows and fattening pigs. Spinka, M. (ed.). Advances in Pig Welfare. United Kingdom: Elsevier, pp. 235-260. DOI: 10.1016/B978-0-08-101012-9.00006-X.

     

     

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.