Bệnh gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể chết nhiều ở trâu, bò giai đoạn còn non hoặc trâu, bò già sức đề kháng kém.

 

Để chủ động phòng trị và giảm thiểu thiệt hại do bệnh gây ra, xin chia sẻ với bà con chăn nuôi một số đặc điểm nhận biết và cách phòng trị như sau:

 

I. ĐẶC ĐIỂM VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC

 

1. Đặc điểm của bệnh viêm da nổi cục (LSD)

 

–  Bệnh do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra

 

–  Chỉ xảy ra ở trâu, bò; bệnh không lây sang người và các động vật khác

 

–  Bệnh xảy ra theo mùa và bùng phát dịch chủ yếu vào mùa nóng ẩm (cuối mùa xuân và trong mùa hè), khi côn trùng hoạt động mạnh.

 

–  Bệnh gây tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể chết.

 

–  Bênh xảy ra gây giảm sản lượng sữa, giảm tỷ lệ thụ thai, dễ sảy thai ở gia súc mang thai.

 

2. Đường truyền lây bệnh

 

–  Truyền lây chủ yếu qua côn trùng hút máu như muỗi, ruồi, ve…

 

–  Do vận chuyển gia súc nhiễm bệnh từ vùng dịch.

 

–  Do tiếp xúc trực tiếp giữa gia súc bị bệnh và gia súc khỏe mạnh.

 

–  Do sử dụng chung dụng cụ: máng ăn, máng uống, dụng cụ dẫn tinh, kim tiêm khi điều trị bệnh…

Sơ đồ lây nhiễm bệnh theo hướng dẫn của FAO

 

3. Biểu hiện khi gia súc mắc bệnh

 

– Giảm ăn, bỏ ăn, giảm tiết sữa.

 

– Sốt, sưng hạch bạch huyết, miệng nhiều nước bọt, chảy nước mắt, nước mũi

 

– Da nổi những nốt sần/u, cục kích thước (1 – 1,5cm) thường xuất hiện đầu tiên ở vùng cổ, đầu sau đó lan ra toàn thân, miệng, vú,…

Bò mới bị bệnh, u cục rải rác

 

– Số cục/nốt sần ban đầu thường ít từ vài nốt (trường hợp nhẹ) đến rất nhiều khắp cơ thể (trường hợp nặng).

 

– Các u, cục này mất đi theo thời gian nhưng vùng giữa của nốt sần thường bong vảy tạo vết thương hở, lở loét thu hút côn trùng.