Hiệu quả của hoạt chất Sulfachloropyridazine (SUL) và Toltrazuril (TOL) trong điều trị bệnh cầu trùng phân lập tại một số tỉnh miền Bắc - Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam
    • Giá heo (lợn) hơi miền Bắc từ 56.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Hà Nội, Hưng Yên 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi  Vĩnh Phúc 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Trung và Tây Nguyên từ 55.000 - 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Quảng Trị 55.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Lâm Đồng, Bình Thuận 58.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Nghệ An 57.000đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi miền Nam từ 56.000 - 59.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Đồng Nai 58.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Bến Tre 56.000 đ/kg
    • Giá heo (lợn) hơi Kiên Giang 59.000 đ/kg
    •  
  • Hiệu quả của hoạt chất Sulfachloropyridazine (SUL) và Toltrazuril (TOL) trong điều trị bệnh cầu trùng phân lập tại một số tỉnh miền Bắc

    Lê Thị Lan Anh1 , Dương Đức Hiếu1 , Nguyễn Văn Phương1 , Vũ Hoài Nam1 và Bùi Khánh Linh1 *

    1Học viện Nông nghiệp Việt Nam * Tác giả liên hệ: TS. Bùi Khánh Linh, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Điện thoại: 0888945599. Email: bklinh5@ gmail.com

    Ngày nhận bài báo: 30/03/2021 – Ngày nhận bài phản biện: 30/04/2021 Ngày bài báo được chấp nhận đăng: 04/05/2021

    TÓM TẮT

    Bệnh cầu trùng gà là một trong số các bệnh ký sinh trùng phổ biến gây nhiều thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi hiện nay. Tuy nhiên, việc sử dụng lâu dài thuốc ngừa cầu trùng dẫn đến tình trạng kháng thuốc và tồn dư thuốc trong thực phẩm. Thí nghiệm này nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng của hai loại thuốc có hoạt chất Sulfachloropyridazine (SUL) và Toltrazuril (TOL) trong phòng ngừa cầu trùng được sử dụng phổ biến ở Việt Nam. Nghiên cứu tiến hành đánh giá khả năng phòng và điều trị cầu trùng của hai loại hoạt chất phổ biến nhất thông qua chỉ số kháng thuốc ACI (anticoccidial index) được tính toán dựa trên: Tỷ lệ tăng trọng, chỉ số tổn thương, chỉ số noãn nang và tỷ lệ sống sót của gà được gây nhiễm với Eimeria spp. Kết quả này cho thấy dựa vào chỉ số ACI, có thể thấy thuốc ngừa cầu trùng chứa hoạt chất SUL không có hiệu quả đối với chủng noãn nang phân lập trong thí nghiệm, trong khi đó hoạt chất TOL đã bị giảm hiệu quả.

    Từ khoá: Kháng thuốc, cầu trùng, TOL, SUL.

    ABSTRACT

    Evaluation of the effectiveness of the active ingredients sulfachloropyridazine and toltrazuril in the treatment of coccidiosis isolated in some northern provinces Coccidiosis in chickens is one of the economically important diseases affecting the poultry industry. However, long-term use of antibiotic to prevent coccidiosis can lead to drug resistance, chemical residues in meat and pollution of the environment. Our study aims to evaluate the effectiveness of two commonly active ingredients SUL and TOL in preventing coccidiosis in Vietnam. Two active ingredients efficacy was determined using the ACI (Anticoccidial Index) with regard to the relative body weight gain (RBWG%), lesion score index (LS), oocyst index (OI), survival rate (SR%) of chickens infected with field Eimeria isolates. All isolates showed the active ingredient SUL was not effective against the oocyst isolated in the experiment, while the active ingredient r was reruced in effectiveness. Keywords: Drug resistance, Eimeria spp, TOL, SUL.

     

    1. ĐẶT VẤN ĐỀ

     

    Bệnh cầu trùng có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với ngành chăn nuôi gia cầm trên toàn thế giới, bệnh do loài ký sinh trùng đơn bào thuộc giống Eimeria gây ra (Shirley và ctv, 2005) có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với ngành chăn nuôi gia cầm do khả năng gây chết cao, làm tăng tỷ lệ còi cọc, giảm sản lượng trứng 15-30% trên gà sinh sản, giảm trọng lượng so với gà khỏe từ 12-30%, tạo gánh nặng về chi phí phòng và điều trị bệnh cho người chăn nuôi, ảnh hưởng lớn đến sức sản xuất của gà.

     

    Thiệt hại kinh tế hàng năm trực tiếp và gián tiếp do bệnh cầu trùng gây ra lên tới khoảng 3 tỷ đô la hằng năm (Zhang và ctv, 2012). Eimeria tenella hoàn thành các giai đoạn phát triển nội sinh trong tế bào biểu mô manh tràng của gà là một trong những loài gây bệnh nhiều nhất trong số bảy loài Eimeria ở gà (Morris và ctv, 2007). Để có thể kiểm soát bệnh hiệu quả, có thể kết hợp nhiều phương thức khác nhau như: công tác vệ sinh tốt và áp dụng những tiêu chuẩn an toàn sinh học, sử dụng vaccine sống và các phương pháp điều trị dự phòng bằng thuốc đã được triển khai rộng rãi trong vài thập kỷ qua (Chapman và ctv, 2000).

     

    Tuy nhiên, sự xuất hiện của các chủng Eimeria kháng thuốc đã dẫn đến việc điều trị ít hiệu quả hơn khi sử dụng các loại thuốc truyền thống (Peek và Landman, 2011), và việc sử dụng vaccine sống có một hạn chế bao gồm chi phí cao và khả năng đảo ngược độc lực của cầu trùng. Việc kiểm soát bệnh cầu trùng gà hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào điều trị dự phòng bằng thuốc chống cầu trùng.

     

    Vào năm 1980, sulphaquinoxaline, nitrofurans và amprolium là ba loại kháng sinh được sử dụng rộng rãi để kiểm soát bệnh cầu trùng. Theo thời gian, một số lượng lớn các loại thuốc chống cầu trùng đã được giới thiệu trên thị trường nhưng khả năng kháng của chúng cũng đã được mô tả ở các khu vực khác nhau trên thế giới như: USA (kháng Sulphaquinoxaline; Weletzky và ctv, 1954); Netherlands, Đức (kháng TOL; Stephan và ctv, 1997).

     

     Trong các trường hợp gia cầm được nuôi để lấy thịt, các loại thuốc chống cầu trùng thường được đưa vào thức ăn, nước uống để điều trị dự phòng cho gia cầm. Quá trình này diễn ra liên tục dẫn đến sự phát triển của sự kháng thuốc.

     

    Hiện nay, ở Việt Nam do tính tiện lợi, giá thành rẻ nên việc sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc từ kháng sinh trộn vào khẩu phần ăn của gà là phương thức chính để phòng ngừa và điều trị bệnh. Theo Bùi Khánh Linh và ctv (2018), sulfamid và TOL là hai loại thuốc được sử dụng nhiều nhất (30-50%) để điều trị và phòng bệnh cầu trùng.

     

     Tuy nhiên, việc sử dụng lâu dài những loại thuốc này có thể khiến cho ký sinh trùng có khả năng kháng thuốc và phát sinh nhiều chủng mới khó kiểm soát hơn. Vì vậy, cần phải có những phương pháp tiếp cận mới với các đặc tính an toàn để bảo vệ đàn gà khỏi bệnh cầu trùng và việc theo dõi định kỳ cầu trùng để phát hiện khả năng kháng với các loại thuốc dự phòng là bắt buộc đối với ngành chăn nuôi gia cầm. Do đó, trong thí nghiệm này, để đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc ngừa cầu trùng cũng như nguy cơ xuất hiện chủng kháng thuốc phân lập ngoài tự nhiên đối với hai loại thuốcngừa cầu trùng phổ biến tại Việt Nam, chúng tôi dựa trên các chỉ số khác nhau (chỉ số thải noãn nang, tăng khối lượng trung bình, bệnh tích tổn thương tại ruột) của gà nhiễm cầu trùng, góp phần đề xuất các biện pháp phòng trị hiệu quả.

     

     2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

     

    2.1. Vật liệu và địa điểm nghiên cứu

     

    Mẫu phân nghi nhiễm cầu trùng được thu tại trại gà thuộc một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Sau đó vận chuyển về Phòng thí nghiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam để tách noãn nang cầu trùng ra khỏi phân. 20 gà Lương Phượng 1 ngày tuổi từ Trung tâm thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

     

     2.2. Phương pháp nghiên cứu

     

    2.2.1. Bố trí thí nghiệm

     

     Thí nghiệm được tiến hành trong điều kiện phòng thí nghiệm (kiểm soát các nguồn lây nhiễm cầu trùng). Gà nuôi sạch bệnh với cầu trùng trong 12 ngày, để kiểm tra hiệu quả của thuốc phòng cầu trùng, thí nghiệm được thiết kế như Bảng 1:

     

     

    Mẫu phân được thu hằng ngày và kiểm tra sự xuất hiện của noãn nang cầu trùng

     

    2.2.2. Phương pháp xác định cường độ nhiễm noãn nang cầu trùng

     

    Cân 2g phân gà cho vào cốc thí nghiệm có chứa 28ml dung dịch nước muối bão hòa, khuấy đều và lọc qua rây loại bỏ cặn. Dùng pipet nhựa hút dung dịch vào buồng đếm Mc. Master, để yên trong 5-10 phút, đem soi dưới kính hiển vi ở độ phóng đại 10X. Số noãn nang cầu trùng trên 1g phân (OPG) được tính theo công thức: OPG = (noãn nang đếm được trên buồng đếm) x 50.

     

    2.2.3. Phương pháp mổ khám bệnh tích gà mắc bệnh cầu trùng

     

    Mổ khám theo phương pháp mổ khám toàn diện một khí quan của Skrjabin (1928). Kiểm tra thể trạng, các triệu chứng lâm sàng bên ngoài. Sau đó, tiến hành mổ khám các xoang bụng, ngực, bộc lộ các cơ quan bên trong. Tách riêng toàn bộ ruột để kiểm tra. Đối với bệnh tích đại thể: chỉ tiêu đánh giá dựa trên nghiên cứu của Johnson và Reid (1970). 0: Không có tổn thương 1: thấy một số lượng nhỏ đốm xuất huyết trên bề mặt niêm mạc của ruột 2: thấy nhiều đốm xuất huyết hơn và thành phần ruột màu cam (thay đổi lên đến 25% diện tích ruột hoặc tần suất quan sát được) 3: thấy thành ruột dày lên và căng bóng có hoặc không có cục máu đông (thay đổi lên đến 25,1-50% diện tích hoặc tần suất quan sát được) 4: thấy ruột có máu, căng bóng và thành dày lên rất nhiều (thay đổi lên đến >50% diện tích hoặc tần suất quan sát được). Gà chết được đánh giá là +4.

     

     2.2.4. Phương pháp nhuộm HE

     

    Đối với tổn thương vi thể, đánh giá dựa trên nghiên cứu của Goodwin và ctv (1998). Cụ thể, toàn bộ ruột gà mổ khám được cố định trong formalin 10% để làm tiêu bản bệnh lý. Rửa sạch, đúc khối parafin và cắt thành từng mảnh nhỏ dày 3-5μm. Tiến hành tẩy bằng toluen, làm mất nước bằng các nồng độ cồn 100-95-80-70% và rửa lại bằng nước cất. Sau đó nhuộm màu với hematoxylin và eosin. Các giai đoạn phát triển của cầu trùng trong niêm mạc ruột sẽ được quan sát dưới kính hiển vi có độ phóng đại 100 và 400. Chụp ảnh bằng phần mềm Infinity Analyzer.

     

    2.2.5. Phương pháp đánh giá hiệu quả thuốc điều trị

     

    Hiệu quả của thuốc được đánh giá bằng chỉ số ACI (anticoccidial index) của Li và ctv (2004). Chỉ số ACI = (Tăng khối lượng cơ thể tương đối (RBWG%) + tỷ lệ sống sót (SR%)) – (chỉ số tổn thương (LSI) + chỉ số noãn nang (OI)), trong đó: Tăng KLcơ thể tương đối (RBWG%) = [(KL ngày 21-KL ngày 12)/tăng KL lô ĐC âm]x100 Tỷ lệ sống sót (SR) = (Số gà sống đến ngày cuôi cùng/tổng số gà) x 100 Chỉ số tổn thương (LSI) = 10 x (chỉ số tổn thương ở mỗi nhóm) Chỉ số noãn nang (OI) = (số noãn nang mỗi lô/số noãn nang ở lô ĐC dương) x 100 Nếu ACI ≥ 160 là rất nhạy đối với thuốc ngừa cầu trùng, ACI trong khoảng 120 -160 là kháng một phần, còn nhỏ hơn 120 là kháng hoàn toàn với thuốc ngừa cầu trùng. 2.3. Xử lý số liệu Số liệu được xử lý bằng phương pháp phân tích phương sai một yếu tố (one-way ANOVA) và Indepent-sample T – test sử dụng phần mềm GraphPad Prism 8.

     

    3. KẾT QUẢ

     

    3.1. Chỉ số thải noãn nang cầu trùng (OI)

     

    Sau khi gây nhiễm, mẫu phân gà được thu liên tục từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 để kiểm tra cường độ thải noãn nang. Kết quả được trình bày tại Bảng 2 cho thấy noãn nang được phát hiện ở ngày thứ 4 sau gây nhiễm và cường độ nhiễm cao nhất quan sát thấy vào ngày thứ 5. Cường độ thải noãn nang ở lô ĐC dương đạt cao nhất ở 8,28±0,06, tuy nhiên, lô được điều trị với thuốc có hoạt chất SUL và TOL có cường độ thải cao hơn rõ rệt, lần lượt là 9,09±0,05 và 8,66±0,01. 3.2. Chỉ số tổn thương đại thể tại ruột (LS) Tổn thương đại thể ở các lô gà được kiểm tra vào ngày thứ 7 sau khi gây nhiễm. Chỉ số tổn thương đại thể tại ruột được thể hiện ở Hình 1 cho thấy đối với các lô gây nhiễm có điều trị với SUL và TOL, các chỉ số tổn thương tại ruột cao hơn các lô còn lại. Tổn thương ruột chủ yếu trên các lô này là ở không tràng (điểm bệnh tích 0,6-1), hồi tràng (0,8-2,2) và manh tràng (0,8-1,6), ngược lại không quan sát thấy các tổn thương ở lô đối chứng âm. Mặt khác, đối với lô được điều trị với hoạt chất SUL thì điểm bệnh tích chủ yếu xuất hiện ở ruột non và ngược lại đối với nhóm điều trị bằng toltrazuril thì bệnh tích xuất hiện nhiều ở manh tràng.

     

    3.3. Biến đổi bệnh tích vi thể

     

    Các đoạn ruột có xuất hiện điểm bệnh tích đại thể được bảo quản và tiến hành làm tiêu bản bệnh tích vi thể để kiểm tra sự xuất hiện của cầu trùng và các giai đoạn phát triển của chúng trong niêm mạc ruột. Các đặc điểm bệnh tích vi thể này được đánh giá dựa trên sự phân bố các giai đoạn phát triển của Eimeria spp. trong niêm mạc dọc theo đoạn ruột. Kết quả được thể hiện trong Hình 2

     

     

    Sự khác biệt giữa lô gây nhiễm có điều trị ( SUL và TOL) với lô ĐC dương (P<0,05) được coi là có ý nghĩa thống kê><0,05) được coi là có ý nghĩa thống kê.

     

    Những tổn thương chủ yếu quan sát thấy ở ruột là xuất huyết điểm; xuất huyết thành vệt; ruột sưng, thành ruột dày lên, sung huyết và chất chứa có màu nâu đỏ (chủ yếu ở manh tràng). Cầu trùng gà trong quá trình ký sinh thường gây ra các tổn thương như niêm mạc bong tróc, thành niêm mạc mỏng và sung huyết, chất chứa có màu nâu đỏ hoặc chứa máu, mức độ xuất huyết còn phụ thuộc vào số lượng cầu trùng ký sinh trong cơ thể vật chủ. 3.3. Biến đổi bệnh tích vi thể Các đoạn ruột có xuất hiện điểm bệnh tích đại thể được bảo quản và tiến hành làm tiêu bản bệnh tích vi thể để kiểm tra sự xuất hiện của cầu trùng và các giai đoạn phát triển của chúng trong niêm mạc ruột. Các đặc điểm bệnh tích vi thể này được đánh giá dựa trên sự phân bố các giai đoạn phát triển của Eimeria spp. trong niêm mạc dọc theo đoạn ruột. Kết quả được thể hiện trong Hình 2. Hình 2. So sánh tỷ lệ xuất hiện các giai đoạn phát triển của Eimeria spp. trong niêm mạc ruột ở các lô gà Dựa vào Hình 3 cho thấy, trong niêm mạc ruột gà ở các lô thử nghiệm có gây nhiễm, bệnh tích vi thể chủ yếu quan sát thấy sự đứt gãy của các vi nhung, niêm mạc ruột bị tổn thương với mức độ nặng nhẹ tuỳ từng lô thử nghiệm, nhiều mảnh vụ tế bào được quan sát thấy quanh vị trí ký sinh trùng tồn tại. Giai đoạn phát triển chính của Eimeria spp. quan sát thấy trong tế bào biểu mô niêm mạc ruột là giai đoạn Schizont thế hệ II chưa nhiều merozoites (Hình 3.B, mũi tên-b) và thế hệ III (Hình 3.A, mũi tên-a).

     

    Ở lô đối chứng âm, không quan sát thấy sự xuất hiện của ký sinh trùng, niêm mạc ruột bình thường. Ngược lại, ở các lô có gây nhiễm với noãn nang cầu trùng thì đều xuất hiện Schizont giai đoạn II và III, đặc biệt số lượng Schizont giai đoạn II lớn ở cả 3 lô, quanh vị trí schizont ký sinh thì niêm mạc bị phá huỷ nghiêm trọng, nhiều mảnh vụn tế bào cũng được tìm thấy. Đối với 2 lô sử dụng hoạt chất SUL và TOL, sự xuất hiện của schizont giai đoạn II và III có giảm hơn so với lô đối chứng dương nhưng sự khác biệt không lớn, đặc biệt là lô sử dụng TOL, tuy nhiên số lượng này so với lô đối chứng âm lại rất cao. Điều này có thể thấy 2 loại hoạt chất này không có nhiều hiệu quả trong việc phòng và điều trị bệnh cầu trùng trên gà tại địa điểm nghiên cứu.

     

    3.4. Chỉ số đánh giá sự kháng thuốc cầu trùng (ACI)

     

    Để đánh giá hiệu quả phòng và điều trị bệnh cầu trùng, chúng tôi dựa trên chỉ số ACI, một trong những chỉ số được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu về kháng thuốc (Li và ctv, 2004; Wang và ctv, 2006). Tăng khối lượng tương đối, tỷ lệ sống, cường độ thải noãn nang và tổn thương bệnh tích đại thể được sử dụng để tính toán chỉ số này.

    Thuốc ngừa cầu trùng liều phòng bệnh được trộn vào khẩu phần hoặc nước uống theo hướng dẫn của nhà sản xuất, giá trị ACI của lô được bổ sung 2 hoạt chất SUL và TOL lần lượt là 112,4 và 132,0. Theo nghiên cứu của Li và ctv (2004), nếu chỉ số ACI≥160 là rất nhạy đối với thuốc ngừa cầu trùng, ACI trong khoảng 120-160 là kháng một phần, còn nhỏ hơn 120 là kháng hoàn toàn với thuốc ngừa cầu trùng. Điều này cho thấy thuốc có hoạt chất SUL không có hiệu quả trong điều trị cầu trùng và đối với hoạt chất toltrazuril thì hiệu quả điều trị đã bị giảm đi một phần đối với các chủng Eimeria spp. trong thí nghiệm này.

     

     Cầu trùng thường làm giảm thể trọng ở gà thịt và làm giảm thu nhận thức ăn, giảm tiêu hoá và hấp thu chất dinh dưỡng (Adam và ctv, 1996). Do đó, chỉ số tăng thể trọng được công nhận rộng rãi là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá ảnh hưởng của bệnh và hiệu quả điều trị (Gerhold và ctv, 2016). Khi sporozoites xâm nhập vào niêm mạc ruột thông qua tế bào lông rung, chúng gây tổn thương nghiêm trọng ở ruột, khiến gà đi phân ra máu và thải số lượng lớn noãn nang (Kawazoe và ctv, 1994).

     

    Đánh giá tổng thể hiệu quả của các hoạt chất đối với các chủng cầu trùng phân lập tại địa điểm nghiên cứu, sử dụng chỉ số ACI cho thấy hiệu quả điều trị giảm đối với hoạt chất TOL và không có hiệu quả điều trị khi sử dụng thuốc có hoạt chất SUL.

     

     Kết quả này của chúng tôi phù hợp với một nghiên cứu của Trung Quốc đã báo cáo về việc hoàn toàn kháng với TOL và Sulfaquinoxaline natri (Lan và ctv, 2017). Ngoài ra, theo nghiên cứu của Ojimelukwe và ctv (2018) tác giả đã dựa vào các chỉ số ACI để chứng minh việc kháng nhẹ với TOL của các chủng cầu trùng tại Nigeria. Sự tương đồng trong các nghiên cứu này có thể giải thích một phần do sulfachloropyrazine (SPZ) thuộc nhóm sulfonamide đã được sử dụng trong phòng và điều trị cầu trùng ở gà và đã được sử dụng rộng rãi từ năm 1970 (Laczay và ctv, 1995), vì vậy việc các chủng cầu trùng giảm độ nhạy với thuốc là không thể tránh khỏi.

     

    Kể từ khi chứng minh được tác động ngừa cầu trùng của sulfonamide do nghiên cứu của Horton-Smith và Taylor vào năm 1942, chỉ mất 12 năm sau đã xuất hiện chủng kháng cao với chủng Eimeria (Weletzky, 1954). Trước đó, nhóm sulfonamide đã được chứng minh có khả năng ức chế sự sự hình thành axít folic cần thiết cho sự tổng hợp axít deoxyribonucleic (Greif và ctv, 2001) của nhiều vi khuẩn Gram âm và dương cũng như đơn bào.

     

    Đối với cầu trùng, chúng tác động chính lên giai đoạn schizont và giai đoạn sinh sản hữu tính. Tuy nhiên, việc sử dụng sulfonamide bị hạn chế do khả năng tồn dư cao (Noak và ctv, 2019). Nghiên cứu của Haritova (2013) cho thấy tổn thương bệnh lý ruột của gà nhiễm E. tenella có thể là yếu tố gây hấp thụ thuốc chậm và giảm tỷ lệ thải trừ của SUL, dẫn đến tích lũy thuốc cao trong cơ thể. Đối với toltrazuril, đây là một trong những triazines có tác động lên các giai đoạn nội bào cầu trùng đang trải qua giai đoạn schizogony và gamogony, đặc biệt là lên ty thể và lưới nội chất. Enzyme chuỗi phản ứng như succinate[1]cytochrome C reductase, NADH oxidase và fumarate reductase đều bị ức chế bởi TOL. Việc tăng liều sử dụng hay trộn khẩu phần hàng ngày vì vậy không phải là hướng đi bền vững để loại trừ hoàn toàn bệnh cầu trùng, do những hệ lụy kéo theo lâu dài như hình thành các chủng kháng thuốc, tồn dư trong thực phẩm, gây độc cho động vật,… Do vậy, cân nhắc sử dụng thuốc ngừa cầu trùng có nguồn gốc kháng sinh và nghiên cứu phương thức thay thế mới để khắc phục và hạn chế tác động của bệnh là cần thiết

     

    4. KẾT LUẬN

     

    Kết quả nghiên cứu này cho thấy chỉ số kháng thuốc ACI của 2 lô sử dụng hoạt chất SUL và TOL lần lượt là 112,4 và 132,0. Ngoài ra, chỉ số tổn thương ruột và bài thải noãn nang ở các lô điều trị đều cao hơn so với lô ĐC âm. Nhìn chung, hiệu quả điều trị giảm dần đối với thuốc có hoạt chất TOL và SUL đã được quan sát thấy trong giai đoạn thử nghiệm ở nghiên cứu này.

     

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

     

    Adams C., Vahl H.A. and Veldman A. (1996). Interaction between nutrition and Eimeria acervulina infection in broiler chickens: Diet compositions that improve fat digestion during Eimeria acervulina infection. Br. J. Nut., 75: 875-80. 2. Chapman (2000). Practical use of vaccines for the control of coccidiosis in the chicken. Worlds Poul. Sci. J., 56: 7-20.

     

    Gerhold R.W., Fuller A.L. and McDougald L.R. (2016). Coccidiosis in the chukar partridge (Alectoris chukar): A survey of coccidiosis outbreaks and a test of anticoccidial drugs against Eimeria kofoidi. Avian Dis., 60: 752-57.

    Goodwin M.A., Brown J. and Bounous D.I. (1998). Use of microscopic lesion scores, gross lesion scores and oocyst count scores to detect Eimeria maxima in chickens. Avian Pathol., 27: 405-08.

    . Greif G., A. Harder and A. Haberkorn (2001). Chemotherapeutic approaches to protozoa: Coccidiae – current level of knowledge and outlook. Parasitol. Res., 87: 973-75. 6. Haritova A.M., Lashev L.D. and Koinarski V.C. (2013). Sulfachloropyrazine disposition in Eimeria tenella infected chickens.. Vet. Arhiv., 83(2): 211-22.

     Johnson J. and Reid W.M. (1970). Anticoccidial drugs: Lesion scoring techniques in battery and floor-pen experiments with chickens. Exp. Parasitology, 28(1): 30-36.

     

    Kawazoe U. and Fabio J.D. (1994). Resistance to diclazuril in field isolates of Eimeria species obtained from commercial broiler flocks in Brazil. Avian Pathol., 23(2): 305-11. 9. Laczay P., G.P.G. Voros and G. Semjen (1995). Comparative studies on the efficacy of cacy of sulphachlorpyrazine and toltrazuril for the treatment of caecal coccidiosis in chickens. Int. J. Parasitol., 25: 753-56. 10. Li G.Q., Kanu S., Xiang F.Y., Xiao S.M., Zhang L., Chen H.W. and Ye H.J. (2004). Isolation and selection of ionophore-tolerant Eimeria precocious lines: E. tenella, E. maxima and E. acervulina. Vet. Parasitol., 119: 261-76.

     

    Lan L., Sun B., Zuo B., Chen X. and Du A. (2017). Prevalence and drug resistance of avian Eimeria species in broiler chicken farms of Zhejiang province, China Poul. Sci., 96: 1-6. 12. Bùi Khánh Linh, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Phương, Trần Lê Thu Hằng , Lê Thị Lan Anh, Công Hà My, Nguyễn Thị Hoài, Đặng Đình Giáp, Chẩu Thị Luyến, Võ Duy Thành và Lương Hùng Nam (2018). Thực trạng sử dụng thuốc trong phòng trị bệnh cầu trùng do Eimeria spp. gây ra ở gà thả vườn. Tạp chí KHKT Chăn nuôi, 239: 72-76. 13. Morris G.M., W.G. Woods, D.G. Richards and R.B. Gasser (2007). Investigating a persistent coccidiosis problem on a commercial broiler-breeder farm utilising PCR-coupled capillary electrophoresis, Parasitol. Res., 101: 583-89

     

     Ojimelukwe A.E., Emedhem D.E., Agu G.O., Nduka F.O. and Abah A.E. (2018). Populations of Eimeria tenella express resistance to commonly used anticoccidial drugs in southern Nigeria. Int. J. Vet. Sci. Med., 6(2): 192-00. 15. Peek H.W. and Landman W.J.M. (2011). Coccidiosis in posultry: anticoccidial products, vaccines and other prevention strategies. Vet. Quarterly, 31(3): 143-61. 16. Stephan M. Rommel A. Daugschies and A. Haberkorn (1997). Studies of resistance to anticoccidials in Eimeria field isolates and pure Eimeria strains. Vet. Parasitol., 69: 19-29.

    1Shirley M.W., Smith A.L. and Tomley F.M. (2005). The Biology of Avian Eimeria with an Emphasis on their Control by Vaccination. Advances in Parasitology, Pp 285-30. 18. Wang Z., Shen J., Suo X., Zhao S. and Cao X. (2006). Experimentally induced monensin- resistant Eimeria tenella and membrane fluidity of sporozoites. Vet. Parasitol., 138: 186-93. 

     

    Weletzky E., Neal R. and Hable I. (1954). A field strain of Eimeria tenella resistant to sulfonamides. J. Parasitol., 40(Suppl): 24. 20. Zhang D.F., Xu H., Sun B.B., Li J.Q., Zhou Q.J., Zhang H.L., and Du A.F. (2012b) Adjuvant effect of ginsenoside-based nanoparticles (ginsomes) on the recombinant vaccine against Eimeria tenella in chickens. Parasitol Res.

    Nguồn: Tạp chí KHKT Chăn nuôi số tháng 7.2021

    Để lại comment của bạn

    Bình luận mới nhất

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo UBND xã Minh Châu – Ba Vì – Hà Nội, xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, thành phố càng nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gắt gao. Hơn nữa, khảo sát một đêm tại thị trường […]

    • [Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là người đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long mở trang trại nuôi chim công rất thành công mà cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.   1/ […]

    • Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

    • Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt kỹ thuật úm gà con

    • Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… là những nước đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo.

    • Gà vảy cá được mệnh danh là “mỹ kê” đã được nhiều đại gia Việt sẵn sàng chi tiền triệu để hữu cặp gà vảy cá đẹp.

    • Cừu chính là loài vật nuôi thích hợp với những điều kiện khắc nghiệt của vùng đất Ninh Thuận.

    • Nghề nuôi chim cút đẻ hiện đang phổ biến ở rất nhiều hộ gia đình tại các địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

    • Tỉnh Phú Thọ với địa hình đa dạng: nhiều gò, đồi thấp, dải đồng bằng thuận lợi cho chăn nuôi, trong đó, có chăn nuôi gà lông màu.